BUSINESS OF LUXURY

Tôi học được gì? CEO Mai Son – Một nữ tướng của đế chế bán lẻ thời trang cao cấp và là một người mẹ

Aug 17, 2022 | By Ton Binh

Từng có 7 năm kinh nghiệm gắn bó với công việc tiếp viên hàng không, với niềm đam mê thời trang Phạm Thi Mai Son đã quyết định rẽ hướng sự nghiệp sang công việc kinh doanh thời trang cao cấp tại Việt Nam. 

Phạm Thị Mai Son – CEO của Maison (Ảnh: FBNV)

Cô bắt đầu tiếp cận với thương hiệu Mango trong những chuyến bay quốc tế khi còn làm tiếp viên. Thời điểm đó, do không có sẵn mối quan hệ, Mai Son đã phải mất tới 2 năm để thuyết phục Mango trao quyền để cô đưa thương hiệu về Việt Nam. Cô lý giải, những thương hiệu cao cấp thường muốn làm việc với những đối tác hiểu về thị trường bản địa, hiểu giá trị sản phẩm. Bởi vậy trong suốt hành trình gây dựng lên MRMI (Maison Retail Management International), nhu cầu khách hàng và sản phẩm phù hợp với thị trường luôn được cô đề cao. 

Hiểu sản phẩm, thị trường 

Theo Mai Son, Việt Nam là thị trường tiềm năng với phân khúc sản phẩm cao cấp khi những khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu đang tăng lên nhanh chóng. Thị trường thời trang Việt Nam dự kiến đạt xấp xỉ 8,6 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 8,6%, bỏ xa các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. 

Việc nắm bắt và hiểu về thị trường một cách chi tiết đã giúp cô hình thành danh mục sản phẩm đầu tư cho MRMI phù hợp với thị hiếu khách hàng Việt Nam. Cụ thể, có đến 85% thương hiệu được Maison phân phối thuộc phân khúc bình dân và trang phục thể thao, 15% còn lại dành cho phân khúc trung lưu nhằm đón xu hướng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trong những năm tới. 

Tại MRMI, tính thương mại của thương hiệu cũng rất được chú trọng ngay từ việc chọn lựa các sản phẩm cần đảm bảo tính kết nối đối với người tiêu dùng. Có thể hiểu đơn giản là sản phẩm đó phải phù hợp với đặc tính, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam: chuộng những thiết kế, màu sắc hay thương hiệu như thế nào,.. Yếu tố thứ hai là trải nghiệm khách hàng và bài toán quản trị doanh nghiệp. Đến nay, MRMI sở hữu 20 thương hiệu thuộc phân khúc từ trung – cao cấp như Coach, Puma, Charles&Keith, Pedro,… Điều này cho thấy, công tác hoàn thiện, chỉnh chu trong từng khâu chăm sóc khách hàng phải được đảm bảo kỹ lưỡng không chỉ đối với một cơ sở mà còn với tất cả hệ thống khi doanh nghiệp của bạn đạt ngưỡng 100 – 400 cửa hàng, nhân viên.

Sự tập trung cũng chính là từ khoá kim chỉ nam cho những bước đi trên thương trường của Mai Son.

Thông thường, các doanh nghiệp khi đạt đến một ngưỡng thành công nhất định, họ sẽ bắt đầu đa dạng hoá loại hình kinh doanh bằng việc đầu tư và mở rộng sang nhiều lĩnh vực không phải thế mạnh. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành con dao hai lưỡi, một mặt sẽ giúp doanh nghiệp tiến xa nhờ chạy theo xu hướng, mặt khác dễ bị động và phân tán thời gian, nhân lực cũng như kinh phí để duy trì và vận hành. Đối với Mai Son, cô lựa chọn phương án “lấy một bỏ hai mươi”, tức là trong 20 cơ hội, cô sẽ cân nhắc và lấy chọn một sao cho phù hợp với điều kiện của hai bên. 

Văn hoá doanh nghiệp được chú trọng 

Làm kinh doanh chủ yếu dựa vào con người, bởi vậy Mai Son luôn tôn trọng cá tính và thế mạnh của mỗi nhân viên trong công ty, từ đó phát huy và truyền động lực cho họ.

Nhân sự chính là tài sản cốt lõi để củng cố hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. 

Mai Son – CEO của Maison Retail Management International

Bản thân cô cũng tâm niệm: “Chúng ta chỉ sống một cuộc đời, vậy tại sao lại chọn cách sống tẻ nhạt. Công việc thường chiếm phần lớn quỹ thời gian của một người, vậy tại sao chúng ta lại chọn một công việc nhàm chán? Tôi yêu thời trang, đó là lý do tôi quyết định kinh doanh thời trang”. 

Ảnh: FBNV

Đồng thời, tại Maison, nhân viên luôn được khuyến khích giao tiếp cởi mở, trực diện và chân thành. Phương thức giao tiếp này đôi lúc sẽ tạo nên những cuộc trò chuyện không mấy thoải mái, nhưng đó là điều cần thiết để sự thật được lên tiếng, vì lợi ích của tập thể, và để đạt được hiệu quả trong công việc một cách tốt nhất.

Khởi nghiệp và đi lên từ quá trình học hỏi, suốt 20 năm qua, Mai Son trở thành biểu tượng cho nữ quyền với cá tính, bản lĩnh và phong cách thời trang “iconic” hiếm có đối với vị trí CEO nữ tại Việt Nam. 

Thu Thảo – tham khảo từ Forbes, CafeF


 
Back to top