Vén màn bí mật đằng sau công việc “ăn uống” của Thanh tra Michelin
Nếu cả thế giới là một sân khấu thì mỗi ngày chúng ta được bao quanh bởi hàng nghìn vở kịch. Câu chuyện của những thanh tra Michelin có thể được ví như một vở nhạc kịch bom tấn: việc mà ai cũng biết nhưng chỉ một số ít được hưởng “đặc quyền” trải nghiệm phía hậu trường.
Các thanh tra Michelin là những chuyên gia ẩm thực. Mỗi năm họ sẽ đến các nhà hàng trên khắp thế giới để thưởng thức và đánh giá chất lượng để trao sao và đưa địa điểm vào Sách hướng dẫn của Michelin (Michelin Guide). Song song, họ có nhiệm vụ bảo mật danh tính của bản thân, trước cả với gia đình và bạn bè. Và chính Michelin cũng phải nỗ lực giữ kín thông tin thanh tra viên để đảm bảo tính khách quan.
Cũng vì lý do này mà xung quanh công việc tồn tại rất nhiều sự tò mò cũng như lời đồn đoán về nghề nghiệp. Hầu hết mọi người tưởng tượng đó là công việc tốt nhất thế giới – vì đây là công việc được trả tiền để ăn, và còn là được trải nghiệm qua những món ngon nhất trên thế giới, từ nhà hàng địa phương đến nhà hàng sang trọng.
Tuy nhiên, sự thật là việc ăn uống chỉ là một phần nhỏ của công việc. Điều mà hầu hết mọi người không nhìn thấy là đây công việc thu thập dữ liệu và “giám sát hiện trường” cả ngày lẫn đêm. Sau đây là vài chia sẻ của một vị thanh tra Michelin ẩn danh ở châu Á, mang đến cho chúng ta những góc nhìn sâu sắc hơn về những nhiệm vụ hàng ngày mà công việc “đáng ao ước” này đòi hỏi.
“Công việc trước mỗi bữa ăn không phải là chọn ra một bộ đồ đẹp mà là ghi nhớ từng chi tiết nhỏ nhất của nhà hàng.”
Mỗi thanh tra sẽ phải ghé thăm ít nhất tám nhà hàng trong một tuần và dành thời gian để tìm hiểu về các đầu bếp, phong cách, lịch sử cũng như thực đơn ở đó. Ở mỗi thành phố mới, các thanh tra phải làm quen với địa hình và điều này không chỉ dừng lại ở việc đi bộ một vài con đường. Họ cần khám phá và tìm hiểu những khu vực nào tập trung nhiều doanh nghiệp nhất, thường là những khu vực có lịch sử về ẩm thực hoặc những khu phát triển mới.
“Khi đến mỗi vùng miền, chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu về lối sống của người dân địa phương để có thể đề xuất những nhà hàng nổi bật và xứng đáng nhất với khẩu vị và truyền thống ẩm thực của vùng đó.”
Khi dùng bữa, bên cạnh việc thẩm định hương vị, một thanh tra cũng cần quan sát không khí của nhà hàng và thái độ của nhà hàng. Vì không thể tiết lộ danh tính nên họ phải có kỹ năng quan sát và giao tiếp với nhân viên phục vụ để kiểm tra sự thật và hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của cơ sở.
Đối với các thanh tra Michelin, những giờ làm việc dài là điều hiển nhiên. Bình thường, bữa tối có thể kéo dài đến ít nhất 9 hoặc 10 giờ tối, thậm chí một số bữa tối vị thanh tra từng tham gia còn bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều và kết thúc vào lúc gần nửa đêm.
Theo đó, mặc dù giờ làm việc có thể dài, nhưng được đặc quyền ghé thăm nhiều nhà hàng và thử những món ăn mới lạ là một phần tuyệt vời của công việc thanh tra này.
Một công việc cô đơn…
Vị thanh tra cho biết công việc “ăn uống” này không chỉ là về thức ăn mà nó chính là một cơ hội để kết nối với xã hội. “Đó là một dịp để xây dựng mối quan hệ với những người bạn ăn cùng. Khía cạnh xã hội này là một trong những lý do tại sao tôi thích ăn uống”, vị thanh tra bày tỏ.
Tuy nhiên, khi ăn uống đã trở thành một nghề và phải giữ bí mật tuyệt đối thì các thanh tra chỉ có thể đợi đến ngày nghỉ để chia sẻ câu chuyện với bạn bè và gia đình. Thậm chí, trong những năm đại dịch, các biện pháp cách ly cũng như hạn chế đi lại đã buộc các thanh tra phải công tác xa nhà, thậm chí nhiều người còn bị “kẹt lại” ở nước ngoài trong một thời gian dài.
Trở thành một thanh tra đòi hỏi không chỉ một khẩu vị tinh tế và niềm đam mê với ẩm thực, mà còn khả năng đối phó với việc cô đơn.
Đi kèm nhiều lời đồn
Có thể do sự liên quan đến việc ăn uống nhiều mà mọi người tưởng tượng rằng hầu hết các thanh tra viên đều được ăn uống đầy đủ và sở hữu một chiếc “bụng phệ”. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
“Khi bạn biết rằng mình gần như đã đạt được lượng calo vào cuối ngày làm việc, bạn có xu hướng cẩn thận hơn trong chế độ ăn uống hàng ngày và không lãng phí hạn ngạch của mình.”
Để duy trì cảm giác thèm ăn lành mạnh, các thanh tra phải phát triển thói quen ăn sáng và tiêu thụ nhiều vitamin từ các loại trái cây. Ngay cả khi làm việc, họ cũng phải hết sức cẩn thận để không ăn uống quá độ.
Đồng thời, còn có tin đồn trong ngành nhà hàng rằng nơi nào được trao sao Michelin đều phải có một phòng tắm đẹp. Giải thích cho điều này, vị thanh tra thừa nhận rằng mặc dù toàn bộ gói dịch vụ đều có ảnh hưởng đến sự đánh giá tổng thể, nhưng họ vẫn luôn ưu tiên tuyệt đối cho hương vị của thức ăn và sự định hướng rõ ràng trong phong cách của nhà hàng.
Phần thưởng dành cho người vượt qua thử thách
Biến đam mê thành sự nghiệp là điều mà nhiều người chỉ có thể mơ ước và ngay cả khi giấc mơ trở thành hiện thực thì việc tận hưởng thực tế cũng có thể không dễ dàng như tưởng tượng. Tuy nhiên, đối với những người kiên trì thì sau tất cả, phần thưởng nhận được sẽ rất xứng đáng.
“Chúng tôi luôn khám phá ra những điều mới mẻ của việc ăn uống, dù đó là ăn cùng một nhà hàng. Mỗi mùa thay đổi đều mang theo những nguyên liệu riêng nên ngay cả khi đó là cùng một nhà hàng, bạn sẽ luôn khám phá ra điều gì đó mới mẻ mỗi lần ghé thăm.”
Qua công việc, những ai yêu thích ẩm thực sẽ có cơ hội được thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, cũng như khám phá thêm những khía cạnh độc đáo của công việc “đánh giá ẩn danh” này. Được đắm chìm trong thế giới ẩm thực muôn màu chính là phần thưởng lớn nhất đối với các thanh tra viên của Michelin Guide.
Kết lại, công việc của một thanh tra Michelin có phải là một công việc “đáng mơ ước” hay không có lẽ còn phụ thuộc vào góc nhìn và sở thích của mỗi người. Một số người có thể thấy công việc này là một cơ hội tuyệt vời để khám phá thế giới ẩm thực, trong khi số khác có thể thấy công việc này là một gánh nặng và một sự hy sinh. Dù sao, chúng ta cũng cần gửi lời cảm ơn đến những thanh tra Michelin, những người đã làm việc với tâm huyết và chuyên nghiệp, để mang đến cho chúng ta những hướng dẫn ẩm thực đáng tin cậy và chất lượng.