ART & LIFE

CUC Gallery: Nơi nghệ thuật được miễn nhiễm

Apr 10, 2021 | By Xu

Art Republik đã có cuộc trò chuyện với chị Phạm Phương Cúc, chủ nhân CUC Gallery. Một năm đầy biến động, nhưng với chị, những điều tốt đẹp vẫn đang ở phía trước.

CUC Gallery - Nơi nghệ thuật được miễn nhiễm

Cúc Phạm, người sáng lập CUC Gallery

Sự vận hành của CUC Gallery có phải điều chỉnh nhiều trong năm qua do ảnh hưởng của Covid-19?

Sự tác động lớn nhất của dịch bệnh đối với công việc của tôi là các hoạt động quốc tế, mảng công việc vốn chiếm phần lớn các hoạt động của tôi, bị cắt bỏ hoàn toàn. Tháng 1.2020, tôi vẫn thực hiện một chuyến đi tham dự triển lãm S.E.A Focus tại Singapore. Sang tháng 2, chúng tôi đã lên kế hoạch đi Hong Kong thì dịch bệnh bùng phát. Tất cả các sự kiện nghệ thuật phải huỷ, thậm chí nhiều bạn bè cùng trong lĩnh vực này của tôi bị kẹt tại các nước. Tôi nghĩ mình còn may mắn là đã ở yên tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số dự định dành cho cộng đồng của chúng tôi cũng phải tạm thời dừng lại. Một số kế hoạch cho triển lãm trong nước cũng không thực hiện được, hy vọng có thể triển khai trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, có lẽ đó là sự tác động lớn nhất. Còn vận hành, tôi không thay đổi gì nhiều. Tất nhiên, CUC Gallery có fanpage trên Facebook và các kênh online mà thực ra không có dịch bệnh chúng tôi đã xây dựng rồi.

Nhưng cá nhân tôi vẫn chỉ coi tiếp cận trực tuyến là một lựa chọn phù hợp một số tình huống nhất định. Tôi vẫn tin rằng tiếp cận nghệ thuật tại một gallery thực sự phải là trải nghiệm trực tiếp tác phẩm với mọi giác quan của người thưởng lãm.

CUC Gallery - Nơi nghệ thuật được miễn nhiễm

Cúc Phạm, người sáng lập CUC Gallery

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng một trong những lý do khiến dịch bệnh không tác động nhiều tới hoạt động của CUC Gallery bởi nó vốn là mô hình gallery cá nhân, với định hướng nghệ thuật không quá đại chúng?

Tôi có quan niệm khá lạc quan về Covid-19. Tôi nghĩ nó giống như một sự cố lớn đẩy thế giới thay đổi và sắp xếp lại trật tự theo cách mới. Nhưng dịch bệnh sẽ đến một cái ngưỡng nào đó và mọi thứ sẽ không thể mãi như thế này.

Có lẽ sự lạc quan mà tôi hay đùa với bạn bè là “điếc không sợ súng” của tôi là lý do khiến 12 tháng qua, tôi vẫn cảm thấy khá bình thản.

Thực tế là với CUC Gallery, tôi vẫn xác định đây là một hành trình bền bỉ và lâu dài. Bình thường, mỗi năm tôi làm 2-3 triển lãm, đưa tác phẩm của các nghệ sĩ mình độc quyền ra nước ngoài và khoảng 2 triển lãm ở trong nước. Và quan trọng là chăm sóc nhóm nhà sưu tập thân thiết của CUC Gallery cũng như giới thiệu nghệ sỹ và tác phẩm đến với công chúng. Chỉ thế thôi nên thực sự nhịp độ vẫn luôn trong tầm kiểm soát kể cả dịch bệnh xảy ra.

Ngay từ ngày đầu, chị đã chọn những tác giả và tác phẩm có thể nói là kén công chúng và cho tới nay đó dường như vẫn là DNA riêng của CUC Gallery. Vì sao vậy?

Nói ra thì nhiều lý do nhưng chính vẫn là từ chủ quan cá nhân tôi. Tôi được truyền cảm hứng về nghệ thuật từ nhỏ từ mẹ, một họa sỹ. Niềm đam mê đó lớn dần theo chính sự trưởng thành của mình. Và khi mở CUC Gallery cách đây 8 năm, nghệ thuật trừu tượng đã là mảng tôi đặc biệt yêu thích. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi đa số các nghệ sỹ độc quyền đều là những cái tên kén người thưởng thức, tác phẩm của họ không dễ tiếp cận.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ vì điều đó, mà CUC Gallery tồn tại. Nếu tôi cũng đi theo mô hình của các gallery nổi tiếng khác tại Việt Nam bấy giờ, chưa chắc đã được như ngày hôm nay. Thời điểm đó, các anh chị chủ các gallery nổi tiếng ở Việt Nam đang làm rất tốt. Nếu làm giống họ, tôi sẽ không thể làm tốt hơn! Tôi cần phải làm cái gì đó khác thì mới có thể phát triển được.

CUC Gallery - Nơi nghệ thuật được miễn nhiễm

Tulip Dương (Dương Thuý Liễu), The Hybrid, 2019, Đá serpentine và hộp bánh răng (serpentine stone and gear box), 87x31x60 cm

Được biết chị vốn học ngành quản trị y tế tại Mỹ trước khi trở về Việt Nam mở gallery nghệ thuật. Tôi tò mò không biết rằng đây là một quyết định đầy cảm tính hay một “chiến lược” được ấp ủ lâu năm?

Tôi khẳng định với anh là con người tôi không thể học hay làm gì mà không có sự yêu thích. Lý do tôi không theo đuổi công việc quản trị y tế tại Mỹ dù ngành này đang rất “hot”, vì tôi đã không chịu nổi cảm giác bất lực.

Thời gian thực tập trước khi tốt nghiệp, tôi như vỡ mộng với hệ thống y tế của nước Mỹ. Những hy vọng, mong muốn đóng góp cho hệ thống đó hoàn toàn không thể có cơ hội nào. Cảm giác đó rất tệ, nó khiến tôi quyết định về nước ngay sau khi tốt nghiệp chứ không tiếp tục ở lại Mỹ.

Sau khi về nước, tôi dành 6 tháng không làm gì để nghĩ xem mình… sẽ làm gì. Và cuối cùng, với sự ủng hộ hết mình của gia đình, tôi mở một gallery chuyên về nghệ thuật đương đại với những tác giả độc quyền riêng.

Vì sao chị lựa chọn mô hình private gallery ngay từ ngày đầu cho tới nay?

Nghệ thuật là điều nhân văn nhất của con người. Sự nhân văn đó chính là ở sự kết nối giữa những con người với nhau và cảm xúc được đánh thức và ve vuốt khi ta thưởng thức, cảm thụ nghệ thuật.

Thực ra mô hình các private gallery trên thế giới rất nhiều và tôi rất thích khi được tới những gallery như vậy. Bước vào đây, anh cảm nhận được cái gì đó rất riêng của người chủ gallery. Từ cách sắp đặt, âm thanh, ánh sáng tới những tác phẩm, tới cách mà họ giới thiệu với anh về tác phẩm. Tất cả tạo nên một thứ tinh thần mang đậm dấu ấn chủ nhân.

Và trên thế giới, các private gallery đa phần là cha truyền con nối. Tôi muốn đem tinh thần đó tới các nhà sưu tầm, đặc biệt là các nhà sưu tầm Việt Nam.

CUC Gallery - Nơi nghệ thuật được miễn nhiễm

Lại Diệu Hà, Reversed Performance, 2020, sơn dầu trên toan (oil on canvas), 160×100 cm

Sau 8 năm lèo lái một gallery như thế, điều gì khiến chị luôn giữ được đam mê với công việc?

Anh biết không, đã hơn một lần tôi được chứng kiến khoảnh khắc đặc biệt, khi một nhà sưu tầm đứng trước tác phẩm và tìm được sự kết nối vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Nhà sưu tầm bất giác ngồi xuống, đồng tử mở rộng và mắt như hút hoàn toàn vào tác phẩm. Khoảnh khắc đó chỉ tính bằng vài giây đồng hồ nhưng được chứng kiến thì vô giá!

Còn với nghệ sỹ, niềm hạnh phúc lớn nhất của chủ gallery là được chứng kiến quá trình thai nghén tác phẩm, quá trình tìm tòi và thay đổi của người nghệ sỹ. Tôi nghĩ rằng lao động nghệ thuật là vô cùng khốc liệt. Nó là kết hợp cả lao động trí óc và chân tay tay trong quá trình nhào nặn cảm xúc của người nghệ sỹ. Người nghệ sỹ rất vất vả để cho ra đời một tác phẩm thực sự. Chính vì thế, sự đồng hành, kiên định và sẻ chia của chủ gallery là cần thiết.

Khi ta ngắm nhìn tác phẩm mới, cảm nhận sức sống của nó và thành tựu của người nghệ sỹ. Đó cũng là điều vô cùng sung sướng!

Vừa rồi chị có nói về việc muốn đưa tinh thần của một private gallery đến các nhà sưu tầm Việt. Tôi muốn hỏi là chị đánh giá thị trường nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây như thế nào? Khởi sắc hay vẫn ảm đạm?

Tôi là một người lạc quan và tôi muốn nói rằng thị trường nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây đang có những tín hiệu rất đáng mừng.

Trước hết, nhà sưu tầm trong nước đang nhiều hơn về lượng. Điều này khác với giai đoạn bùng nổ những năm 2005-2007, người mua tranh Việt chủ yếu là các nhà sưu tầm nước ngoài hoặc người Việt ở nước ngoài, người Việt mình có thu nhập tăng cao nhưng không đầu tư cho nghệ thuật. Chính vì thế, khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường nghệ thuật Việt Nam. Còn ở thời điểm này, người sưu tầm đang nhiều lên và tất nhiên, họ đều có điều kiện tốt để theo đuổi đam mê.

Khía cạnh đáng mừng thứ hai, với tôi, lại đến từ một câu chuyện có phần tiêu cực. Chắc anh cũng để ý gần đây người ta nói về việc các bạn trẻ tới các triển lãm và sờ vào tác phẩm. Nhiều người lên tiếng phê phán, tôi cũng hoàn toàn không ủng hộ hiện tượng đó. Nhưng, so với 8 năm trước, tôi thấy rằng công chúng đang tò mò với nghệ thuật thay vì thái độ “sợ” nghệ thuật. Một thế hệ bắt đầu tò mò thì rất sớm thôi, ta sẽ có những nhà sưu tầm tương lai.

CUC Gallery - Nơi nghệ thuật được miễn nhiễm

Nguyễn Trung, 2020, acrylic, sơn nhà, chì và dầu dính trên toan (acrylic, house paint, pencil and oil stick on canvas), 200×250 cm

Nếu có một mong ước trong năm 2021, chị sẽ mong điều gì?

Chà, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó kể cả trong những giờ cuối cùng của năm như thế này. Năm nay đặc biệt đến mức mà, việc nó trôi qua thôi đã khiến cả thế giới ít nhiều được an ủi.

Còn tôi, tôi chỉ mong mỗi năm vẫn được sống trong cảm xúc sung sướng, hạnh phúc khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Anh biết đấy, càng lớn lên, chẳng dễ dàng gì khiến chúng ta bất ngờ hay rung động mạnh mẽ.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thực hiện: Độc Cầm 


 
Back to top