Triển lãm cá nhân đầu tiên của Đỗ Trung Quân tạm hoãn vì tình hình đại dịch bất ổn
Trên thế giới, không ít văn-thi sĩ bén duyên với nghiệp cầm cọ, từ cha đẻ của tuyệt tác “Ngôn sứ” – Khalil Gibran đến Hermann Hesse nổi tiếng với “Siddhartha – Câu chuyện dòng sông”. Ở Việt Nam, khi nhắc đến nhà thơ vẽ tranh chuyên nghiệp, ta lập tức nghĩ đến cái tên quen thuộc Đỗ Trung Quân.
Khi gặp gỡ Đỗ Trung Quân, tôi nghĩ chức danh không còn quá quan trọng, nhưng nếu phải chọn lựa, thì nghệ sĩ sáng tạo là phù hợp nhất với anh. Hơn 30 năm làm báo, nổi tiếng lên từ những bài thơ được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Quê hương, Phượng hồng,… nhưng một thập niên nay, sự nghiệp của Đỗ Trung Quân gắn bó hoàn toàn với hội họa.
Ngôi nhà đồng thời là studio sáng tác của anh nép mình trong một con hẻm yên tĩnh ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Toàn bộ một căn phòng rộng rãi ở gác trên lưu trữ những bức tranh sơn dầu mà anh vẽ liên tục trong suốt 10 năm qua. Từ chân dung, trừu tượng, hình họa, biểu hiện, phong cảnh,… hội họa của Đỗ Trung Quân rõ ràng không đóng khuôn vào một trường phái cố định nào. Cũng thật dễ hiểu, vì anh là một họa sĩ tự học nên cuộc phiêu lưu hẳn rộng lớn và phóng khoáng.
“Điều gì đã mang đến anh đến với hội họa vậy?” – Tôi hỏi.
Đỗ Trung Quân cười: “Họa sĩ Lưu Công Nhân, một người bạn vong niên của tôi khi thấy tôi nhiều năm vẽ minh họa trên báo, bèn bảo tôi sao không vẽ tranh đi. Thực sự, lúc ấy, tôi không có nhu cầu vẽ tranh. Nhưng mãi sau này, đến năm 2011, trong tình trạng ‘cách ly’ khá bí bách, để giải quyết áp lực và căng thẳng tinh thần, tôi mới bén duyên với nghiệp cầm cọ. Tự học hết kỹ thuật vẽ sơn dầu trong một năm đầu tiên, tôi thiết nghĩ, người dạy mình giỏi nhất là tự làm, và những bức tranh hỏng chính là người thầy lớn nhất của mình đó. Khi phát hiện bức này bị hỏng, thì bức tiếp theo, mình không cho phép nó bị hỏng như vậy nữa.”
Tự học hết kỹ thuật vẽ sơn dầu trong một năm đầu tiên, tôi thiết nghĩ, người dạy mình giỏi nhất là tự làm, và những bức tranh hỏng chính là người thầy lớn nhất của mình đó.
Người ta vẫn thường nói quan trọng thứ nhất của việc học là tự học, thứ nhì là học từ danh sư và thứ ba là từ trường lớp. Đỗ Trung Quân thuộc trường hợp thứ nhất, tự học. Khi bén duyên với hội họa, anh bỏ chức danh nhà thơ nổi tiếng sang một bên, để bắt đầu lại từ đầu. Anh quan niệm: “Khi ai cũng biết về kỹ thuật thì mọi họa sĩ đều như nhau, sự khác biệt giữa họ nằm ở cái đầu và trái tim. Khi biết kỹ thuật vẽ sơn dầu, mình lập tức quên nó đi để chìm đắm vào việc sáng tác.”
Nhờ sự gợi ý và thẩm định của nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, Đỗ Trung Quân mới nghĩ đến việc triển lãm tranh. Với 3 thập niên làm báo đi cùng nhiều hoạt động nghệ thuật sôi nổi và liên tục trong thời gian dài vừa qua đã dự đoán chắc chắn cuộc trưng bày này sẽ quy tụ đông đảo tầng lớp khán giả quan trọng và những người yêu mến anh. Nhưng tiếc thay, vì tình hình đại dịch diễn biến bất ổn, thuận lợi trên lại hóa thành bất lợi. Đỗ Trung Quân quyết định tạm hoãn cuộc triển lãm (dự kiến diễn ra vào tháng 12 này) như một thái độ chuẩn mực với bản thân và cộng đồng.