Business of Luxury: Chanel đầu tư vào 26 xưởng thủ công truyền đời
Trong khi những nhà mốt hàng đầu khác đầu tư vào các trang trại cá sấu, thì thương hiệu Chanel vẫn vững tin vào khoản đầu tư cho những xưởng thủ công ở trong và ngoài Paris.
Giới mộ điệu vừa chứng kiến màn trình diễn BST Chanel Métier d’Art Paris-New York lấy cảm hứng từ văn hóa Ai Cập cổ đại vào giữa tháng 12 năm ngoái, đây là một trong những BST được đánh giá là một trong những show diễn xuất sắc nhất tôn vinh tay nghề thủ công cao cấp của các nghệ nhân thủ công Paris của Chanel.
Sau màn trình diễn ngoạn mục, các xưởng thủ công trong và ngoài Paris lại đâu vào đấy, các nghệ nhân tiếp tục cường độ làm việc cao, để chuẩn bị cho show diễn Haute couture vào tháng sau. Họ giữ sự im lặng trong không gian nhà xưởng, lặp đi lặp lại những thao tác quen thuộc trên chất liệu da, lông và kể cả những chi tiết nhỏ như khuy áo cho đến khi mọi việc hoàn tất.
Bao đời nay, Chanel vẫn luôn là đề cao sự hoàn hảo, trước hết, thể hiện ở những tiểu tiết. Nhà mốt mang tới những tác phẩm Haute couture vượt thời gian, nhưng khi quan sát các xưởng thủ công của họ, các nghệ nhân mới chính là người nghệ sĩ tuyệt vời “đứng âm thầm sau ánh đèn sân khấu”.
Tài sản quý giá nhất mà Chanel sở hữu
Paris từng nổi tiếng với hàng ngàn xưởng thủ công, từ chế tác trang sức, mũ, găng tay, giày, thêu đến rất nhiều sản phẩm khác đòi hỏi hàng ngàn giờ làm việc miệt mài bằng đôi tay khéo léo và tỉ mỉ. Nhưng đứng trước thử thách của thời gian, chỉ có một vài các phân xưởng duy trì hoạt động đến bây giờ.
Gabrielle Chanel từng hợp tác với một trong số đó, và khi Karl Lagerfeld kế nhiệm vị trí, “bố già thời trang” tiếp tục củng cố những mối quan hệ này. Kể từ đó, nhà mốt đã có đến 26 phân xưởng métier d’art được điều hành bởi công ty con Paraffection. Hầu hết họ đều là người Pháp, trong đó có một chuyên gia cashmere đến từ Scotland và xưởng da ở Tây Ban Nha.
Việc mua lại những phân xưởng này giúp tăng hiệu quả về mặt tài chính, và bằng cách lựa chọn tỉ mỉ đồng thời đánh giá vai trò không thể thiếu của những phân xưởng này, Chanel chắc chắn đảm bảo tương lai nghề thủ công.
Bruno Pavlovsky, Chủ tịch thương hiệu thời trang Chanel khẳng định, họ đang cùng nhau xây dựng một quá trình làm việc có tính hỗ trợ mạnh mẽ về sáng tạo. Trong khi những nhà mốt khác đang đầu tư tiền bạc vào những nông trại cá sấu thì Chanel chuyển sang đầu tư vào các nhà xưởng như Atelier Montex nhằm tạo ra những chế tác bằng tay còn quý giá gấp bội những khoản đầu tư xa xỉ khác. Ông chia sẻ: “Những nghệ nhân và các xưởng thủ công là một phần trong DNA của thương hiệu, và là một trong những tài sản quý giá nhất mà Chanel sở hữu. Kể từ năm 20102, BST Métiers d’Art đầu tiên được tổ chức, và chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh tôn vinh ngành nghề thủ công của Paris này”.
“Chanel sẽ không có được ngày hôm nay hoặc thậm chí không thể xây dựng tiếng tăm nếu không có những nghệ nhân, những xưởng thủ công đặc biệt ấy”. – Bruno Pavlovsky.
Từ Maison Lesage, Maison Michel đến flagship Métiers d’Art năm 2020
Ngày nay, ngoài việc luôn chiếm lĩnh sự chú ý nhờ việc dàn dựng và trình diễn từ Paris, New York, Tokyo đến Thượng Hải, Métiers d’Art đang trở thành một trong những BST phát triển mạnh mẽ nhất của Chanel cả về doanh thu. Các phân xưởng vẫn hoạt động hết công suất với nhiều nghệ nhân tài năng ở độ tuổi dưới 30. Sắp tới đây, Chanel tiếp tục xây dựng flagship Métiers d’Art rộng đến 26.000m2 ngoài phạm vi Paris dưới tay nghề thiết kế lão làng của kiến trúc sư Rudy Ricciotti, dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2020.
Nhằm tạo ra những tác phẩm ngoạn mục khác trong tương lai, các phân xưởng được nâng cấp và trang bị nhiều công nghệ mới kết hợp với các công cụ, phương pháp đã được thử nghiệm như biến đổi bề mặt vải lụa bẳng laser.
Hubert Barrère, giám đốc nghệ thuật của Maison Lesage chia sẻ rằng việc tiếp cận các công nghệ mới giúp họ tạo ra những chất liệu chưa từng có trước đây và thậm chí có thể tạo ra những “aesthetic” (thẩm mỹ) mới bằng cách pha trộn những thứ mà thông thường, người ta không nghĩ chúng có thể kết hợp.
Ông lấy ví dụ về miếng vải thêu từ bộ sưu tập năm 2015 là những ô vuông plastic được in 3D phủ bằng ren. Đấy là một báu vật trong kho lưu trữ của nhà Masion Lesage, được đánh giá là kho báu đồ thêu couture lớn nhất thế giới với 75,000 mẫu vật được sưu tầm từ năm 1858 (khi thương hiệu ra đời) đến hôm nay.
Aska Ymashita, người từng chế tác cổ áo đính cườm dành riêng cho Pharrell Williams trong show diễn Métiers d’Art vừa qua tại New York và đồng thời là giám đốc nghệ thuật của xưởng Atelier Montex, cho rằng điều thử thách nhất là giữ vai trò không thể thiếu của thủ công trong lĩnh vực thời trang.
Vào năm 2014, Lagerfeld đã kiểm tra tính chuyên nghiệp của phân xưởng này và hoàn toàn hài lòng với nó. Họ liên tục đổi mới kĩ thuật như pha trộn tính đương đại với kỹ năng truyền thống để tạo ra những hiệu ứng mới hay các phương pháp thực hành được cho là đã lỗi thời.
Người ngoài ngành không biết rằng để tạo ra một chiếc cúc áo có thể đòi hỏi đến 10 kỹ thuật khác nhau, từ đúc kim loại đến tạo màu. Và không quan tâm đến việc sản phẩm đó được dùng cho show diễn thời trang hay được đặt tại các cửa hàng, tất cả các cúc áo mà Chanel sản xuất đều được chế tác chủ yếu bằng tay, và chất lượng ngang bằng nhau.
Sylvain Peters, giám đốc các bộ sưu tập, cũng chia sẻ thêm: “Mỗi phân xưởng sản xuất khoảng 10,000 đến 15,000 cúc áo cho chỉ riêng một show diễn thời trang và con số gấp hơn nhiều để cung cấp cho các cửa hàng”.
Mỗi nghệ nhân đều có vai trò của riêng họ trong phân xưởng. Chẳng hạn, chỉ có hai nghệ nhân biết cách vận hành chiếc máy may Weissman cổ hay có nhiều người phụ nữ không dùng công cụ gì ngoài đôi bàn tay khéo léo của mình.
Mỗi mùa, phân xưởng Maison Michel đều cho ra những diện mạo mới. Priscilla Royder, giám đốc trẻ tài năng của nhãn hiệu chia sẻ rằng kho lưu trữ bộ sưu tập của Maison Michel đã có đến 4,000 khối bằng gỗ với những hình dạng và kích thước khác nhau mang đến sự sáng tạo linh hoạt.
Được thành lập vào năm 1880, Maison Lemarié lại là một phiên bản duy nhất mang đến bốn loại savoir-faire khác nhau: các sản phẩm bằng lông, họa tiết hoa, couture và các nếp gấp (pleats) được họ pha trộn một cách tinh tế.
Xưởng Lemarié sản xuất khoảng 60,000 hoa trà camellias mỗi năm cho nhà mốt Chanel. Hoa trà camellias không chỉ là nguồn cảm hứng vô tận mà còn là biểu tượng thời trang trường tồn với thời gian của thương hiệu Chanel.
Lemarié sử dụng những quả bóng kim loại nóng để tạo hình cánh hoa từ những vật liệu khác nhau. Và ở phòng bên cạnh, những người nghệ nhân khác tỉ mỉ dán các bông hoa vào những mô hình tuyệt đẹp. Chẳng hạn, chiếc váy lông vũ trong show diễn Métiers d’Art chiếm đến 1,000 giờ chế tác thủ công là một nỗ lực kỳ công của các nghệ nhân.
Khoảng một tháng trước khi show diễn Métiers d’Art diễn ra, các giám đốc nghệ thuật đến từ các phân xưởng bắt đầu mới nhận được ý tưởng đầu tiên đến từ Lagerfeld. Sau đó, những đề xuất về chất liệu và kỹ thuật được đưa ra và cho đến khi Lagerfeld phác thảo bản kế hoạch, các nghệ nhân mới nắm bắt được công việc của mình và miệt mài trong hàng tuần liền để kịp sản phẩm cho sự kiện.
“Khi mua hàng từ một thương hiệu xa xỉ, bạn không chỉ đang mua một giấc mơ mà còn là một savoir-faire (sự tinh tế). Nếu không có những người đứng đằng sau sự tinh tế và khéo léo ấy, sẽ chẳng có gì ý nghĩa cả”. – Hubert Barrère.
Dù các phân xưởng dùy trì mối quan hệ đặc quyền với nhà mốt Chanel, song họ được khuyến khích nên hợp tác với nhiều thương hiệu khác. Điều đó cũng nâng cao tính sáng tạo của các phân xưởng nói chung và các nghệ nhân nói riêng. Lesage đã có một ý tưởng sách viết về các xưởng thủ công với tên gọi “Entrée des Fournisseurs” và nhận được sự chú ý và ủng hộ của mọi người.