BUSINESS OF LUXURY

Gucci không còn là ‘con gà đẻ trứng vàng’ của Kering trong năm 2020

Feb 25, 2021 | By Luxuo Vietnam

Trong khi Bottega Veneta tiếp tục tỏa sáng, các thương hiệu khác của Kering lại không được may mắn đến vậy khi phải liên tục chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bottega Veneta tiếp tục giữ vững “ngôi hậu” trong vũ trụ Kering vào năm 2020, trong khi hầu hết mức doanh thu từ các thương hiệu khác thuộc tập đoàn xa xỉ giảm sút một cách đáng kể do những tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19. Và Gucci chính là tên tuổi chịu đòn nặng nề nhất khi chứng kiến sự sụt giảm doanh số chóng mặt trong tất cả những tên tuổi quy tụ dưới ‘mái nhà’ Kering. Một điểm sáng le lói trong bối cảnh âm u phủ trùm thương hiệu này chính là lượng khách hàng trung thành tại Trung Quốc đại lục vẫn còn được duy trì sau hơn nửa năm đầu tiên gặp nhiều khó khăn.

“Kering đã chứng minh được khả năng phục hồi một cách nhanh chóng và đáng kể”, Francois-Henri Pinault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành chia sẻ.

Vào ngày 17 tháng 2 vừa qua, Kering đã công bố bản báo cáo tài chính hợp nhất với con số 13.100,2 triệu euro, giảm 17,5%. Mặc dù tình hình được cải thiện vào nửa cuối năm, nhưng doanh thu của Gucci vẫn tiếp tục giảm 22,7%, trong khi Yves Saint Laurent giảm 14,9%. Các thương hiệu khác giảm 10,1%, điều này đã mang đến chiến thắng cho Bottega Veneta khi thương hiệu này đạt mức tăng trưởng lý tưởng, 3,7%.

Việc gần như mọi quốc gia trên thế giới đều chìm trong bóng đêm đại dịch khiến cho các cửa hàng phải đóng cửa. Doanh thu của các thương hiệu đều dựa hầu hết vào nền tảng trực tuyến. Và mức doanh thu của nền tảng thương mại điện tử nói chung đã chiếm 13% tổng doanh thu của Kering.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng là điểm sáng duy nhất của Gucci và giúp thương hiệu này cải thiện doanh thủ. Từ mức giảm 19,5% trong nửa đầu năm 2020, đến cuối năm 2020, mức giảm chỉ còn 5,9%, góp phần vào doanh thu 7.440,6 triệu euro năm 2020. Trong khi đó, Yves Saint Laurent cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của doanh thu trực tuyến khi ghi nhận ở mức 80%.

Tuy nhiên, nhìn chung, tổng mức giảm của Tập đoàn đã chạm mức 17,4%, điều này được lý giải là do việc hoạt động từ các của hàng bị đóng băng. Để cải thiện tình hình, Kering ngay lập tức đã cải thiện tính độc quyền trên toàn hệ thống phân phối, động thái này ngay lập tức thể hiện hiệu quả khi doanh thu của tăng đến 48,5%. Và tất nhiên, điều góp phần mang lại thành công cho thương hiệu đó chính là những bộ sưu tập ‘con cưng’ của Giám đốc sáng tạo Daniel Lee.

Một tên tuổi khác phải gánh chịu hậu quả từ việc đóng cửa cửa hàng do đại dịch gây ra là Kering Eyewear khi chứng kiến mức doanh thu giảm 17,6%. Tuy nhiên, một lần nữa, doanh thu đã phục hồi trong nửa cuối năm với mức giảm chỉ còn 8,6%, góp phần tăng tổng doanh thu đến mức 487,1 triệu euro.

Nhìn chung, mức doanh thu lý tưởng của Kering, tuy vẫn còn tình trạng thua lỗ, phần lớn lại xuất phát từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cụ thế là Trung Quốc đại lục với số liệu bán hàng lạc quan và mạnh mẽ đến từ các nhà trang sức của Yves Saint Laurent, Bottega Veneta, Qeelin, Boucheron và Kering.

Trong tương lai, Tập đoàn Kering tuyên bố sẽ tập trung hơn vào việc tăng trưởng doanh thu tại cùng một cửa hàng, nhằm mục đích tăng cường tính độc quyền trong phân phối và phát triển các nền tảng tăng trưởng kinh doanh chéo trong thương mại điện tử: từ phân phối đa kênh đến các hình thức sáng tạo khác trong công nghệ, chuyên môn và cơ sở hạ tầng.

Đây chắc chắn là một kế hoạch cho tương lai đầy tham vọng, nhưng tập đoàn vẫn phải vạch ra được những chiến lược và hướng đi đúng đắn để có thể đối mặt với những thách thức đến từ một thế giới mới với nhiều bế tắc và dần bước vào trạng thái bình thường mới của thời cuộc.

Bảo Ngọc dịch


 
Back to top