LVMH, Kering, Prada, Richemont và Hermès: Đâu là tập đoàn bị thiệt hại nặng nhất 2020?
Báo cáo doanh thu toàn cầu từ Richemont (chủ sở hữu của Piaget, Chloé và Panerai) hay Bottega Veneta của Kering và Prada cho thấy sự sút giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 so với năm 2019.
Đây là một năm thực sự đầy thử thách đối với tất cả các loại hình kinh doanh, và các thương hiệu cao cấp cũng không ngoại lệ.
Đại dịch đã gây khó khăn đối với ngành xa xỉ thế giới khi môi trường kinh tế và chính trị toàn cầu không rõ ràng và thu nhập của người tiêu dùng giảm sút rõ rệt.
Tuy nhiên, các sản phẩm xa xỉ có khả năng mang lại hạnh phúc cho người mua. Điều này dường như đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong lĩnh vực này, với những dấu hiệu phục hồi xuất hiện trong những tháng gần đây.
Một số công ty xa xỉ hàng đầu – bao gồm Louis Vuitton và Dior của chủ sở hữu LVMH, tập đoàn mẹ Kering của Gucci và gã khổng lồ đồng hồ Richemont – đã ghi nhận những phát triển mạnh mẽ về tài chính trong nửa cuối năm nay.
Hermès
Quý III ghi nhận những dấu hiệu đầy tích cực cho Hermès, với doanh số bán hàng tăng 7% nhờ sự tăng trưởng 12% từ các cửa hàng của thương hiệu, bao gồm mức tăng 29% ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản.
Sau nhiều phiên giảm trước đó, giá cổ phiếu của công ty đã tăng liên tục trong năm, tăng 188 euro và đạt 859 euro (1.047 USD).
LVMH
Giống như nhiều công ty khác, câu chuyện của LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới ghi nhận những sụt giảm nghiêm trọng và sau đó sự phục hồi đều đặn.
Doanh thu của công ty đạt 36,9 tỷ đô la Mỹ trong ba quý đầu năm 2020 sau khi giảm 27% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, nhưng sau đó chỉ giảm 7% trong quý thứ ba, nghĩa là giảm 21% của cả 3 quý. (họ từng báo cáo kết quả kỷ lục vào năm 2019 nhờ thành tích xuất sắc của Louis Vuitton và Christian Dior.)
Giá cổ phiếu của LVMH vào đầu năm ở mức 419 euro và kết thúc ở mức 499 euro, nhận được mức tăng lớn nhất khi công ty mua lại hãng kim hoàn Tiffany & Co., thương vụ hoàn thành vào tháng 10 sau gần một năm đầy biến động.
Kering
Kering, đối thủ của LVMH, cũng có một câu chuyện tương tự: doanh thu giảm 29,6% xuống 6,56 tỷ USD trong nửa đầu năm, nhưng chỉ giảm 4,3% trong quý tiếp theo ở mức 4,52 tỷ USD, tốt hơn so với mức thị trường mong đợi. Kết quả là giá cổ phiếu chỉ giảm nhẹ, từ 598 euro vào đầu năm nay xuống còn 558 euro.
Gucci – thương hiệu con cưng của Tập đoàn – ghi nhận mức doanh thu giảm khoảng 12% trong quý thứ ba, nhưng hiệu suất của nó vẫn đánh bại các ước tính của ngành khi xét đến tình hình kinh tế không chắc chắn của năm.
Trong khi đó, thương hiệu anh em Bottega Veneta đang nổi lên như một ngôi sao bất ngờ, tăng doanh thu 17%.
Richemont
Đứng thứ ba trong số những tập đoàn xa xỉ lớn trên thế giới, Richemont – chủ sở hữu của Piaget, Chloe và Panerai – đã giảm 26% doanh số trong nửa đầu năm tài chính, bắt đầu từ tháng 4, xuống còn 6,66 tỷ USD.
Tuy nhiên, một lần nữa, đã có những dấu hiệu tích cực hơn trong những tháng gần đây: từ mức giảm 47% trong ba tháng đầu tiên của giai đoạn đó xuống chỉ còn 5% trong tháng thứ hai, với doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng 78% trong ba tháng qua.
Lợi nhuận giảm 82% xuống 194 triệu USD, với giá cổ phiếu tăng nhẹ từ 76 franc Thụy Sĩ lên 80 franc Thụy Sĩ.
Prada
Bất kỳ đánh giá nào về hiệu quả kinh doanh của Prada đều bị cản trở bởi thực tế là hãng đã không công bố bất kỳ kết quả nào kể từ cuối quý hai, khi mọi thương hiệu đều hoạt động tệ hại.
Doanh thu đã giảm 40% vào thời điểm đó ở mức 1,14 tỷ USD, doanh thu bán lẻ giảm 32% và công ty đang lỗ 219 triệu USD.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tin tưởng vào khả năng vượt qua cơn bão của công ty. Công ty được niêm yết tại Hồng Kông, bắt đầu ở mức 31 đô la Hồng Kông và được giao dịch ở mức giá tương tự vào ngày 4 tháng 11, kể từ đó nó tăng lên 44 đô la Hồng Kông.