Bất động sản

LUXE ANATOMY | Doanh nhân Khánh Duy và tôn chỉ thành công trong kinh doanh cao cấp

Nov 07, 2024 | By Luxuo Vietnam

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cao cấp, Khánh Duy, Trưởng bộ phận The Private Office tại Savills Việt Nam, luôn tận tâm với nghề, không ngừng hoàn thiện bản thân và dẫn dắt đội ngũ của mình vươn tới đỉnh cao trong ngành.

Trên hành trình chinh phục thành công, anh Nguyễn Khánh Duy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, khả năng tiếp thu kiến thức đa lĩnh vực và kỹ năng lãnh đạo chuyên nghiệp để đồng hành hiệu quả với những khách hàng cao cấp. Dưới sự dẫn dắt của anh, Savills Việt Nam không chỉ thực hiện thành công nhiều giao dịch bất động sản, mà còn xây dựng được mối quan hệ tin cậy và bền vững với khách hàng, góp phần khẳng định vị thế đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở.

Trong cuộc trò chuyện với podcast LUXE ANATOMY, anh Nguyễn Khánh Duy đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về con đường dẫn đến thành công trong ngành bất động sản cũng như lĩnh vực kinh doanh cao cấp. Với những trải nghiệm phong phú và bài học quý báu từ chính hành trình của mình, anh Khánh Duy mang đến những thông điệp giá trị, giúp các nhân sự trong ngành nắm bắt bí quyết để vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp.  

Xin chào anh Khánh Duy! Với trọng trách và áp lực lớn từ công việc của một nhà lãnh đạo, động lực nào giúp anh duy trì tinh thần làm việc tích cực và năng suất mỗi ngày?

Để duy trì động lực trong guồng quay công việc áp lực, điều quan trọng nhất đối với tôi chính là niềm đam mê. Có câu nói rằng, ‘Khi làm việc với đam mê, ta không cần phải đi làm ngày nào, vì mỗi ngày đều là sống với đam mê.’ Đam mê ấy mang lại ý nghĩa sâu sắc, giúp tôi không ngừng học hỏi và khám phá những kiến thức mới, đón nhận các thử thách trong công việc dù đã gắn bó nhiều năm.

Bên cạnh đó, tôi tin rằng, trải nghiệm và năng lượng của mình không nên chỉ giữ cho riêng bản thân mà cần được lan tỏa đến những thế hệ tiếp nối. Chính nhờ đam mê và tinh thần đồng hành trong phát triển đội ngũ mà tôi luôn giữ được nhiệt huyết, bất kể áp lực có lớn thế nào.

Theo anh, một nhân tài của ngành bất động sản nói chung và của công ty mình nói riêng thì sẽ hội tụ những yếu tố nào?

Trước hết, uy tín là nền tảng quan trọng nhất trong hành trình phát triển nghề nghiệp. Uy tín không chỉ thể hiện qua việc giữ đúng lời hứa mà còn là cam kết bền bỉ với khách hàng. Thực tế, thị trường hiện tại vẫn tồn tại tình trạng hứa hẹn hỗ trợ sau ký hợp đồng nhưng biến mất sau khi nhận hoa hồng. Một nhân tài thực sự sẽ luôn duy trì cam kết và chăm sóc khách hàng lâu dài, xây dựng niềm tin và mối quan hệ bền vững.

Thứ hai, không ngừng học hỏi và phát triển bản thân là yếu tố không thể thiếu. Trong bối cảnh công nghệ và thị trường thay đổi nhanh chóng, việc cập nhật kiến thức từ trong và ngoài nước, đặc biệt là kiến thức về luật, công nghệ mới như AI, sẽ giúp họ giữ vững lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, nhân tài cần có hiểu biết đa chiều về các lĩnh vực liên quan như golf, hàng xa xỉ, xe hơi và thời trang, giúp họ nâng cao giá trị và tạo sự kết nối sâu sắc hơn với khách hàng.

Cuối cùng, kỹ năng lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng sự nghiệp bền vững. Một nhân tài có thể đạt thành tích cá nhân xuất sắc, nhưng để phát triển lên vai trò lãnh đạo thực thụ, họ cần học hỏi, rèn luyện và sẵn sàng vượt qua thử thách. Ba yếu tố này – uy tín, khả năng học hỏi và kỹ năng lãnh đạo là nền tảng không thể thiếu để xây dựng nhân tài vững mạnh trong ngành bất động sản.

Vậy anh làm cách nào để giữ chân những nhân tài đó, đặc biệt khi các đối thủ cạnh tranh cũng đang ráo riết tìm kiếm những người có năng lực tương tự?

Trong ngành bất động sản, việc giữ chân nhân tài là một trong những thử thách lớn đối với tất cả các tổ chức hiện nay. Theo tôi, thay vì tập trung vào việc tìm cách giữ chân họ, cần hướng đến việc đồng hành cùng họ trong quá trình phát triển sự nghiệp. 

Đối với ngành bất động sản, quan điểm đúng đắn là giữ chân nhân tài càng lâu càng tốt. Để đạt được điều này, đầu tiên cần tạo ra một lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng, nơi họ có thể nhận thấy khả năng của bản thân, hiểu được những gì cần học hỏi, và nắm được các mốc thời gian để đạt được thành tựu mong muốn. Điều này rất quan trọng vì nó giúp nhân sự thấy được tương lai của mình khi gắn bó với doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng đồng hành lâu dài.

Bên cạnh việc xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng, tổ chức cần tạo dựng một môi trường làm việc lành mạnh, nơi không khí luôn vui vẻ, tích cực, để mỗi ngày đi làm là một niềm hứng khởi. Thay vì băn khoăn ‘Hôm nay có nên đi làm không?’, nhân viên sẽ cảm thấy hào hứng với suy nghĩ ‘Hôm nay tôi sẽ gặp đồng nghiệp và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích và mang đến những giá trị tốt cho khách hàng của mình.’

Cuối cùng, sự công bằng trong việc khen thưởng và đánh giá hiệu quả công việc là yếu tố then chốt. Khi nhân viên nhận được sự ghi nhận xứng đáng, họ sẽ có thêm động lực để gắn bó và phát triển cùng doanh nghiệp lâu dài.

Gần đây nhất, lời khuyên mà anh dành cho một nhân viên thân cận của mình là gì?

Đối với một nhân viên thân cận của mình, tôi nghĩ lời khuyên dành cho người đó là không được bỏ cuộc. Câu nói này như một phương châm sống, sẽ giúp bất kỳ ai khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn hay thử thách, dám đón nhận và kiên trì vượt qua. Ngày hôm nay, ta có thể không đi, nhưng điều đó không có nghĩa ngày mai ta không thể bước tiếp. Ngày mai, chúng ta mệt mỏi, vẫn có thể dừng lại nghỉ ngơi hoặc đi chậm hơn. Có người hoàn thành quãng đường 100km trong 10 ngày, trong khi bạn có thể gặp nhiều thử thách hơn và chỉ đi 10km mỗi ngày, nhưng 10 ngày sau, bạn cũng sẽ đến đích. Người gặp khó khăn hơn nữa có thể chỉ đi 1km mỗi ngày, nhưng 100 ngày sau cũng sẽ tới. Điều quan trọng là đừng bỏ cuộc và vẫn tiếp tục tiến lên.

Không chỉ là lời khuyên dành cho nhân viên, tôi cũng tự nhắc nhở mình rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kỳ mục tiêu, giấc mơ, cuộc sống nào, không bao giờ được bỏ cuộc.

Theo anh, đâu là tố chất của những nhà lãnh đạo thành công? 

Trong hơn 20 làm việc, tôi đã từng công tác với nhiều tổ chức trong nước, ngoài nước, và cả các công ty quốc tế, đa quốc gia. Có những nơi đội ngũ dẫn dắt lên tới hàng trăm người, nhưng cũng có nơi chỉ là một đội ngũ vài người. Dù ở bất kỳ quy mô nào, tôi đều có cơ hội tiếp xúc với những nhà lãnh đạo và nhà quản lý và đúc kết được những tố chất cần thiết cho một nhà lãnh đạo thành công.

Thứ nhất, họ phải có bộ óc chiến lược. Điều này có nghĩa là một nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng để dẫn dắt đội ngũ của mình đi đúng hướng và chạm đến thành công. Giống như một người thuyền trưởng, dù có nhiều thủy thủ giỏi, nhưng nếu người đầu tàu không xác định được hành trình phải đi từ điểm A đến điểm B, con tàu sẽ chỉ đi lòng vòng mà không bao giờ đến đích. Chính bộ óc chiến lược giúp người lãnh đạo có thể thay đổi chiến lược, điều chỉnh định hướng của công ty phù hợp với bối cảnh kinh tế và môi trường cạnh tranh.

Thứ hai, khả năng dẫn dắt và gắn kết đội nhóm là yếu tố không thể thiếu. Một nhà lãnh đạo không chỉ cần truyền lửa mà còn phải biết cách truyền đạt ý tưởng, thúc đẩy và khuyến khích mọi người cùng hướng đến mục tiêu chung. Lãnh đạo không chỉ là chỉ đạo, mà còn là khả năng đồng hành cùng đội nhóm, vượt qua thử thách để cùng đạt đến thành công.

Cuối cùng, đạo đức là phẩm chất cốt lõi của một nhà lãnh đạo. Không thể xây dựng đội ngũ mạnh nếu người đứng đầu thiếu đạo đức. Một lãnh đạo giỏi cần có tâm, luôn làm điều đúng đắn và hướng đến sự minh bạch, chính trực trong mọi hành động. Họ phải hỗ trợ đội nhóm đạt được mục tiêu kinh doanh một cách bền vững, không dựa vào mưu mô hay thủ đoạn. Thiếu đạo đức, người lãnh đạo sẽ khó có thể dẫn dắt đội ngũ mình đến thành công thực sự.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ vô cùng đắt giá!

THEO DÕI BUỔI TRÒ CHUYỆN CÙNG DOANH NHÂN KHÁNH DUY TẠI PODCAST “LUXE ANATOMY” DƯỚI ĐÂY:

Bài viết: Bình An
Theo Thị trường & Thương gia


 
Back to top