Đồng hồ GMT: Những nhà du hành kỳ cựu
Những bộ máy đồng hồ trang bị chức năng hiển thị múi giờ thứ hai (GMT) luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Sau đây là những điều cần chú ý khi bạn chọn mua một loại đồng hồ như vậy.
Nếu là một người thường xuyên di chuyển giữa các thành phố hoặc múi giờ khác nhau trên thế giới, chức năng GMT sẽ là người bạn hỗ trợ đắc lực. Trong thời đại công nghệ số với sự xuất hiện của điện thoại thông minh, chức năng này thường không còn giữ được vị thế độc tôn. Thế nhưng, GMT vẫn luôn được xem là một “tượng đài”, một phát minh vĩ đại trong ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ.
Nói một cách đơn giản, một chiếc đồng hồ GMT sẽ hiển thị đồng thời hai múi giờ và có thể được cài đặt độc lập. Theo từ điển về thuật ngữ đồng hồ Berner’s Illustrated, chức năng GMT được định nghĩa như sau:
- Thiết bị cho phép hiển thị thời gian trong ngày theo múi giờ của một số địa điểm đã chọn.
- Thiết bị giúp bạn có thể điều chỉnh kim giờ mà không ảnh hưởng đến việc hiển thị phút và giây.
Đồng hồ đa múi giờ vẫn tỏ ra rất thiết thực, hướng đến đối tượng người dùng hay di chuyển và những người thường xuyên đi du lịch. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu chỉ xem đồng hồ thời gian kép như một công cụ dành cho người đi du lịch. Rốt cuộc, có rất nhiều lý do khiến chúng ta có nhu cầu theo dõi thời gian ở một múi giờ khác.
Hoạt động kinh doanh toàn cầu và chuỗi cung ứng đa quốc gia là hai trong số những nguyên nhân khiến việc xem hai múi giờ cùng lúc trở nên tất yếu. Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam, một quốc đang thu hút rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực giao thương quốc tế.
Dù có ở đâu đi chăng nữa, bạn cũng phải có khả năng liên lạc hiệu quả với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng có những lý do bình thường hơn như người hâm mộ thể thao châu Á muốn biết chính xác thời gian phát sóng Giải vô địch NBA theo múi giờ ở quê nhà của họ.
Điều này đưa chúng ta đến hai khái niệm độc đáo liên quan đến chức năng GMT: giờ địa phương và giờ quê nhà. Để làm rõ, giờ ở quê nhà chính là giờ tại nhà của bạn, trong khi giờ địa phương là giờ ở vị trí hiện tại mà bạn đang đứng. Tuy nhiên, hai múi giờ có thể là bất cứ múi giờ nào bạn muốn.
Phải thừa nhận rằng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, bạn đã có thể dễ dàng biết được giờ giấc ở bất cứ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá khứ, mọi chuyện không được thuận lợi như vậy. Một quý ông tên là Sandford Fleming đã không sử hữu công nghệ và cũng không sống trong thời đại các múi giờ được chuẩn hóa.
Ngài Fleming đã phải dành một đêm khó chịu ở Ireland sau khi bỏ lỡ chuyến tàu vào năm 1876 vì phải điều chỉnh đồng hồ liên tục. Sự cố lần ấy đã thôi thúc ông viết một luận thuyết về sự cần thiết của việc chuẩn hoá các múi giờ trên toàn cầu, đỉnh điểm là cuộc thảo luận của Hội nghị Kinh tuyến Quốc tế năm 1884 được tổ chức tại Washington DC với sự tham dự của 26 quốc gia.
Đề xuất của Ngài Fleming bị bác bỏ, nhưng nó đã được dùng làm bàn đạp cho việc tiến đến việc chuẩn hoá các múi giờ vào giữa những năm 1920. Hai mươi bốn múi giờ với khoảng cách một giờ mỗi múi, Greenwich London được chọn làm Kinh tuyến gốc (kinh độ 0 °) và Greenwich Mean Time (GMT) làm tiêu chuẩn thời gian thế giới. Chúng ta sẽ bàn về lý do 24 khu vực này được chọn và tại sao Greenwich giữ vị trí Kinh tuyến gốc vào các bài viết sau, nhưng việc hệ kinh tuyến chuẩn giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của nền kinh tế cả thế giới.
Dù sao, với chỉ báo GMT, việc theo dõi múi giờ thứ hai sẽ dễ dàng hơn với thông tin về chênh lệch giờ hiển thị ngay trên cổ tay. Điều này đúng trừ khi bạn sống ở một quốc gia chênh lệch 30 hoặc 45 phút như Afghanistan hay Nepal.
Hiện thực hóa
Ban đầu, các mẫu đồng hồ có khả năng hiển thị múi giờ thứ hai tồn tại dưới hình thức khá cơ bản. Loại này sử dụng mặt đồng hồ phụ với một cặp kim giờ và phút có thể được điều chỉnh độc lập thông qua một nút chỉnh thứ cấp. Mặc dù dễ thiết lập nhất, nhưng việc thiếu sự phân biệt giữa ngày và đêm là một nhược điểm lớn.
Jaeger-LeCoultre đã phát minh ra một biến thể của hệ thống GMT cho phiên bản Reverso hai mặt của thương hiệu. Các nhà chế tác sử dụng một chốt trượt ẩn thay vì một núm vặn để cài đặt thời gian cho kim giờ ở múi giờ thứ hai. Kim giờ này kết nối với bộ đếm 24 giờ giúp chủ nhân có thể phân biệt ngày và đêm.
Tiếp theo là những phiên bản GMT phức tạp hơn một chút nhưng lại rất phổ biến. Tất cả những mẫu này thường có một kim GMT đồng trục để quay quanh mặt số một lần sau mỗi 24 giờ. Đại diện tiêu biểu là mẫu Rolex GMT-Master Ref. 6542. Những phát minh đối với đồng hồ GMT trong những năm qua đã cho phép người đeo điều chỉnh kim giờ chính độc lập với kim GMT để thực sự theo dõi hai múi giờ khác nhau. Trong một số trường hợp nhất định, đồng hồ GMT có thể theo dõi đến ba múi giờ khác nhau.
Chuyển sang một hệ thống chuyên biệt hơn, Patek Philippe sử dụng cái mà hãng gọi là hệ thống Travel Time. Hệ thống Travel Time đã có từ năm 1958 và được phát minh bởi Louis Cottier (người đã thành công khi tạo ra bộ máy đồng hồ thế giới Worldtime, nhưng đó cũng là một câu chuyện khác) cho Ref. 2597. Giờ ở quê nhà và giờ địa phương được phân biệt bằng các kim giờ khác màu, đồng thời, người đeo có thể điều chỉnh giờ địa phương chỉ với một nút bấm để tăng hoặc giảm trong trường hợp chủ sở hữu thay đổi múi giờ. Travel Time sau đó đã được hồi sinh thông qua phiên bản Calatrava Travel Time Ref. 5134 năm 1997 trước khi trở thành trụ cột của Patek Philippe với sự ra đời của Aquanaut Travel Time 5164/A.
Hệ thống Travel Time đã được tinh chỉnh một cách tinh tế bằng việc sử dụng kim skeletonised để phân biệt giữa giờ ở nhà và giờ địa phương. Việc sử dụng cơ cấu báo ngày/ đêm ở hai bên mặt số cho giờ địa phương và ở nhà có lẽ là sự nâng cấp đáng giá nhất. Giao diện này sau đó đã được áp dụng cho phù hợp với phiên bản Nautilus Travel Time Chronograph Ref. 5990/1A và dòng Calatrava Pilot Travel Time.
Chỉ báo ngày/đêm
Kế đến là tầm quan trọng của việc có một tính năng phân biệt ngày và đêm trên các bộ máy GMT. Những giải pháp thường thấy là khung bezel xoay 24 giờ, thanh chỉ báo ngày/đêm và cửa sổ ngày/ đêm. Việc chọn loại nào tùy thuộc vào sở thích của từng cá nhân, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm nổi bật những ưu và nhược điểm của từng loại.
Một giải pháp mà Rolex đã sử dụng cho chiếc GMT-Master Ref. 6542 là sự phân chia khôn ngoan khung bezel xoay 24 giờ thành hai vùng màu theo phong cách “Pepsi”; nửa trên màu xanh lam đại diện cho đêm, trong khi màu đỏ bên dưới đại diện cho ngày.
Sự khéo léo và đơn giản của vòng bezel được mã hóa bằng màu đã trở thành một trong những đặc điểm thường thấy của bộ phân biệt ngày/đêm, vì việc chế tạo nó tương đối rẻ hơn (trừ khi nó sử dụng miếng đệm bằng gốm màu hoặc kim cương) so với việc chế tạo và trang trí bộ hiển thị ngày/ đêm. Nó cũng dễ bảo trì hơn và đã thu hút cả một nhóm khách hàng hâm mộ. Hệ thống này phổ biến và thành công đến mức nó đã được các thương hiệu khác áp dụng rộng rãi với nhiều màu sắc khác nhau.
Ngoài chức năng, vòng bezel 24 giờ còn tạo thêm nét tinh tế về mặt thẩm mỹ cho đồng hồ. Vị trí của khung bezel 24 giờ cũng là tùy chọn ít gây khó chịu nhất vì nó không ảnh hưởng đến kim trên mặt số.
Chỉ báo ngày/đêm bằng viền bezel là cách tiếp cận truyền thống của Thụy Sĩ bởi vì các phong cách chế tạo đồng hồ ngày trước thường có xu hướng gộp các thay đổi vào mặt số. Có nhiều giải pháp, từ các đĩa quay được trang trí công phu tương tự như một chỉ báo tuần trăng (đương nhiên là có giá cao hơn) đến cách tiếp cận mặt số phụ nhỏ đơn giản hơn.
Như đã đề cập ở trên, sự phức tạp là điều mà người ta phải đối mặt, đặc biệt là việc có cả kim giờ địa phương và ở nhà trên cùng mặt số. Các nhà sản xuất đồng hồ truyền thống đã tìm cách kết hợp một cách thanh lịch các thanh chỉ báo bổ sung mà không gây sự xung đột giữa các chi tiết. Chọn phương án nào để tránh quá tải thông tin là điều then chốt.
Vì tính chất đơn giản này, Patek Philippe đã sử dụng cửa sổ ngày/ đêm cho đồng hồ Travel Time cũng như một số kiểu đồng hồ lịch vạn niên khác như một biện pháp an toàn để ngăn chặn việc điều chỉnh khi thay đổi lịch.
Các biến thể khác
Vẻ đẹp của các bộ máy đồng hồ là khả năng kết hợp nhiều chức năng với nhau, từ chỉ báo ngày cơ bản đến điểm chuông để có một bộ chức năng hoàn chỉnh hơn. Một số chức năng như lịch hay bấm giờ thường được các nhà chế tác lựa chọn để kết hợp cùng chức năng GMT.
Một chiếc đồng hồ có khả năng hiển thị ngày cơ bản thường đi kèm phổ biến nhất với GMT. Chúng ta có thể thấy trong nhiều loại đồng hồ, ví dụ như mẫu Blancpain Villeret Dual Time Annual Calendar với cách tiếp cận vô cùng cao cấp được thể hiện phần nào qua giá bán. Xin lưu ý rằng với hầu hết các đồng hồ lịch, bộ đếm lịch được liên kết với múi giờ địa phương của đồng hồ thời gian kép vì nó tiết kiệm chi phí hơn cho người sử dụng.
Các biến thể của sự kết hợp bấm giờ-thời gian kép bao gồm Panerai Luminor Chrono Monopulsante 8 Days GMT PAM00317 và kế đến là mẫu Patek Philippe Nautilus Travel Time Chronograph Ref. 5990/1A đầy tinh tế.
Tất nhiên, sự kết hợp của GMT và các chức năng khác không dừng lại ở đó. Vẫn có nhiều thương hiệu thể hiện sự tinh tế của mình bằng cách hài hòa nhiều tính năng đắt giá hơn lên mặt số đồng hồ, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn. Giá cả chắc chắn là một yếu tố cần cân nhắc đối với người tiêu dùng, nhưng nguyên nhân chính là các nhà sản xuất đồng hồ vẫn phải tạo ra những chiếc đồng hồ có giá trị gia tăng để làm phong phú thêm cuộc sống của khách hàng.