Giới sưu tập: Nhân tố chính thúc đẩy thị trường nghệ thuật trở nên xanh hơn
Trước khi Covid-19 bùng phát, thế giới nghệ thuật chỉ mới đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu được thể hiện qua việc đóng gói và vận chuyển tác phẩm, số lượng tài nguyên cần thiết để sản xuất các sự kiện và hội chợ nghệ thuật, thói quen đi máy bay của giới sưu tầm, nhà giám tuyển, đại lý,… Tất cả đã khiến lĩnh vực này tạo ra lượng phát thải CO2 quá lớn.
Năm 2020 và 2021, mặc dù lượng CO2 giảm đáng kể đến từ việc hạn chế đi lại do Covid-19 nhưng Liên Hợp Quốc báo cáo rằng toàn cầu sẽ ấm lên 3 độ C trong thế kỷ tới. Vì thế, tất cả chúng ta cần một thay đổi mạnh mẽ và tích cực hơn. Trong thế giới nghệ thuật, những người đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững này là giới sưu tầm.
Julie Stoschek, nhà sưu tầm kiêm sáng lập viên tổ chức cùng tên tại Berlin, cho biết: “Giải quyết vấn đề khí hậu phải là ưu tiên hàng đầu của lĩnh vực nghệ thuật, ngay cả khi điều đó có thể làm chậm tốc độ phát triển của ngành. Một bài học cụ thể trong đại dịch này là chúng ta có thể chọn di chuyển bằng máy may ít hơn.”
Khai thác sức mua hiệu quả
Một trong những cách hiệu quả nhất mà giới sưu tầm có thể thực hiện là ủng hộ những phòng trưng bày, bảo tàng và nghệ sĩ cũng hướng đến việc giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong những năm gần đây, các sáng kiến hợp tác như Gallery Climate Coalition (GCC), Art to Zero, và ban khí hậu tại MOCA Los Angeles đã thúc đẩy động lực đáng kể thông qua việc tập hợp những người chơi nghệ thuật để tìm ra các giải pháp và hành động thực tế.
Tổ chức GCC có trụ sở tại London và Berlin tự hào có số lượng thành viên ngày càng tăng đều đặn, bao gồm các phòng trưng bày, nghệ sĩ và gần đây nhất là nhà đầu giá Christies’s (gia nhập vào tháng 3 vừa qua). Các thành viên GCC cam kết nhận được các ước tính và kiểm tóa CO2 từ tổ chức và giảm 50% dấu chân CO2 trong thập kỷ tới.
Christie’s nhấn mạnh cam kết đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2030, kích hoạt sự thay đổi trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh từ vận chuyển, du lịch đến tiêu thụ năng lượng và chất thải.
Bước đi táo bạo này của nhà đấu giá hàng đầu nói lên thực tế rằng nếu các nhà sưu tầm đánh giá cao tầm quan trọng của bảo vệ môi trường thì ngành công nghiệp bắt buộc phải thay đổi.
Cập nhật thông tin về các phương pháp hiệu quả nhất
Các nhà sưu tập nên lựa chọn các phương án bền vững nhất khi đưa ra các quyết định giao dịch với nghệ sĩ, phòng trưng bày, nhà đấu giá hay bảo tàng. Chẳng hạn yêu cầu giao các tác phẩm nghệ thuật đia phương bằng xe điện hoặc hybrid.
Nhà sưu tầm Patrizia Sandretto Re Rebaudengo gợi ý sưu tập và hỗ trợ những nghệ sĩ có ý thức về khí hậu như một cách đầu tư khôn ngoan và chủ động. Thông qua bộ sưu tập và bảo tàng cùng tên có trụ sở tại Turin, Sandretto Re Rebaudengo đã thiết lập một cam kết lâu dài với môi trường. Tổ chức này đã hoạt động bằng năng lượng xanh từ năm 1995, và tiếp tục làm việc với các nghệ sĩ đối phó với biến đổi khí hậu và tính bền vững trong các công việc của họ.
Lan tỏa thông điệp
Việc sở hữu lượng khán giả hùng hậu trên các trang xã hội trực tuyến giúp nhà sưu tầm dễ dàng lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Ra đời từ bộ sưu tập TBA21 của Francesca Thyssen-Bornemisza ở Vienna, TBA21-Academy là một tổ chức nghệ thuật đương đại có sứ mệnh nâng cao nhận thức về việc bảo vệ các đại dương trên thế giới. Họ tận dụng tất cả các nền tảng để lan tỏa thông điệp.
Ý thức môi trường không nên chỉ là một xu hướng. Xây dựng một cộng đồng sưu tập quốc tế giàu đam mê, hiểu biết và có tiếng nói quan trọng hơn nhiều trong việc tạo ra làn sóng thay đổi hiệu quả và vững chắc.