Leader & Business / Grand Hour

Master Hoàng Tuyết Mai: Triết lý lãnh đạo và trị liệu Thân – Tâm đều bắt đầu từ con người

Apr 27, 2025 | By Hải Âu

Là CEO, nhà trị liệu, nghệ sĩ trình diễn và tác giả – Master Hoàng Tuyết Mai bước đi giữa nhiều vai trò, nhưng tất cả đều dẫn về một triết lý: con người là trung tâm.

Hơn 12 năm trước, những đêm mất ngủ kéo dài dẫn tới trầm cảm nặng đã khiến chị Hoàng Tuyết Mai phải gác lại mọi công việc để tìm cách chữa lành chính mình. Chị từng thử qua nhiều phương pháp hỗ trợ về tâm lý và tư duy, trước khi đến với chuông xoay Himalaya. Lúc bấy giờ, khái niệm “chuông xoay” vẫn còn xa lạ ở Việt Nam. Thân chinh tới Nepal để theo học trực tiếp với các bậc thầy về chuông, chị Hoàng Tuyết Mai bất ngờ thấy mình được “tái sinh”. Từ đây, chị quyết định bước lên con đường nghiên cứu và thực hành dài hạn về trị liệu âm thanh – trở thành Master Hoàng Tuyết Mai. Bằng những đóng góp không mệt mỏi, chị được vinh danh là Well-being & Healing Lifestyle Influencer of the Year tại LUXUO Asia Awards 2024.

Master Hoàng Tuyết Mai LUXUO Việt Nam Grand Hour 2024

Là nhà sáng lập SHAN Healing – một thương hiệu tiên phong trong trị liệu âm thanh bằng chuông xoay Himalaya, Master Hoàng Tuyết Mai đồng thời là CEO, tác giả, nghệ sĩ trình diễn và một nhà đào tạo có ảnh hưởng trong lĩnh vực wellness tại Việt Nam. 

Thế nhưng, thay vì tách rời từng vai trò hay phải sống những cuộc đời khác nhau, Master Hoàng Tuyết Mai lại nhìn thấy sự cộng hưởng thú vị. Tính kỷ luật và tư duy hệ thống của một CEO giúp chị xây dựng quy trình trị liệu cá nhân hóa. Trực giác nghệ sĩ cho phép chị kết nối sâu với cảm xúc của thân chủ. Và góc nhìn nghiên cứu từ vai trò tác giả tiếp thêm chiều sâu tâm lý và khoa học trong từng phiên trị liệu. Với Master Hoàng Tuyết Mai, sự “đa nhiệm” này là một may mắn, giúp chị kết nối và thấu hiểu được nhiều nhóm thân chủ khác nhau.

Trong tập 3 của podcast series Grand Hour mùa thứ 5, Master Hoàng Tuyết Mai chia sẻ sâu với LUXUO Việt Nam về quan điểm trị liệu đi đôi với điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chị cũng đưa ra nhận định về hiện tại và tương lai phát triển ngành wellness ở Việt Nam. 

Trong tập 3 podcast series Grand Hour mùa thứ 5, Master Hoàng Tuyết Mai (phải) chia sẻ cùng host Jason Đặng (trái) những chiêm nghiệm của chị về bối cảnh ngành welness tại Việt Nam

Khi bắt đầu hành trình trị liệu với chuông xoay Himalaya, điều gì khiến chị tin tưởng rằng “âm thanh” và “năng lượng” có thể thực sự chữa lành con người, đặc biệt trong một xã hội hiện đại đầy áp lực như hiện nay?

Ban đầu, chính Mai cũng chưa tin vào tác dụng của chuông xoay. Dù có thể ngủ sâu trở lại khi học chuông tại Nepal, Mai vẫn nghĩ chắc là do mệt vì di chuyển đường xa. Nhưng một tuần sau khi trở về Việt Nam, mình không còn cần dùng thuốc ngủ. Và sau ba tuần, mình dừng hẳn thuốc trầm cảm. Từ đó, Mai bắt đầu nhìn chuông xoay qua một lăng kính khác: không chỉ là âm thanh, mà là một tác nhân vật lý và tâm lý có khả năng chữa lành.

Chuông xoay không chỉ tác động thông qua thính giác, mà là rung động lan tỏa qua da, vào sâu trong tế bào. Âm thanh từ chuông là chất dẫn truyền rung động nhanh gấp năm lần không khí, giúp toàn bộ cơ thể như “nở hoa” từ bên trong.

Trong xã hội hiện đại, con người sống thường trực trong trạng thái sóng não Beta – trạng thái của căng thẳng, áp lực, mất ngủ, lo âu. Chuông xoay giúp điều hòa lại trạng thái này một cách tự nhiên. Khi kết hợp trải nghiệm cá nhân với nghiên cứu tâm lý học, Mai nhận ra chuông xoay không chỉ có hiệu quả, mà còn có nền tảng khoa học rất rõ ràng. 

Sự xuất hiện của chị trong vai trò nghệ sĩ trình diễn, giảng viên trị liệu tại các resort cao cấp như Amanoi, Six Senses hay Legacy Yên Tử cũng phản ánh một hướng tiếp cận rất đặc biệt: kết hợp giữa nghệ thuật, trải nghiệm và tinh thần xa xỉ. Theo chị, “xa xỉ” trong lĩnh vực chữa lành nên được hiểu như thế nào?

Sự xa xỉ, đối với Mai, không nằm ở địa điểm hay không gian. Phút giây xa xỉ trong trị liệu là phút giây bạn có thể quay về với chính mình.

Trong quá trình trị liệu, Mai có cơ hội tiếp xúc với nhiều đối tác là lãnh đạo cấp cao. Điều họ mong muốn, thực ra rất đơn giản – đó là được chậm lại. Họ hay nói với Mai: “Anh không thể dừng suy nghĩ được”. Và nếu phải đánh đổi bất cứ gì để có một khoảnh khắc nghỉ ngơi trong tâm trí, họ cũng sẵn sàng.

Với Mai, giây phút xa xỉ là giây phút được thở đúng nghĩa. Có những người quên cả việc thở, quên lắng nghe tế bào mình đang thế nào, nhịp tim đang ra sao, não bộ có nghỉ ngơi chút nào không. Nếu không dừng sớm, tới một lúc cơ thể vật lý của bạn sẽ lên tiếng. Nhưng đến khi ấy thì thường… mình lại không dừng được nữa.

Theo chị, xu hướng “trải nghiệm chữa lành” trong du lịch và cuộc sống tại Việt Nam hiện nay đã tiến tới đâu? Chúng ta nên nhìn nhận xu hướng này ra sao?

Theo báo cáo của WHO, từ sau năm 2020, trầm cảm và rối loạn lo âu đã trở thành một trong những căn bệnh phổ biến nhất toàn cầu. Và sau đại dịch, Mai tin là ai trong chúng ta cũng cảm nhận rõ điều đó. 

Mai tin rằng chữa lành nên là một nhu cầu thiết yếu, không phải chỉ dành cho lúc ta khủng hoảng. Khi mình xem điều đó là thiết yếu, mình sẽ bắt đầu bảo vệ bản thân từ khi chưa tổn thương, chưa đổ vỡ.

Thời gian gần đây, Mai cảm thấy rất rõ ràng rằng “mầm cây chữa lành” đang vươn lên rất mạnh. SHAN Healing đã đón rất nhiều học viên quốc tế: từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Mông Cổ. Điều đặc biệt là họ học rất nghiêm túc, trải nghiệm sâu sắc và sau đó đem lan tỏa trở lại chính cộng đồng của họ. Đó là một tín hiệu khiến Mai rất xúc động.

Ở Việt Nam, các resort như Amanoi, Zannier hay Six Senses đã bắt đầu tích hợp liệu trình trị liệu – du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa lành. Cùng với thiên nhiên vốn rất đẹp ở nước ta, đây là điều khiến ngành du lịch sẽ phát triển mạnh trong 2 năm tới.

Việc trị liệu cho hàng ngàn thân chủ khách hàng cao cấp có mang đến cho chị những góc nhìn, tư duy mới mẻ nào không? Họ có điểm chung nào khiến chị phải chú ý?

Mai có cơ duyên trị liệu cho rất nhiều bác, các anh chị chủ doanh nghiệp, chủ tịch tập đoàn hoặc đơn giản là những người đang kinh doanh cùng thời với Mai. Và Mai nhận ra một điểm chung rất lớn: cái đầu của họ luôn chạy.

Nhiều người nghĩ là “mình không suy nghĩ gì cả”, nhưng tới tối nằm xuống thì đầu vẫn quay cuồng với chiến lược, deadline, kế hoạch quý, kế hoạch năm… Cứ thế, ngày này qua ngày khác, não không dừng lại được. Đó là lý do nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài, thậm chí có những nỗi sợ không gọi được tên.

Điều đáng mừng là mình thấy sự thay đổi tư duy đang bắt đầu diễn ra. Có những bác gần 80 tuổi vẫn tìm đến SHAN Healing, vẫn muốn được ngủ sâu hơn, cảm thấy bình an hơn. Và trong vòng 1–2 năm trở lại đây, Mai thấy rõ rằng nhiều người đã bắt đầu… chậm lại. Họ không đợi đến lúc gãy nữa. Họ bắt đầu quan tâm hơn đến việc quay về với chính mình – qua tiếng chuông, qua thiền hành, qua thiên nhiên.

Làm thế nào để chị duy trì sự cân bằng giữa tính cá nhân hóa trong trị liệu và tính hệ thống trong vận hành một thương hiệu đang phát triển như SHAN Healing?

Thời gian đầu, Mai là người trị liệu chính ở SHAN. Nhưng khi lượng thân chủ tìm đến ngày càng nhiều, Mai nhận ra nếu cứ làm một mình thì không thể đủ được. Và nếu muốn giữ được chất lượng, mình buộc phải “nhân bản”. 

Tại SHAN Healing, tất cả trị liệu viên đều được đào tạo rất kỹ. Không chỉ học lý thuyết, các bạn còn phải tự trị liệu cho chính mình trong một thời gian đủ dài với những bài kiểm tra liên tục.

Quan trọng nhất là mỗi thân chủ đến đều mang theo một câu chuyện riêng, một cảm xúc rất cá nhân. Nhiệm vụ của trị liệu viên là tôn trọng tuyệt đối điều đó. Bởi vậy, tất cả thông tin về thân chủ đều được giữ kín. Trên các nền tảng truyền thông của SHAN, bạn sẽ không bao giờ thấy hình ảnh hay tên tuổi của ai cả. Sự an toàn về mặt cảm xúc của thân chủ, đó là điều Mai luôn đặt lên hàng đầu.

Với hơn 700 học viên, đâu là nguyên tắc cốt lõi chị đặt ra trong quá trình giảng dạy và đồng hành cùng học viên, để họ không chỉ tiếp nhận kỹ thuật mà còn thấu hiểu tinh thần của phương pháp này?

Mai luôn nói với các bạn là: “Mai không chỉ dạy cho các bạn kỹ thuật gõ chuông và Mai không muốn các bạn trở thành một người thợ gõ chuông”. Mai muốn các bạn phải gõ ra những “thanh tâm”, nghĩa là những âm thanh từ trái tim. Và mình phải dẫn từ trong trái tim của mình ra tình yêu thương, tạo môi trường an toàn cho thân chủ bộc lộ cảm xúc.

Mỗi thân chủ đến với mình mang theo một dòng mạch cảm xúc rất riêng. Nhiệm vụ của người trị liệu là phải cảm nhận được điều đó – không chỉ là họ có khóc hay không, có giật tay giật chân hay ngủ ngon không, mà là sâu bên dưới họ đang thực sự cần gì. Đa phần, họ đến vì họ muốn có được sự bình an. Mà muốn cho người khác bình an, trước hết chính mình phải là người có bình an dư dả. Nếu người trị liệu chưa ổn định với bản thân thì làm sao có thể tạo môi trường an toàn cho thân chủ được?

Đó là lý do vì sao Mai hay nói với học viên là: “Các bạn ơi, các bạn phải chú tâm vào con người. Con người cho các bạn, con người cho thân chủ”.

Theo chị, Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ chữa lành châu Á? Và đâu là điểm khác biệt sâu sắc nhất giữa khách hàng Việt và khách quốc tế khi nói về nhu cầu “tìm về sự an yên”?

Nếu hỏi Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ chữa lành châu Á, Mai nghĩ mình quá nhỏ bé để chạm vào một vị trí cụ thể. Nhưng có một điều rất vui là trong hai năm gần đây, SHAN Healing đón rất nhiều học viên từ khắp nơi trên thế giới: từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến cả Úc. Họ bay về Việt Nam để học về chuông xoay, để trải nghiệm trị liệu. Mai hy vọng rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thật sự có những dấu chấm tròn trịa trên bản đồ chữa lành toàn cầu – không phải do mình tự nói, mà là do thế giới công nhận.

Còn về sự khác biệt giữa khách hàng Việt và khách quốc tế? Khác nhiều lắm. Người nước ngoài, họ có xu hướng “hàm dưỡng” – tức là chăm sóc bản thân từ khi còn khỏe. Chỉ cần cảm thấy bắt đầu suy nghĩ hơi nhiều, ngủ không sâu, là họ tìm đến thiền, đến chuông xoay, đến những liệu pháp giúp họ cân bằng lại.

Ở Việt Nam mình, thường phải “cháy nhà rồi mới chạy”. Tức là mọi người chỉ tìm tới trị liệu khi đã quá mệt, quá căng. Mai hay nói vui là vết thương phải loét, phải tét thì chúng ta mới chịu đi “may vá” lại, mà chưa kịp lành lại rách tiếp. Thay vì “băng bó sớm”, mình cứ cố… cố một chút nữa, rồi cái rách nhỏ hóa ra thành vết thương lớn. Mai hy vọng sắp tới, người Việt chúng ta cũng sẽ thay đổi một chút về cách nhìn để quay vào bên trong nhiều hơn.

Với những thương hiệu wellness cao cấp đang phát triển tại Việt Nam, chị đánh giá yếu tố nào là “xương sống” để tạo nên một mô hình bền vững: giá trị cốt lõi, trải nghiệm dịch vụ hay bản sắc văn hóa?

Thật ra cả ba yếu tố đều quan trọng, nhưng nếu phải chọn một điều làm “xương sống”, Mai sẽ chọn giá trị cốt lõi. Vì sao? Vì đó chính là linh hồn của thương hiệu và cũng là linh hồn của người sáng lập.

Với SHAN Healing, Mai lấy sự bình an làm giá trị cốt lõi. Từ đó, mình mới biết cách tạo dựng mọi thứ xung quanh: không gian ra sao, cách đào tạo nhân sự thế nào… Mọi thứ đều bắt đầu từ một hạt nhân rất sâu và nhất quán.

Bây giờ nhiều người mở trung tâm wellness chỉ vì thấy xu hướng hay mô hình đó “hot”, rồi muốn nhân rộng, muốn franchise. Nhưng nếu chỉ nhân rộng quy trình mà không giữ được giá trị cốt lõi thì sớm muộn cái “hồn” ban đầu cũng sẽ biến mất. Khách hàng sẽ không còn thấy được “chạm” vào bên trong như trước nữa.

Mai luôn tin rằng, người sáng lập phải là người giữ và truyền năng lượng xuyên suốt. Nếu làm đúng thì dù có mở 10 nơi, cũng có ít nhất 9 nơi giữ được sự trọn vẹn ấy.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ cùng độc giả LUXUO Việt Nam!

Tổ chức nội dung & Bài viết: Hải Âu


 
Back to top