ART & LIFE

Có Ngôi Nhà Ở Trong Ta: Cuộc dò tìm những ký ức nguồn cội từ kiến trúc

Nov 30, 2024 | By Ton Binh

Một căn nhà, một nơi chốn, một đời người, một ký ức – Với lợi thế của một người đọc và tra cứu sâu về các xu hướng, trường phái kiến trúc thế giới, tác giả của cuốn sách “Có ngôi nhà ở trong ta” – Kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt đã phần nào giúp độc giả tiếp cận những câu chuyện thú vị, về cách mà kiến trúc nhà ở đã và đang âm thầm thay đổi nếp sống của chúng ta.

Trong bài viết này, chúng ta đến với “căn nhà” mà Bùi Thúc Đạt đặt người đọc ở vị trí trung tâm với những mối quan tâm muôn thủa.

Sự đa dạng trong xu hướng nhà ở ngày nay có lẽ bắt nguồn từ khả năng tiếp cận thông tin. Nếu như trước đây chủ đầu tư của những năm 80 chỉ có thể tiếp cận được hình ảnh nhà ở kiểu cổ điển Châu Âu, thì giờ đây việc lựa chọn kiểu dáng cho nhà ở đã trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Bức tranh đa dạng trong xu hướng nhà ở tại Việt Nam có thể xem là kết quả từ sự nỗ lực miệt mài của giới truyền thông kiến trúc trong hơn 40 năm qua. Cái đẹp, hay những quan điểm mới trong và ngoài nước đã được mang đến với đại chúng thông qua sách, báo hay tạp chí. Việc tham khảo các xu hướng thiết kế và hình ảnh nhà đẹp vẫn là nhu cầu quan trọng khi xây làm nhà. Vì vậy những thông tin chuyên môn có chất lượng vẫn sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình định hình xu hướng nhà ở tương lai.

“Việc xây dựng các công trình nhà ở gần như diễn ra liên tục, đặc biệt là tại đô thị lớn. Vì vậy, kiến trúc nhà ở dễ dàng cập nhật những phong cách mới và có khả năng định hình xu hướng kiến trúc cho một thời kỳ. Dựa vào kiến trúc của những ngôi nhà chúng ta có thể phần nào “đọc vị” được bối cảnh kinh tế – xã hội của một giai đoạn. Nhìn lại các xu hướng kiến trúc nhà ở đã định hình tại Việt Nam, không thể bỏ qua những ngôi nhà trang trí kiểu phương Tây, một phong cách thịnh hành vào cuối thập niên 80 đến những năm 2000. Đây là xu hướng được định hình trong bối cảnh xã hội chuyển giao từ thời kỳ bao cấp sang kinh tế thị trường. Câu chuyện của giai đoạn kiến trúc này cung cấp cái nhìn bao quát về việc một xu hướng nhà ở sẽ được định hình như thế nào? Câu trả lời từ quá khứ sẽ là một phản chiếu khả dĩ về quy luật hình thành các xu hướng nhà ở trong tương lai.”

Con người sống bên trong ngôi nhà, nhưng đồng thời, ngôi nhà cũng “sống” bên trong con người.

Mối quan hệ đó là sự tương hỗ giữa nghệ thuật và kiến trúc. Từ cách tiếp cận mang tầm phổ quát, tác giả đã diễn giải nhận định từ những nghiên cứu lịch sử và dòng chảy văn hóa, chẳng hạn: Góc nhìn mới và nhu cầu mới có thể xem là hai yếu tố định hình một xu hướng nhà ở. Điều này thể hiện ra tương đối rõ nét vào những năm cuối thế kỷ 20 tại Việt Nam. Nổi bật vào thời gian đó là kiểu nhà ở trang trí bằng các chi tiết cổ điển phương Tây.

“Nghiên cứu của cô Caroline Herbelin, giảng viên Đại học Toulouse II-Jean Jaurès đăng trên tập san khoa học ABE Journal số tháng 3 năm 2013, là một trong những nghiên cứu hiếm hoi của các học giả phương Tây về xu hướng kiến trúc này. Trong nghiên cứu của mình, cô Caroline cho rằng xu hướng nhà ở trang trí bằng các chi tiết cổ điển Châu Âu bắt đầu nở rộ từ sau thời kỳ Đổi Mới. Thông qua việc phỏng vấn chủ nhân của các ngôi nhà này, nghiên cứu đã cho thấy nguyên do chính trong việc lựa chọn phong cách cho nhà ở lúc bấy giờ. Cụ thể, mục đích phổ biến nhất cho việc trang hoàng nhà cửa bằng các chi tiết cổ điển là để chứng tỏ chất lượng công trình. Đa phần chủ nhà đều quan tâm nhiều hơn tới sự tân tiến và vững chắc của kết cấu, mà ít suy xét về phong cách của ngôi nhà. Vì thế, khi mà các mẫu biệt thự cổ điển Châu Âu thường xuyên xuất hiện trong quảng cáo của những công ty xây dựng thời kỳ đó, thì việc lựa chọn kiểu nhà với mái vòm và các thức cột cổ điển cũng là một cách bảo chứng về chất lượng xây dựng. Điều đó vô hình trung tạo ra một góc nhìn mới về hình ảnh ngôi nhà chất lượng cao…”  – Trích Nhà Việt, theo dòng thời gian.

Song hành cùng các lược khảo cụ thể và cô đọng, tác giả cho thấy ngôi nhà từ lâu đã không còn dừng ở chức năng ở, một nơi trình bày quan niệm tiện nghi – mà mỗi chi tiết, cách cấu trúc nội thất, ngoại thất, ánh sáng, màu sắc… và xa hơn, cả sự hiện hữu của nó trong bối cảnh rộng của nơi chốn – còn là ký ức, sự chuyển dịch thẩm mỹ, di sản văn hóa phóng chiếu tâm thế sống của con người trong diễn trình lịch sử.

“Thế kỷ 21 chứng kiến sự bùng nổ trong xây dựng tại các đô thị Châu Á. Trong đó, các quốc gia phát triển tại Đông Nam Á đang kiên trì với chính sách khẳng định bản sắc mới thông qua kiến trúc nhiệt đới. Singapore nổi lên từ những năm 1990 như là trung tâm của kiến trúc Nhiệt đới và quảng bá phong cách sống của Châu Á đương đại cho người tiêu dùng toàn cầu… Đi qua thời hoàng kim của giai đoạn kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới, kiến trúc Việt Nam đương đại đang nhìn nhận bản sắc kiến trúc theo một cách riêng vốn có với những công trình công cộng đặc tả hoa sen, các nông cụ truyền thống hoặc nón lá. Đây có lẽ là cách tiếp cận trực quan nhất khi nhắc đến bản sắc. Tuy vậy, việc khuyến khích áp dụng kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới một cách bài bản như cách Singapore và Malaysia đang thực hiện vẫn có thể xem là một bài học tốt về việc tạo ra kiến trúc có bản sắc và có trách nhiệm với các vấn đề của thời đại, trong đó có như giảm phát thải trong xây dựng – vận hành, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả…” – Trích Nhìn về tương lai.

Hầu hết những bài viết trong cuốn sách đều được dẫn chứng từ ý kiến, công trình của giới chuyên gia kiến trúc thế giới được tác giả đúc kết và đưa vào trang viết với mật độ cao nhưng khá tự nhiên, nhuần nhị và từ đó, hướng tới một “khoanh vùng” gần gũi, thiết thực: không gian sống, hình thái kiến trúc hay di sản văn hóa kiến trúc các vùng miền tại Việt Nam, đặc biệt là gợi mở cách ứng xử trách nhiệm với di sản văn hóa kiến trúc tại các đô thị trong cơn lốc san phẳng, đổi thay theo chiều hướng thực dụng.

Kiến trúc là một lĩnh vực của nghệ thuật và khoa học, góp phần định hình cuộc sống của chúng ta, vì thiết kế là mơ tưởng về tương lai và là dấu ấn của quá khứ.

Có ngôi nhà ở trong ta cũng góp phần giúp độc giả Việt tiếp cận đến các công trình kỳ vĩ của thế giới, những kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tên tuổi của thế giới… Để từ đó, người đọc có thể tự mở ra “cánh cửa” cho riêng mình để suy tưởng, chiêm nghiệm về một thế giới đa dạng, phức tạp và màu sắc, vẫn còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và từ đó, trong hành trình lần tìm và chấp nhận sự thay đổi, phát triển lẫn biến đổi của nhà ở, nơi sinh sống và trưởng thành của mỗi người – cũng là con đường về bên trong mình, tìm về giá trị nguyên bản và cốt lõi không thể rời khỏi như nguồn cội, dân tộc… như xu thế quay về phía những ngôi nhà nhiệt đới với mái vươn xa, tường lam gió và những tán cây xanh.

Ngoài ra, người đọc cũng sẽ tìm thấy các bài báo khoa học, giải thưởng uy tín, những ý kiến, công trình của giới chuyên gia kiến trúc thế giới được tác giả đúc kết và đưa vào trang viết với mật độ cao nhưng khá tự nhiên, nhuần nhị và từ đó, hướng tới một “khoanh vùng” gần gũi, thiết thực: không gian sống, hình thái kiến trúc hay di sản văn hóa kiến trúc các vùng miền tại Việt Nam, đặc biệt là gợi mở cách ứng xử trách nhiệm với di sản văn hóa kiến trúc tại các đô thị trong cơn lốc san phẳng, đổi thay theo chiều hướng thực dụng… Hay các câu chuyện thời sự kiến trúc và quy hoạch gây tranh cãi, đều được tác giả Bùi Thúc Đạt dẫn giải như là các điển cứu từ trục nhìn riêng, có trang bị chuyên môn, với một lối viết lý tính, điềm tĩnh, nhiều thú vị và bất ngờ.

Ngôi nhà luôn biến đổi theo dòng thời gian, được khởi nguồn từ cách sống và ngược lại, tạo ra “tương tác mới mẻ cho con người sống bên trong nó” – như nhận định của cố Thủ tướng Anh –  Winston Churchill được tác giả nhắc đến trong bài viết: Chúng ta định hình các tòa nhà, và sau đó, chúng định hình lại ta. Và hãy thử một lần tìm kiếm “ngôi nhà bên trong bạn” cùng cuốn sách này.

Có ngôi nhà ở trong ta (Phanbook & NXB Dân Trí) là tập tản văn kiến trúc của tác giả Bùi Thúc Đạt – một kiến trúc sư trẻ đang sống tại TP. HCM, đã và đang tham gia nhiều dự án kiến trúc trong và ngoài nước. Đồng thời, anh cũng là chủ nhân của kênh “Giả thuyết kiến trúc” với những chủ đề về lịch sử và sự kiện kiến trúc đương đại, với góc nhìn chuyên môn nhưng được diễn giải một cách gần gũi và dễ tiếp cận với độc giả quan tâm đến kiến trúc, dù không hoạt động trong lĩnh vực này. Cuốn sách có hai phần: Nhà: trong, ngoài, trước, sau và Hình thái, Hình và thái.


 
Back to top