Bảo tàng Đạo Mẫu của Xuân Hinh: Dự án bảo tồn văn hóa của người nghệ sĩ
Bảo tàng Đạo Mẫu thuộc sở hữu của nghệ sĩ Xuân Hinh đang là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng kiến trúc sư quốc tế. Xuất hiện trên DesignBoom – ấn phẩm chuyên về lĩnh vực thiết kế công nghiệp, kiến trúc, công trình được giới chuyên môn đánh giá cao cả về lối kiến trúc độc đáo lẫn ý nghĩa văn hóa trong từng chi tiết thiết kế.
Nỗ lực gìn giữ vẻ đẹp truyền thống
Công trình được Arb Architects chịu trách nhiệm thiết kế, nằm “ẩn mình” trong một ngôi làng nhỏ gần thủ đô Hà Nội. Trải rộng trên một khu vực khoảng 5.000 mét vuông, khu đất này có một vườn cây ăn trái 50 năm tuổi bao gồm nhiều loại cây ăn quả, cây thông và cây cảnh.
Cả đội ngũ kiến trúc sư và chủ nhà đều nhất trí bảo tồn tất cả những gì hiện đang “có mặt trên mặt đất”, bao gồm toàn bộ cây cối đã cắm rễ trong vườn, ngôi nhà cổ, hàng rào, cột cổng. Tuy nhiên, những yếu tố “không chạm đất” như cánh cổng đã được thay thế, đồng thời những chậu bonsai cũng đã được bán cho những người đam mê cây cảnh.
Bên cạnh đó, các khối chức năng mới bao gồm khu ở, phòng trưng bày và nhà bếp được bố trí chu đáo xung quanh ngôi nhà cũ, được cải tạo thành nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến Đạo Mẫu. Từ con phố bên cạnh, vườn cây ăn trái cổ thụ như được đóng khung và che giấu cẩn thận sau cổng, tạo nên một kiến trúc vừa tách biệt vừa hài hòa với khung cảnh xung quanh.
Cảm hứng đến từ chất liệu Việt
Với ký ức về các nghi lễ múa cầu siêu và bầu không khí thiêng liêng do khói nhang tạo ra xuyên qua mái ngói của các ngôi đền, kiến trúc sư Nguyễn Hà đã có ý tưởng sử dụng vật liệu nguyên bản, truyền thống.
“Tôi nhớ đến cảm giác thiêng liêng qua làn khói nhang, qua ánh nắng chiều thấm sâu vào bên trong những mái ngói của các ngôi chùa. Từ xa, tôi có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn những đường nét kiến trúc được tạo nên bởi những mái nhà thấp thấp, tựa như một tấm rèm treo duyên dáng, nơi âm thanh của nhạc cụ, động tác múa, trang phục của đồng cốt và cử chỉ cúng dường hội tụ hài hòa trong một khung hình.”
Những viên gạch, miếng ngói đất sét cổ từ những ngôi nhà lịch sử ở các vùng lân cận đều được thu thập cho dự án, phần nào tượng trưng cho cam kết của người nghệ sĩ về việc bảo tồn di sản kiến trúc trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra. Nhờ đó, những viên gạch đất sét từ hàng trăm ngôi nhà cổ đã được bảo tồn và tiếp thêm một sức sống mới thay vì bị bỏ đi. Những giá trị của truyền thống sẽ tiếp tục bước vào một hành trình mới, một hành trình gìn giữ vững chắc những tín ngưỡng dân tộc.
Trong từng chi tiết thiết kể, cả nghệ sĩ Xuân Hinh và nhóm kiến trúc sư ArB Architects đều hướng đến mục tiêu bảo tồn tín ngưỡng của người Việt. Dự án nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo Mẫu, vốn là một hệ thống tín ngưỡng của người Việt nhằm tôn vinh các mẫu nữ thần và khía cạnh huyền bí của nghệ thuật.
Vì vậy, bảo tàng Đạo Mẫu không chỉ bảo tồn di sản kiến trúc mà còn duy trì tinh thần văn hóa phong phú của người Việt thông qua việc tiếp nối các loại hình nghệ thuật truyền thống.