ART & CULTURE

Kỷ lục giá tranh Việt Nam: Giám tuyển tổng hợp và nhận định

Jan 13, 2023 | By Ace Le

Danh sách 19 tranh Việt vượt ngưỡng triệu đô. Thị trường chững lại sau một khoảng thời gian tăng phi mã. Một năm thành công ở mức vừa của thị trường tranh Việt.

Một góc trưng bày tác phẩm của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, khoảng những năm 1930. Nguồn: Flickr.com/manhhai

Trong quá trình nghiên cứu, tôi chưa thấy có một bảng tổng kết toàn diện nào cho những giao dịch có giá trị cao nhất trên thị trường đấu giá nghệ thuật Việt Nam. Việc theo dõi định giá cho những tác phẩm quan trọng là cần thiết, bởi nó (1) thiết lập thước đo làm nền cho chiến lược phân bổ tài nguyên trong việc bảo tồn di sản văn hóa (ví dụ, nếu bảo tàng muốn mượn trưng bày một bức tranh trong danh sách thì sẽ cần chi bao nhiêu cho khâu an ninh hay bảo hiểm), và (2) cho ta một tham chiếu về vị trí thị trường nghệ thuật Việt Nam trong khu vực (ví dụ, các tác phẩm trong giai đoạn tương tự của Indonesia hay Philippines đã gõ búa cao hơn bao nhiêu lần).

Vì vậy, nhân dịp nhìn lại thị trường năm 2022, tôi đã đối chiếu, tổng hợp lên danh sách dưới đây. Thông tin giao dịch được lấy trực tiếp từ các sàn đấu giá, vốn là trung tâm khám phá giá nghệ thuật công khai duy nhất, cho cả thị trường sơ và thứ cấp. Đơn vị quy chiếu là USD, và chênh lệch về tỉ giá ngoại tệ đã được cân nhắc.

Từ trái sang: “Omi Obini” của Wifredo Lam, “Triptych Inspired by the Oresteia of Aeschylus” của Francis Bacon và “PH-144 (1947-Y-No.1)” của Clyfford Still. Credit: Wifredo Lam/Artists Rights Society (ARS), New York/ADAGP, Paris; The Estate of Francis Bacon/DACS, London/Artists Rights Society (ARS), New York; City and County of Denver, via Clyfford Still Museum/Artists Rights Society (ARS), New York; Julian Cassady for Sotheby’s. Nguồn ảnh: nytimes.com

Một vài quan sát

2022 là một năm thành công ở mức vừa của thị trường tranh Việt, bổ sung được thêm 3 tác phẩm vào danh sách các bức tranh vượt mức triệu đô, nâng tổng số lên 19 tranh. 3 tác phẩm gồm có “Dáng hình trong vườn” của Lê Phổ (vị trí số 2), “Trà và Đồng điệu” của Lê Phổ (vị trí số 6), và một điều bất ngờ cuối năm, đó là “Dân làng rặng chuối” của Nguyễn Gia Trí (vị trí số 13).

Ngoài ra, xin tóm lược một số quan sát khái quát như sau:

– Thanh khoản giao dịch giá trị lớn vẫn dồn toàn bộ vào phân khúc tranh Đông Dương, vượt xa các phân khúc nghệ thuật cổ, kháng chiến hay đương đại.

– Trong số 19 tác phẩm, Lê Phổ đứng đầu với 7 tranh, kế đến là Mai Trung Thứ (3) và Phạm Hậu (3), rồi tới Nguyễn Phan Chánh (1), Lê Quốc Lộc (1), Tô Ngọc Vân (1), Nguyễn Gia Trí (1), Vũ Cao Đàm (1) và Nguyễn Văn Tỵ (1).

– 2021 là năm có nhiều kỷ lục triệu đô nhất với 9 tác phẩm, kế đến là 2020 (4), 2022 (3), 2019 (2) và 2017 (1). Như vậy, có thể nói thị trường đang tạm chững lại sau một khoảng thời gian tăng phi mã.

– Nhà Sotheby’s đứng đầu với 7 tác phẩm (bao gồm 3 tác phẩm đứng đầu), kế đến là Christie’s (5), Bonhams (2), Aguttes (2), Millon (1), Lynda Trouve (1) và Drouot Estimations (1).

– 13 tác phẩm được đấu ở Hongkong (bao gồm 6 tác phẩm đứng đầu), và 6 ở Paris. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các phiên lớn nhất của Sotheby’s, Christie’s và Bonhams đều diễn ra ở Hongkong, nơi không tính thuế VAT cho khách mua.

– Về chủ đề, sự xuất hiện chủ đạo/bán chủ đạo của nhân vật nữ có trong 13 tác phẩm, kế đến là phong cảnh (6), trẻ em (3) và chân dung tự họa (1). Điều này cho thấy sự chênh lệch nhất định về cả gu sáng tác lẫn gu sưu tập trong một thế giới vẫn còn chịu sự chi phối của nam giới.

– Về chất liệu, lụa đứng đầu với 7 tác phẩm, kế đến là sơn dầu (6) và sơn mài (5).

– Về thời gian, 16 tác phẩm được sáng tác trước 1945, 3 tác phẩm sau 1945.

Triển lãm của Sotheby’s tại Việt Nam đã phải 3 lần nới rộng số lượng khách tham dự

19 tranh Việt vượt ngưỡng triệu đô

1. “Chân dung cô Phượng”, Mai Trung Thứ

Giá kỷ lục: 3.11 triệu USD (24.3 triệu HKD)

Đấu tại Sotheby’s ngày 18.04.2021

“Portrait de Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phượng), được Mai Trung Thứ vẽ năm 1930, sơn dầu trên toan, kích thước 135.5 x 80 cm

Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil (Đỗ Thị Lan) và xuất hiện trong phim “Mùi Đu Đủ Xanh” (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Mai Trung Thứ, “Portrait de Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phượng) (1930)

2. “Dáng hình trong vườn”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 2.29 triệu USD (17.9 triệu HKD)

Đấu tại Sotheby’s ngày 27.04.2022

“Figures in a garden” (Dáng hình trong vườn), được Lê Phổ vẽ vào khoảng năm 1973, sơn dầu trên toan bồi trên gỗ, kích thước 175 x 209.5 cm

Tác phẩm là một bình phong 3 tấm, được phòng tranh Wally Findlay bán lần đầu tiên năm 1973 tại Palm Beach, Mỹ.

Lê Phổ, “Figures in a garden” (Dáng hình trong vườn) (khoảng năm 1973)

3. “Thiếu nữ đội nón lá bên sông”, Mai Trung Thứ

Giá kỷ lục: 1.57 triệu USD (12.2 triệu HKD)

Đấu tại Sotheby’s ngày 14.12.2021

“Femme au chapeau conique le long de la rivière” (Thiếu nữ đội nón lá bên sông), được Mai Trung Thứ vẽ năm 1937, sơn dầu trên toan, kích thước 98 x 71 cm

Tác phẩm được chứng nhận bởi bà Mai Lan Phương và Hội đồng Mai Thứ.

Mai Trung Thứ, “Femme au chapeau conique le long de la rivière” (Thiếu nữ đội nón lá bên sông) (1937)

4. “Những cô thợ may”, Nguyễn Phan Chánh

Giá kỷ lục: 1.39 triệu USD (10.9 triệu HKD)

Đấu tại Christie’s ngày 02.12.2020

“Les Couturières” (Những cô thợ may), một tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, vẽ năm 1930, mực và bột màu trên lụa, kích thước 65.5 x 88 cm

Tác phẩm được triển lãm tại Hội chợ Thuộc địa Paris 1931, và từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre, Paris, Pháp.

Nguyễn Phan Chánh, “Les Couturières” (Những cô thợ may) (1930)

5. “Khoả thân”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 1.39 triệu USD (10.9 triệu HKD)

Đấu tại Christie’s ngày 25.05.2019

“Nue” (Khỏa thân), Lê Phổ vẽ năm 1931, sơn dầu trên toan, kích thước 90.5 x 180.5 cm

Tác phẩm từng nằm trong bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm ở California, Mỹ.

Lê Phổ, “Nue” (Khỏa thân) (1931)

6. “Trà và Đồng điệu”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 1.36 triệu USD (10.6 triệu HKD)

Đấu tại Sotheby’s ngày 07.10.2022

“The et Sympathie” (Trà và Đồng điệu), được Lê Phổ vẽ vào khoảng những năm 1960-1970, sơn dầu trên toan, 131 x 191 cm

Tác phẩm được chứng nhận bởi ông Alain Le Kim.

Lê Phổ, “The et Sympathie” (Trà và Đồng điệu) (khoảng 1960-1970)

7. “Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 1.36 triệu USD (1.16 triệu EUR)

Đấu tại Aguttes ngày 06.10.2020

“Jeune fille aux pivoines” (Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn), Lê Phổ vẽ khoảng năm 1945, mực và màu trên lụa, 91 x 71 cm

Tác phẩm được lưu trong danh mục Galerie Romanet, Paris, năm 1950.

Lê Phổ, “Jeune fille aux pivoines” (Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn) (khoảng 1945)

8. “Phong cảnh Phnom Penh”, Lê Quốc Lộc

Giá kỷ lục: 1.31 triệu USD (1.22 triệu EUR)

Đấu tại Millon Asium ngày 21.10.2021

“Paysage de Phnom Penh” (Phong cảnh Phnom Penh), Lê Quốc Lộc vẽ năm 1943, sơn mài, 199 x 400 cm

Tác phẩm là bình phong 8 tấm, từng thuộc về bộ sưu tập của gia đình K. Venus.

Giai điệu sơn mài truyền thống trong “Phong Cảnh Phnôm-Pênh” của Lê Quốc Lộc

9. “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long”, Phạm Hậu

Giá kỷ lục: 1.25 triệu USD (9.7 triệu HKD)

Đấu tại Bonhams ngày 27.11.2021

“Golden sunset over Halong bay” (Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long), Phạm Hậu vẽ khoảng năm 1938-1945, sơn mài, 100 x 198 cm

Tác phẩm là bình phong 6 tấm, từng thuộc bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại, sau ban tặng cho Edgar Ansel Mowrer năm 1951.

Phạm Hậu, “Golden sunset over Halong bay” (Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long) (1938-1945)

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” của bậc thầy nghệ thuật sơn mài Phạm Hậu

10. “Vỡ mộng”, Tô Ngọc Vân

Giá kỷ lục: 1.16 triệu USD (9.1 triệu HKD)

Đấu tại Christie’s ngày 25.09.2019

“Les désabusées” (Vỡ mộng), Tô Ngọc Vân vẽ năm 1932, mực và bột màu trên lụa, 92.5 x 57 cm

Tác phẩm từng thuộc sở hữu của Đông Dương Kinh tế Cục (AGINDO) tại Paris, và sau này nằm trong bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm ở California, Mỹ.

Tô Ngọc Vân, “Les désabusées” (Vỡ mộng) (1932)

11. “Đời sống gia đình”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 1.16 triệu USD (9.1 triệu HKD)

Đấu tại Sotheby’s ngày 02.04.2017

“Family life” (Đời sống gia đình), Lê Phổ vẽ khoảng năm 1937-1939, mực và bột màu trên lụa, 82 x 66 cm

Lê Phổ, “Family life” (Đời sống gia đình) (1937-1939)

12. “Thiếu nữ buộc khăn”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 1.1 triệu USD (8.6 triệu HKD)

Đấu tại Christie’s ngày 23.05.2021

“Jeune femme attachant son foulard” (Thiếu nữ buộc khăn), Lê Phổ vẽ khoảng năm 1938, mực và bột màu trên lụa, 59.5 x 48.5 cm

Lê Phổ, “Jeune femme attachant son foulard” (Thiếu nữ buộc khăn) (1938)

13. “Dân làng rặng chuối”, Nguyễn Gia Trí

Giá kỷ lục: 1.07 triệu USD (1 triệu EUR)

Đấu tại Drouot Estimations ngày 04.12.2022

“Villageoises parmi des bananiers” (Dân làng rặng chuối), một tác phẩm của Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1937, sơn mài, 100 x 195 cm

Tác phẩm là bình phong 6 tấm, được mua năm 1937 và ở lại trong gia đình nhà sưu tập cho tới khi lên sàn.

Nguyễn Gia Trí, “Villageoises parmi des bananiers” (Dân làng rặng chuối) (1937)

14. “Chân dung trong rừng”, Lê Phổ

Giá kỷ lục: 1.05 triệu USD (0.88 triệu EUR)

Đấu tại Sotheby’s ngày 16.03.2021

“Autoportrait dans la forêt” (Chân dung trong rừng), Lê Phổ vẽ năm 1929, sơn dầu trên toan, 37 x 75.7 cm

Tác phẩm đã được triển lãm tại Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1929.

Lê Phổ, “Autoportrait dans la forêt” (Chân dung trong rừng) (1929)

15. “Phong cảnh Chùa Thầy”, Phạm Hậu

Giá kỷ lục: 1.03 triệu USD (8 triệu HKD)

Đấu tại Sotheby’s ngày 18.04.2021

“View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam” (Phong cảnh Chùa Thầy), Phạm Hậu vẽ vào thập niên 1930, sơn mài, 104 x 183 cm

Tác phẩm là bình phong 6 tấm, từng thuộc bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil (Đỗ Thị Lan).

Phạm Hậu, “View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam” (Phong cảnh Chùa Thầy) (khoảng 1930)

16. “Tắm tiên”, Vũ Cao Đàm

Giá kỷ lục: 1.03 triệu USD (8 triệu HKD)

Đấu tại Christie’s năm 02.12.2020

“Femmes au bain (Women bathing)” (Tắm tiên), Vũ Cao Đàm vẽ năm 1944, mực và màu bột trên lụa, 50 x 60.3 cm

Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre, Paris, Pháp.

Vũ Cao Đàm, “Femmes au bain” (Tắm tiên) (1944)

17. “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt”, Mai Trung Thứ

Giá kỷ lục: 1 triệu USD (7.8 triệu HKD)

Đấu tại Bonhams ngày 27.11.2021

“Lady playing a nguyet cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt), Mai Trung Thứ, vẽ năm 1943, mực và màu trên lụa, 73 x 61 cm

Tác phẩm đi kèm ảnh chụp giấy chứng thực đề ngày 07.12.1943 của Henri Joly.

Mai Trung Thứ, “Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt) (1943)

“Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” của Mai Thứ và ngụ ý về phụ nữ Việt hiện đại

18. “Phong cảnh thuyền buồm”, Phạm Hậu

Giá kỷ lục: 1 triệu USD (0.83 triệu EUR)

Đấu tại Aguttes ngày 29.11.2021

“Paysage aux jonques” (Phong cảnh thuyền buồm), Phạm Hậu vẽ khoảng năm 1950, sơn mài, 105.6 x 200 cm

Tác phẩm là bình phong 4 tấm, được mua năm 1950 và ở lại trong gia đình cho tới khi lên sàn.

Phạm Hậu, “Paysage aux jonques” (Phong cảnh thuyền buồm) (thập niên 1950)

18. “Hội đình Chèm”, Nguyễn Văn Tỵ

Giá kỷ lục: 1 triệu USD (0.83 triệu EUR)

Đấu tại Lynda Trouve ngày 22.09.2020

“La fête du village Chèm” (Hội đình Chèm), Nguyễn Văn Tỵ vẽ năm 1942, sơn mài, 98 x 245 cm

Tác phẩm là bình phong 5 tấm, được bác sỹ François F. Haïphong mua lại trong giai đoạn công tác ở Đông Dương, và ở lại trong gia đình đến khi lên sàn.

Nguyễn Văn Tỵ, “La fête du village Chèm” (Hội đình Chèm) (1942)

“Cửu ngư quần hội“, Phạm Hậu

Lưu ý: tác phẩm bình phong sơn mài 4 tấm “Nine carps in the water” (Cửu ngư quần hội) (khoảng năm 1939-1940) của Phạm Hậu được đưa tin trên nhiều kênh truyền thông trong nước là được gõ búa đạt mức 1.16 triệu USD [Tuoitrenews, Vietnamnet, Vietnamnews], nhưng trên thực tế chỉ là 6.9 triệu HKD (880.000 USD) bao gồm cả thuế phí.

Tôi đã kiểm tra lại trực tiếp với nhà đấu giá Sotheby’s, và xin khẳng định rằng các kênh truyền thông đưa tin như trên là không chính xác. Như vậy, “Cửu ngư quần hội” không nằm trong danh sách tranh chạm/vượt ngưỡng triệu đô.

Phạm Hậu, “Nine carps in the water” (Cửu ngư quần hội) (1939-1940)

Ace Lê


 
Back to top