BUSINESS OF LUXURY

Mauricio Alves từ Gema Interior: Từ triết lý đa nguyên đến tương lai bền vững

Jun 14, 2021 | By Hai Yen

“Thiết kế phản ánh con người”, song với Mauricio Alves, nhà sáng lập Công ty Thiết kế Kiến trúc và Nội thất Gema, chúng ta khó có thể biết anh là người như thế nào, khi đã thiết kế nên những tổ hợp công trình gần như không có một điểm chung nào cả. Đương đại, cổ điển, thơ mộng, thiết thực, xa hoa, bình dị, rốt cuộc, đâu mới là chủ đạo bên trong thế giới quan của Mauricio Alves?

Chân dung KTS Mauricio Alves

Sinh ra ở Brazil với hai dòng máu trong người là Ý và Brazil nên Mauricio Alves gây ấn tượng với những người tiếp xúc lần đầu nhờ giọng nói đậm chất Latin. Mauricio có tính cách sôi nổi; ông yêu thích du lịch và đã từng đến Ấn Độ hơn 10 lần. Tính chất “đa văn hóa” ấy không chỉ được thể hiện ở vẻ ngoài và giọng nói của ông, mà còn là những việc ông làm và những nơi ông đã từng đi qua. Từng đến Singapore dạy về thiết kế Nội thất trước khi chính thức đặt chân lên Việt Nam vào năm 2006 và quyết định sinh sống luôn tại đây, và Việt Nam đã trở thành ngôi nhà của ông, theo lời ông nói, “nhà không phải là nơi bạn được sinh ra mà là nơi bạn chọn để sinh sống.”

Có nền tảng là kiến trúc sư, song Mauricio tự nhìn nhận bản thân như một nhà thiết kế nhiều hơn, từ thiết kế nội thất, thiết kế graphic, thiết kế kiến trúc, thiết kế khối công trình tổng, đến thiết kế cảnh quan… Đây là một điều rất hiếm có, vì đặc thù công việc của các ngành nghề này là khá khác nhau. Lý giải điều đó, Mauricio cho biết: “Đúng là như vậy, nhưng chung quy thì tất cả đều là về việc giải quyết vấn đề. Tôi đã làm việc thiết kế đến nay là 29 năm rồi. Đối với tôi, tất cả mọi thứ đều có tính thiết kế, từ nhà cửa, quần áo, nội thất đến trang sức, chiếc áo sơ mi hay mái tóc. Tôi nghĩ, đây là một loại công việc giúp thế giới trở nên tốt hơn. Vì thế, tôi tự xem mình là một nhà thiết kế nói chung thay vì là một kiến trúc sư.”

Thiết kế nội thất trong nhà hàng NAMO

Do đó, có thể nói, không chỉ Mauricio mà cả công ty thiết kế Kiến trúc và Nội thất GEMA do ông lập ra năm 2008 đều mang trong mình một đặc trưng “đa sắc tộc, đa văn hóa, đa tính chất” đặc biệt. Nhờ đó mà ông cùng các cộng sự chính là những con người đứng sau những công trình với tính chất và vẻ ngoài tưởng chừng không có gì ăn nhập, từ Le Club Bar bên trong khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, nơi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp gỡ lịch sử năm 2018; đến nhà hàng Ý NAMO trên đường Hai Bà Trưng với thiết kế Ý đương đại, hay công trình mang đậm dáng dấp của ngôi đền cổ Taj Mahal là TajmaSago từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Khai Silk, và Compass Skyview theo phong cách pha lẫn hiện đại và đô thị ấn tượng đã lọt vào top 10 sky bar đẹp nhất ở Bangkok.

Không gian bên trong Compass Skyview tại Bangkok

Trong cuộc trò chuyện với Luxuo Vietnam, Mauricio Alves đã mở lòng chia sẻ về cuộc hành trình dài trong thiết kế nội thất của ông tại Việt Nam, cũng như cách tiếp cận với thiết kế bền vững mà ông đã và đang áp dụng.

Thế mạnh của ông trong thiết kế nội thất là gì, nếu so sánh tương quan với các đơn vị thiết kế nội thất khác?

Chúng tôi là công ty thiết kế nội thất, nhưng chúng tôi cũng có kinh nghiệm về kiến trúc. Nên khi thiết kế nội thất, chúng tôi đưa những kinh nghiệm về kiến trúc đó vào. Ví dụ như với DALCHEENI, một nhà hàng Ấn Độ nằm ngay trung tâm của Quận 1, chúng tôi đã đưa những yếu tố kiến trúc Ấn vào để tạo thành một không gian thống nhất với những món ăn Ấn và đầu bếp người Ấn. Để thực hiện dự án, bản thân tôi và đội ngũ của mình cũng đã đích thân đến Ấn Độ để nghiên cứu nền văn hóa và các chi tiết nhằm đưa vào không gian.

Mauricio Alves bên trong không gian nhà hàng DALCHEENI

Như vậy, với tất cả dự án, chúng tôi đều bắt đầu với một concept thiết kế trước, để khiến nó khác biệt với không chỉ những dự án từ các công ty khác mà còn là những dự án của bản thân chúng tôi làm trước đây. Hãy nghĩ đến không gian bên trong Sofitel Legend Metropole Hanoi và DALCHEENI chẳng hạn, là bạn có thể thấy được sự khác biệt đó điên rồ đến mức nào. Để làm được điều đó, chúng tôi đã tập hợp một đội ngũ nhân viên đa quốc tịch, và rất cẩn thận trong khâu khảo cứu, từ thiết kế, chi tiết, đến toàn bộ chất liệu, để đảm bảo là mọi công trình đều có sự thống nhất và làm hài lòng khách hàng, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho bất cứ ai đặt chân đến.

Le Club Bar tại Sofitel Metropole Legend Hanoi

Thông thường, công đoạn nghiên cứu này kéo dài bao lâu?

Tùy vào từng dự án mà công đoạn này kéo dài từ 1 tháng đến 45 ngày. Sau đó, quá trình thiết kế nội thất sẽ kéo dài tùy vào quy mô của dự án, có khi 2 tháng, khi 4 tháng, thậm chí là 12 tháng hoặc hơn nếu là dự án lớn. 

Chúng tôi có 3 nguyên tắc chính cho việc thiết kế. Thứ nhất, tôi không thiết kế những gì mình muốn, tôi thiết kế những gì khách hàng yêu cầu. Thứ hai, thiết kế phải trả lời được câu hỏi của chúng tôi. Ví dụ, làm thế nào để thiết kế nên một không gian mới nhưng vẫn giữ lại được vẻ đẹp của những gì sẵn có, như cây cột mà chúng tôi không thể dời đi chỗ khác; với loại vật liệu này, ngân sách này, chúng tôi nên làm gì để mọi thứ trở nên thật khác biệt… Và thứ ba: Thiết kế là một quá trình. Chúng tôi làm việc theo nhóm, cứ mỗi dự án, chúng tôi lại chia thành một nhóm có từ 4 đến 9 người. Đó là một hoạt động tập thể, và để đạt được tiếng nói chung, giữa cả chúng tôi và khách hàng, đều cần có nhiều bước thảo luận, xem xét, thống nhất, và tiếp tục nghiên cứu các phương án cho đến khi đạt được câu trả lời tốt nhất.

Câu hỏi bên trên sẽ luôn luôn thay đổi, làm thế nào để thực hiện một dự án theo kiến trúc cổ điển, làm thế nào để làm một sky bar trên tầng thượng của một tòa cao ốc ở Bangkok, làm thế nào để tạo dựng một quán bar bên trong Metropole đã 112 năm tuổi, làm thế nào để làm một khu nghỉ dưỡng theo cách thức bền vững và thân thiện với môi trường… Sự thay đổi đó cần rất nhiều quá trình thảo luận để giải quyết vấn đề, nhưng đó chính là điều thú vị.

Ông vừa mới nhắc đến tính bền vững của thiết kế nội thất. Ông có thể nói thêm về điều này không, vì bền vững quả thật là một yếu tố quan trọng trong những ngày này. Ông làm điều đó bằng cách nào và ông đã học cách thích ứng với sự phát triển mới này như thế nào?

Sự bền vững thật sự là điều thu hút chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi đang đảm nhận một dự án là ngôi nhà thứ hai trên đồng lúa, và chúng tôi thật sự muốn có sự tham gia của cộng đồng, như các nghệ nhân/nghệ sĩ, những người cung cấp các vật liệu gần gũi và tự nhiên. Sự bền vững là một viễn cảnh to lớn hơn, từ cách bạn nghĩ cho đến cách thực hiện, ai sẽ tham gia vào dự án, loại vật liệu nào sẽ được sử dụng…

Cứ sau mỗi 5 ngày, chúng ta lại “tạo ra” 1 triệu người mới trên trái đất. Và cứ 50 ngày, chúng ta sẽ có thêm cả một thành phố Hồ Chí Minh mới! Theo một thống kê mà tôi mới đọc được, vào năm 2020, chúng ta có 7,8 tỷ dân, và vào năm 2030, số cư dân trên thế giới sẽ tăng thêm 1 tỷ. Trong vòng 10 năm, chúng ta phải tìm ra được một nơi nào đó để nhét thêm khoảng 1 tỷ người kia!

Nhà hàng DALCHEENI

Trên thực tế, việc ứng dụng tính bền vững rất quan trọng, vì sẽ có ngày càng nhiều người sinh sống trên thế giới này. Cứ sau mỗi 5 ngày, chúng ta lại “tạo ra” 1 triệu người mới trên trái đất. Và cứ 50 ngày, chúng ta sẽ có thêm cả một thành phố Hồ Chí Minh mới! Theo một thống kê mà tôi mới đọc được, vào năm 2020, chúng ta có 7,8 tỷ dân, và vào năm 2030, số cư dân trên thế giới sẽ tăng thêm 1 tỷ. Trong vòng 10 năm, chúng ta phải tìm ra được một nơi nào đó để nhét thêm khoảng 1 tỷ người kia! Thật điên rồ, có đúng không? Tất cả mọi người sẽ lớn lên, họ cần quần áo, giày dép, họ cần thức ăn, cần nơi ở, và di chuyển. Đây là thời điểm chúng ta phải nghĩ về điều này, về cách làm sao con người có thể sống tốt hơn mà không phương hại đến tự nhiên, đồng thời còn có tác động tích cực trở lại cho cộng đồng.

Quê Tôi Village Phú Yên

Vâng, đây là chủ đề mà tôi rất quan tâm, và tôi sẽ cố gắng thiết kế nhiều hơn theo tâm niệm này. Đây không phải chỉ là chuyện thiết kế nội thất, mà còn là tổng quan quy trình thiết kế, thiết kế kiến trúc, thiết kế cảnh quan, thiết kế đồ họa, thiết kế sản phẩm, mọi thứ có tính thiết kế trong đó. Ví dụ như với thiết kế điện sử dụng năng lượng mặt trời, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều năng lượng. Về thiết kế cấu trúc, làm thế nào để nó bền vững hơn, có thể là một thùng lọc nước từ nước mưa để có thể uống được. Thiết kế thay đổi sự vật, cô có đồng ý như thế không? Thế nên, kinh nghiệm mà tôi có được từ 29 năm thiết kế là một sự tổng hợp, kết hợp giữa nhiều yếu tố thiết kế khác nhau.

Một mặt, sự bền vững là điều rất thú vị, nhưng mặt khác, nó là một khái niệm rất mới. Chúng ta chưa được nghe nhiều về cụm từ “bền vững” vào khoảng những thập kỷ trước. Vậy ông làm thế nào để học và áp dụng một thứ hoàn toàn mới như vậy, khi những ví dụ và bài học thành công về nó chưa nhiều?

Tôi vừa hoàn thiện một dự án cho Marou Chocolate, và họ có một quầy hàng được làm từ nhựa, nhưng mà là nhựa tái chế. Đó là một vật liệu hoàn toàn mới mà ngay cả tôi cũng không được biết. Như vậy, chúng tôi vẫn sẵn sàng học tập và áp dụng cái mới, đồng thời luôn nghĩ cách để tận dụng chất liệu bền vững ngay khi có thể. Có rất nhiều cách để tiếp cận tính bền vững, tôi tin rằng những người làm dự án như chúng tôi có rất nhiều lựa chọn để tạo nên những sản phẩm tốt hơn cho môi trường.

Tôi tin là một hình ảnh có thể hơn ngàn lời nói, vì đôi khi, chúng ta không thể nói rõ ra chúng ta cảm thấy gì, nhưng với không gian này, chúng ta có thể cảm nhận được hết câu chuyện mà nó kể.

Không gian gần gũi thiên nhiên tại The Secret Côn Đảo

Vậy hãy nói về một yếu tố rất quan trọng khác trong thiết kế nội thất, đó là cách thức kể chuyện. Làm thế nào để ông tiếp nhận câu chuyện mà khách hàng muốn truyền tải, và đưa nó vào trong những thiết kế nội thất?

Khi tôi gặp khách hàng, tôi luôn luôn cố gắng lắng nghe họ, để hiểu họ muốn gì và tự hỏi ý định của họ như thế nào. Vì thế, chủ yếu là tôi lắng nghe khách hàng truyền tải tầm nhìn của họ, sau đó vận dụng kinh nghiệm của bản thân để tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh, đó là điều cốt yếu. Có thể là câu chuyện kiến trúc Pháp thời Đông Dương thuộc địa từ Metropole, có thể là câu chuyện tâm linh Ấn Độ với những vị thần bảo hộ bên trong nhà hàng này (DALCHEENI) hay có thể là 1 nhà hàng Latin đầy màu sắc như Chickita.

Nhà hàng Chickita Crescent Mall

Tôi nghĩ, đặc thù công việc của chúng ta rất giống nhau. Giới báo chí tạo một câu chuyện để kể, để kể câu chuyện đó, cô cần có giấy và mực. Tôi cũng như thế, nhưng câu chuyện của chúng tôi được thể hiện qua sàn nhà, trần nhà, tường nhà, ánh sáng, nội thất, kết cấu, màu sắc… hay nói khác đi là một cách thức giao tiếp khác. Tôi tin là một hình ảnh có thể hơn ngàn lời nói, vì đôi khi, chúng ta không thể nói rõ ra chúng ta cảm thấy gì, nhưng với không gian này, chúng ta có thể cảm nhận được hết câu chuyện mà nó kể. Câu chuyện thiết kế của tôi đơn giản là như thế.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị!


 
Back to top