Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nghệ thuật của Nguyễn Sơn – Từ bảng mạch đến ghim

Aug 16, 2022 | By Art Republik

Sau triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2020 với vật liệu chính là bảng mạch, tháng 8 năm 2022 Nguyễn Sơn giới thiệu triển lãm cá nhân thứ 2 tại Việt Nam với các tác phẩm được làm từ súng bắn ghim kết hợp kỹ thuật hội họa phương Tây.

Nguyễn Ngọc Sơn, “Vũ Khúc thiên nhiên” (2019), ghim – acrylic trên gỗ nhựa, 161 x 112 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Bên lề nghệ thuật truyền thống

Các vật liệu Nguyễn Sơn lựa chọn sử dụng để tạo nên tác phẩm, gợi nhắc đến một nghệ sĩ Việt Nam tiên phong và nổi bật trong thế kỷ 20: Vũ Dân Tân – người sử dụng sơn, đĩa nhạc, bìa carton, hộp, bao, đồng hồ, và rất nhiều những đồ dùng đặc trưng khác của xã hội Việt Nam sau thời kỳ “Mở cửa”, để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật thống nhất và độc nhất. Vũ Dân Tân không chỉ đem đến cho nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm mới, mà còn cả một “không khí” nghệ thuật đương đại mang âm hưởng sôi động của xã hội Việt Nam tại thời điểm đó. Nghệ thuật của Nguyễn Sơn ở một góc độ nào đó cũng mang đến không khí sôi nổi của thời đại, thông qua vật liệu kiếm được từ đời sống, tạo nên những tác phẩm “bên lề” các hình thức nghệ thuật quen thuộc. Và nó có gì?

Với nền tảng của một kiến trúc sư, các tác phẩm của Nguyễn Sơn thể hiện niềm cảm hứng với những cấu trúc và vật liệu công nghệ. “Ma trận” là sự kết hợp giữa hiện đại và dân gian. Các bảng mạch điện tử đại diện cho công nghệ, mang tính khúc chiết và cứng nhắc. Các vật liệu như toan, sơn, sắt uốn đại diện cho vật liệu của nghệ thuật, tò he gợi nhắc đến hình ảnh trò chơi dân gian truyền thống. Ở đây, truyền thống vừa làm mềm mê cung đô thị trong tác phẩm, đem đến tính chất bản địa cho những vật liệu toàn cầu, vừa phơi bày sự tương phản đối lập, gợi lên những cảm xúc khó diễn đạt, có gì đó dị dạng và cấp tiến.

Nguyễn Ngọc Sơn, “Ngoại ô 03”, bảng mạch – acrylic, len, epoxy trên khung gỗ. Nguồn: vov.vn

Ma trận có các tác phẩm trào phúng trong hình ảnh con người với cái đầu được thay thế bằng bẳng mạch hay mang vác các khối bảng mạch. Tạo hình người trong tác phẩm gợi nhắc đến hội họa Bửu Chỉ (1948-2002) với tác phẩm “Lăn một đời”, hay cả hai cùng cho liên tưởng tới hình tượng những con người hiện sinh của Giacometti.

Nguyễn Ngọc Sơn, “Ý niệm về thăng bằng 01”, bảng mạch – thép uốn. Nguồn: vov.vn

Nguyễn Sơn quan tâm đến việc khám phá hai khía cạnh, sáng tạo vật liệu và giá trị thẩm mỹ trong các tác phẩm.

Với khía cạnh sáng tạo vật liệu, anh sử dụng các chất liệu quen thuộc trong hội họa như sơn dầu, màu nước, phấn màu, acrylic; kết hợp với các vật liệu phổ biến trong đời sống để tạo kết cấu bề mặt như: bảng mạch, len, bìa, ghim, nhựa, bột nặn… Điều này cũng thống nhất với cách anh tư duy ở ý tưởng: “sáng tác đến với tôi từ mọi khía cạnh của cuộc sống: từ những tin tức thời sự hay tiếp xúc với những văn hóa, công nghệ. Mỗi tương tác xã hội đều đem đến cho tôi những ý tưởng sáng tạo. Cho dù đó là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, sự tác động môi trường do biến đổi khí hậu và ô nhiễm…thậm chí ý tưởng có thể nảy sinh từ việc quan sát và chăm sóc con cái của tôi.”

Với khía cạnh thẩm mỹ, trong “Ma trận”, tạo hình từ bảng mạch thô cứng với các đường cắt khúc chiết nhưng vẫn cho thấy sự đan xen của màu sắc, các nét vẽ tay, sự uốn lượn của sơn… Và đến “Ghim” là cả một sự chuyển đổi mạnh mẽ về tạo hình.

Những hình hài méo mó của “Ghim”

Trong “Ma trận”, sự thô cứng, máy móc của vật liệu, màu sắc trung tính của kim loại áp chế tạo hình các tác phẩm, đem đến cảm giác một đô thị hiện đại, chen lấn, xám xịt và cứng nhắc. Đến “Ghim”, chất liệu bề mặt vẫn lấy vật liệu công nghiệp là ghim, được bắn vào gỗ nhựa rồi phủ/vẽ bằng các chất màu của hội họa. Và ở “Ghim”, hội họa như được giải tỏa, cùng với cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến biến dạng những hình hài.

So với hình thức vẽ trên mặt phẳng thông thường, không gian, ánh sáng, hình khối, màu sắc ngoài việc được tạo nên từ màu, còn được cộng hưởng bởi hiệu ứng của đường hướng ghim được bắn tạo bề mặt. Việc tạo hướng của ghim, bản thân nó đã có thể tạo hình không khác gì hiệu ứng của nghệ thuật thêu truyền thống. Có lẽ bởi vậy, mà có quan điểm nhắc đến việc liệu có nên coi nghệ thuật của Nguyễn Sơn nằm ở ranh giới giữa mỹ nghệ và nghệ thuật?

Nguyễn Ngọc Sơn, chi tiết tác phẩm “Hồ đêm” (2020), ghim – acrylic trên gỗ nhựa, 161 x 112 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Trong các hình thức thực hành nghệ thuật đương đại, việc các nghệ sĩ sử dụng các chất liệu dân gian để tạo nên thành phần trong tác phẩm, ví như đặt một phần quá khứ vào bối cảnh hiện tại, để tái nhận thức cả quá khứ và hiện tại. Ở đây, Nguyễn Sơn dùng ghim tạo hiệu ứng gần giống với hình thức thêu truyền thống. Những mảng hình cùng hướng của ghim, cộng với màu sắc lấp lánh của kim loại, cho liên tưởng đến những mảng cườm kết đính trên trang phục hay tranh thêu. Nhưng cảm giác chiếm phần lớn các tác phẩm vẫn toát lên sự biến dị, hiện sinh, méo mó, ngạo nghễ.

Nguyễn Ngọc Sơn, “Lưới thời gian” (2019), ghim – acrylic trên gỗ nhựa, 121 x 121 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Có những tác phẩm thể hiện những đề tài/sự vật quen thuộc trong các loại hình mỹ thuật truyền thống. Những tác phẩm mà Nguyễn Sơn tạo hình sen, chim, gà, hổ một cách đơn thuần, có vẻ đối lập hẳn với các tác phẩm biểu hiện còn lại. Tác giả thể hiện cả hai chiều kích của nghệ thuật. Một là méo mó, cao trào, giằng xé. Chiều kích thứ hai là êm ả, bình yên, đơn thuần trong miêu tả. Liệu đây là hai thái cực của một tư duy hay là sự cố tình thách đố với cái gọi là phong cách nghệ thuật? Và liệu với các hình thức nghệ thuật thử nghiệm như thế này, có nên đặt câu hỏi về tính mỹ nghệ và nghệ thuật, hay tính thương mại và nghệ thuật? Có chăng, sự phân biệt nằm trong cách người ta quảng bá và diễn giải về tác phẩm nghệ thuật đó. Nhưng dù có thế nào, những hình thức mới cũng đã là một sự dám dấn thân của tác giả.

Nguyễn Ngọc Sơn, tác phẩm trong triển lãm, ghim – acrylic trên gỗ nhựa. Ảnh: Trần Thu Huyền

Quay trở lại những hình hài méo mó của “Ghim”, hàng loạt các tác phẩm như “Nỗi đau”, “Vũ khúc thiên nhiên”, “Edinburgh”, “Lưới thời gian”, “Đêm Long Biên”… thể hiện cùng một phong cách làm cho các hình ảnh biến dạng lượn sóng. Đến các nhân vật người trong tác phẩm cũng uốn lượn sống động, nhưng cái hay là vẫn nhận ra toàn bộ đặc điểm của nhân vật như hiện thực. Và với vật liệu nền từ ghim, các tác phẩm chân dung này thể hiện một khả năng tạo hình đáng ngạc nhiên của tác giả.

Tác phẩm “Edinburgh” miêu tả một thành phố với những nóc nhà uốn lượn bên đồi. Với cùng một tone màu bao phủ tác phẩm, thành phố hòa cùng một nhịp điệu như đang nhảy múa. Tác phẩm đem đến hình tượng khá thú vị trong tạo hình tưởng tượng. “Vũ khúc thiên nhiên” cũng vậy, vẽ những con vật (như thạch thùng hoặc ếch) bị kéo dài biến dạng, đem đến cảm giác hoang dã nguyên sơ nhưng trong những điệu nhảy chỉ có ở con người.

Sự biến dạng trong các tác phẩm đem đến hai khía cạnh của nhận thức: Một, có thể xem đó là những trạng thái hoan ca, xả trừ; Hai, là sự giằng xé nội tâm. Và nếu như vậy, từ “Ma trận” đến “Ghim” là một sự chuyển đổi logic. “Ma trận” mang đến sự ngột ngạt trong nội tâm của tác giả, được thể hiện qua hình ảnh một đô thị hiện đại, đông đúc, cấp tiến và dồn nén. Tới “Ghim” là sự xả trừ, hoan ca, rung cảm nhưng đưa đẩy và giằng xé.

Nguyễn Ngọc Sơn, “Nỗi đau” (2021), ghim – acrylic trên gỗ nhựa, 61 x 81 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Nguyễn Sơn từng chia sẻ, nghệ thuật giúp anh giải tỏa nút thắt của mình trong đời sống và nghề nghiệp để theo đuổi tự do sáng tạo – thứ anh không thể hoàn toàn có được trong công việc kiến trúc. Hoặc chính sự rẽ ngang sang nghệ thuật với một nền tảng đặc thù đã giúp anh đem đến cho nghệ thuật những góc nhìn mới lạ, mạnh dạn, để đóng góp sự phong phú cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Huyền T. Trần


 
Back to top