ART & CULTURE

Tranh tĩnh vật dạy chúng ta điều gì về cuộc sống?

Dec 03, 2020 | By Trang Ps

Trong hội hoạ, mỗi một nghệ sĩ nổi tiếng thường gắn liền với một phong cách vẽ, thể loại vẽ  hay đề tài nào đó độc đáo, sáng tạo và làm nổi bật thông điệp nghệ thuật, thậm chí cá tính của người nghệ sĩ. Để làm điều đó, các danh hoạ phải thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nói tới dòng tranh tĩnh vật (still life) chưa hề thiếu bóng trong số những thử nghiệm hội hoạ của các danh hoạ.

Still Life with Basket and Six Oranges,Vincent van Gogh,1888; Nguồn: Wikiart

Dòng tranh của cuộc sống đời thường

Tranh tĩnh vật thường mô tả những sản phẩm của tự nhiên hoặc được con người tạo ra. Thông thường là những bông hoa được cắt, hoa quả, trái cây, những con cá, những trò chơi, rượu vang và nhiều đối tượng khác.

Mặc dù là thể loại tranh khá phổ thông trong hội hoạ, nhưng thứ bậc của tranh tĩnh vật không được đánh gía cao so với các chủ đề hội hoạ khác. Thậm chí ở thế kỉ thứ 17, French Academy còn từng đánh giá dòng tranh này thấp nhất so với các thể loại tranh lịch sử, tranh chân dung, tranh vẽ cảnh hàng ngày và tranh phong cảnh. Mặc dù vậy, tranh tĩnh vật vẫn luôn là đề tài được nhiều hoạ sĩ lựa chọn, trong thời kì hoàng kim vẫn luôn được các nhà sưu tập yêu thích.

Một trong những lí do khiến dòng tranh này dường như không được đánh giá cao là do không gắn liền với yếu tố con người trong đó. Thoạt nhìn chúng đơn thuần là dòng tranh vẽ mẫu vật đơn giản, đôi khi được thực hiện với mục đích nghiên cứu kĩ thuật vẽ. Nhưng nếu được xem xét kĩ lưỡng có thể phát hiện nhiều tầng ý nghĩa nói về cuộc sống và xã hội đương thời. Cuộc sống đó hẳn là có con người, nhưng được nhắc khéo léo theo một cách khác.

“Hãy tận hưởng niềm hân hoan của cuộc sống”

Vào cuối thế kỉ thứ 16 và đầu thế kỉ 17, những bức tranh tĩnh vật đạt tới thời kì đỉnh cao và chủ yếu tập trung ở châu âu, trong đó phải kể đến Thời kì hoàng kim của Hà Lan (Dutch Golden Age). Chính từ “still life” trong tiếng anh được mượn từ tiếng Hà Lan “stilleven” đủ để thấy sự huy hoàng của dòng tranh này tại Hà Lan.

Sự thịnh vượng của nước Hà Lan thời kì đó cho phép những món hàng xa xỉ lạ mắt từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về cảng Hà Lan. Có thể nói là không thiếu thứ gì. Tất cả đề được mô tả một cách rực rỡ trong những bức tranh tĩnh vật.

Jan Davidz de Heem, A Table of Desserts, 1640; Nguồn: WikiMedia

Tranh tĩnh vật thời kì này thường mô tả những niềm hân hoan vật chất như những chiếc bàn ăn sang trọng, của ngon vật lạ, đồ ăn miên man, rượu vang đầy bàn của những hội hè và tiệc tùng. Chúng như nói với chúng ta rằng “Hãy tận hưởng niềm hân hoan của cuộc sống” với những đồ ăn ngon, thức uống tuyệt vời.

Jan Davidz de Heem, Still Life with Lobster and Fruit, 1653; Nguồn: Wikimedia

Tranh tĩnh vật nhắc chúng ta trân quý vẻ đẹp giản dị của cuộc sống

Không chỉ gợi nhớ về sự hưởng thụ và niềm hân hoan trong cuộc sống. Những bức tranh tĩnh vật cũng nhắc nhở chúng ta cần trân quý vẻ đẹp của cuộc sống đến từ những vật bình dị nhất xung quanh ta.

Những bức tranh vẽ hoa (floral art/ flower painting) nhắc chúng ta rằng những bông hoa xung quanh mình đẹp như thế nào. hoa là một trong những đề tài được rất nhiều hoạ sĩ xưa nay lựa chọn để sáng tác.Từ một đề tài trong tranh tĩnh vậy, hoa nhờ có sự ưu ái đã trở thành một dòng tranh floral art này.

Từ những hoạ sĩ tiên phong cho dòng tranh floral art thời kì hoàng kim Hà Lan như Ambrosius Bosschaert, tới các hoạ sĩ hiện đại Vincent van Gogh, Édouard Manet với những cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp rực rỡ của những bông hoa.

Ambrosius Bosschaert the elder, still-life of flowers, 1614

Bên cạnh những bông hoa rực rỡ, những bức ontbijtjes đầy màu sắc (những tác phẩm vẽ bữa ăn sáng) lại cho ta thấy một bữa ăn sáng lại đẹp và đáng quý trọng như thế nào. Hãy tự thử hỏi bản thân xem mình có thật sự tập trung đủ lâu vào bữa ăn sáng của mình hay không?

Still Life with Irises, Vincent Van Gogh (1890); Nguồn:Vincentvangogh.org

Trong khi bức tranh được vẽ thời kì hoàng kim ở Hà Lan còn có ẩn ý tôn giáo nhắc nhở chúng ta nên cẩn trọng và không ăn uống vô độ. Thì những bữa ăn ngon mắt lại được các hoạ sĩ hiện đại thể hiện tinh của cuộc sống hiện đại.

Những tác phẩm đồ ăn siêu thực của hoạ sĩ Hà Lan Tjalf Sparnaay; nguồn:Daily Mail

Cảnh báo chúng ta về sự phù du của cuộc sống

Cuộc sống đầy tươi đẹp nhưng đồng thời cũng rất ngắn ngủi và đầy khắc nghiệt. Vào thế kỉ thứ 17 tại Hà Lan sự ra đời của trường phái vẽ tranh tĩnh vật Vanitas (tên tiếng anh là Vanity có nghĩa là sự phù hoa) với thông điệp cảnh báo chúng ta về sự mong manh của cuộc sống.

Những bức tranh vanitas thường gồm biểu tượng về cái chết và tính phù phiếm của những thú vui trần gian. Một bức Vanitas thường gồm những yếu tố như biểu tượng về nghệ thuật và khoa học (sách, bản đồ, dụng cụ âm nhạc), sự giàu có và quyền lực (trang sức, vàng..), thú vui trần gian (chơi bài, tẩu hút thuốc…) và biểu tượng của cái chết (đầu lâu, đồng hồ, nến đang cháy dở gần hết…).

Pieter Claesz, ‘Vanitas – Still Life’ (1625), ảnh: Wikimedia

Dù xuất hiện bất cứ biểu tượng nào thì một bức vanitas đều khơi gợi một cảm giác mong manh, chết chóc của cuộc sống. “Momento Mori” – “hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết” là một thông điệp xuyên suốt trong những bức tranh vẽ có phần u tối nhưng cực kì ấn tượng ấn tượng của dòng tranh vanitas.

Vanitas Still Life, Philippe de Champaigne(1671); nguồn:Wikimedia

Mặc dù thời kì vàng kim của thể loại tranh tĩnh vật đã đi qua, nhưng dòng tranh vẫn trường tồn qua năm tháng với những bài học về cuộc sống vẫn không hề mất đi giá trị. Trong thế giới hiện đại, chúng ta thường đánh giá cao cái đẹp, sự hào nhoáng và phù phiếm bên ngoài. Nhưng những hoạ sĩ lại giúp chúng ta nhìn cuộc đời theo một cách rất khác.

Những quả cam của Vincent van Gogh cũng đẹp và đáng được ta chú ý giống như những cái đẹp khác. Cuộn sống vốn mong manh và ngắn ngủi. Nhưng cũng không bao giờ thiếu đi vẻ đẹp lãng mạn giúp cuộc đời tươi sán hơn. Những hoạ sĩ vẽ tranh tĩnh vật khiến ta phải sống chậm lại, tận hưởng hơn và tập trung hơn vào những vẻ đẹp của cuộc sống.

Thực hiện: Dương Hương


 
Back to top