BUSINESS OF LUXURY

Luxuo Point: L’Oreal giảm 19.4 % doanh thu toàn cầu, vẫn tăng trưởng tại Trung Quốc như Hermès nhờ thị trường trực tuyến

Aug 04, 2020 | By Nguyen Huu Hon

Trong báo cáo tài chính được công bố vào ngày 30/7 vừa qua, công ty mỹ phẩm Pháp L’Oréal tiết lộ doanh số trong nửa đầu năm 2020 giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với doanh thu bán hàng ước tính đạt 5,85 tỷ euro, doanh số của L’Oreal giảm 19.4% vì nhiều tổn thương do đại dịch gây ra, cùng cảnh ngộ như những thương hiệu thời trang và làm đẹp khác.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch và Giám đốc điều hành Jean-Paul Agon, không giống như thị trường thời trang, cuộc khủng hoảng chính của L’Oréal đến từ nguồn cung nhiều hơn cầu. “Tiêu thụ sản phẩm làm đẹp trong thời kỳ này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi việc đóng cửa hàng triệu điểm bán hàng (tiệm làm tóc, nước hoa, cửa hàng bách hóa, cửa hàng sân bay, v.v.). Do đó, người tiêu dùng tạm thời không thể mua sản phẩm và dịch vụ,” ông nói.

LUXUO POINT: 

Trong số các thị trường khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, Trung Quốc đại lục là thị trường duy nhất đạt được mức tăng trưởng tích cực là tăng 17,5% trong nửa đầu so với năm ngoái. Đặc biệt, thị trường L’Oréal Luxe với nhiều thương hiệu cao cấp như Lancôme, Yves Saint Laurent và Helena Rubinstein, đã ghi nhận doanh số tăng đáng kể, hơn 30%. Sự phục hồi nhanh chóng này, được cho là do người tiêu dùng làm đẹp Trung Quốc tiêu thụ nhiều vào hàng loạt lễ hội mua sắm khác nhau, trực tuyến và trực tiếp ngay sau thời kì cách ly hay gián cách xã hội.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với Hermès. Tập đoàn xa xỉ của Pháp công bố doanh số nửa đầu năm 2020 tính đến ngày 30/06 cho thấy: lợi nhuận ròng giảm 55% từ 889 triệu USD xuống còn 395 triệu USD, trong khi doanh thu giảm 24% từ 3,87 tỷ USD xuống còn 2,9 tỷ USD. Doanh số bán cũng sụt giảm 42% trong 03 tháng Tư, Năm, Sáu.

Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất nằm ở các kênh phân phối trực tuyến của Hermès, nơi doanh số trên khắp châu Á tăng đến hai chữ số. Trong nửa đầu năm, số lượng hàng bán trực tuyến tăng hơn 100% tại Trung Quốc và vẫn tiếp tục ngay cả khi các cửa hàng đã mở cửa trở lại. Một khách hàng thậm chí còn đặt mua một chiếc ghế Hermès qua mạng, dòng sản phẩm với giá từ 35.500 USD cho một chiếc sofa lễ tân Matieres đến 99.200 USD cho một chiếc sofa góc với 5 chỗ ngồi Sellier.

Đã đến lúc các nhà kinh doanh xa xỉ phẩm tại Việt Nam nghiêm túc đầu tư vào các trải nghiệm mua sắm trực tuyến bao gồm livestream, virtual show hay lễ hội mua sắm xa xỉ phẩm trực tuyến cùng nhiều dịch vụ thượng lưu đi kèm. Tamson vừa cho ra mắt nền tảng thương mại điện tử trực tuyến. DAFC cũng đang trong kế hoạch xây dựng các trang bán hàng trực tuyến. Cờ sẽ về tay ai nhanh hơn trong cuộc đua này?


 
Back to top