Chuyển đổi số, kỷ nguyên vàng của ngành công nghiệp xa xỉ
Chuyển đổi số là chủ đề một nghiên cứu vừa được công bố bởi Mazars – tập đoàn toàn cầu về kiểm toán, thuế và dịch vụ tư vấn quốc tế. Trong đó nêu bật về: “Sự chuyển dịch mô hình kinh tế của ngành công nghiệp xa xỉ: trách nhiệm, hợp tác và sự kết nối”.
Sự thay đổi chóng mặt của nền kinh tế trong kỷ nguyên số hoá
Theo những số liệu thống kê đáng tin cậy: vào năm 2010, khách hàng đã chi trả cho các thương hiệu xa xỉ khoảng 4,3 tỷ đô la cho các giao dịch trên mạng. Gần một thập kỷ sau, con số này đã tăng lên tới 33,3 tỷ đô la, và đất nước tỷ dân Trung Quốc hiện là thị trường hàng đầu của ngành công nghiệp xa xỉ trên thế giới.
Đây là một tỷ lệ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Vậy những con số trên chứng tỏ điều gì?
Chân dung khách hàng mới của ngành kinh doanh xa xỉ
Những khách hàng của ngành công nghiệp tỷ đô đang dần trẻ hoá, và một tỷ lệ không hề nhỏ trong số đó, đến từ Trung Quốc. Khách hàng của ngành công nghiệp này, tập trung ở 3 nhóm khách hàng chính: các HENRYs (High – Earners – Not – Rich – Yet), các Millennials (hay còn gọi là thế hệ “echo boomers) và cuối cùng là thế hệ Z. Đặc điểm chung của nhóm khách hàng này là gì?
Đây chính là điểm cực kỳ quan trọng, mở ra kỷ nguyên vàng của ngành công nghiệp đắt giá này, 3 nhóm khách hàng này đều có một điểm chung: sự trưởng thành của họ gắn liền với sự phát triển đột phá của thời đại công nghệ thông tin, họ được lớn lên trong thời đại của các thiết bị kỹ thuật số và chứng kiến sự chiếm lĩnh mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội.
Điều này làm nên sự khác biệt giữa nhóm khách hàng này và các thế hệ trước, cũng đồng thời dẫn đến sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của họ.
“Mua sắm trên mạng” trở thành một sự thay đổi tất yếu của nền kinh tế trong thời đại mới, những con số trong nghiên cứu của Mazars chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Covid -19 : Tác nhân phụ dẫn đến sự bùng nổ của kỷ nguyên số hoá
Sự chuyển dịch trong mô hình kinh tế cần sự tác động của nhiều yếu tố. Dịch bệnh Covid – 19 là một tác nhân không được báo trước, tuy nhiên lại là một trong những tác động có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thay đổi này.
Khi dịch bệnh Covid – 19 không còn là câu chuyện của riêng Trung Quốc. Các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mới chính là những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn cả, hệ luỵ của dịch bệnh này chính là nền kinh tế thế giới đang đứng trước những nguy cơ và thách thức cực kỳ lớn.
Theo thống kê, khi các quốc gia Châu Âu và châu Mỹ bước vào giai đoạn lockdown, doanh số của ngành công nghiệp xa xỉ đã sụt giảm khoảng 15% trong những quý đầu năm 2020. Điều này được dễ dàng giải thích bởi sự đóng cửa của các cửa hàng do nhu cầu mua sắm của khách hàng không còn như trước, hay do sự đóng băng của du lịch, điều này dẫn đến sự hạn chế mua sắm của các khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đến từ châu Á.
Đơn cử như Trung tâm thương mại Galeries Lafayette ở trung tâm thủ đô Paris, từng đón tiếp hàng chục triệu lượt khách Trung Quốc mỗi năm. Các khách hàng của đất nước tỷ dân thường có thói quen mang theo các vali cỡ lớn, để đựng những món hàng hiệu mà họ sẽ mua sắm trong suốt chuyến du lịch của mình. Thậm chí, mỗi gian hàng ở trung tâm thương mại này, đều có ít nhất một nhân viên bán hàng người Trung Quốc, điều này đủ cho thấy, tiềm năng doanh thu đến từ những đối tượng khách hàng này. Tuy nhiên, do sự đóng cửa của các đường bay quốc tế, trung tâm thương mại này đã trở nên vắng bóng khách du lịch.
Để vực dậy doanh thu của mình, không chỉ riêng ngành công nghiệp xa xỉ, mà hầu hết các ngành hàng khác, đều đang dần dần hướng đến chuyển đổi số. Điều này trở nên khả thi hơn bao giờ hết, khi mà lệnh cách ly luôn trong tình trạng được sẵn sàng tái thiết lập. Sự chuyển dịch này đang mang lại những tín hiệu tích cực khi mà doanh thu của các ngành hàng dần được cải thiện, theo số liệu thống kê của Content Square:
Mặt khác, các giao dịch mua bán trên mạng, còn tạo nên một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho khách hàng.
Những kênh thông tin của kỷ nguyên số
Giao diện web
Điều thực sự quan trọng ở đây là gì? TRẢI NGHIỆM
Khách hàng của các thương hiệu hàng đầu thế giới, đã quá quen với những dịch vụ hạng sang. Các cửa hàng cao cấp sang trọng, trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa cùng với sự phục vụ hoàn hảo đến từ các nhân viên bán hàng chuyên nghiệp. Khách hàng không chú ý đến bạn nữa, nếu website của bạn không thể mang lại cho họ một trải nghiệm tương xứng với những gì họ quen được hưởng dụng.
Bắt đầu bằng những thay đổi!
Gucci đưa ra đề xuất mỗi khách hàng được phục vụ bởi một nhân viên bán hàng từ xa, có thể lựa chọn nhân viên theo yêu cầu. Nhân viên sẽ đáp ứng các yêu cầu để bạn có những trải nghiệm mua hàng hài lòng nhất. Ngoài ra bạn có thể xem trước trên app những mẫu mới nhất của hãng.
Trong khi đó, Chanel bắt tay cùng Farfetch, để phát triển những gian hàng ảo (Virtual Cabinet), giúp khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm mà không cần phải di chuyển trong thời gian lockdown. Còn hãng Dior phát triển gian hàng thực tế ảo để khách hàng có thể tham quan mua sắm trên cửa hàng ảo dưới định dạng 3D & 360 độ.
Theo báo cáo nghiên cứu của Virtual Fitting Room Market, thị trường phát triển các gian hàng ảo này có thể đạt tới giá trị 19 tỷ đô la vào năm 2030 thay vì 3 tỷ đô la vào năm 2019. Các gian hàng ảo tập trung vào đối tượng các khách hàng đến từ khối châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, những quốc gia dẫn đầu trong tiêu thụ các sản phẩm hàng hiệu.
Sự triển vọng này giúp cho các nhà đầu tư của ngành công nghiệp xa xỉ, mạnh tay hơn trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo, nhằm tạo ra những bước tiến mới trong sự phát triển của ngành công nghiệp tỷ đô này.
Marketing thông qua mạng xã hội
Mạng xã hội đang làm chủ các phương thức tiếp cận thông tin của thời đại mới, dần thay thế cho tivi, báo đài…Sở hữu hàng trăm triệu lượt người dùng, luôn “active” và sẵn sàng để lan truyền các thông tin nóng hổi, các xu hướng đang thịnh hành trên thị trường. Giãn cách xã hội chứng kiến sự chuyển dịch nhanh đến chóng mặt của các ông lớn trên các nền tảng mạng xã hội: từ các phòng trò chuyện trực tuyến đến các hoạt động bán hàng trên các nền tảng như Wechat, Instagram…
Ngoài ra, các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Christian Dior hay Balenciaga còn nhắm đến sự tiềm năng của mạng xã hội Tik Tok – với sự tham gia của các đối tượng trẻ (60% ở độ tuổi từ 13 đến 24 tuổi) để khai thác và tiếp cận gần hơn bao giờ hết đến khách hàng.
Hợp tác cùng phát triển
Nếu trước đây, các hãng xa xỉ có truyền thống chỉ hợp tác với một số sản phẩm nhất định như siêu xe chẳng hạn, thì nay họ lại tìm đến những đối tác hoàn toàn mới, thậm chí không hề liên quan tới nhóm ngành sản phẩm của mình.
Louis Vuitton – nhà tạo mốt xa xỉ của Pháp đã từng bắt tay với tựa game huyền thoại League Of Legend để cho ra một bộ sưu tập đặc biệt thiết kể bởi Nicolas Ghesquière. Hoặc nếu bạn quan tâm thì không thể bỏ qua sự kiện ra mắt tựa game Animal Crossing: New Horizons vào đầu năm 2020, nhiều thương hiệu hàng đầu cũng đã bắt tay với Nintendo để tạo ra những trang phục khác nhau cho các nhân vật trong game như Prada, Supreme, Gucci, Dior hay Chanel.
Dù rằng gặp phải rất nhiều khó khăn do khủng hoảng đến từ Covid -19, nhưng lại vô tình mở ra một hướng đi mới, đầy triển vọng dành cho tương lai của ngành công nghiệp xa xỉ. Họ chỉ cần cố gắng nỗ lực để hiện diện nhiều và tích cực hơn trên các nền tảng kỹ thuật số. Điều thiết yếu là cải thiện giao diện website, tích cực và đa dạng hoá các hoạt động trên mạng xã hội, hợp tác với những nhóm ngành triển vọng để cùng phát triển, không ngừng tìm tòi và sáng tạo trong các lĩnh vực mới, mở ra thêm nhiều hướng đi mới hơn nữa trong tương lai gần.
Bài: Phương Anh