BUSINESS OF LUXURY

McLaren thế chấp bộ sưu tập xe sang để huy động vốn

May 26, 2020 | By Stephanie Nguyen

Khi chính phủ kêu gọi các ngành công nghiệp Anh hỗ trợ sản xuất máy thở, McLaren là một trong những cái tên đầu tiên tham gia. McLaren đã cùng Airbus và Rolls-Royce đồng hành trong chiến dịch VentilatorChallengeUK. Tính đến giữa tháng 4, hãng xe đã chế tạo thành công các bộ phận cho các máy thở và điều phối xe trung chuyển chúng đến các nơi cần thiết.

McLaren gặp khó khăn tài chính và cần huy động vốn gấp để cứu lấy tập đoàn.

Tuy nhiên, McLaren đang phải đối diện với một tình huống khẩn cấp khác – cứu vớt tài chính. Tập đoàn đang phải dùng bộ sưu tập xe cực giá trị và thậm chí trụ sở tại Woking, Surrey làm tài sản thế chấp nhằm huy động được lượng vốn cần thiết để sống còn.

Doanh thu của McLaren sụt giảm đáng kể trong đại dịch. Mặc dù các khách hàng siêu giàu của hãng ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng cách ly, nhưng các giao dịch vẫn bị ngưng trệ khi khách hàng muốn được ghé thăm showroom trước khi tiến hành chi trả cho một chiếc siêu xe đắt tiền. Ngay cả những người mua giàu có nhất cũng cần được xem kỹ trước khi trả 163.000 bảng cho một chiếc McLaren GT đường trường. Xe càng hiếm càng có giá trị cao. Chẳng hạn, chiếc Elva không kính chắn gió có giá 1,4 triệu bảng, chưa bao gồm các tùy chọn bổ sung như tấm chắn nhiệt động cơ làm bằng vàng 24 cara.

Việc hủy tổ chức giải đua công thức 1 khiến McLaren bị hụt 12% doanh thu từ quảng cáo và tài trợ giải thưởng.

Ngoài việc bị thất thoát khoảng 12% doanh thu vì phải hủy giải đua xe F1 vào tháng 3, McLaren tiếp tục nhận thêm cú sốc bị chính phủ từ chối cho vay khẩn cấp 150 triệu bảng, theo tờ Sky News

Tập đoàn đã tiêu tốn khoảng 257 triệu bảng tính đến hôm 20/04, và con số này chưa dừng lại trước tình hình cắt giảm lương và nhân sự, cùng việc đóng băng nhà máy tại Woking từ tháng 3.

Trước nỗ lực tuyệt vọng của McLaren trong việc lấp các lỗ hổng tài chính do Covid-19 gây ra, các cổ đông hiện tại đã cam kết đầu tư 300 triệu bảng. Trong thành phần cổ đông bao gồm Mumtalakat, một quỹ tài sản thuộc sở hữu của Bahrain, đang nắm phần lớn cổ phần của McLaren từ năm 2017.

Nhà máy sản xuất của McLaren tại Working bị ngưng hoạt động từ tháng 3.

Tuy nhiên, McLaren vẫn cần thêm 250 triệu bảng để đi qua cơn khủng hoảng tiền mặt hiện tại. Họ đã tính đến phương án vay trái phiếu từ ngân hàng đầu tư JP Morgan, nhưng gặp phải vấn đề tranh chấp quyền hữu bộ sưu tập xe bao gồm những chiếc F1 của nhà sáng lập, Bruce McLaren và huyền thoại đua xe Ayrton Senna, trong trường hợp công ty phá sản.

Một số trái chủ cho rằng thế chấp bộ sưu tập xe hơi là đi ngược với điều khoản vay nợ năm 2017, thời điểm McLaren đã thế chấp chính bộ sưu tập này để vay 525 triệu bảng với kỳ hạn 5 năm, để tài trợ cho một giao dịch của cựu Chủ tịch Điều hành Dennis. Những trái chủ khác lên tiếng vì không được McLaren thông báo về vấn đề này, đồng thời cương quyết rằng bất kỳ thay đổi nào với tài sản thế chấp phải được sự tán thành của họ. Số còn lại sẵn sàng gây quỹ khẩn cấp nhưng với điều kiện McLaren không tham gia tranh chấp.

Phát ngôn viên của McLaren cho biết: “Chúng tôi đang xem xét một số tùy chọn tài trợ tài chính khác và tham khảo ý kiến tư vấn về pháp lý.” Trong khi đó, ngân hàng JP Morgan từ chối bình luận.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của Brian Studioso, một nhà phân tích thế chấp xe hơi tại cơ quan xếp hạng trái phiếu CreditSights, chìa khóa để giải quyết khủng hoảng cho McLaren là một khoản vay mới. Cụ thể, trong một ghi chú cho các nhà đầu tư, ông đã viết như sau: “Việc đốt cháy tiền mặt nhanh chóng và gấp gáp cho thấy McLaren đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản lớn. Do đó, bất kỳ động thái nào ở hiện tại đem lại nguồn tài chính, giúp McLaren thu hẹp khoảng cách thiếu hụt và thoát khỏi khó khăn đều là một điều tích cực cần xem xét.”


 
Back to top