Hàng fake trong kỷ nguyên thương mại điện tử – Louis Vuitton dẫn đầu cuộc chiến chống hàng giả
Hàng fake hay còn gọi là hàng giả, là một khái niệm tồn tại lâu đời, thậm chí ngang hàng với các thương hiệu gốc. Chúng đang huỷ hoại giá trị mà các thương hiệu gốc đang dày công xây dựng như thế nào?
Thực trạng
Nhiều người nước ngoài từng qua Việt Nam chơi và ngạc nhiên vì bất cứ ai ở Việt Nam, cũng có thể sở hữu những item “hàng hiệu” của Supreme, Louis Vuitton hay Gucci… Và đó có lẽ là một hồi chuông báo động về cách mà hàng fake đang hủy hoại ngành công nghiệp xa xỉ, không chỉ ở Việt Nam mà cũng như trên toàn thế giới.
Nếu bạn nghĩ rằng, hàng fake hầu như chỉ tồn tại ở các quốc gia châu Á, thì có lẽ bạn đã nhầm. Ngay những khu chợ đen ở ngay trung tâm thủ đô Paris, Ý, Đức những chiếc túi Louis Vuitton hay Hermes Birkin da cá sấu bạch tạng được bày bán chất đống ngay trên hè phố. Thực trạng hàng fake đang xảy ra ở khắp mọi nơi.
Và ngày nay, với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử (e-commerce) thì hàng giả đang có nhiều cơ hội hơn, để huỷ hoại danh tiếng từ các thương hiệu gốc.
Thử tưởng tượng, bạn đặt một chiếc túi hàng hiệu thông qua một trang thương mại điện tử. Sau khi nhận được chiếc túi, bạn bắt đầu tỉ mỉ kiểm tra và bỗng phát hiện ra 1-2 điểm tì vết trên chiếc túi. Với tâm lý thông thường của một người mua, bạn sẽ không thích chiếc túi đó nữa, nó không thực sự hoàn hảo. Và rồi, bạn sẽ có xu hướng bài xích cả thương hiệu đó.
Thương hiệu xa xỉ có từng cố gắng để ngăn chặn vấn nạn về hàng giả không?
Câu trả lời chắc chắn là có! Georges Vuitton (con trai của Louis Vuitton) từng thiết kế ra phần chữ, tên của thương hiệu được lồng vào nhau bằng một thiết kế phức tạp hơn trên những chiếc túi của hãng vào khoảng năm 1896, nhằm ngăn chặn những kẻ làm giả, làm nhái lại những sản phẩm của họ.
Những chiến dịch chống lại hàng giả, được tổ chức thường xuyên nhằm tuyên truyền về sự nguy hại mà “ngành công nghiệp” này mang đến (theo Comité Colbert) như Lacoste (cá sấu GIẢ, nguy cơ THẬT), giày Louis Vuitton (bước chân GIẢ, giá tiền THẬT)…
Hàng giả, đang ngày càng bị kiểm tra và loại bỏ gắt gao hơn ở các quốc gia châu Á cũng như trên toàn thế giới. Thế nhưng, tình hình vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát vì đây là một trong những ngành có biên độ lợi nhuận khổng lồ.
Ngoài những tổn thất về danh tiếng thì các thương hiệu cũng phải đối mặt với những ảnh hưởng về mặt kinh tế. Đã từng có nhiều ghi nhận trên thế giới về việc khách hàng mua hàng, sau đó một vài ngày, họ đã hoàn hàng và kiện ngược hãng, vì đã bán hàng giả cho họ. Thật khó có thể biết rằng, chiếc túi được đánh tráo ở giai đoạn nào? Và việc phân biệt đôi khi cũng gặp phải nhiều khó khăn bởi độ hoàn hảo của những chiếc túi giả. Chúng gần như không có nhiều điểm khác biệt so với bản gốc. Và hầu hết trong những trường hợp như vậy, các nhãn hàng thường chấp nhận bồi thường để hạn chế nguy cơ sự việc có thể phát triển thành những khủng hoảng trên các phương tiện truyền thông.
Thị trường thứ cấp – mối nguy cơ tiềm ẩn
Thị trường thứ cấp hay trung gian bán lẻ các sản phẩm hàng hiệu đang nở rộ trong thời gian gần đây. Và là nơi lưu hành một số lượng lớn các sản phẩm hàng hiệu, đương nhiên cũng rất khó kiểm soát.
Tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, thông thường vòng đời của các sản phẩm hàng hiệu là rất ngắn, chỉ khoảng 3-5 năm. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn trong tiêu dùng cũng như trong quá trình sản xuất hàng hóa từ các thương hiệu xa xỉ. Việc mua đi bán lại hoàn toàn là một giải pháp kinh tế hữu hiệu.
Nhưng ngược lại, giá tại những thị trường này đôi khi bị đội lên rất cao, còn nguồn gốc thì lại là một dấu hỏi, khó xác định. Với những món hàng hiếm như Hermes Birkin da cá sấu bạch tạng hay những phiên bản đã ngừng sản xuất, như trường hợp của Patek Philippe Nautilus 5711 chẳng hạn (giá tại thị trường thứ cấp của chiếc đồng hồ này có thể lên tới 180.000 đô la Mỹ, gấp khoảng 5-6 lần giá trị nguyên bản) và đi kèm với đó là các chi phí về kiểm định chất lượng hàng hoá.
Hầu hết các trang thương mại điện tử lấy khoảng 10% phí kiểm định chất lượng trên mỗi sản phẩm bán ra.
Giải pháp nào cho tương lai
Ngoài việc mỗi thương hiệu cần có những kiểm soát gắt gao hơn nữa trong quá trình thiết kế các sản phẩm của mình thì đồng thời việc phát triển các hệ thống kiểm tra và giải pháp kiểm định trên các nền tảng thương mại điện tử nên là những ưu tiên hàng đầu.
Như trường hợp của Hublot, họ đã phát triển hệ thống e – warranty nhằm kiểm định chất lượng của những sản phẩm của mình mà khách hàng hoàn toàn có thể tự làm thông qua ứng dụng. Tiện lợi và linh hoạt.
Ngoài ra, cần tập trung phát triển những hệ thống cần thiết để phát hiện ra những cửa hàng trực tuyến giả mạo. Có những cửa hàng trực tuyến được tạo ra với phần mô tả, thiết kế website, các định dạng chuyên mục…giống hệt với thương hiệu gốc. Đối với những khách hàng bình thường, dường như là bất khả thi trong việc phân biệt “thật – giả”. Những cửa hàng này còn thường xuyên đưa ra những giảm giá hấp dẫn, đánh vào tâm lý khách hàng, để dễ dàng mời chào họ mua hàng. Thảm họa sẽ xảy ra nếu khách hàng mua phải hàng giả trên các hệ thống này và sau đó quay lại và đưa ra những đánh giá tệ hại cho thương hiệu thật, mà hiển nhiên, chính họ cũng không thể khẳng định được món hàng của mình mua, là hàng thật hay chỉ là hàng fake. Điều này là thực sự không công bằng với các thương hiệu gốc.
Louis Vuitton hiện đang là một trong những thương hiệu đi đầu trong việc chống lại hàng giả. Họ đang hợp tác với Entrupy nhằm phát triển một giải pháp dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm phát hiện hàng giả lên tới 99%. Tuy nhiên, nếu họ không thế đảm bảo được các bước còn lại trong chuỗi cung ứng hàng hoá từ nguyên vật liệu, giao hàng…thì giải pháp này cũng chưa thể coi là hoàn toàn triệt để.
Đó là đối với thị trường nguyên bản, còn với thị trường thứ cấp, đó sẽ là một bài toán khó hơn rất nhiều.Đây chắc chắn sẽ còn là một cuộc chiến đường dài với tất cả thương hiệu trong ngành công nghiệp xa xỉ.
Phuong Anh – LE