BUSINESS OF LUXURY

Grand Hour số 1 – CUC Gallery: Đầu tư vào nghệ thuật là cách thể hiện cái tôi cá nhân

May 06, 2022 | By Ton Binh

Là một người có cơ hội chứng kiến sự chuyển mình của nghệ thuật đương đại, Phạm Phương Cúc – chủ nhân của CUC Gallery nhận định: “Đã đến lúc thị trường này cần phải sôi động”.

Trong số phát sóng đầu của series “Grand Hour”, chúng tôi đã được lắng nghe câu chuyện kinh doanh nghệ thuật cũng như cơ hội phát triển của lĩnh vực này từ chủ nhân CUC Gallery, một phòng triển lãm chuyên về nghệ thuật đương đại tại Hà Nội. Cúc Phạm chia sẻ, cô đặt nhiều tâm huyết vào việc giới thiệu nghệ thuật đương đại tới công chúng quốc tế và dần hướng vào thị trường Việt Nam. 

Khoảng 5 năm đầu, cô còn phát triển dự án giáo dục đặc biệt dành cho đối tượng trẻ em về lĩnh vực nghệ thuật đương đại có tên MAM – Art project. Cô cho biết: “Nghệ thuật giúp mình hiểu được tính cách của từng đứa trẻ. Có lần, chúng tôi đưa ra bài tập về sáng tạo tác phẩm lấy cảm hứng từ trường phái Mondrian với ba ô màu cơ bản: xanh, đỏ, vàng. Các em được thỏa sức sáng tạo và từ đó chúng tôi nhận thấy được tính cách của các em bộc lộ thông qua quá trình sáng tác nghệ thuật. Có bạn sẽ làm thật tỉ mỉ, có bạn làm rất nhanh hoặc có bạn sẽ nhờ sự giúp đỡ từ cha mẹ”. 

Và thường những đứa trẻ được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm sẽ có tâm hồn cởi mở, dễ dàng chấp nhận và làm quen với những điều mới, cô cho biết. Ngoài ra, Cúc Phạm cũng kết hợp với những tổ chức nghệ thuật để mở một số triển lãm cộng đồng, từ đó đem tác phẩm nghệ thuật đương đại tới gần hơn với công chúng. 

Việc sở hữu tài sản nghệ thuật cũng là cách giúp cô cảm thấy thăng hoa trong cuộc sống. Cúc Phạm cho biết: “Đầu tư vào nghệ thuật là một cơ hội đầu tư mang lại nhiều cảm xúc và thể hiện cái tôi cá nhân. Nếu bạn mua nhà, xe hay bất cứ tài sản nào khác mà không phải tác phẩm nghệ thuật, bạn sẽ không có sự gắn kết nhất định với nó”. 

“Tôi vẫn thường khuyên những nhà sưu tầm, họ không nên đi theo trend hay những nghệ sĩ mới nổi hoặc đánh giá chi tiết kỹ thuật của tác phẩm, mà họ cần có sự đồng cảm với tác phẩm đó. Bởi mỗi tác phẩm là một câu chuyện, nếu bạn loại bỏ yếu tố ấy nó sẽ không còn là cái hay của nghệ thuật nữa”.

 

Thu Thảo

 


 
Back to top