AI và thời trang: Cuộc cách mạng hóa trị giá 2,4 nghìn tỷ đô la Mỹ
Sự đổi mới trong ngành may mặc bền vững, các thiết kế AI và 3D mới bên cạnh thiết bị đeo chăm sóc sức khỏe được thiết lập với hy vọng thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp thời trang.
Các giải pháp và thiết bị công nghệ cao tạo nên cuộc cách mạng cho một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới – ngành công nghiệp thời trang – chỉ còn là vấn đề thời gian.
Với việc các thiết bị đeo được gắn vào quần áo với mục đích theo dõi nhiệt độ hoặc tia cực tím, cho đến sự ra đời của các loại vải nhân tạo có thể phân hủy sinh học cũng như sự hỗ trợ của công nghệ thiết kế AI và 3D được ứng dụng vào việc may các loại quần áo theo đơn đặt hàng, ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 2,4 nghìn tỷ đô la Mỹ đang trải qua một cuộc thay đổi lớn, theo Beth McGroarty, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu.
Bà tin rằng đằng sau đó chính là động thái hướng đến chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức hơn. Cũng như việc thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới được thể hiện nhờ sự đam mê công nghệ, cũng như mong muốn có được sự tiện lợi và các giải pháp tối ưu trong việc cá nhân hóa thời trang.
Tính lịch sự trong trang phục
Khi thời trang kết hợp cùng công nghệ AI và khả năng chữa bệnh, người tiêu dùng được hưởng lợi khi có một hệ sinh thái “quần áo chăm sóc sức khoẻ”.
Theo McGroarty, “trang phục và các vật dụng chống vi khuẩn có thể chữa lành hoặc giữ ấm cơ thể.” Bà liệt kê một loạt các loại trang phục thông minh, như áo PoloTech của Ralph Lauren có thể theo dõi nhịp tim, đo mức độ căng thẳng cũng như tính được năng lượng toát ra khỏi cơ thể mỗi ngày là bao nhiêu; hay chiếc áo lót thông minh do SUPA sản xuất có khả năng theo dõi nhịp tim; hoặc chiếc quần yoga được kết nối để có thể rung hướng dẫn người dùng thông qua các tư thế và trình tự do Werable X thiết kế.
Hiện nay, có 6,9 triệu đơn vị trang phục thông minh được bày bán trên phạm vi toàn thế giới, theo Gartner – một công ty nghiên cứu – và được dự báo sẽ tăng lên mức 19,91 triệu vào năm 2022.
Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện những bộ trang phục có khả năng kiểm soát luồng không khí xung quanh cơ thể, do thương hiệu thể thao công nghệ của Thụy Sĩ – Odlo sản xuất, bên cạnh các loại quần áo giúp trẻ hóa cơ thể như Under Armour’s Athlete Recovery Sleepwear do siêu sao Tom Brady làm đại diện, có khả năng chữa bệnh bằng tia hồng ngoại.
“Các công ty nên kết hợp những trải nghiệm và dịch vụ hấp dẫn với thiết kế trang nhã cùng mô hình kinh doanh kỹ thuật số để xây dựng và duy trì khả năng kết nối cảm xúc với khách hàng của họ” – Oliver Behr
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ cho các ứng dụng chăm sóc sức khỏe, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để biến sở thích của người dùng thành cảm hứng trong thiết kế và sản xuất, theo báo cáo của CB Insights.
Virtusize, một công ty ứng dụng AI với mục đích hỗ trợ người dùng mua được sản phẩm đúng kích thước thông qua hình thức mua sắm trực tuyến, bằng cách lấy số đo từ các bộ quần áo trong tủ của họ, hoặc so sánh với các thương hiệu và phong cách khác nhau, như cách Balenciaga áp dụng với khách hàng của mình, theo nguồn tin được tiết lộ.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không phải bất cứ ứng dụng thông minh nhân tạo nào cũng thành công trong lĩnh vực thời trang. Đơn cử là Zozo – sản phẩm của nền công nghệ tiên tiến đến từ một trong những trang web thương mại điện tử hàng đầu Nhật Bản. Công ty đã gửi một Zozosuit miễn phí, tích hợp 300 cảm biến, có khả năng đo chính xác kích thước của khách hàng dưới dạng 3D, đồng thời cho phép họ đặt hàng quần áo riêng thông qua ứng dụng. Tuy nhiên, đến nay, nỗ lực của họ vẫn chưa gặt hái được thành công.
Một ví dụ khác là Memory Mirror, một ứng dụng của Memi Lab cho phép khách hàng mua sắm tại các cửa hàng thuộc sở hữu của Louis Vuitton Moët Hennessy thử các loại trang phục ảo. Theo Salvador Nissi Vilcovsky – Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty cho biết, hiện nay họ đang làm việc với hầu hết mọi tập đoàn xa xỉ trên phạm vi toàn cầu.
Khả năng thu hút những tờ đô la xanh
Được thúc đẩy phát triển dựa trên mối quan tâm của khách hàng về biến đổi khí hậu, bên cạnh việc các công ty khởi nghiệp phát triển theo hướng thời thượng, chuyên cung cấp các sản phẩm có tính bền vững, thuần xanh và các sản phẩm theo xu hướng khác, các hãng thời trang cao cấp đã bắt đầu áp dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp xanh hơn.
Chanel, “gã khổng lồ trong ngành thời trang”, hiện đang hợp tác với Evolved by Nature có trụ sở tại Boston để nghiên cứu, phát triển một loại lụa có nguồn gốc tự nhiên nhằm thay thế các loại hóa chất độc hại được ứng dụng trong việc sản xuất các loại vải dệt trên thị trường hiện nay.
“Sợi bán tổng hợp và các loại sợi xenxulo, ví dụ như modal, rayon, tencel, lyocell và cupro,…đều là sợi nhân tạo nhưng dễ dàng phân hủy hơn. Đó chính là những loại vải của tương lai, bên cạnh các loại sợi tự nhiên như vải lanh, sợi gai dầu”, theo McGroarty.
Prada, nhãn hiệu thời trang cao cấp mang tính biểu tượng của Ý, hiện đang bán chiếc túi được làm từ một dạng nylon mới, được tái chế từ các loại chất thải nhựa thu gom từ đại dương, lưới đánh cá và chất thải sợi dệt.
Lorenzo Bertelli, Trưởng bộ phận Tiếp thị và Truyền thông của Prada Group cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là chuyển đổi tất cả các sản phẩm làm từ nylon nguyên sinh của Prada thành sản phẩm Re-Nylon vào cuối năm 2021.”
“Các sản phẩm bền vững, sáng tạo” của Hugo Boss bao gồm giày Boss Men được làm bằng Pinnate, một chất liệu vải da được làm từ sợi lá dứa.
Stella McCartney đã làm việc với Bolt Threads, một công ty chuyên đổi mới vật liệu, sử dụng công nghệ tiên tiến và sinh học với mục đích phát triển hàng dệt may và vật liệu mới, nhằm mục đích nâng cao mức độ bền vững.
McGroarty thông báo rằng: “Cả McCartney và Gucci đều đang hợp tác với các nhà hoạt động như Parley for the Oceans, nơi chuyên cung cấp các nguyên liệu từ những công ty biến rác đại dương thành vật liệu tuyệt vời mới, chẳng hạn như sợi tái sinh econyl.”
Khắc họa lại tương lai ngành thời trang
Trong quyển Thời trang 4.0 – Đổi mới kỹ thuật số trong ngành thời trang, Oliver Behr, thuộc Trường Quản lý và Công nghệ châu Âu bày tỏ quan điểm: “Tủ lạnh của chúng tôi có thể đặt sữa từ nhà cung cấp thực phẩm. Và khi chúng tôi rời nơi làm việc, hệ thống sưởi ấm thông minh trong nhà bắt đầu điều chỉnh nhiệt độ, tạo môi trường dễ chịu trong căn hộ. Trong thế giới Internet vạn vật (IoT), một cơ sở hạ tầng của các thiết bị hằng ngày có thể kết nối và tương tác với nhau, đồng thời xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác trong đời sống của chúng ta.”
“Tuy nhiên, tương lai của quần áo thông minh không chỉ là sự kết hợp giữa thời trang và công nghệ. Nói đúng hơn, đó là việc kết hợp các khả năng tương ứng theo những cách có ý nghĩa để tạo ra sản phẩm có giá trị cho khách hàng một cách tổng thể”, Behr chốt lại.
“Các công ty sẽ cần kết hợp giữa trải nghiệm và dịch vụ hấp dẫn với thiết kế trang nhã, cùng mô hình kinh doanh kỹ thuật số để xây dựng và duy trình kết nối cảm xúc với khách hàng của họ.”
McGroarty tin rằng tương lai của ngành thời trang đang bắt đầu suy nghĩ lại về những điểm tiếp xúc trong chu kỳ, từ cách thiết kế, may đến cách mua, chăm sóc, trải nghiệm và lưu giữ.”
Bảo Ngọc | theceomagazine.com