ART & LIFE

Họa sĩ Đoàn Quốc: “Chắc chắn để uyển chuyển”

Jun 24, 2023 | By Trang Ps

Người ta nói bình an là khi con người biết sống trong thực tại. Nhưng nhìn về quá khứ, không có nghĩa là đánh mất an lạc hiện tiền, mà đôi khi còn là chiếc chìa khóa vô giá để mỗi người chiêm nghiệm thật sâu những giá trị đã từng bị rẻ rúng hay tước đoạt. Khi có dịp chiêm ngưỡng bộ tranh “Như một hoài niệm” của Đoàn Quốc, thật khó để không rơi vào những khoảng lặng nội tại, nơi những tự vấn về tự do, tình yêu và cái đẹp lần lượt bung nở, đôi khi mơ hồ, và cũng có khi trỗi dậy mạnh mẽ.

Có một vị thầy từng căn dặn học trò rằng phải dũng cảm mới có được tình thương vô lượng, bởi thiếu dũng và trí, tình thương chỉ là luyến ái buộc ràng. Giống như một người yêu chim bắt nó nhốt vào lồng vàng son của hắn, tình thương ấy chẳng khác nào ngục tù, và ở đâu có ngục tù, ở đó tự do ngộp thở. Khi thiếu tự do và sáng tạo, thì cánh cửa bình an đích thực đã khóa chặt mất rồi. Trong tôi bỗng phát khởi lời chia sẻ này khi lặng lẽ bước qua từng bức tranh của Quốc. Ở đó, gam màu và cảnh vật lột tả dĩ vãng của những tranh đấu cho tự do và hạnh phúc, nhưng dĩ vãng đó thực chất vẫn ẩn hiện ngấm ngầm và dữ dội bên trong mỗi người hôm nay.

Những cánh bướm phát sáng long lanh trong căn phòng tù túng ánh sáng, những cánh chim chao lượn mỏi mong về một lối thoát nhưng rồi lại thất vọng đậu xuống tê tái cõi lòng và thương xót cho phận đời bất hạnh của chính mình, những chiếc lông chim rơi vương lên bóng lồng in trên sàn nhà,… Ở đâu có ngột ngạt, ở đó có đấu tranh. Ở đâu có cái đẹp, ở đó có mong manh dễ vỡ. Những gam màu nhuốm thăng trầm thời gian trong tranh Quốc cũng góp phần thêu dệt nên những khoảng lặng vô hình trong tâm tưởng người xem, để qua đó, người ta rớt thật sâu vào tiềm thức của chính họ.

Thực tại nghĩa là sự trở về

Con người ngẫm tưởng có thể vũng vẫy khỏi quá khứ, hay có thể hướng đến một tương lai trên dải đất bình an, nhưng bằng cách ấy, họ đã đánh mất đi cái bình an thường tại, nơi chỉ có thể đến được bằng cách trở về mà thấy. Nếu có một ý nghĩa nào đó chân thật nhất về “Như một hoài niệm”, đó chính là lời mời gọi quay về hiện tại nơi mỗi người, để họ thấy ra được dĩ vãng vẫn hiện tiền, và quá khứ không có nghĩa là mất đi, mà vẫn âm ỉ trực trào trong vô thức để mỗi người phải học lại một cách rốt ráo.

Bộ tranh thể hiện cho cuộc trở về của Quốc, nơi anh tái khám phá những hình ảnh giao thời (quá khứ đi đến hiện tại, và vẫn tiếp tục trong tương lai). Đó là những chiếc bình gốm cổ hoa văn xanh lam, chiếc khăn trải bàn thời Pháp, hộp tráp, bao lì xì, những bức tranh phụ nữ xưa ẩn hiện vừa mờ nhạt vừa sinh động, những chiếc bàn gỗ với hoa văn chạm khắc, bộ tứ bình,… Tất cả nhuốm qua hai lớp quan trọng: đó là ý niệm thêm thắt sáng tạo của một người trẻ khi nhìn về “giá trị di sản”, và lớp màu thời gian được thể hiện qua cách chơi ánh sáng vàng dư âm cổ điển, có thể nói là mang hơi hướm hội họa Phục Hưng. Nhưng tinh thần Đông phương đặc sệt trong Quốc khiến cho mỗi tác phẩm không thể hòa lẫn vào một trường phái cụ thể nào.

Hình ảnh bông hoa, đặc biệt là cúc, hồng, sen, và đào xuất hiện nhiều trong bộ tranh này, không chỉ tượng trưng cho cái đẹp vốn luôn gần gũi mộc mạc mà còn là một tinh thần rất mực Việt Nam. Cái đẹp đó đã theo suốt người Việt xưa và nay một thời gian thật dài, không biết từ bao giờ. Những hoa trong tranh của Quốc như tự phát sáng, dù trong lớp màu bụi vàng thời gian, nhưng chúng vừa sinh động vừa lặng lẽ, vừa huyền bí vừa mong manh, vừa tự do và cũng đôi phần ngột ngạt, vừa vươn lên kiêu hãnh vừa rũ xuống mệt nhoài, vừa trong trẻo vừa đục mờ, … Cứ như thể đó là bao thân phận người trong cuộc đời đa đoan, có khi riêng lẻ cô độc, có khi như thể bấu víu vào nhau mà tồn tại. Nhưng đó mới chính là thực tại, một thực tại muôn hình vạn trạng mà chỉ khi biết trở về, ta mới biết đâu là điểm cân bằng, nơi biểu hiện bằng thái độ lặng lẽ quan sát và đón nhận.

Chắc chắn để uyển chuyển

Như Quốc chia sẻ, rèn luyện một cách kiên nhẫn sẽ tạo ra sự nhạy bén, đi từng bước chắc chắn sẽ tạo ra tính nhịp nhàng uyển chuyển. Có lẽ, không chỉ riêng hội họa màu nước, mà trong hội họa nói chung, dục tốc thì bất đạt.

Khác với sơn dầu, màu nước đòi hỏi ở người họa sĩ một trạng thái cân bằng và lặng lẽ xuyên suốt quá trình vẽ tranh, để không vì một cảm xúc mãnh liệt tức thời, mà “vung màu” quá tay. Chính vì thế, sau cuộc thực hành – nghiên cứu tỉ mẩn không chỉ về hình, về bố mục, về sự lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục trong cách kể chuyện, họa sĩ cần “vô tâm”, tức không bị chi phối bởi một cực đoan suy nghĩ lẫn xúc cảm, thì mới có thể đi lối màu mềm mại và nhịp nhàng. Trong tranh Quốc, tính đục – mờ – nhạt làm nền cho sự phát sáng mạnh mẽ và huyền bí nơi nhân vật chính, đôi khi là bông hoa sen, có khi là bông cúc, bông đào, cánh chim,… Chính điều này lại mang đến thẩm mỹ cổ điển sang trọng cho mỗi tác phẩm. Và bằng cách nào đó, lối tiếp cận ấy khiến tranh Quốc như vượt qua ngưỡng cửa thực tại để chạm đến đôi chút huyền bí hay vi diệu. Và phải chăng, thực tại mà chúng ta đang sống vốn luôn ẩn hiện những cung bậc nhiệm màu như thế!

Thực chất màu nước không hạn chế về cách biểu hiện, mà quan trọng là tâm hồn người họa sĩ có đủ giàu có để khai thác cho nó trở nên phong phú hay không. Thật vậy, cái khó của dụng màu nước không phải ở chỗ chất liệu, mà ở điểm cân bằng và nhạy bén của người sáng tạo. Khai thác câu chuyện hấp dẫn là một phần nhưng cũng khó bằng thái độ ứng xử chậm rãi, tinh tường và lặng lẽ.

Khi một tâm hồn đủ hướng về bên trong, nó sẽ khó lòng rung rinh trước những biến động bên ngoài. Có thế, một bức tranh màu nước mới thoát khỏi ý niệm về chất liệu, để được là sự sống sinh động, và chính sự sống đó đang lột tả hay chuyển tải một tinh thần sự sống khác ở trong đa dạng cấp độ nhận thức nơi mỗi người.


Triển lãm cá nhân đầu tiên “Như một hoài niệm” của họa sĩ Đoàn Quốc sẽ diễn ra từ ngày 5/6/2022 tại May Artspace, 36/70 Nguyễn Gia Trí, Phường 25, Bình Thạnh, Tp.HCM.

Họa sĩ Đoàn Quốc.


 
Back to top