Business of Luxury: Hermes và Louis Vuitton tiếp tục mở rộng tại Trung Quốc
Sau một năm mở cửa và nối lại các hoạt động du lịch, các thương hiệu xa xỉ như Hermes, Louis Vuitton đang có kế hoạch mở thêm chi nhánh tại Trung Quốc nhằm kích cầu mua sắm.
Theo đó, Giám đốc điều hành Hermes Guillaume de Seynes cho biết, hiện tại chiến lược tăng cường hiện diện thương hiệu tại Trung Quốc được Hermes ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy, tập đoàn đang có kế hoạch mở thêm một cửa hàng tại thành phố lớn của Trung Quốc. Năm ngoái, Hermes đã cho mở ba cửa hàng ở Trịnh Châu, Thành Đô và Thượng Hải và tân trang lại các cửa hàng hiện có.
Kế hoạch này cho thấy chiến lược dài hạn của Hermes tại Trung Quốc khi báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy doanh thu toàn cầu tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường châu Á – Thái Bình Dương doanh thu tăng 21,9%, chiếm 48% tổng doanh thu.
Cạnh tranh cùng Louis Vuitton
Ngoài ra, trong năm 2021, Louis Vuitton cũng tiết lộ kế hoạch mở cửa hàng truyền thống tại các khu vực của Trung Quốc vào năm 2025.
Đối với những thương hiệu như Hermes và Louis Vuitton, việc duy trì quan hệ với phân khúc khách hàng VIC là rất quan trọng. Dẫn từ một báo cáo vào năm 2021 của công ty tư vấn Oliver Wyman, 70% giao dịch xa xỉ của khách hàng Trung Quốc đến từ việc kết nối trước đó với nhân viên bán hàng. Có thể thấy, thói quen mua sắm đã chuyển sang gián tiếp, khi những khách hàng thân thiết có thể được nhân viên tới tư vấn tận nhà.
Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra số liệu 50% người mua sản phẩm cao cấp tại Trung Quốc cũng mới chỉ quay trở lại trong vòng 1 năm qua. Điều này thể hiện nhu cầu lớn của người tiêu dùng ngay cả tại thành phố có mức thu nhập trung bình.
Tuy vậy, vì sự khác biệt về giá cả giữa châu Âu và Trung Quốc, nhiều khách hàng vẫn lựa chọn mua đồ xách tay, đặc biệt đối với những người mua lần đầu. Dữ liệu từ Lectra cho thấy, giá bán lẻ túi tote vải Celine Trimophe ở Trung Quốc cao hơn 40% so với ở Pháp; túi xách Neverfull của Louis Vuitton đắt hơn 30% và túi xách Gucci Ophidia đắt hơn 20%.
Việc cần làm lúc này của các thương hiệu là giữ chân những khách hàng VICs của mình bằng dịch vụ và những ưu đãi phù hợp, nhằm kích cầu mua sắm trong nước.