ART & CULTURE

LUXUO Book Club: Tạng thư sống chết – Một cuốn sách đặc biệt quan trọng để hiểu rõ sự sống và cái chết

Jun 24, 2021 | By Trang Ps

Trong kho tàng triết học Đông phương, Tạng Thư Sống Chết là một cuốn sách đặc biệt quan trọng. Quan trọng ở chỗ, sau khi đã đọc những cuốn Phật học căn bản như Tứ Diệu Đế thì Tạng Thư Sống Chết đã mở ra cho cá nhân tôi về một thế giới minh triết thiêng liêng khi bản thân có dịp tiếp cận sự tương tác giữa đời sống và cái chết một cách toàn diện, dưới ngòi bút giàu trí huệ và lòng bi mẫn cao cả của bậc thầy Sogyal Rinpoche.

Trong cuộc đời bạn và tôi chắc hẳn đã đối diện với những cái chết của người thân yêu và cả những người xa lạ mà chúng ta dường như bất lực trước sự ra đi ấy của họ. Vào năm tôi 10 tuổi, bà ngoại tôi qua đời, sau đó 4 năm, ông nội tôi từ giã cõi tạm, và năm ngoái, bà nội cũng theo ông nội. Họ hàng chúng tôi ai cũng biết ông bà là những người đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng đối diện với cơn đau mà ông bà phải chịu đựng ở những năm tháng cuối đời lẫn trong những hơi thở cuối cùng, ai ai cũng xót xa và có phần bất lực. Và trước sự ra đi của ông bà, dẫu biết những mất mát và đau khổ trong tim người sống sẽ nguôi ngoai theo thời gian nhưng hầu hết chúng ta lại không biết cách giúp đỡ người sắp chết một cách đúng đắn, hiểu sự chết diễn ra như thế nào, sau cái chết con người sẽ đi về đâu, tái sinh ra sao,… Và tại sao đối với những bậc thầy tâm linh, họ lại ăn mừng cái chết thay vì khoảnh khắc sinh ra? Tạng Thư Sống Chết đã lý giải tất cả những câu hỏi đã xuất hiện ở trong tôi từ khi tính tâm linh tiềm ẩn bắt đầu trỗi dậy.

Sau khi hiểu cái chết là một phần của sự sống, và cái chết chính là sự sống bắt đầu, trước sự ra đi của bà nội vào hồi năm ngoái, tôi đã cầu chúc an lành cho bà và hy vọng rằng kiếp sau, bà sẽ tái sanh vào một gia đình tốt đẹp. Cả quãng đời của một người phụ nữ sinh ra trong giai đoạn chống Pháp đến chống Mỹ ở mảnh đất miền trung khô cằn với 8 người con được sinh ra và 7 người con được nuôi nấng, bà đã trải qua quá nhiều đau thương và mất mát. Trước sự ra đi của bà, sự đau khổ của những người ở lại nếu quá quyến luyến sẽ không thể giúp ích cho người chết, mà phải bằng một tâm thế vững chãi và đầy lòng bi mẫn, thì chúng ta mới có thể giúp ích cho người thân quá cố. Trong cuốn sách Tạng Thư Sống Chết gần 600 trang này, có quá nhiều câu chuyện lẫn thông điệp mà tôi không thể liệt kê hết nhưng bằng những gạch đầu dòng dưới dây hy vọng có thể giúp bạn tìm đến tác phẩm tâm linh quan trọng này.

1/ Luôn trong tinh thần sẵn sàng chuẩn bị cho cái chết

Khi hiểu bản chất của một con người là không sinh không diệt, thì chúng ta sẽ cảm thấy cái chết cũng giống như một giấc ngủ dài trước khi tái sinh (như tỉnh dậy vào sáng hôm sau). Chết không phải là hết, dường như chúng ta đã quen thuộc với điều đó, nhưng phần đa con người vẫn sợ cái chết và nỗi sợ cái chết là nỗi sợ ám ảnh nhất của loài người.

Nhưng khi tiếp cận kho tàng Phật học một cách nghiêm túc, tôi hiểu rằng nỗi sợ cái chết không bao giờ có thể thao túng tôi một lần nào nữa. Ngay cả khi đang sống đây, tôi đã chuẩn bị sẵn luôn cho cái chết của mình. Nói về cái chết trong tâm thế vững chãi chắc chắn không bao giờ là một điều xui rủi. Khi hiểu quy luật vô thường và sinh trụ hoại diệt, người ta cũng không quyến luyến quá với cái sống của mình, không nói nhiều về tương lai, mà đơn thuần sống tốt nhất có thể với khoảnh khắc hiện tại. Không chỉ Phật giáo, mà Kito giáo, Hồi giáo, hay các tôn giáo khác đều công nhận chết không phải là hết, mặc dù thế, với xã hội tân tiến thì thế giới tâm linh trong họ vẫn chỉ là một sa mạc, họ cho rằng cuộc đời này là tất cả, vì thế mà dẫn đến một trong những thái độ coi thường nhân quả.

Một trong những biểu hiện là chủ nghĩa vật chất, được thể hiện qua góc nhìn và thực hành của các nhà khoa học với những phát minh mang tính hủy hoại. Và việc mà thế giới đang nghiên cứu cách để kéo dài sự sống của con người hẳn nhiên là một thực hành tốn công vô ích và thể hiện việc không dám đối mặt với sự chết.

Bởi cốt yếu sau cùng của con người là chấm dứt khổ đau và giải thoát chứ không phải cố gắng kéo dài kiếp sống trong hình thù người. Bởi sự sống là vô tận, chúng ta là những linh hồn bất biến đang có trải nghiệm con người mà thôi. Khi khoa học nói riêng và con người nói chung thực sự hiểu tường tận điều này, việc kéo dài tuổi thọ (theo cách mà khoa học tiếp cận bây giờ) là không cần thiết, và không giúp ích gì nếu đau khổ  của con người sống thọ đó vẫn tiếp diễn.  Điều đó chẳng khác nào ham sống, sợ chết, bám víu vào hình hài hiện có. Cứ sống thuận tự nhiên, nếu tuổi thọ có tăng thì cũng tăng tự nhiên theo lối sống lành mạnh của mỗi cá nhân. Hiện nay, một số nhà khoa học ướp xác sau khi người qua đời với hy vọng những tiến bộ khoa học trong tương lai sẽ giúp họ có thể quay trở lại dương gian, điều đó sẽ gây ra rất nhiều đau khổ cho linh hồn, vì họ không có cơ hội tái sinh sớm. Nếu hiểu những nền tảng căn bản của sự sống sau cái chết, thì những phát minh khoa học này sẽ bất hợp lý, và thậm chí gây ra thêm nhiều nguy hại.

2/ Bản chất của chúng ta là không sinh không diệt

Sớm vào những năm tháng khi tôi còn tuổi 20, bản thân đã đặt những câu hỏi đại loại như bên cạnh những thay đổi về công việc, tình yêu, tình bạn,… thì chắc chắn phải có một cái gì đó bất biến. Ở những năm tháng này, tôi đã trả lời được câu hỏi đó. Khi thực hành chánh niệm, tôi có cơ hội nhìn vào bên trong tâm mình và thấu suốt sự vận động của nó. Sự vô thường đã xuất hiện ngay bên trong cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Một cái gì khởi lên thì chẳng bao giờ có thể ở đó mãi mãi. Và thực hành chánh niệm chính là một trong những thông điệp sống của chúng ta để đối diện với cái chết bất cứ lúc nào.

Vì tâm thế của bạn trong lúc chết quyết định đến bạn sẽ là ai sau khi chết. Khi biết mình là một người khá nhạy cảm, tôi luôn liên tục theo dõi và quan sát cảm xúc của mình, để bản thân không đồng hóa vào chúng. Đó là một trong những thực hành căn bản và quan trọng để khi đối diện với cái chết, mình cũng rất nhẹ nhõm. Và tất nhiên, đó chỉ đơn thuần là cái chết về mặt thể xác, linh hồn thì bất biến. Và bản chất của chúng ta vốn dĩ là phần sinh lực bên trong.

3/ Đưa tâm về nhà

Cuốn sách sẽ hướng dẫn cho chúng ta về thiền định và thiền quán, cách thức đưa tâm về nhà. Tuy nhiên, như Ngài Sogyal Rinpoche nói, bất cứ phương cách thực hành thiền nào thì hãy bỏ nó, hay để nó tự tan rã, khi bạn thấy mình đã đạt đến một trạng thái bén nhạy, rộng rãi và bình an, rồi tiếp tục an trú, lặng lẽ, không xao nhãng, không cần dùng một phương pháp đặc biệt nào. Tuy nhiên, khi bị phân tán, hãy trở lại sử dụng kỹ thuật để gọi tâm về nhà.

4/ Hiểu về luân hồi và nghiệp

Sự luân hồi được quyết định dựa trên nghiệp của chúng ta. Có nhiều loại nghiệp: nghiệp quốc tế, nghiệp quốc gia, nghiệp đô thị và nghiệp cá nhân, tất cả liên quan mật thiết với nhau, chỉ có người giác ngộ mới hiểu được điều này. Mỗi hành vi hay suy nghĩ, dù nhỏ nhất cũng có thể tạo nghiệp. Chỉ một chút độc dược cũng có thể gây ra cái chết. Có những hậu quả của nghiệp có thể chưa chín, nhưng chúng chắn chắn sẽ chín, khi gặp điều kiện thích hợp. Để trả lời cho câu hỏi tại sao có người trong kiếp này ác mà vẫn sống vui khỏe. Thực ra, hậu quả này chắc chắn sẽ xuất hiện trong một kiếp sống nào đó khác.

5/ Bardo

Phật giáo Tây Tạng có một khái niệm mang tên “Bardo”, nghĩa là một chuyển tiếp hay một khoảng hở giữa sự hoàn tất một trạng huống và sự bắt đầu của một trạng huống khác. Bardo cũng là một danh từ nổi tiếng do sự lừng danh của cuốn Tử Thư Tây Tạng. Ở Tây Tạng, người ta tin rằng có những cách giác ngộ mà không cần thiền bao gồm: nhờ thấy một bậc thầy vĩ đại hay một vật thiêng liêng, nhờ mặc những bức đồ hình Mật tông và thần chú đã được làm phép đặc biệt, nhờ nếm nước thiêng được chú nguyện bởi các bậc thầy trong thời gian tu nhập thất, nhờ nhớ lại sự chuyển di tâm thức, gọi là phowa và nhờ nghe một vài giáo lý sâu xa….

Cuốn sách giới thiệu rất chi tiết về 4 Bardo: Bardo tự nhiên của đời này, bardo đau đớn của sự chết, bardo quang minh của pháp tánh, bardo nghiệp của sự trở thành hay tái sanh. Đây là một phần dài dễ hiểu hơn Tử Tư Tây Tạng nhưng vẫn khá khó nắm bắt, nếu không có sự hướng dẫn trực tiếp của một bậc thầy.

6/ Thấu hiểu tâm lý người chết và tu tập thay họ

Nếu bạn có một người thân mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, thì rất quan trọng để nói cho họ biết rằng họ sắp chết theo một cách lặng lẽ, tử tế, nhạy cảm và khéo léo. Để họ có sự chuẩn bị và đây cũng là cơ hội để họ hòa giải với cuộc đời. Làm sao để người thân trong gia đình không tỏ ra quá đau buồn để người sắp chết ở trong trạng thái tâm bình an một cách kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Đặt mình vào trạng huống của người sắp chết để thấu hiểu họ, để biết rằng tâm lý của họ như thế nào là một điều quan trọng. Bởi cảm xúc của người sắp chết sẽ quyết định rất lớn đến sự tái sanh của họ. Trong cuốn sách này cũng chỉ dẫn cách tu tập thay cho người sắp chết, để giúp người chết trải nghiệm cái chết một cách an lành và có một tái sinh tốt.

7/ Ánh sáng căn bản

Khái niệm ánh sáng căn bản hay Linh quang vào lúc chết là cơ hội ngàn năm một thuở để giải thoát. Ánh sáng căn bản vốn dĩ là bản chất của chúng ta nhưng đã bị khuất lấp bởi những nghiệp mà ta mang. Khi ánh sáng căn bản này ló rạng vào lúc chết, một hành giả có kinh nghiệm sẽ duy trì sự tỉnh giác trọn vẹn và nhờ thế đạt giải thoát.

8/ Trung ấm

Bạn có thể giúp đỡ cho người chết trong giai đoạn trung ấm, tức 49 ngày sau cái chết, và 3 tuần đầu là vô cùng quan trọng. Cách tốt nhất được trình bày là phép chuyển di tâm thức: hãy kêu cầu với chư Phật, các ngài sẽ giúp đỡ bạn. Một khi nghĩ đến người nào đã chết, hãy đọc câu chú Om Mani Padme Hum, tịnh hóa nghiệp để đưa đến tái sanh, hay Om Ami Dewa Hrih, thần chú của đức A di đà. Hoặc làm các việc thiện, ăn chay,… để hồi hướng cho họ.

9/ Cận tử

Một phần quan trọng trong cuốn sách là Cận Tử, mà ngay phương Tây cũng đã quen thuộc, đặc biệt từ cuốn sách Life After Life của nhà triết học lừng danh Raymond Moody, được ông phát hành vào năm 1975, thời điểm phương Tây hoàn toàn mù mờ về khái niệm Cận Tử và nhiều bác sĩ chế diễu cuốn sách của Moody. Ở đây, thầy Sogyal Rinpoche sẽ đưa bạn đi qua các trải nghiệm của những người cận tử là “Bóng tối và đường hầm”, Ánh sáng căn bản, … cùng đó là các câu chuyện thật. Với những người có trải nghiệm cận tử, thì cuộc sống của họ sau đó hoàn toàn khác biệt. Họ thấy cái chết là bình thường và hiển nhiên.


 
Back to top