BUSINESS OF LUXURY

Khủng hoảng lớn của Prada tại thị trường Trung Quốc

May 13, 2019 | By Nguyen Huu Hon

Đã qua rồi thời Prada là một trong những thương hiệu hàng đầu được phụ nữ Trung Quốc tìm đến mỗi khi cần một món đồ thật phong cách cho tủ quần áo của họ. Thương hiệu thời trang xa xỉ của Ý đang trải qua một giai đoạn chật vật trong việc trẻ hoá hình ảnh, phù hợp với gu thẩm mỹ của thế hệ khách hàng Millennial và Gen-Z.

Một cửa hàng Prada tại Trung Quốc

Bên cạnh đó, sự suy giảm trong việc tiêu dùng xa xỉ tại Trung Quốc – một trong những thị trường đem lại nguồn lợi nhuận lớn nhất cho thương hiệu cũng khiến cho tình hình kinh doanh của Prada không mấy khả quan.

Ngày 19.03, Prada S.p.A, công ty mẹ niêm yết tại HongKong sở hữu một loạt những thương hiệu cao cấp như Prada, Miu Miu, Church công bố doanh thu tương đối thất vọng vào năm 2018, cho thấy lợi nhuận giảm 10% xuống còn 366 triệu Đô. Sự tăng trưởng bán lẻ tích cực của tập đoàn thời trang Ý vào nửa đầu năm 2018 hoàn toàn bị xoá sổ bởi hoạt động nửa cuối năm, khi nhu cầu của khách hàng Trung Quốc tại lục địa và nước ngoài đều giảm mạnh.

Sự tăng trưởng bán lẻ tích cực của tập đoàn thời trang Ý vào nửa đầu năm 2018 hoàn toàn bị xoá sổ bởi hoạt động nửa cuối năm, khi nhu cầu của khách hàng Trung Quốc tại lục địa và nước ngoài đều giảm mạnh.

 

Người mẫu diện trang phục trong BST Thu / Đông 2018/19 của Prada được trình diễn tại Ý, Thứ Năm, ngày 21 tháng 9 năm 2017. (Ảnh AP / Luca Bruno).

Kết quả tồi tệ hơn dự kiến này đã dẫn tới sự bốc hơi của 864 triệu Đô giá trị thị trường của công ty trong cùng ngày, cho thấy một làn sóng lo ngại mới từ phía các nhà đầu tư toàn cầu về tình hình kinh doanh của Prada.

Thương hiệu thời trang xa xỉ đầy quyền lực đã tuyên bố về tình trạng chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là Hong Kong và Macau, cũng như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong các quý gần đây là do khó khăn về tài chính. Tuyên bố này cũng có phần đúng, tuy nhiên phải xem xét các yếu tố khác, bởi những tập đoàn xa xỉ như Kering, LVHM hay Hermes vẫn cho thấy sự tăng trưởng tại thị trường đáng khao khát này.

Prada S.p.A  (công ty mẹ niêm yết tại Hồng Kông) sở hữu các nhãn hiệu cao cấp như Prada, Miu Miu, Church,… công bố thu nhập 2018 khá thất vọng (lợi nhuận giảm 10% xuống còn $ 366 triệu).

“Người tiêu dùng Trung Quốc là một trong những nhóm khách hàng quan trọng nhất của chúng tôi,” đại diện Prada cho biết. “Tình hình mua sắm ở Trung Quốc lục địa và nước ngoài chiếm tới 30% doanh thu của Tập đoàn Prada S.p.A.” Từ tuyên bố trên có thể thấy được mức độ phụ thuộc về doanh thu của Prada vào thị trường Trung Quốc, cũng như xác minh được thiệt hại của Prada ở một mức nhất định sau sự sụt giảm này. Tuy nhiên, vấn đề của Prada với người tiêu dùng Trung Quốc có thể còn sâu sa hơn thế.

Giảm mức độ khao khát

“Prada không nằm trong danh sách lựa chọn nếu như tôi muốn mua một chiếc túi hiệu năm nay,” – Kiwi Zheng, một khách hàng làm việc tại lĩnh vực tài chính tại Thượng Hải chia sẻ.  Tian Xu, một khách hàng xa xỉ tại Ninh Ba bổ sung cho nhận định của Zheng. “Thương hiệu này không có chiếc túi nào được xếp vào IT bag. Tôi cảm thấy Prada còn không có mặt trên Vogue. Tôi thường dành sự quan tâm cho Dior, Chanel hay Gucci. Dior Saddle đang là chiếc túi tôi muốn sở hữu nhất hiện nay.”

Thương hiệu này không có chiếc túi nào được xếp vào IT bag. Tôi cảm thấy Prada còn không có mặt trên Vogue.

Prada khôi phục một địa điểm lịch sử tại Thượng Hải, nơi đã trở thành trung tâm văn hóa mới trong thành phố. (Ảnh: Prada’s corporate blog).

Renee Hu, chủ một đại lý buôn hàng hiệu (Daigou) tại Thượng Hải cũng chia sẻ với Jing Daily rằng túi xách của Prada không phổ biến với khách hàng của cô lắm, trong khi đó những yêu cầu đặt mua thường hướng tới các thương hiệu như Chanel, Louis Vuitton hay Hermes.

Tuy nhiên, nói Prada hoàn toàn không có những chiếc IT bag là một sai lầm. Các đây vài năm, túi Galleria của Prada, được các khách hàng Trung Quốc đặt cho nickname “killer bag” sau khi xuất hiện trên tay Léa Seydoux’ trong một cảnh phim Mission Impossible, là một trong những mẫu túi được nữ giới công sở ưa chuộng nhất. Trong hai năm vừa qua, công ty cũng tung thêm các mẫu Sidonie, Belle và Odette để đáp ứng cơn sốt toàn cầu về túi siêu nhỏ nhưng sành điệu.

Prada Sidonie được dự đoán là sẽ tạo nên cơn sốt trong năm 2019

Do đó, câu hỏi quan trọng là các dịch vụ hiện tại mà Prada mang đến có làm tăng độ khao khát thương hiệu nơi khách hàng hay không. Và câu trả lời ở thời điểm hiện tại không mấy tích cực. “Tôi nghĩ hoạt động marketing sản phẩm mới của Prada khá tệ so với các thương hiệu xa xỉ khác. Tôi đã không nghe thấy nhắc đến Prada một thời gian,” Zheng cho biết.

Tiffany Qiu, khách hàng chuyên mua sắm đồ hiệu làm việc tại một ngân hàng đầu tư ở New York bổ sung thêm rằng “Killer bag (hay Galleria) giờ đã lỗi thời với các quý cô công sở rồi. Hiện nay, chúng tôi thích Saint Laurent Sac de Jour hay Celine box hơn.”

Những vấn đề về chất lượng

Zheng và Qiu đều nhắc đến một vấn đề đáng quan tâm hơn. “Chất lượng của Prada khá đáng nghi ngại. Nếu bạn đọc bình luận của những khách hàng mua sắm online sẽ thấy rất nhiều lời phàn nàn. Một số thậm chí còn nói rằng, nếu bạn mua một chiếc túi Prada mà da không mòn trong một năm thì rất có thể là bạn đã mua phải túi fake rồi.”

Một tìm kiếm nhanh bao gồm các từ khoá như “Prada” hay “Chất lượng” tại Trung Quốc dẫn tới một danh sách bất tận những bài báo liên quan tới chủ đề này. Ví dụ, trên ứng dụng xã hội kiêm thương mại điện tử Trung Quốc Xiaohongshu, rất nhiều bình luận than phiền về chất lượng tồi tệ của Prada. Một bình luận kèm ảnh còn chỉ ra rằng “Tôi chỉ mang chiếc túi có 5 lần mà một phần của túi đã bị tuột chỉ.”

Liu Wen là một trong những gương mặt được Prada lựa chọn cho chiến dịch quảng bá Xuân Hè 2019

Trên trang thương mại điện tử hải ngoại của Trung Quốc dealmoon.com, có một bài viết khác còn khẳng định rằng Prada là thương hiệu đầu tiên mà khách hàng này sẽ ngừng mua bởi chất lượng quá tệ. Các bài viết điều tương tự cũng xuất hiện trên những trang thông tin chính thống tại Trung Quốc như Sohu. Qui cho biết thêm: ” Vậy nên nếu tôi có đủ tài chính để mua đồ Prada thì tôi thà mua Louis Vuitton còn xứng đáng với số tiền bỏ ra hơn.”

Đáp lại câu hỏi của Jing Daily về những lo ngại liên quan đến chất lượng của người tiêu dùng Trung Quốc, Prada đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của mình trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. (Xem ở cuối bài viết)

Hy vọng chuyển mình

Liệu Prada có thể trở lại “trường đua” xa xỉ trong thời gian ngắn? Ở thời điểm hiện tại, điều này có vẻ không mấy hứa hẹn. Khó khăn của Prada có thể vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2019. Nhà phân tích Walter Woo của CMB International Securities Ltd. chia sẻ với Bloomberg: “Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu phục hồi nào đáng kể của Prada tại thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay, sau doanh số yếu ớt hồi quý IV/2018.” Thậm chí CEO của Prada Group Patrizio Bertelli cũng đã nhận ra những thách thức phía trước trong cuộc hội đàm gần đây nhất. “Thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên kén chọn hơn. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết sức để trụ vững tại thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.”

Prada Resort Fashion show 2018 diễn ra tại kiến trúc lịch sử Rong Zhai, Thượng Hải, nơi đang trở thành một trung tâm văn hoá mới của thành phố.

Prada vẫn có cơ hội để lấy lại uy tín quá khứ tại Trung Quốc. Thương hiệu đã khôi phục lại kiến trúc lịch sử Rong Zhai có từ năm 1918 tại Thượng Hải, nơi đang trở thành một trung tâm văn hoá mới của thành phố và là một trong những địa điểm gặp gỡ nổi tiếng của giới trẻ Millennial lẫn Gen Z, những người luôn tự hào về nguồn cội văn hoá của đất nước. Thương hiệu cũng cho ra mắt trang TMĐT phiên bản dành cho khách hàng Trung Quốc vào tháng 12 năm 2017 – một bước đi khá thông minh để phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng cũng như thu hút sự chú ý từ nhóm đối tượng mới, trẻ trung và chú trọng tính thời trang hơn.

Prada Rong Zhai

Có lẽ, chúng ta cần đợi thêm một thời gian nữa để thấy được hiệu quả của những bước đi này hay những kế hoạch sắp tới có giúp Prada lấy lại niềm tin từ khách hàng, tăng thị phần trong bối cảnh một Trung Quốc đầy tính cạnh tranh hay không.

BUSINESS OF LUXURY: Câu chuyện của Prada 

Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều được thiết kế tại Milan, trong khi Trụ sở Công nghiệp của Tập đoàn Prada đặt tại Tuscany, là nơi tập trung điều phối quá trình sản xuất, thực hiện bởi 22 cơ sở sản xuất thuộc sở hữu của Tập đoàn, 19 trong số đó nằm ở Ý. Đây là biểu hiện cao nhất của truyền thống sản xuất của Tập đoàn Prada, đảm bảo sự hài hoà giữa việc bảo tồn những kỹ thuật thủ công với quy trình công nghiệp tiên tiến, hướng tới chất lượng xuất sắc.

Các cơ sở sản xuất được đi kèm với một mạng lưới các nhà cung cấp bên ngoài. Trong hầu hết các trường hợp, đó là một quan hệ lâu dài, bắt đầu với sự lựa chọn cẩn thận, được cân nhắc dựa trên những chỉ số nghiêm ngặt, với mục đích đảm đẩm chất lượng tuyệt vời và sự tập trung đặc biệt vào quá trình chế tác và độ tin cậy.

Cụ thể, năm 2017 Tập đoàn Prada đã nhập nguyên liệu từ 550 nhà cung cấp, 82% trong đố đó đến từ Italy, 9% đến từ các nước châu Âu khác và chỉ 9% đến từ các nước ngoài Châu Âu. 60% trong số các nhà cung cấp đã hợp tác với Tập đoàn trên 10 năm, 16% đã hợp tác từ 5-10 năm. Trong cùng thời kỳ, Tập đoàn đã hợp tác với 400 cơ sở sản xuất, 76% đến từ Italy, 12% đến từ các nước Châu Âu và 12% đến từ các nước ngoài Châu Âu. 42% đã hợp tác với Tập đoàn trên 10 năm, 22% đã hợp tác từ 5-10 năm.

Chuyển ngữ: Hồng Nga, theo Jing Daily


 
Back to top