Nghệ thuật

LUXUO Year in Review 2020: 8 triển lãm cá nhân nổi bật của những nghệ sĩ millennials Việt Nam trong năm 2020

Dec 22, 2020 | By Trang Ps

Năm 2020, dù đối mặt với những đợt cách ly xã hội, thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn diễn ra nhiều sự kiện thú vị. Hãy cùng LUXUO điểm lại 8 sự kiện của các nghệ sĩ thế hệ millennials thu hút sự chú ý trong năm nay.

1/ Triển lãm Life Paradise và The Silence is deafening của Lê Thúy

Riêng trong năm 2020, Lê Thúy giới thiệu đến công chúng hai triển lãm nổi bật mang tên Life Paradise và The Silence is deafening.

Life Paradise (Thiên đường cuộc sống) diễn ra trong bối cảnh cách ly vì đại dịch, do vậy đã trưng bày online trên nền tảng Artsy vào tháng 4 và 5 vừa qua. Các tác phẩm trong “Life Paradise” của Lê Thúy bắt nguồn từ nỗi đau của người nghệ sĩ về sự mất mát của thiên nhiên. Lấy cảm hứng từ văn học, thơ ca, và kiến trúc tôn vinh nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên cùng mối quan hệ với con người, Lê Thúy đã trở lại với tự nhiên, từ đó đổi mới tinh thần và đánh giá cao di sản nguồn cội này của chúng ta.

Trong khi đó, The Silence is deafening (Sự im lặng chói tai – diễn ra 13/11/2020 – 8/1/2021) miêu tả một trạng thái lặng thinh của không gian, nơi đang diễn ra những bi kịch đó. Những ảo tưởng về cuộc sống thường nhật, sự ích kỷ, vô cảm và nỗi sợ hãi đang mang đến cho con người một thế giới không có tiếng động – một thế giới chết.” Triển lãm này không chỉ đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp của Lê Thúy với những thử nghiệm mới về chất liệu như sơn mài, hay những can thiệp vào không gian, mà còn cho thấy phong cách nghệ thuật của cô đã trưởng thành ra sao trong những năm qua.

2/ Triển lãm “trông thật khác, nhìn thực giống” của Ngô Đình Bảo Châu

Triển lãm cá nhân của Ngô Đình Bảo Châu, với Arlette Quỳnh-Anh Trần là giám tuyển, đánh dấu chặng đường kéo dài 5 năm nghệ sĩ suy tư và nghiên cứu về sự sao chép–lặp lại biểu tượng và hình ảnh, nơi giao điểm giữa cái chung và cái riêng, và cách chúng ảnh hưởng tới ký ức tập thể.

Triển lãm “trông thật khác, nhìn thực giống” (14/8 – 3/10) tìm hiểu cách không gian công cộng len lỏi vào chốn riêng tư: cách mà uy thế của tượng đài, cùng lý tưởng mà chúng đại diện, thấm nhuần vào căn nhà và nương náu trên thói quen thường nhật. Trong không gian nhà vừa thân thuộc vừa xa lạ của Ngô Đình Bảo Châu là bóng hình của tượng đài và dấu tích của khẩu hiệu: những thứ thuộc về công cộng lẩn trốn vào nơi trú ngụ. Tồn tại ở vùng chồng lẫn giữa cái công cộng và cái riêng tư, bộ tác phẩm sắp đặt của cô – tạo dựng theo những món đồ nội thất trong nhà – làm xáo trộn tính đối ngẫu giữa cái công khai biểu lộ ngoài và cái kín đáo trong.

3/ Triển lãm Thủy Nguyễn – Mộng Bình Thường

“Thuỷ Nguyễn – Mộng Bình Thường” (7/11/2020 – 06/02/2021) minh tường những quan điểm sáng tạo cá nhân của Thuỷ, được tái hiện thông qua các diễn cảnh thiết kế công phu, đầy kịch tính; nhằm tôn vinh tính năng động, sáng tạo của thời trang Việt Nam đương đại trong không gian hội nhập Việt Nam và thế giới.

Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm thời trang bao gồm các thiết kế áo dài mang dấu ấn đặc trưng trong sự nghiệp thời trang của Thuỷ Nguyễn, trong đó có những thiết kế chưa hề được trình diễn. Cùng với áo dài, triển lãm cũng trưng bày những thiết kế độc đáo về thêu, ren, hoạ tiết gấm hay thổ cẩm; những hiện vật, phụ kiện thời trang trong bộ sưu tập cá nhân của Thuỷ Nguyễn.

4/ Triển lãm “nát giỏ còn bờ tre” của Trung Nghĩa

Sau hơn ba năm làm việc miệt mài cùng đội thợ lớn tuổi có kĩ năng về mây tre tại thôn Mậu Long, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hơn một tháng cùng ê-kíp bày biện tại TP.HCM, Trung Nghĩa và các đơn vị đồng hành vui mừng giới thiệu đến công chúng triển lãm sắp đặt thị giác mang tên Nát giỏ còn bờ tre (7/11 – 15/11)

Triển lãm lần này gồm 6 tác phẩm lớn, lấy vật liệu từ mây, tre, dầu rái địa phương, kết hợp với lối xử lý truyền thống, toàn bộ chi tiết đều được trau chuốt bởi bàn tay, kinh nghiệm của những thợ thủ công lớn tuổi, những người còn sót lại của một thế hệ sống gắn bó với vào màu xanh của cây cỏ quê hương. Họ vốn là những nông dân, sống bằng đủ nghề, nhưng sắc sảo nhất là mây tre, đan lát, đan từ giỏ gà, thúng, nia, ghe, rọ heo… cho đến làm nhà, làm phên giậu. Họ thủ đắc những kỹ năng vừa cơ bản vừa khoa học, tinh tế của nhiều người Việt ngày xưa, vốn thích sống thuận với tự nhiên và môi trường của văn minh nông nghiệp, lúa nước, thủ công mỹ nghệ nhà nông.

5/ Triển lãm Âm dương của nghệ sĩ điêu khắc Lập Phương

Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Lập Phương sau 7 năm sáng tác, diễn ra từ 23/7 đến 31/8 vừa qua.

“Âm Dương” gồm nhiều chặng ở nhiều không gian khác nhau, ứng với sự phát triển nội tại của tác giả. Triển lãm mang đến những thể nghiệm mới, sự tự phản biện và khước từ chính bản thân. Về những thành công trong sự nghiệp, Lập Phương chia sẻ: “Những tác phẩm mà mọi người thấy, chúng thuộc về một cõi thời – không khác, chẳng thuộc về tôi nữa. Những tác phẩm còn ở bên là cục nợ của tôi đấy. Tôi muốn phá hủy nó, tiếp biến nó.”

Tạo hình của Lập Phương thường tinh giản, cốt nắm lấy mạch chuyển động của cảm giác. Chúng thường được gợi ý từ vốn cổ như đền đài, pháp khí, hoặc đến từ tiềm thức. Trên một tổng thể giản lược đôi khi điểm xuyết chi tiết sắc nét theo lối chấm phá của các bài thơ cổ phương Đông.

Ảnh: Nguyen Hoang Minh

6/ Triển lãm cá nhân “Tuồng – Tấm gương tâm khảm” của Nguyễn Ngọc Vũ

Đây là bộ sưu tập các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Vũ, minh họa trải nghiệm bằng cách kết hợp các khía cạnh khác nhau của một nền văn hóa nơi mọi thứ đều lỗi thời.

Qua lớp mặt nạ của sân khấu Tuồng, Vũ phóng chiếu nội tâm của mình ra ngoài xã hội và ngược lại. Ở đây, các vấn đề được thể hiện bằng cách pha trộn giữa những hình dung tưởng tượng thần thoại hóa và nghệ thuật châm biếm như một cách để giao tiếp với khán giả. Qua các tác phẩm của Vũ, ta đặt ra những câu hỏi về mối liên hệ giữa con người và môi trường xã hội, mà mỗi người xem phải tự tìm cách trả lời.

Các tác phẩm của Vũ đã ra mắt công chúng tại Eight Gallery, 8 Phùng Khắc Khoan, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến ngày 28 tháng 11.

FactoryNLRR20-196

7/ Triển lãm “Nhặt lá rừng xưa”

Đây là triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Võ Trân Châu, một trong những nữ nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đây là triển lãm cá nhân lớn nhất của Châu cho tới thời điểm hiện tại, giới thiệu các tác phẩm của cô trong hành trình tìm đến di sản, nhìn nhận lại lịch sử cũng như kí ức.

Trong các tác phẩm của mình, Võ Trân Châu tái sử dụng chính những mảnh quần áo cũ mà cô thu mua được, biến chúng thành những bức tranh ghép (mosaic) mang hình ảnh các công trình kiến trúc, những dấu ấn xã hội đã từng hiện diện: nhà máy dệt Nam Định, Thương xá Tax, nhà thờ Trà cổ, trường vẽ Gia Định,… Nghệ sĩ chọn các bức ảnh chụp những nơi này khi chúng còn tồn tại nguyên vẹn, phóng ảnh lên tới khi người xem không nhìn rõ hình hài mà chỉ còn thấy những điểm ảnh. Từ kết quả này, Châu ‘tái dựng lại’ bức ảnh sử dụng vải vóc thu thập được, cắt chúng thành những mảnh nhỏ, sắp xếp chúng theo mã màu sau đó chắp ghép thủ công những mảnh ghép này thành bức tranh hoàn thiện. Tương tự như cách vải vóc được hình thành, kí ức cá nhân và tập thể hiện ra qua quá trình thêu dệt, lồng ghép của người nghệ sĩ.

8/ Triển lãm “Chuyển mây” của điêu khắc gia Lương Trịnh

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, những công trình kiến trúc tôn giáo cổ: Đền, Đình, Chùa, Miếu đã trở nên quá đỗi thân thuộc với tôi. Những kiến trúc đó không chỉ tồn tại hiện hữu với hình ảnh mái ngói rêu phong, trụ cột, hoa văn… mà trong cái mơ ảo của ánh sáng, lộng lẫy vàng son, cái mộc mạc của gỗ, đá còn ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần.

Trong đối thoại giữa tri giác và trường nhìn thị giác, Lương Trịnh thấy được khí của trời và đất, thấy sự giao thoa giữa kí ức tiền nhân và tâm thức lớp người hiện tại với các vị Thần – Phật. Những thức đó vô hình nhưng lại rất gần gũi, bao phủ, lan tỏa dẫn dắt con người tới một không gian ảo diệu, linh thiêng.

Trong loạt tác phẩm này, mây hòa quện, bao phủ, dẫn dắt khối hình; có lúc mây chỉ là đường vân ẩn trong vật liệu đá trên những mảng hình khối tối giản. Khi chạm vào đá, anh luôn “đối thoại” được với loại vật liệu có tính nguyên thủy, tồn tại song hành cùng trái đất này. Anh nghe được những thanh âm vang vọng, những mạch nguồn cổ xưa khi cắt, xẻ, gọt giũa, mài nhẵn, đánh bóng trong quá trình tìm kiếm màu sắc, hình khối cho tác phẩm trên những tảng chất rắn tồn tại qua thời gian.

(Tổng hợp)


 
Back to top