LUXUO Point: Vaccine cho nhân viên? Từ tâm sự của ông chủ Princess Yachts Việt Nam
Các công ty du lịch, bất động sản, bán lẻ hàng hiệu tại Việt Nam đang sẵn sàng bỏ tiền tiêm vaccine ngừa covid-19 cho nhân viên, để tự cứu lấy doanh nghiệp, đồng thời cùng chính phủ giảm gánh nặng tài chính trong cuộc chiến chống Covid-19.
Covid-19 khiến ngành du lịch, bán lẻ hàng hiệu, hàng không, du thuyền và cả Bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, người lao động không có việc làm.
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Princess Yachts Vietnam – đơn vị phân phối du thuyền Princess Yachts đồng thời là Chủ tịch HĐQT Focus Travel – công ty tư nhân chuyên tổ chức và cung cấp các sản phẩm du lịch đường thủy cao cấp cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và Đông Dương. Trong một chia sẻ của mình, anh tâm sự:
“Covid ngày càng lây lan rộng khó lường. Cái ngày tái khởi động lại cái gọi là ngành công nghiệp không khói, cái ngành đóng góp vào hơn 10% GDP của nước nhà, cái ngành mà tạo ra số lượng việc làm: trực tiếp và gián tiếp, nhiều nhất cả nước… ngày càng xa.
Một vài tập đoàn mũi nhọn, con cưng của nhà nước bắt đầu có những chủ trương tiến cận nguồn vaccine phòng dịch. Ông chủ một tập đoàn tư nhân tiếng tăm của xứ Việt cũng đã có hành động đóng góp tiền mua 4 triệu liều vaccine… Thiển nghĩ trong số 4 triệu liều đó một số lượng không nhỏ sẽ được dành cho nhân viên của tập đoàn.
Tôi cứ nghĩ, nếu có một chính sách xã hội hoá hợp lý, các công ty vừa và nhỏ của ngành lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển du lịch… sẽ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền để tự cứu mình, đồng thời cũng là hành động chung tay đóng góp vào cuộc chiến chống dịch covid của quốc gia.
Tôi lấy ví dụ: tôi có vài doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là lữ hành, tàu du lịch, nhà hàng và bến thuyền. Số lượng nhân viên cả chính thức và cộng tác viên khoảng 500 người. Gần đây các công ty bạn hàng ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu giao dịch trở lại với những câu hỏi: dự kiến khi nào thì Việt Nam mở cửa lại cho du lịch quốc tế, nhân viên của chúng tôi khi nào thì được tiêm chủng…
Giá mà tôi có thể trả lời: Tôi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền. Với 500 lao động của tôi, tôi cần 8000 liều vaccine để tiêm chủng cho 4000 người bao gồm cả vợ, hai con và tứ thân phụ mẫu của họ. Giả thử giá của một liều là 20$, con số 160,000$, cũng là chi phí mà chúng tôi có thể chấp nhận được. Và có lẽ không chỉ có tôi, một số doanh nghiệp của bạn bè mà tôi biết, nhiều công ty du lịch nhỏ, tự doanh, chủ doanh nghiệp đồng thời là người làm, chắc cũng cùng có những động thái tương tự.
Chỉ có điều muốn là một chuyện, có những điều trở nên không tưởng vì chẳng biết đề đạt nguyện vọng đến cửa nào.
LUXUO POINT: Vaccine cho nhân viên? Cần thiết và cấp bách
Không chỉ Ngành công nghiệp không khói, lĩnh vực xa xỉ phẩm, hàng không và du thuyền, tất cả đều bị ảnh hưởng nặng nề và cần có vaccine để tự cứu lấy mình và tái khởi động lại mọi thứ.
Tuy nhiên, chia sẻ trên tờ Du lịch TP.HCM, anh Hiếu cho hay: “Một số công ty nhà nước cũng như những tập đoàn lớn đã có những chỉ đạo cụ thể về việc tìm cách tiếp cận nguồn vaccine để tiêm chủng cho cán bộ nhân viên. Còn chúng tôi cũng không biết gõ cửa ở đâu để tiếp cận với nguồn vaccine. Các doanh nghiệp du lịch đều có quy mô nhỏ nên rất cần có những tổ chức, cơ quan quản lý đứng ra hướng dẫn, định hướng, hoặc thu nhận ý kiến từ các đơn vị cơ sở”, ông này cho biết thêm.”
Chưa kể, các lĩnh vực này còn gặp phải những vấn đề, khi có sự quay lại của khách hàng thì thiếu hụt nhân lực trầm trọng do một lực lượng lao động lớn đã chuyển hướng, bẻ lái, đổi nghề. Những nhân lực của ngành xa xỉ phẩm – vốn đã thiếu hụt nghiêm trọng cả về chất lượng và số lượng, giờ đây cũng cần phải có thời gian để được huấn luyện trở lại, mới có thể bước chân vào ngành bán lẻ xa xỉ.
Việc tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch không đơn thuần chỉ là ý tưởng. Đây là nguyện vọng chính đáng của những doanh nghiệp du lịch và cần được cơ quan quản lý du lịch và công thương có thẩm quyền nghiên cứu tìm giải pháp và hướng đi cụ thể.