Smart Luxury: Bỏ 10.000 USD mới sở hữu được một chiếc túi Chanel Classic
Chanel Classic có gì để người dùng phải bỏ ra 10.000 USD nếu muốn sở hữu?
Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1955, thiết kế ban đầu của chiếc túi có móc cài xoay linh hoạt và không đính kèm logo như hiện tại. Chúng có mức giá khởi điểm là 220 USD tương đương với chi phí hiện tại là 2.479 USD, theo Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ.
Nhờ thiết kế vượt thời gian mà Chanel Classic đã trở thành phụ kiện phổ biến nhất vào thời điểm đó. Karl Lagerfeld đã mang đến diện mạo mới dành cho chiếc túi xách nắp gập khi phát hành phiên bản có nắp đính logo hai chữ C ghép lồng vào nhau. Chiếc túi ra mắt công chúng vào năm 1983 và có giá lên tới 1.000 USD (khoảng 3.033 USD hiện nay).
Khi thị trường xa xỉ tăng trưởng ở khắp các cửa hàng và website bán lại thì giá trị của chiếc túi cũng được đẩy lên gấp đôi kể từ năm 2016, theo Sotheby.
Cynthia Houlton, Trưởng bộ phận Thời trang và Phụ kiện Toàn cầu của Sotheby’s cho biết: “Coco Chanel đã có tầm nhìn đi trước thời đại khi thương hiệu đã tạo ra những thiết kế phù hợp với phụ nữ hiện đại. Thậm chí đến nay thiết kế ban đầu vẫn được giữ nguyên và chỉ cần biến tấu về chất liệu, màu sắc”.
Trong khi đó, Elizabeth Layne, Giám đốc Tiếp thị của Rebag cho biết: “Chiến lược tăng giá này vốn không chỉ dành riêng cho Chanel mà cả Dior hay Hermes cũng thường xuyên điều chỉnh giá sản phẩm, nhất là đối với những sản phẩm mang ý nghĩa biểu tượng”.
Theo Layne, từ năm 2005 đến năm 2015, mức tăng trung bình hàng năm của Chanel giảm xuống còn 5% so với mức tăng tổng thể trong khoảng thời gian đó là 70%. Tuy nhiên trong thời điểm đại dịch, nhà mốt lại tăng giá sản phẩm Chanel Classic Flap cỡ vừa 12% từ 5.800 USD (2019) lên 6.500 USD (2020). Vào cuối năm 2021, giá đã tăng từ 6.500 USD lên 8.000 USD, tăng khoảng 35%.
Nguyên do khiến các thương hiệu áp dụng chiến lược tăng giá định kỳ này là gì? Có phải chỉ để độc quyền sản phẩm?
Jessa Henderson, Giám đốc cấp cao của Fashionphile cho biết: “Định vị thương hiệu đóng vai trò trong chiến lược tăng giá định kỳ này. Để một thương hiệu duy trì được tính độc quyền, họ cần định vị với giá trị cao”.
Sotheby’s Houlton cũng nhận định, việc tăng giá cao đôi khi cũng khiến những nhà đầu tư cân nhắc bởi sự duy trì vị thế trên thị trường.
Một số thương hiệu từng giảm giá thành sản phẩm nhưng không đem lại hiệu quả tích cực. Hầu hết các tập đoàn đều cố gắng tăng giá với mong muốn thúc đẩy lợi nhuận cao hơn và cho phép họ đầu tư vào hoạt động kinh doanh cũng như kết hợp với những nhà thiết kế hàng đầu.
Lo ngại về “bong bóng giá trị”
Layne của Rebag cho biết: “Chúng tôi nhận thấy số lượt tìm kiếm về Chanel Classic Flap tăng lên gần 30% hàng tháng. Năm ngoái, Chanel có tỷ lệ duy trì giá trị trung bình là 87%, có nghĩa phong cách của hãng chiếm 85% giá bán lẻ trở lên khi bán lại, theo báo cáo của Clair năm 2022.
Với mức giá 10.200 USD chiếc túi này đã tăng gần 16% so với đầu năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục tăng. Nhưng mức tăng này liệu có bền vững hay chỉ là “bong bóng giá trị” sẽ nổ bất kỳ lúc nào.
Houlton cho rằng, Chanel cứ mặc sức tăng giá miễn là không tăng sản lượng. Cô cho biết: “Tôi không thấy một thương hiệu xa xỉ mới nổi nào đang dẫn đầu thị trường. Nếu nói về túi xách thì chỉ có ba cái tên Hermes, Chanel, Louis Vuitton trên thị trường thứ cấp. Ngoài ra, một số thương hiệu sẽ có cho mình những chiếc túi siêu hot nhưng cũng chỉ là xu hướng 1-2 năm. Đó là những gì chúng ta quan sát được trong 10 năm qua”.
Theo Fashionista