BUSINESS OF LUXURY

BOL News: Tin tức xa xỉ về Chanel, Rolls-Royce và Audemars Piguet

Sep 01, 2020 | By Stephanie Nguyen

Các thương hiệu xa xỉ đang có nhiều thay đổi quan trọng: Chanel bán cửa hàng boutique khổng lồ ở Bond Street London, Rolls-Royce thay đổi nhận diện thương hiệu, trong khi Audemars Piguet dự định khai trương khách sạn dành cho nghệ nhân. 

1/ Chanel bán cửa hàng boutique tại Bond Street, London 

Cửa hàng boutique nổi tiếng của Chanel tại Bond Street.

Chanel đang dự định bán cửa hàng boutique của mình tại Bond Street, nằm giữa khu bất động sản Mayfair – Burlington thông qua công ty tư vấn JLL. Giá bán đề nghị là hơn 315 triệu USD. Chanel Bond Street từng là cửa hàng lớn nhất trên thế giới của Chanel khi khai trương vào năm 2013 và hiện chỉ xếp sau cửa hàng Chanel New York. Sở hữu ba tầng và hơn 1.170m2, cửa hàng Chanel Bond Street là một khoản đầu tư đáng giá.

Theo SEB (Quỹ hưu trí Thụy Điển), chủ sở hữu cửa hàng, mức giá trên tương ứng với mức lợi nhuận cho thuê hàng năm vào khoảng 2,9%. Bond Street là một trong những điểm bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới và thương vụ này sẽ tạo nên làn sóng mới cho thị trường bất động sản sau Covid-19 tại London. New West End, công ty đại diện cho các thương nhân tại Bond Street, Oxford Street và Regent Street, cho biết trung bình một năm, các cửa hàng trong khu vực có thể thu về hơn 13 tỷ USD, tuy nhiên  mức mong đợi có thể chỉ nằm trong khoảng 2,6 – 3,9 tỷ USD trong năm 2020.

2/ Rolls-Royce thay đổi nhận diện thương hiệu sau hơn 20 năm

Hôm 25/08, Rolls-Royce đã tiết lộ những thiết kế thương hiệu mới, chuyển từ màu đen trắng cơ bản sang màu tím đậm Purple Spirit và kim loại vàng hồng. Bên cạnh đó là hàng loạt thay đổi liên quan đến biểu tượng Spirit of Ecstasy, các huy hiệu Badge of Honor/Woodmark/Monogram, phông chữ và cách xử lý hình ảnh cùng việc tiếp nối Chương trình bảo trợ và phát triển nghệ thuật MUSE.

Torsten Müller-Ötvös, CEO của Rolls-Royce, cho biết. “Chúng tôi đã bắt đầu một hành trình đầy thú vị trong việc hiện đại hóa bản sắc thương hiệu để tương thích với các thay đổi trong nội bộ công ty, nhân khẩu học, phong cách sống và thế giới xa xỉ của khách hàng. Tham vọng của tôi là tôn vinh sự sang trọng bậc nhất của thương hiệu, cùng lúc đem đến loại phương tiện đẳng cấp có thể giao tiếp trực quan với những khách hàng đang ngày càng trẻ hóa về độ tuổi và đa dạng về phong cách của Rolls-Royce.”

3/ Audemars Piguet chuẩn bị khai trương khách sạn

Bảo tàng Musée Atelier của Audemars Piguet ở Le Brassus, Thụy Sỹ.

Dự án khách sạn Hôtel des Horlogers sẽ khai trương năm 2021 của Audemars Piguet.

Audemars Piguet, một trong những thương hiệu đồng hồ xa xỉ lâu đời nhất tại Thụy Sĩ, dự định sẽ khai trương khách sạn 4 sao Hotel des Horlogers (tên nghĩa là Khách sạn của Thợ làm đồng hồ) vào năm 2021, do kiến trúc sư người Đan Mạch Bjarke Ingels thiết kế. 

Trước đó, vào tháng 6/2020, Audemars Piguet cũng đã ra mắt bảo tàng Musée Atelier nằm giữa những ngọn đồi trập trùng và cảnh quan nông thôn tuyệt đẹp của Le Brassus, Tây Thụy Sĩ. Kiến ​​trúc sư Ingels cũng là người chịu trách nhiệm thiết kế.

4/ Tiffany & Co tăng trưởng 90% tại thị trường Trung Quốc

Thương mại điện tử giúp Tiffany & Co tăng trưởng tốt.

Với việc phát triển tốt nền tảng thương mại điện tử trước khi bị phong tỏa, Tiffany đã nhanh chóng lấy lại sự phục hồi tại thị trường Trung Quốc với doanh số bán tăng vọt 90%. Tiffany đã gây dựng vị thế tốt tại Trung Quốc từ trước thời kỳ phong tỏa với mạng lưới thương mại điện tử được dự đoán từ cuối năm 2019 là sẽ mang về mức tăng trưởng hai chữ số cho thương hiệu trong năm 2020.

Tuy nhiên, Tiffany đã phải trải qua thời kỳ tuột dốc doanh thu đến 85% trong tháng Hai, giảm nhẹ 15% trong tháng Ba và bắt đầu lấy lại đà từ tháng Tư với mức tăng 30%. Từ tháng Năm trở đi, khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định cách ly trong nước, mức tăng doanh thu đã đạt mức 90%.

5/ Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tái cấu trúc công ty, lập công ty con

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia tách doanh nghiệp 2,6 tỷ USD

Mới đây, Hội đồng quản trị Vingroup vừa quyết định tái cấu trúc nội bộ: chia tách Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, một công ty con của Tập đoàn Vingroup và thành lập một công ty con mới mang tên CTCP Kinh doanh Thương mại Sado với vốn điều lệ xấp xỉ 500 tỷ VND.

Sado được thành lập chính thức vào ngày 19/8/2020, có trụ sở tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán). Ngoài ra, Sado còn hoạt động dịch vụ đại lý, môi giới, đấu giá hàng hoá (trừ hoạt động đấu giá); dịch vụ hành chính văn phòng tổng hợp; quảng cáo; dịch vụ ăn uống…

Vốn điều lệ của Công ty Sài Đồng giảm từ 1.200 tỷ VND xuống còn 700 tỷ VND sau khi chia tách và Vingroup sở hữu 98% cổ phần của cả 2 công ty.

6/ Vàng tăng nhẹ sau đợt giảm bất ngờ, nhiều nhà đầu tư chịu lỗ

Vàng, dầu tăng nhẹ sau một tuần biến động | Forbes Việt Nam

Thị trường vàng thế giới đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần với đà tăng mạnh tại hầu hết sàn giao dịch. Vàng trên sàn New York đã tăng tới 35,7 USD/ounce, đóng cửa ở mức 1.964,3 USD/ounce. Đây là giá đóng cửa cao nhất mà vàng New York đạt được trong tuần này, trong khi mức đóng cửa thấp nhất tuần là 1.925 USD/ounce vào phiên 24/8.

Thị trường vàng trong nước sau khi quay đầu giảm đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại. Chốt phiên 28/8, công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng ở mức 55,8 – 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng trung bình 550.000 đồng và 670.000 đồng. Vàng niêm yết tại công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và tập đoàn DOJI chốt phiên cuối tuần ở 55,6 – 56,7 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. 

Nhìn chung, chênh lệch giá mua bán vàng vẫn ở mức 1,1 triệu/lượng khiến người mua vàng cuối tuần trước đến nay vẫn đang chịu khoản lỗ gần 1 triệu đồng, tương đương 1,7%.

7/ Thị trường bất động sản tăng nhanh ở “Thành phố Đông Sài Gòn”

Khu vực Trường Thọ sau khi được lựa chọn là trung tâm của thành phố Thủ Đức sẽ tăng nhanh về giá nhà đất, cùng các khu bất động sản nóng khác ở quận 2, quận 7 và quận 9.

Sau khi dự án thành phố phía Đông trực thuộc TP. HCM được đồng ý thành lập, giá đất ở khu vực này đã tăng mạnh. Đặc biệt là đất ở khu vực hành chính thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. 

Cụ thể, giá nhà, đất trung bình toàn quận trong quý III chỉ tăng nhẹ 4-6% so với quý I, tuy nhiên đất nền ở phường Trường Thọ ghi nhận mức tăng đột biến 43%, theo thống kê của Chợ Tốt Nhà. Về các dự án chung cư, nhà ở, giá bán của các dự án hiện tại đã tăng 28-33 triệu VND/m2. 

Bên cạnh đó, quận 2, quận 7, quận 9 của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là những khu vực nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của người mua.


 
Back to top