THE WOMAN 100 / Beauty Business

The Luxe Anatomy Podcast: Chie Nguyễn và phong cách lãnh đạo “trao quyền” trong ngành bán lẻ cao cấp

Dec 23, 2024 | By Luxuo Vietnam

Ở mùa thứ nhất của LUXE Anatomy Podcast – Series trò chuyện về nhân lực Việt Nam trong ngành hàng cao cấp tại Việt Nam, cùng chúng tôi gặp ở chị Chie Nguyễn. Với hơn một thập kỷ hoạt động trong ngành kinh doanh xa xỉ, chị Chie Nguyễn, Quản lý thương hiệu cao cấp của Guerlain, đã khẳng định tài năng và tầm nhìn của mình qua việc định hình thành công dấu ấn thương hiệu sắc đẹp Pháp trên thị trường Việt Nam.

Trên hành trình “đi ngược sóng” cùng Guerlain, chị Chie Nguyễn khẳng định rằng thành công hôm nay không thể đạt được nếu thiếu sự đồng lòng và gắn kết của cả đội ngũ. Với tư duy tích cực và tầm nhìn sâu rộng, chị không chỉ truyền tải xuất sắc giá trị cốt lõi của Guerlain đến khách hàng mà còn dẫn dắt thương hiệu ngày càng mở rộng và khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ xa xỉ Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện cùng podcast LUXE ANATOMY, chị Chie Nguyễn đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc về phương pháp quản trị nhân sự hiệu quả, đồng thời mở ra những góc nhìn thấu đáo về ngành bán lẻ xa xỉ. Những chia sẻ của chị không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn trở thành bài học đắt giá cho nhân sự mong muốn vươn xa trong ngành công nghiệp đầy thách thức này. 

Xin chào chị Chie Nguyễn! Trong thời buổi kinh tế đầy biến động, làm thế nào để một nhà lãnh đạo có thể luôn “giữ lửa” cho đội ngũ của mình trước bất cứ hoàn cảnh nào?

Với vai trò là một người lãnh đạo, tôi luôn ý thức rằng giữ vững tinh thần lạc quan là điều cốt yếu để đội ngũ có thể tin tưởng và vững vàng cùng tôi vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn. Trong giai đoạn hậu COVID-19 vừa qua, cả thế giới đã chứng kiến những khó khăn chồng chất lên mọi ngành, và ngành xa xỉ cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong ngành, tôi vẫn phải đối mặt với những thách thức chưa từng gặp phải trước đây. 

Chính vì vậy, để giữ lửa cho đội ngũ, điều đầu tiên tôi làm là nuôi dưỡng niềm tin bất diệt rằng tình hình sẽ khả quan hơn và đội ngũ của tôi sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Tôi không ngừng lan tỏa niềm tin ấy đến từng thành viên trong đội ngũ, khuyến khích họ hướng về tương lai với sự lạc quan và hy vọng. Bởi tôi tin rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi chúng ta giữ vững niềm tin, chúng ta sẽ vượt qua được mọi thử thách. 

Bên cạnh đó, tố chất lạc quan vốn có của tôi đã giúp tôi dẫn dắt và đồng hành cùng đội ngũ vượt qua thời kỳ chán nản của mỗi thành viên, giúp họ giữ vững nhiệt huyết và sẵn sàng bước tiếp cùng thương hiệu trên hành trình phát triển.

Guerlain là một thương hiệu với di sản trăm năm, vậy làm thế nào để các nhân viên có thể thấu hiểu và truyền tải câu chuyện ấy đến khách hàng một cách truyền cảm hứng nhất?

Thành thật mà nói, các quản lý thường thấu hiểu câu chuyện thương hiệu rất nhanh, nhưng điều khó khăn nhất là làm sao để các nhân viên bán hàng, những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, có thể hiểu và truyền tải được một kho tàng di sản 200 năm. Để giải quyết điều này, tôi đã triển khai một số hoạt động mà có thể các thương hiệu khác chưa thực hiện. Một trong những hoạt động nổi bật là việc gửi nhân viên đi học hỏi ở nước ngoài. Chính những trải nghiệm này đã tạo động lực để các bạn yêu mến thương hiệu hơn. Qua các buổi gặp gỡ với các nhân sự hàng đầu tại khu vực và toàn cầu, các bạn cảm thấy tự hào khi làm việc với thương hiệu.

Bên cạnh đó, tôi cũng liên tục chia sẻ các câu chuyện thương hiệu qua các sự kiện và buổi đào tạo, giúp nhân viên hiểu sâu hơn về giá trị thương hiệu. Đến nay, tôi có thể tự hào nói rằng nhân viên của tôi được khách hàng khen ngợi rất nhiều. Họ nhận xét các bạn rất dễ thương, thanh lịch theo phong cách Pháp, và mặc dù đôi khi câu chuyện các bạn kể chưa hoàn chỉnh, nhưng khách hàng có thể cảm nhận được sự nhiệt huyết và đam mê mà các bạn truyền tải. Đây chính là cách tôi “break the rules”, thay vì quản lý được đi học trước thì tôi sẽ để các nhân viên khác đều được học những kiến thức giá trị như vậy.

Chị có băn khoăn rằng khi gửi nhân viên đi học như vậy, họ có thể sẽ không tiếp tục đồng hành cùng Guerlain sau khi quay về không?

Ngay từ ban đầu, tôi luôn quan niệm rằng nếu không cho đi, tôi sẽ không nhận lại. Chính vì vậy, tôi luôn mở lòng và chia sẻ cơ hội với các nhân viên. Một ví dụ điển hình là khi chúng tôi mở flagship store tại Hà Nội, tôi đã cử hai bạn nhân viên đi học một khóa đào tạo kéo dài hai tuần về kỹ thuật “facial massage” đặc trưng của Guerlain. Vào thời điểm đó, cửa hàng còn chưa chính thức hoạt động và chúng tôi chưa có cơ hội làm việc trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, tôi quyết định cho các bạn đi học tại một quốc gia khác, dù không yêu cầu ký kết bất kỳ hợp đồng hay cam kết nào. Tôi tin rằng, nếu không cho đi, tôi sẽ không thể nhận được sự gắn bó và trung thành từ các bạn. Và đến nay, khi các bạn vẫn gắn bó với tôi, tôi xem đó là một thành công lớn.

Với các nhân viên trẻ thuộc thế hệ Gen Z, chị có bí quyết nào để thuyết phục các bạn đồng hành lâu dài cùng mình trên hành trình chinh phục thị trường xa xỉ không?

Để giữ chân những nhân viên trẻ, điều quan trọng là phải biết được những thử thách mà họ đang phải đối mặt. Khi làm việc, có những bạn trẻ yêu thích sự năng động, sáng tạo và sự đổi mới không ngừng. Với những nhân viên như vậy, tôi sẽ giao những nhiệm vụ đòi hỏi sự chinh phục, chẳng hạn như tổ chức một sự kiện độc đáo, khác biệt so với những gì đã có trên thị trường. Điển hình, đối với đội ngũ marketing, dù các bạn còn rất trẻ nhưng tôi luôn đặt ra những yêu cầu: ‘chị không bao giờ muốn lặp lại những gì mà các thương hiệu khác đã làm’. Dù các bạn có thể rất nhanh nhạy và giỏi giang, nhưng khi đối mặt với những thách thức đó, điều cần thiết là phải quan sát và đúc kết bài học từ những gì đã có trên thị trường. Khi đưa ra đề xuất, các bạn phải đảm bảo rằng đó là một ý tưởng mới mẻ, chưa từng được thương hiệu nào thực hiện trước đây. Chẳng hạn, Guerlain đã tổ chức sự kiện tại những địa điểm chưa từng có thương hiệu nào khác lựa chọn. Đây là thử thách mà tôi thường đặt ra để các bạn trẻ tự khám phá và vượt qua giới hạn của bản thân. Dù các bạn có thể giỏi trong một lĩnh vực, tôi sẽ yêu cầu các bạn thử sức trong những lĩnh vực khác để phát triển toàn diện hơn.

Theo chị, danh tiếng của một người dẫn đầu quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?

Theo tôi, danh tiếng của một cá nhân đối với doanh nghiệp giống như một con dao hai lưỡi. Một người lãnh đạo thực sự biết suy nghĩ vì lợi ích của doanh nghiệp sẽ biết cách dung hòa giữa danh tiếng cá nhân và danh tiếng của công ty. Điều này đặc biệt quan trọng khi làm việc cho một thương hiệu quốc tế, nơi người lãnh đạo chỉ đồng hành trong một giai đoạn nhất định. Khi rời đi và để lại di sản cho thế hệ sau, thương hiệu đó vẫn cần phải tiếp tục phát triển bền vững. Khách hàng và đội ngũ nhân viên cần cảm thấy sự gắn kết của họ với thương hiệu, chứ không chỉ với cá nhân người lãnh đạo. 

Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn có quyền quyết định mọi thứ theo cách của mình. Tuy nhiên, khi làm việc dưới vai trò người làm thuê, điều quan trọng là biết dung hòa và ưu tiên thúc đẩy đội nhóm cũng như thương hiệu của mình phát triển, đồng thời giữ sự xuất hiện một cách chừng mực và hợp lý.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ vô cùng quý giá!

THEO DÕI BUỔI TRÒ CHUYỆN CÙNG MRS. CHIE NGUYỄN TẠI PODCAST “LUXE ANATOMY” DƯỚI ĐÂY:

Bài viết: Bình An
 Theo Thị trường & Thương gia


 
Back to top