Chính thức ra mắt ấn phẩm nghệ thuật Art Republik Vietnam #4: Herein Lies The Ethos
Thân mời độc giả cùng Art Republik #4 quay về những vận hành và giá trị cốt lõi trong dòng chảy nghệ thuật Việt Nam.
Xét một cách tích cực, suốt hơn hai năm chống chọi và vượt qua đại dịch với những cách ly-phong tỏa diễn ra liên tiếp đã cho chúng ta những khoảng lặng cần thiết để đặt ra những tự vấn hiện sinh, và tái cân nhắc những giá trị cốt lõi, những bản sắc cội căn, và những mối quan hệ với con người, sự vật và ý tưởng mật thiết nhất với mình. Để bước tiếp, việc hiểu thấu đáo nguồn gốc và cơ chế vận hành của những gì đã và đang xảy ra xung quanh là quan trọng. Trên tinh thần ấy, mời bạn hãy cùng Art Republik #4 quay về những vận hành và giá trị cốt lõi trong dòng chảy nghệ thuật Việt Nam.
Với “Những gì là cốt lõi”, Art Republik #4 dõi theo hành trình truy tìm nguồn cội của Tiêu Cát, một chất liệu từng được các nghệ nhân xưa sử dụng khi ranh giới mỹ nghệ-nghệ thuật còn chưa tồn tại. Theo nhà thiết kế Vũ Thảo, “vải vóc là một trong những dạng văn bản sớm và sinh động nhất, ghi nhận sự tồn tại của loài người”. Cùng với một nhóm nghệ nhân tơ chuối, nghệ sỹ bố phẩm, và nhà làm phim đến từ Nhật Bản, hành trình đi tìm giống cây chuối rừng abacá tại vùng núi Cao Bằng của Vũ Thảo có lẽ sẽ giúp chúng ta “nhớ lại” những lời giáo huấn tự ngàn xưa – được lịch sử đan dệt vào từng sợi tơ thớ vải – của các bậc tiền nhân.
Trong chuyên mục Đông Dương, chúng ta sẽ soi chiếu giai đoạn khởi đầu nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trong số này, mời độc giả cùng tìm hiểu những đóng góp của danh họa Nam Sơn trong việc đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương; khám phá các giai đoạn trong tranh của giảng viên sơn mài đầu tiên, Alix Aymé; phân tích hai kiệt tác lập kỷ lục đấu giá của Lê Quốc Lộc và Phạm Hậu; đồng thời nhìn lại triển lãm truy hồi gây tiếng vang của Mai Trung Thứ tại Mâcon, Pháp.
Ở giai đoạn kháng chiến-hậu hiện đại, ta sẽ được ngồi lại với giám tuyển Yunwen Sung để thăm triển lãm “Họa sỹ Kháng chiến Việt Nam” diễn ra suốt 3 năm tại NUS Museum, Singapore; điểm qua triển lãm “Bên Chiến Hào” của cố họa sỹ Huỳnh Phương Đông tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM; lắng nghe chia sẻ của sử gia nghệ thuật Nora Taylor, một tác giả chuyên sâu về nghệ thuật Việt Nam hiện đại; và đọc một bài viết thú vị về dịch giả Dương Tường, một nhân cách lớn có nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn này.
Tiếp nối sang kỷ nguyên đương đại, trước hết ta cùng Trần Đan Vy và Roger Nelson cùng mổ xẻ khái niệm “nghệ thuật đương đại” trong hệ quy chiếu Đông Nam Á và quốc tế. Qua giải nghĩa của Đan Vy, bạn đọc sẽ “phần nào hiểu rõ hơn những gì đã, đang và sẽ diễn ra với nghệ thuật đương đại phương Tây”. Và rốt cuộc: “Dù là tái sinh truyền thống hay sinh ra cái mới thì thế giới nghệ thuật sẽ luôn thiên biến vạn hóa để tương tác với tốc độ phát triển và nhu cầu thực tế của hiện tại. Hy vọng rằng sự biến đổi của nghệ thuật sẽ mãi nằm ngoài trí tưởng tượng của mỗi chúng ta, vượt qua mọi dự đoán, kỳ vọng và định kiến của con người thế kỷ 21.”
Ở bối cảnh Việt Nam, loạt bài phỏng vấn đặc biệt do Đỗ Tường Linh giám tuyển sẽ soi rọi giai đoạn 1990 – thập kỷ mở đầu cho nghệ thuật đương đại tại Hà Nội, thông qua góc nhìn của 8 khách mời: nghệ sỹ Trương Tân, giám tuyển-nghệ sỹ Trần Lương và Nguyễn Minh Phước, nhà phê bình Bùi Như Hương, nhà nghiên cứu Natalia Kraevskaia, nghệ sỹ Veronika Radulovic, chủ phòng tranh Suzanne Lecht, và nghệ sỹ Nguyễn Phương Linh.
Đi song song là góc nhìn đối với giai đoạn này từ khu vực Đông Nam Á, với những nhận định sắc sảo của giám tuyển Iola Lenzi và cố nghệ sỹ Lee Wen.
Quay lại với nhịp thở hiện hành, chúng ta điểm qua một số triển lãm đương đại nổi bật trong năm vừa qua như tuần lễ “Nổ Cái Bùm” 2022 ở Đà Lạt, triển lãm nhóm “Hẹn Thư Sau” tại Á Space, và triển lãm solo “Cải Tiến Thế Giới” của Nguyễn Trinh Thi tại Manzi Art Space. Nhìn rộng ra khu vực, cặp đôi nhà Samson chia sẻ với chúng ta về bộ sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á đồ sộ của họ cùng quá trình tích lũy.
Những Gì Là Cốt Lõi – Herein Lies The Ethos
Mang theo nỗi trăn trở về một ấn phẩm nghệ thuật có sức kết nối với cả giới học thuật lẫn đại chúng, đặc biệt đòi hỏi khả năng tiếp cận và lan tỏa tới giới trẻ yêu nghệ thuật, với quy chuẩn nội dung ngang tầm các ấn phẩm quốc tế, đội ngũ biên tập đã dành nhiều tâm huyết để cho ra đời ấn phẩm Mag/book Art Republik #4: Những Gì Là Cốt Lõi với một sự cải tiến về cấu trúc nội dung.
Theo lời giám tuyển Ace Lê – Managing Editor của Art Republik Vietnam issue 4: “… việc quay lại cốt lõi cũng là một cách chuyển mình cho chặng đường mới”. Chắc chắn sẽ luôn tồn đọng những thiếu sót, “nhưng điều quan trọng là chúng ta cùng nỗ lực để làm được một thứ gì mới hơn hôm qua”. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, phê bình của đông đảo bạn đọc. Và hơn hết, xin cảm ơn quý độc giả, cộng sự và đối tác đã luôn đồng hành cùng Art Republik Vietnam.