Nghệ thuật

Paris+ par Art Basel 2022 mùa đầu tiên: Chỉ dành cho khách du lịch rất rất xa xỉ

Nov 03, 2022 | By Tam Tam

Paris chính là vị trí then chốt. Thương hiệu mới đi kèm nhiều điểm khác biệt rất +. Nhà môi giới không ngần, nhà sưu tập cũng không ngại. Tác động tích cực lên thị trường Pháp. Và người Việt ở đâu trong sân chơi này?

Paris+ par Art Basel, Grand Palais, Paris

Font chữ cứng, gọn gàng và đầy thực dụng của logo Paris+ par Art Basel chính thức hiên ngang đứng sừng sững trước mặt tháp Eiffel từ ngày 18 đến 23 tháng 10 vừa qua. Như vậy, 4 mùa xuân hạ thu đông, dù ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, những người “nói yêu nghệ thuật” đều có hội chợ nghệ thuật Art Basel để tham gia, còn nếu không dám đi thì đó là lỗi của họ.

Dù chỉ mới 1 năm kể từ lúc thông báo thay thế hội chợ nghệ thuật FIAC (Foire Internationale d’Art Contemporain), với sức hút cực lớn, hội chợ nghệ thuật hàng đầu thế giới tổ chức bởi Art Basel không mất quá nhiều thời gian để tạo ra sân chơi kinh doanh nghệ thuật quốc tế cho các phòng trưng bày hàng đầu thế giới đến triển lãm, mở ra một chương mới cho nền nghệ thuật Pháp. Paris cũng chính là vị trí then chốt sau Brexit để những nhà tổ chức Thuỵ Sĩ có thể đối đầu trực tiếp với Frieze của nước Anh – đối thủ truyền kiếp phía bên bờ biển Manche – kẻ vừa mở màn phiên bản  Seoul vào đầu năm nay.

Khác với các phiên bản hội chợ ở các thành phố khác, bộ nhận diện thương hiệu mới của Art Basel đưa cái tên Paris lên trước, dấu cộng đằng sau mang ý nghĩa tích cực. CEO Marc Spiegler hiểu rõ tầm quan trọng và tính biểu tượng của thành phố ánh sáng không chỉ riêng của châu Âu mà còn của cả thế giới, điều mà FIAC đã thất bại khi không thể vươn lên tầm vóc quốc tế mặc dù đã có mặt trên thị trường 20 năm nay.

Dự án Paris+ cũng là dự án cuối cùng của Marc Spiegler nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục giám sát và tham gia vào Art Basel Miami vào cuối năm, sự kiện kỉ niệm 20 năm của hội chợ toàn cầu này. Sau đó, chuyên gia phòng trưng bày và quản lí quan hệ nhà sưu tập của Sotheby’s, Noah Horowitz, sẽ lên thay thế từ tháng 11 năm nay. Noah cũng đã từng là giám đốc của Art Basel ở Mỹ trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2021.

John Giorno (1936-2019), “Don’t wait for anything” (2015), silkscreen on canvas, 122 x 122 cm (48 x 48 inches)

Pieter Schoolwerth, “Ur in a Machine” (Rigged 426) (2022), oil, acrylic, and inkjet on canvas, 199.4 x 160 cm (78.5 x63 inches) – Capitain Petzel

Thương hiệu mới đi kèm nhiều điểm khác biệt rất +

Rườm rà trong khâu tổ chức, thiếu những nhân tố quốc tế, chương trình nghệ thuật nghèo nàn – FIAC chưa bao giờ tận dụng được hết những ưu điểm tuyệt đối của Paris vì đội ngũ tổ chức có phần bảo thủ, chậm thay đổi. Ngược lại, Art Basel gần như đã quá quen với hơn 50 năm kinh nghiệm, chưa kể đến sức ảnh hưởng, mạng lưới quốc tế cực mạnh.

Paris và Art Basel đồng nghĩa với hai thương hiệu quốc tế mang tính cộng hưởng. Art Basel cũng là sự bảo chứng cho các phòng trưng bày và các nhà sưu tập quốc tế dễ dàng tiếp cận nhau. Nếu đã có dịp đến Art Basel ở Basel (Thuỵ Sĩ), sẽ thấy trải nghiệm và không khí tham quan của Paris+ par Art Basel không quá khác biệt, rất cao cấp.

Ngay từ Chủ nhật của tuần trước, nhiều gallery lớn đã hoàn thành việc sắp đặt các tác phẩm công cộng cho mục Sites, thuộc chương trình bao phủ thành phố bằng nghệ thuật, như Kamel Mennour với các tác phẩm của Alicja Kwade ở Quảng trường Vendôme , Magda Danysz với Robert Montgomery cùng Georges Philippe và Nathalie Valois đem Niki de Saint Phalle trang trí ở vườn Tuileries. Art Basel mở màn VIP từ thứ Tư, sang thứ Năm công chúng đã có thể vào xem, tạo cảm giác tuần lễ nghệ thuật thật sự.

Alicja Kwade, “Au cours des mondes” (2022). Được tuyển chọn bởi Jérôme Sans. Là một phần của chương trình “Sites”,  Paris+ par Art Basel, với sự hỗ trợ của Kamel Mennour. Place Vendôme, Paris, 2022. © Alicja Kwade. Photo. Archives kamel mennour. Courtesy the artist and kamel mennour, Paris. Nguồn: numero.com

Niki de Saint Phalle, “Obélisque bleu aux fleurs” (1992), ở vườn Tuileries (Paris) – Phòng trưng bày Georges-Philippe và Nathalie Vallois. Nguồn: toutelaculture.com

Với hơn 40 ngàn lượt khách, việc để khung giờ từ 11h đến 12h trưa chỉ dành cho khách VIP, giúp giải toả lượng áp lực lên mô hình gỗ tạm thời của Grand Palais, cũng như tạo cảm giác thoải mái cho những nhà sưu tập lớn. Chất lượng dịch vụ chăm sóc nhà sưu tập gần như không có gì bàn cãi với Art Basel.

Art Basel đi đến đâu không khí tiệc tùng theo đến đấy, mà còn đặc biệt hơn khi tổ chức ở Paris. So với Basel bình yên hẻo lánh, các buổi afterparty diễn ra ở những club lớn, hoành tráng không thua kém gì Fashion Week, thể hiện rõ sự xa xỉ, đẳng cấp hơn so với FIAC.

Một điểm cộng cực lớn nữa trong khâu tổ chức, đó là Paris+ par  Art Basel đẩy không gian dành cho các nhà môi giới, nghệ sĩ trẻ vào giữa Grand Palais, giúp họ dễ dàng có spotlight trong mắt các nhà sưu tập. Việc ưu tiên và nhường sân cho các phòng trưng bày nội địa cũng nằm trong kế hoạch định hướng lâu dài của Art Basel.

Tranh: Ashley Hans Scheirl, “1.2.3!” (2022), acrylic on canvas, 180 x 240 cm (70 ⅞× 94 ¼ inches); Sắp đặt: Jakob Lena Knebl, “Portrait of a Lady, white” (2022), polyurethane, resin, synthetic her, 160 x 150 x 100 cm (63 x59 14 x39 % inches) – Galerie Loevenbruck, Paris

Rirkrit Tiravanija, “untitled” (2022) (can we grow a rainbow, new york times, April 25, 2022), huile et papier journal surtoile de lin, 2275 x 186 x 3.2 cm (89 ¾ x 73 ¼ ×1¼ inches) – Chantal Crousel.

Nhà môi giới không ngần, nhà sưu tập cũng không ngại. Tác động tích cực lên thị trường Pháp

Truyền thống lâu đời “không bán được ở Art Basel tại Basel thì đem về bán ở FIAC” của các gallery khi đến Pháp hầu như đã bị xóa bỏ. Hiệu quả của thương hiệu Art Basel phát huy ngay lập tức. Cộng với việc suy thoái kinh tế và đồng dollar Mỹ đang tăng mạnh, nhiều gallery thừa nhận họ rất bất ngờ về số lượng các nhà sưu tập từ Mỹ “ào ạt” đến mua các tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh các gương mặt cộm cán, có những người thậm chí hoàn toàn xa lạ với các gallery. Theo các trang tổng hợp, các phòng trưng bày thu về doanh số bình quân trên dưới 20 ngàn dollar Mỹ.

Quả thật, từ tối thứ 3, ở các buổi mở màn hay tại các cơ sở của các đại gia môi giới, người ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều nhóm người Mỹ hoặc nói tiếng Anh. Việc lấn át cũng dễ hiểu, vì sau dịch bệnh cũng như tình hình ở Ukraina, các nhà sưu tập Trung Quốc và Nga vẫn chưa hẹn ngày quay trở lại. Những người đến tham gia vừa muốn tranh thủ du lịch Paris, cũng vừa muốn kết hợp tham gia trải nghiệm hội chợ nghệ thuật tổ chức bởi thương hiệu lớn nhất thế giới. Thậm chí, rất nhiều người nổi tiếng và nhà sưu tập hàng đầu cũng đến tham dự, như nhà thiết kế Rick Owens hay tỉ phú sở hữu bức Basquiat đắt nhất, Yusaku Maezawa.

​​Yan Pei-Ming, “Marat assassine, after David” (2017), oil on canvas, 250 x 200 x 4 cm (98 3/8 × 78 inches) – Massimo de Carlo

Matthias Bitzer, “Uncanny corner” (2022), acrylic and ink on canvas, 205 x 165 cm (80 1/2 x 65 inches)

Với vị thế và uy tín mạnh mẽ như vậy, các phòng trưng bày không ngại bày ra dàn tác phẩm chất lượng không bị trùng lấp ở phiên bản Basel. Thậm chí, một số còn trưng bày cùng một nghệ sĩ tại cả hai hội chợ Paris+ và Frieze (Frieze London 2022 vừa diễn ra chỉ một tuần trước đó). Pháp hiện nay đang nắm đến 7% thị phần của nghệ thuật trên toàn thế giới, so với 4% trong vài năm trước đây, và đại diện châu Âu so với các thị trường khác (Mỹ 43%, Trung Quốc 20%, Anh 17%).

Salvador Dali (1904-1989), “Las Llamas, Llaman” (The Flames, They Call) (1942), oil on canvas

Alice Neel (1900-1984), “Hugh Wilson” (1958), oil on canvas, 96.5 × 66 cm (38 × 26 inches)

Paris+ chỉ có 1 tầng, nên hơn 150 gallery tham gia tập trung vào đương đại và các tác phẩm hiện đại sau những năm 60. Tỷ lệ các tác phẩm của các tên tuổi lớn cũ không còn dày đặc như ở FIAC. Cho đến thời điểm hiện tại, xu hướng vẫn tập trung vào các tác phẩm tượng hình, có phần nhiều màu sắc và tránh va đập các yếu tố chính trị. Dù vậy, các tác phẩm nổi bật về giá bán và bán tốt vẫn thuộc về các tác phẩm trừu tượng điển hình như các tác phẩm của Joan Mitchell, Robert Ryman rồi đến John Baldasseri, đắt nhất từ 4,5 triệu USD, còn lại rơi vào khoảng vài trăm nghìn đến vài chục nghìn. Giá bán của các tác phẩm đã có tên tuổi đa phần đều tăng. Nghệ thuật vẫn đang mức tăng trưởng giữ giá vô cùng tốt trong các loại đầu tư khác.

Joan Mitchell, “Border” (1989), oil on canvas, 114.3 x 89.2 cm (45 1/2 × 35 1/8 inches). Framed: 123.8 x 96.8 x 6.3 cm (48 3/4 x 38 1/8 x2 1/2 inches). Signed lower right recto; inscribed verso. David Zwirner. 4,5 triệu USD

Robert Ryman, “Location” (2002), oil on canvas, 25.7 x 25.7 cm (10 1/8 x 10 1/8 inches) – White Cube

Ai Weiwei, “Sleeping Venus” (After Giorgione) (2022), lego bricks, 308 × 500.5 cm

Dù giờ đây đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Anh Quốc, khu vực các gallery đang lên có đến 16 gian trưng bày vẫn là điểm sáng được quan tâm. Cách sắp xếp vào khu giữa của Grand Palais được đánh giá cao khi chỉ cần vài bước từ khu vực các gallery danh tiếng, các nhà sưu tập có thể thấy ngay khu vực các gallery đang lên. Giá bán mềm, các nghệ sĩ trẻ được bảo hộ cẩn thận thu hút các nhà sưu tập nội địa và quốc tế. Các tác phẩm ở khu vực này cởi mở, nhiều màu sắc đa dạng mang lại cảm giác tươi mới: Nile Koetting của Parliament (Paris) với sắp đặt cùng đèn, màn hình và các chất liệu nhựa nhám; Yong Xiang Li của Antenna Space (Thượng Hải)với sắp đặt thị giác được vẽ bằng tay với ý nghĩa chính trị. Ngoài ra, còn có booth dành cho triển lãm những tác phẩm mà chính quyền Paris mua vào cho bộ sưu tập của thành phố, vốn được tuyển chọn bởi các thiếu niên cấp 3.

Nile Koetting – Parliament, Paris

Yong Xiang Li – Antenna Space, Shanghai

Paris Acquisition 2022

Sự sôi động mà Art Basel mang đến cho Pháp vô cùng tích cực. Nếu so với phiên bản Art Basel Hong Kong thì doanh thu và giá trị các tác phẩm trao đổi chưa ở mức khủng khiếp, lấy ví dụ vào năm 2018, một bức tranh của Joan Mitchell đã được mua với mức giá lên tới 20 triệu USD ngay trong ngày mở màn, bởi một nhà sưu tập tư nhân chứ không phải bảo tàng. Pháp cũng đã phải trải qua nhiều biến động trong vòng hơn 20 năm để ổn định phần nào về kinh tế, do nhiều yếu tố khách quan về chính trị và cơ cấu xã hội. Nền kinh tế dần ổn định, kèm theo các chính sách mới khích lệ doanh nghiệp sưu tập, triển lãm và hỗ trợ nghệ thuật, đã thúc đẩy sự thức tỉnh của thị trường này. Tiêu biểu, Bảo tàng Bourse de Commerce của tỉ phú Francois Pinault ra mắt năm 2020 ngay trung tâm thành phố đã tạo được nhiều tiếng vang.

Về mặt nghệ thuật, kinh tế sôi động cũng sẽ tạo tính cạnh tranh và động lực cho nghệ sĩ và các cơ sở giáo dục, bảo tàng. Các trường mỹ thuật cũng đã bắt đầu có những thay đổi trong chương trình tạo kết nối giữa sinh viên và các nhà sưu tập. Tài chính dồi dào cũng sẽ đem lại các tác phẩm, dự án quy mô hơn, bên cạnh đó cũng sẽ có nhiều chương trình nghiên cứu và lưu trú nghệ thuật chất lượng hơn. Sắp tới, về lâu dài, có thể chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một biennale ở Paris.

Claire Fontaine, “Untitled” (Someone is getting rich) (2012)

Cajsa von Zeipel, “She thought she could so she did” (2022), mixed media, 101.6 x 50.8 x 50.8 cm (40 x 20 x 20 inches) – Andréhn-Schiptjenko

Người Việt ở đâu trong sân chơi này?

Du lịch mở cửa lại, không khó để thấy người Việt quay trở lại Paris. Nhưng với nhu cầu và thị hiếu về tiêu dùng vật chất, cũng như chủ nghĩa hình thức còn nặng, vẫn rất khó vẫn thấy người Việt đi tham quan bảo tàng chứ chưa kể đến việc tham dự các hội chợ.

Nói như vậy không có nghĩa không có những nghệ sĩ gốc Việt được đại diện bởi các gallery hàng đầu. Pace Gallery trưng bày một tác phẩm của cô Đỗ Đinh Hương từng xuất hiện ở Bảo tàng Guimet vào năm ngoái (sau đó đã về tay một nhà sưu tập tư nhân). Các tác phẩm của cô Hương được đánh giá rất cao bởi tính trừu tượng cao, có liên hệ với các dòng nghệ thuật dày về lịch sử, nên luôn nằm trong danh sách được săn đón. Giá tác phẩm ở mức dễ tiếp cận, dưới 100 ngàn USD, nhưng có phần đắt hơn so với năm ngoái khi ra mắt. Ngoài ra, còn có Simon Lee triển lãm một tác phẩm của Mai-Thu Perret, ở Almine Rech thì có Thu Van Tran. Các “bậc thầy” Đông Dương thì chắc là chỉ hấp dẫn với mỗi người Việt nếu so với các bậc thầy cùng thời của các nước Trung Quốc, Hàn, Nhật.

Huong Dodinh, “K.A. 35” (2000), organic binders and natural pigments on canvas mounted on wood, 135 x 115 cm (53 1/8 x 45 1/4 inches) – Pace gallery, 55k USD.

Mai-Thu Perret – Simon Lee gallery

Trong năm nay, xu hướng quan tâm đến nghệ thuật và giá trị văn hóa phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần nhân tố có khả năng liên hệ và kết nối, tạo sự ham muốn tìm hiểu nghệ thuật thế giới. Rất khó để trông chờ vào các chính sách của nhà nước, nên hướng tiếp cận dễ nhất sẽ cần vào việc phát triển các dịch vụ xung quanh nghệ thuật để tăng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, vấn đề ở nghệ thuật mà Việt Nam phải đối mặt, sẽ là việc phải chạy theo xu hướng, doanh số hay chỉ tồn tại dưới dạng sự kiện nhất thời của nhãn hàng mà mất đi chiều sâu hay sự nghiên cứu. Nhưng biết đâu, thế hệ tiếp theo sẽ có những bước chuyển mình mà không ai ngờ tới được ? Một bài toán hình học mà có lẽ một đáp số là không đủ.

Simon Fujiwara, “Execution of Who?” (After Goya, Manet, Picasso and Now… Who?) (2022), acrylic, charcoal, pastel on canvas. 200 x 260 x 2,5 cm (78 3/4 x 102 3/8 x 1 inches) (unframed). 224,4 x 284,4 x 8 cm (88 3/8 × 112 × 3 1/8 inches) (framed)

Giulia Andreani, “Un jour” (2022), cotton, acrylic, wool, silk, and polyester, 150 x 205 cm (59 x 80 3/4 inches), edition of 5

Martha Jungwirth, “Ohne Titel” (2021), oil on paper mounted on canvas, 177.2 x184.7 cm (69.76 x72.72 inches)


 
Back to top