Luxuo Point: Trách nhiệm xã hội – Các thương hiệu xa xỉ đang làm gì?
Gucci tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Quỹ The Lion’s Share; Hermès tạo việc làm mới cho nghệ nhân tại Pháp trong khi LVMH tiếp tục chi lớn cho quỹ phòng chống Covid-19.
https://www.instagram.com/p/CFAI6XMAquC/?utm_source=ig_embed
Các thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới đang làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình. Liệu đó có phải là xu hướng cho mọi thương hiệu trong tương lai?
1/ Gucci – Quỹ The Lion’s Share
Mới đây, Gucci vừa cho ra mắt một vòng đeo tay mang hình đầu sư tử bằng vàng trắng, đá gai và kim cương. Đầu sư tử và nhiều họa tiết động vật khác là biểu tượng cho cam kết bảo vệ tự nhiên của Gucci.
Tháng 2 năm 2020, Gucci thành lập Quỹ The Lion’s Share cùng lúc với chiến dịch Xuân Hè 2020. Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Gucci Marco Bizzarri chia sẻ: “Quỹ The Lion’s Share là một mắt xích quan trọng trong chiến lược bảo tồn của chúng tôi.” Theo đó, Gucci cam kết quyên tặng 0,5% tất cả chi phí quảng cáo có liên quan đến động vật dựa trên những dự án nỗ lực bảo tồn của The Lion’s Share.
Quỹ The Lion’s Share là một sáng kiến độc đáo cho phép các công ty quyên góp một phần lợi nhuận từ quảng cáo có sử dụng hình ảnh liên quan đến động vật và tự nhiên, để giải quyết các vấn đề khủng hoảng đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Quỹ đặt mục tiêu huy động được hơn 100 triệu USD/năm trong vòng 5 năm tới, và Gucci là một trong những nhà đóng góp lớn nhất.
Sư tử là một trong những họa tiết quan trọng trong ngôn ngữ thiết kế của Gucci và thường xuất hiện trong các họa tiết trên quần áo may sẵn hoặc vật dụng trang trí nội thất. Sư tử tượng trưng cho lòng dũng cảm, trí tuệ, quyền lực, sức mạnh và sự cao quý. Để tôn vinh vương quốc động vật, bộ sưu tập trang sức cao cấp Hortus Deliciarum khắc họa hình ảnh đầu sư tử với mắt bằng kim cương và răng bằng đá quý trên tất cả item của bộ sưu tập, từ hoa tai, dây chuyền, đến nhẫn và vòng tay.
2/ Hermès tạo việc làm mới cho nghệ nhân tại Pháp
Giữa thời buổi tin tức về sự trì trệ của các nền kinh tế, việc làm bấp bênh và các doanh nghiệp phá sản tràn lan, việc nghe được tin tuyển dụng việc làm mới quả là điều xa xỉ.
Thế nhưng, đó là sự thật tại Hermès. Cụ thể, công ty thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp này sẽ tạo ra 250 việc làm mới cho các nghệ nhân vào năm 2025 tại Auvergne, Pháp, quốc gia đang ở giữa tâm dịch Covid-19 và có nhiều mối lo ngại về mặt kinh tế. Hermès sẽ tuyển dụng các nghệ nhân địa phương để làm việc tại xưởng sản xuất da mới ở quận Riom Limagne et Volcans, miền Trung nước Pháp. Tuy nhiên, nghệ nhân trong đợt tuyển dụng đầu tiên diễn ra vào tháng 11 sẽ làm việc tại một xưởng tạm thời ở thị trấn Riom.
Kế hoạch mới này sẽ đóng góp một nửa sản lượng cho xưởng sản xuất da Maroquinerie de Sayat và tạo nên mạng lưới gồm 9 xưởng sản xuất đồ da mà Hermès đã thành lập từ năm 2010 với tổng cộng 2.500 nghệ nhân.
3/ CEO LVMH quyên góp 5,9 triệu USD cho nghiên cứu vaccine
Ông trùm xa xỉ Bernard Arnault của tập đoàn khổng lồ LVMH vừa quyên góp 5 triệu EURO (5,9 triệu USD) để giúp các nhà nghiên cứu tại quê nhà Lille, Pháp phát triển phương pháp điều trị Covid-19.
Arnault, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn xa xỉ LVMH, là người gốc ở Lille và ông đang làm hết sức để đóng góp cho quê hương của mình: “Khám phá khoa học của các nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur ở Lille tạo ra hy vọng rất lớn về phương pháp điều trị đại dịch. Điều quan trọng là họ có thể tiếp tục nghiên cứu và đó là lý do tôi quyết định hỗ trợ cho giai đoạn thử nghiệm quan trọng này.”
Theo một thông báo hôm thứ Sáu (09/10) từ Viện Pasteur ở Lille, các nhà nghiên cứu đã xác định được một phân tử có khả năng chống lại virus trong phòng thí nghiệm và đang chuẩn bị thử nghiệm trên người.
Trước đó, LVMH cũng đã hỗ trợ chính phủ Pháp với dây chuyền sản xuất nước rửa tay miễn phí được chuyển đổi từ các dây chuyền làm nước hoa.
Luxuo Point
Điều này cho thấy, bên cạnh các thay đổi cần thiết về mặt chiến lược và kỹ thuật số hóa trong tương lai, tất cả các thương hiệu thời trang xa xỉ đang gắn kết sự tăng trưởng với các hoạt động kinh doanh bền vững. Bên cạnh nỗ lực đầu tư nguồn lực cho công nghệ và quy trình sáng tạo mới nhằm theo đuổi sự phát triển bền vững, nơi họ có thể cân bằng lợi nhuận công ty với lợi ích người tiêu dùng và sự thịnh vượng của cả hành tinh, các công ty còn rất chú ý đến các chiến dịch xã hội và quan tâm đến nguồn lực con người.
Đặc biệt đối với những công ty thời trang xa xỉ, nơi nguyên liệu khan hiếm và tay nghề thủ công vượt trội là điều làm nên giá trị hàng đầu cho sản phẩm, việc bảo tồn tài nguyên và phát triển tay nghề thủ công trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phòng Môi trường tại LVMH hoặc chương trình EP&L tại Kering là những ví dụ điển hình.