Galerie Quỳnh và hai thập kỷ đồng hành cùng nghệ thuật đương đại Việt Nam
Nằm trên con phố nhỏ Nguyễn Văn Thủ (Đa Kao, Q.1, TP.HCM), Galerie Quỳnh bằng cách nào đó luôn thu hút sự chú ý của công chúng mỗi khi một triển lãm mới mở cửa, bởi những cảm xúc khó quên nơi này mang lại. Nhưng danh tiếng của Galerie Quỳnh không đến một cách dễ dàng và đầy hào quang.
Đã hơn hai thập kỷ kể từ ngày Quỳnh Phạm, nhà sáng lập và giám đốc Galerie Quỳnh, bắt đầu gắn bó với nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tình yêu nghệ thuật đến với cô từ những ngày thơ ấu, sau biết bao thời gian cô dành cho viện bảo tàng ở California nơi cô lớn lên. “Tôi nhớ hồi đó mình 12 tuổi, cũng là lần đầu tiên tôi được xem bức tranh chân dung vẽ một người đàn ông của họa sỹ Hieronymus Bosch, tôi đã thật sự xúc động khi xem nó,” Quỳnh nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp Đại học California ngành Lịch sử và Phê bình Nghệ thuật, cô gái người Mỹ gốc Việt ngay lập tức bước chân vào thế giới nghệ thuật chuyên nghiệp và làm việc ở nhiều phòng tranh và viện bảo tàng có tiếng. Năm 1997, Quỳnh quyết định về Việt Nam vì muốn biết bối cảnh nghệ thuật Việt Nam lúc đó thế nào, cô bắt đầu tự tìm hiểu dù chẳng quen biết ai.
Sau 3 năm kết nối và gặp gỡ nhiều nghệ sỹ Việt đương thời, Galerie Quỳnh ra mắt dưới dạng website vào năm 2000, đây là nơi cô cùng bạn bè chia sẻ thông tin và xuất bản bài viết về các phòng tranh, nghệ sỹ và bối cảnh nghệ thuật Việt Nam nói chung. Vào năm 2003, không gian Galerie Quỳnh chính thức ra mắt, để từ đó dần trở thành không gian quan trọng với cộng đồng nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật.
Gallery này luôn biết rất rõ điều mình tìm kiếm từ người nghệ sỹ. Sáng tạo, không rập khuôn, và sự cam kết chính là những yếu tố tiên quyết để Galerie Quỳnh quyết định hợp tác cùng một nghệ sỹ. Đó là lý do nhóm nghệ sỹ Galerie Quỳnh đã và đang gắn bó khá đa dạng, từ những nghệ sỹ mới nổi, đã có chỗ đứng hay thực sự có tên tuổi trong giới nghệ thuật Việt Nam, cũng như nhiều nghệ sỹ quốc tế nổi tiếng. “Chúng tôi chọn nghệ sỹ dựa trên chính con người họ, và điều gì khiến họ muốn thực hành nghệ thuật, cách duy nhất để làm việc này là trò chuyện cùng họ, thậm chí chẳng cần nói về nghệ thuật,” Quỳnh chia sẻ.
Dù portfolio liên tục được nghệ sỹ gửi đến, quá trình tuyển lựa cẩn thận thông qua tương tác và trao đổi trực tiếp cùng nghệ sỹ cũng là yếu tố định hình cá tính khác biệt của Galerie Quỳnh: mối quan hệ dài lâu với từng nghệ sỹ. “Rất nhiều người có thể làm 1-2 dự án nghệ thuật xuất sắc, nhưng họ có giữ được phong độ và tiếp tục thử thách bản thân hay không, đó mới là câu hỏi chúng tôi đặt ra!”
Lý giải về hứng thú đặc biệt của mình với tính cam kết của nghệ sỹ, Quỳnh nhớ lại 23 năm về trước khi mới đến Việt Nam và có dịp làm việc cùng thế hệ họa sỹ lớn tuổi hơn như Nguyễn Tân Cương, Nguyễn Thanh Bình, Trần Văn Thảo, Nguyễn Chung, những họa sỹ này đều sinh ra vào khoảng giữa thế kỷ 20. Họ truyền cảm hứng để cô theo đuổi con đường phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam cho đến tận bây giờ bởi chính niềm đam mê và sự chân thành của họ với nghiệp vẽ, hầu hết trong số họ đều gắn bó với tranh trừu tượng, dù ở thời điểm đó, chúng không phải là kiểu tranh được quan tâm. Quỳnh nhận ra sự chính trực chính là giá trị mình tìm kiếm ở những nghệ sỹ cô muốn làm việc cùng.
Hai thập kỷ đã trôi qua, chính Sài Gòn cũng đã thay đổi, và Galerie Quỳnh là nơi chứng kiến rõ nhất những thay đổi của môi trường nghệ thuật Việt Nam. Nếu họa sỹ lớn tuổi chỉ tập trung vào vẽ tranh, thế hệ nghệ sỹ ra đời ở khoảng giữa thập niên 80 hay đầu thập niên 90 nhận ra nghệ thuật còn có thể được khám phá bằng những phương thức khác.
Khi thông tin dễ dàng tiếp cận hơn cũng là lúc thế giới trước mắt họ rộng mở, cùng với khả năng tự tìm tòi học hỏi và tư duy phản biện, những nghệ sỹ trẻ hiện nay như Ngô Đình Bảo Châu, Phương Linh hay Trương Công Tường… là những cái tên đáng chú ý trong việc thể nghiệm nghệ thuật và áp dụng những hình thái nghệ thuật khác nhau cho các tác phẩm của mình trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói đậm chất bản thể. Vì thế, các chương trình nghệ thuật ở Galerie Quỳnh cũng phải hồi đáp được tiếng nói của nghệ sỹ và cộng đồng.
Galerie Quỳnh chào đón thử thách với tâm trí rộng mở. Quỳnh muốn nghĩ phòng tranh của mình giống một tổ chức nghệ thuật, một không gian kết hợp nơi người ta có thể thưởng thức các buổi triển lãm được thể hiện dưới nhiều trạng thái khác nhau như video, sắp đặt hay tranh vẽ cùng các nhánh giáo dục đi kèm như trò chuyện cùng giám tuyển, cùng nghệ sỹ, xuất bản ấn phẩm và tổ chức workshop hướng dẫn.
Workshop kỹ thuật in ảnh Cyanotype cho trẻ em, do nghệ sỹ nhiếp ảnh người Mỹ gốc Việt Christine Nguyen thực hiện trong khuôn khổ triển lãm “Vũ trụ và biển cả” vào tháng 12/2014, là một minh chứng sống động cho chương trình giáo dục Galerie Quỳnh theo đuổi. Sau nhiều năm hợp tác cùng nghệ sỹ, giám tuyển, bảo tàng và không gian nghệ thuật trong nước và quốc tế, Quỳnh tin rằng cần nỗ lực hơn nữa để có thể tạo nên cái gọi là “hệ sinh thái bền vững” của bối cảnh nghệ thuật ở Việt Nam.
Galerie Quỳnh đã chuyển địa điểm 4 lần trước khi tìm thấy không gian lý tưởng với diện tích 600 mét vuông, chính là phòng tranh hiện tại trên đường Nguyễn Văn Thủ. Sau quá trình trùng tu tỉ mẩn từ bậc thang đến tường, từ phòng lưu trữ điều chỉnh nhiệt độ đến ánh sáng từng phòng trưng bày, thành quả là một không gian nghệ thuật thiết kế theo phong cách tối giản nhưng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Kiến trúc trung lập này đáp ứng chủ ý của Quỳnh Phạm trong việc tôn vinh vị thế của những tác phẩm được trưng bày, để chúng được tỏa sáng. Mỗi triển lãm vì thế hoàn toàn khác biệt, bởi chính gallery biến đổi theo ý tưởng của từng nghệ sỹ. Nếu trong triển lãm của Huy Đàm (Tháng 7/2019), Galerie Quỳnh dựng lên những căn phòng nhỏ ẩn giấu các món đồ và cánh mối, thì ở triển lãm của Phương Linh, người ta thấy 3 tấn muối được trưng bày.
“Chúng tôi đấu tranh vì những nghệ sỹ của mình từ chính cách trình bày những tác phẩm của họ và cố gắng trung thành tuyệt đối với ý tưởng của họ. Thêm nữa, những việc điên rồ như vậy khiến chúng tôi hào hứng với công việc của mình.”
Vượt khỏi chức năng cố hữu của một gallery chỉ đơn giản để trưng bày tác phẩm, Galerie Quỳnh theo đuổi tham vọng phát triển cộng đồng nghệ thuật Việt Nam bằng việc hỗ trợ nghệ sỹ từng bước một, bằng việc thúc đẩy họ, nâng tầm họ và định hình vị trí của họ. Sau đó là tìm cách giới thiệu họ tới thị trường nghệ thuật thế giới và kiếm tìm chỗ đứng cho những tác phẩm của họ ở những bộ sưu tập quốc tế bằng chính mạng lưới Galerie Quỳnh gây dựng trong 3 năm trở lại đây. Triển lãm của nghệ sỹ trẻ như Trương Tân cũng nhận được sự chú ý từ cộng đồng nghệ thuật quốc tế sau khi được giới thiệu trên tạp chí nghệ thuật Artforum danh tiếng theo cách như vậy.
Với niềm tin, đam mê, sự chăm chỉ và tính kỉ luật, dù nhân sự chỉ có năm người, Galerie Quỳnh tự hào vẫn đứng vững trong cơn đại dịch toàn cầu khi nhiều gallery buộc phải đóng cửa. Triển lãm mới đây của họa sỹ người Mỹ Will Thurman “Life Paintings, volume 1: 2015-2020 (tháng 9/2020) cũng đến từ cơ duyên tình cờ của một nghệ sỹ nước ngoài không thể đến Việt Nam do đại dịch, đây cũng là một trong những triển lãm đáng nhớ nhất trong hơn một trăm triển lãm Galerie Quỳnh từng thực hiện, cùng với triển lãm “we’re not counting sheep” của MAGMA (tháng 4-5/2006) và triển lãm của Nguyễn Mạnh Hùng (1/2013) khi anh dựng lên một mô hình khu tập thể Liên Xô… Điểm chung của những triển lãm này đã quá rõ ràng: tất cả đều là những thử thách buộc Galerie Quỳnh phải chinh phục!
Liên tục đẩy những chuẩn mực lên giới hạn cao đầy tham vọng, nhưng Quỳnh Phạm nói rằng Galerie Quỳnh vẫn chỉ đang trên chặng đường gây dựng, và thực chất cô có cơ sở để cảm thấy lạc quan về sự phát triển của Galerie Quỳnh nói riêng cũng như nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung. Galerie Quỳnh hiện đang trưng bày các tác phẩm của họa sỹ Đỗ Thanh Lãng trong triển lãm “Mù dạ quang”.
“Tôi biết Lãng từ hồi cậu ấy còn nhỏ, khi tôi làm việc cùng bố cậu ấy là họa sỹ Đỗ Hoàng Tường, và giờ lại chính Quỳnh Galerie trưng bày tranh của cậu ấy. Điều này mang tính biểu tượng đấy chứ?”
Thực hiện: Vân Anh Nguyễn