BUSINESS OF LUXURY

Facebook, Instagram là điểm nóng của kinh doanh giả mạo hàng xa xỉ

Feb 15, 2022 | By Ton Binh

Theo Benedict Hamilton, giám đốc điều hành tại Kroll thì Facebook và Instagram là nơi tập trung những tài khoản kinh doanh hàng giả lớn nhất. 

Dữ liệu mới công bố của công ty phân tích truyền thông xã hội Ghost Data cho biết, hơn 26.000 tài khoản giả mạo đang hoạt động trên Facebook trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2021. 

Trên nền tảng Instagram, nghiên cứu phát hiện hơn 20.000 tài khoản giả mạo đang hoạt động. Con số này giảm gần 50% so với năm 2019. Khoảng 65% tài khoản giả mạo đến từ Trung Quốc, 14% ở Nga và 7,5% ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thương hiệu phổ biến bị những kẻ làm giả hướng đến chủ yếu là Gucci, Louis Vuitton, Fendi, Prada và Chanel. 

Việc kinh doanh hàng giả tác động tiêu cực tới doanh số, danh tiếng của các thương hiệu. Đồng thời tiềm ẩn các vấn đề an toàn của hàng hoá không được kiểm soát, gia tăng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia về lĩnh vực kinh doanh trái phép này.

Khó kiểm soát việc kinh doanh trên mạng xã hội

Động thái của Meta khi tham gia các trang thương mại điện tử và chợ trực tuyến đã cung cấp cho những tên tội phạm các kênh để đăng tải bí mật. Các tính năng hội nhóm riêng tư, sử dụng đoạn chat bí mật như Instagram stories là kênh trao đổi chủ yếu của những kẻ này. 

Theo Lara Miller, phó chủ tịch chiến lược công ty tại Liên minh chống hàng giả quốc tế, các nền tảng mạng xã hội tạo ra nhiều cơ hội để đường dây kinh doanh hàng giả hoạt động, dễ dàng lẩn trốn. 

Đồng thời, họ cũng lợi dụng các tính năng như danh mục sản phẩm WhatsApp, không được mã hoá và có sẵn thông qua tùy chọn “hồ sơ doanh nghiệp” của ứng dụng để hiển thị sản phẩm của mình. 

Chuyên gia an ninh mạng Andrea Stroppa nhận định, xu hướng các giao dịch giả mạo xảy ra hầu hết trong chính các nền tảng như WhatsApp thay vì được liên kết với các trang web bên ngoài. 

Cuộc chiến cân não 

Một số nhãn hiệu cao cấp gia tăng cảnh giác với các nền tảng trực tuyến lớn, các ứng dụng mạng xã hội nhằm đối phó với kẻ kinh doanh hàng giả. 

Vào năm 2020, Chanel, Lacoste và Gant đã rời khỏi một sáng kiến của Uỷ ban Châu Âu nhằm tăng cường hợp tác giữa các thương hiệu và các trang web bao gồm eBay, Alibaba và Facebook’s Marketplace để chống hàng giả. Đại diện các thương hiệu này cho rằng việc hợp tác không đem lại hiệu quả. 

Philippe Blondiaux, giám đốc tài chính của Chanel cho biết, thương hiệu chỉ bán mỹ phẩm và nước hoa trực tuyến và không lựa chọn Facebook hay Instagram là “môi trường thích hợp để bán các mặt hàng xa xỉ”. 

Cuộc chiến chống hàng giả của các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Gucci hay Prada đã dẫn đến việc hàng trăm nghìn bài đăng trên mạng xã hội bị gỡ xuống vào năm ngoái. Chủ sở hữu LVMH cho biết, họ đã chi 33 triệu USD cho cuộc chiến chống hàng giả vào năm 2020. 

Bernard Arnault, Chủ tịch và CEO của LVMH 

Theo ước tính của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, buôn bán hàng giả trên toàn cầu lên tới 464 tỷ USD vào năm 2019. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng lớn trong nguồn cung hàng giả trực tuyến là sự bùng nổ nhu cầu thương mại điện tử trong giai đoạn 2020 – 2021. 

Siết chặt quản lý 

Meta đã có những động thái cứng rắn chống lại những kẻ kinh doanh hàng giả. Đại diện công ty cho biết: “Việc buôn bán hàng giả và gian lận là vấn đề nan giải trong thời đại công nghệ phát triển. Tuy vậy, chúng tôi đang nỗ lực truy quét và ngăn chặn những thương vụ như vậy”. 

Giám đốc, tổng cố vấn về sở hữu trí tuệ của Meta, ông Mark Fiore cho biết: “Chúng tôi muốn xây dựng những trải nghiệm mua sắm mới một cách an toàn và đáng tin cậy cho các thương hiệu cũng như người dùng”.

Tháng 10/2021, Meta đã tung ra một công cụ cập nhật cho các thương hiệu để tìm kiếm và báo cáo hàng giả trong các bài đăng, quảng cáo hoặc các tính năng thương mại với thời gian phản hồi trong vòng 24 giờ. 

Trong một báo cáo gần đây, công ty đã xoá 1,2 triệu nội dung giả mạo trên Facebook, bao gồm các tài khoản được báo cáo trước đó. Giai đoạn này, công ty cũng chủ động xoá 283 triệu nội dung trên Facebook vi phạm các quy tắc về hàng giả hoặc vi phạm bản quyền; khoảng 3 triệu tài khoản trên Instagram trước khi chúng bị báo cáo bởi thương hiệu hoặc hiển thị trực tuyến. 

Thu Thảo – dẫn từ The Business of Fashion


 
Back to top