Nghệ thuật

7 cuốn sách nghệ thuật mà độc giả có thể mua đọc ngay bây giờ

Jun 03, 2021 | By Trang Ps

Từ “Nghệ thuật chiêm ngưỡng” đến “Bạn đang nhìn gì vậy?”, LUXUO giới thiệu đến độc giả 7 cuốn sách nghệ thuật đầy hấp dẫn đã phát hành tại Việt Nam.

1/ Nghệ thuật chiêm ngưỡng (The Art of Looking)

Trong cuốn sách “Nghệ thuật chiêm ngưỡng”, nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Lance Esplund phần nào giúp độc giả thấy rằng, các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại không khó tiếp cận như nhiều người vẫn nghĩ. Với sự kiên nhẫn, cái nhìn sâu sắc và sự hóm hỉnh, Esplund dẫn đưa độc giả với thái độ nghiêm túc đi xuyên suốt thế kỷ nghệ thuật đã qua, và đem tới cho họ cách tiếp cận và đánh giá theo một cách nhìn mới lạ.

Với mong muốn có ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến những thể loại vốn bị xem là kén người thưởng thức, Esplund khuyến khích người xem tin tưởng vào sở thích, bản lĩnh và quan điểm của mình. Ở chừng mực nào đó, Esplund góp phần khai thị cho những ai cho rằng nghệ thuật quá khứ chẳng còn có mối liên hệ nào với hiện tại, hay những ai cho rằng nghệ thuật đương đại ngày càng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa và không liên quan tới đời sống.

Những ai đặt câu hỏi như “Rút cục, cái đẹp của tác phẩm này nằm ở đâu?” hay “Nếu nghệ thuật đơn giản như vậy thì ai chẳng làm được” hoặc “Thế mà là nghệ thuật ư?” phần nào sẽ có lời giải đáp cho bản thân sau khi đọc xong cuốn sách này.

2/ Sách Sáng tạo (CADA)

Phương pháp sáng tạo ứng dụng trong ngành thiết kế và kiến trúc (Creative Approach in Design and Architecture/CADA) được hình thành trên nền tảng của phương pháp TRIZ (Lý thuyết giải các bài toán sáng chế của Altshuller, nhà phát minh sáng chế người Nga). Phương pháp này được giảng viên, kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên quan tâm nghiên cứu từ năm 2005 và áp dụng từ năm 2008 đến nay cho công việc thiết kế và hướng dẫn sinh viên.

Tác giả xây dựng hệ thống các thuật dựa trên 3 tiêu chí gồm:

– Tính phổ quát: hoạt động của ngành kiến trúc nói riêng và ngành thiết kế nói chung có sự kết hợp nhiều lĩnh vực, có tính đa ngành, phương pháp sáng tạo phải áp dụng được cho tất cả các môi trường này.

– Tính kế thừa: Dựa vào những kinh nghiệm và nghiên cứu của Altshuller để cải thiện, hoàn thiện cho ngành thiết kế. Sau đó khi áp dụng, tác giả cũng mong muốn truyền tinh thần “đi tiếp” với mục đích khiến cho đối tượng người đọc sẽ có cảm hứng để mở rộng và viết riêng cho lĩnh vực chuyên sâu của mình.

– Tính gần gũi: Ngành thiết kế là một ngành được tạo ra để phục vụ những nhu cầu và vấn đề của con người, thế nên các phương pháp phải gắn với công việc thiết thực, cụ thể và có thể được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh linh hoạt.

3/ Về cái tinh thần trong nghệ thuật (Kandinsky)

Đây là cuốn sách lý thuyết đầu tiên và quan trọng nhất của Kandinsky, và cũng là một trong số ít cuốn sách lý thuyết quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật thế giới, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Một người bạn của Kandinsky là Kubin đã viết: “Những tư tưởng ở đây hoàn toàn độc đáo, thường được rút tỉa từ những nơi sâu thẳm nhất. Nó nói với chúng ta rằng, màu sắc là vô cùng hấp dẫn.”

Không ít người trong giới chuyên môn ca tụng nền tảng triết học hết sức đặc biệt của nghệ thuật Kandinsky, và đặt câu hỏi về việc phải chăng cuốn sách này của ông là một phép gợi hỏi kiểu Socrate, dẫn tìm ra những chân lý vẫn còn đang được thai nghén.

4/ ALAIN – Hệ thống mỹ thuật

Một cuốn sách đặc biệt từ nội dung trang bìa vàng bắt mắt đến nội dung, ALAIN – Hệ thống mỹ thuật là món quà quý giá của những tâm hồn yêu cái đẹp.

Với xấp xỉ 350 trang, cuốn sách bàn luận sâu về nhiều đề tài khác nhau từ: Trí tưởng tượng sáng tạo; Nhảy múa và trang sức;  Thơ và hùng biện; Âm nhạc; Kịch; Kiến trúc; Điêu khắc; Tranh vẽ; Hình họa; Văn xuôi. Với những tín đồ của sách, còn điều gì tuyệt vời hơn nếu có thể được giải đáp cho mình nhiều vấn đề cái đẹp như vậy trong một cuốn sách.

5/ Bạn đang nhìn gì vậy? – 150 năm nghệ thuật hiện đại trong nháy mắt

Những câu hỏi như: Nghệ thuật hiện đại là gì? Tại sao mọi người hoặc là rất yêu hoặc là rất ghét nó? Và tại sao nghệ thuật hiện đại lại có giá trên trời như vậy?… sẽ được giải đáp thú vị trong cuốn sách “Bạn đang nhìn gì vậy?”

Hãy cùng với Will Gompertz tham gia vào một hành trình góp phần thay đổi cách nhìn của bạn về nghệ thuật hiện đại mãi mãi. Từ hoa súng của Monet đến hoa hướng dương của Van Gogh, từ hộp súp của Warhol đến xác cá mập ướp của Hirst, nghe những câu chuyện đằng sau những kiệt tác, gặp gỡ các nghệ sĩ, và khám phá ý nghĩa thật sự của nghệ thuật hiện đại.

6/ Câu chuyện nghệ thuật (The Story of Art)

Là cuốn sách được yêu thích trên thế giới trong 70 năm qua, Câu chuyện nghệ thuật từ khi ra mắt đến nay đã được dịch gần 30 ngôn ngữ với hơn 8 triệu bản bán ra toàn cầu.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng với tác phẩm này, tác giả E.H. Gombrich đã giúp độc giả đến gần hơn với nghệ thuật thị giác. Ông đã diễn giải nghệ thuật theo cách khách quan, tránh sử dụng những biệt ngữ chuyên môn và chỉ đề cập tới các tác phẩm mà ông từng được chiêm ngưỡng và tiếp cận để có thể đơn giản hóa, cũng như làm rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt.

Tác giả E.H Gombrich (1909-2001) là một trong những nhà sử học nghệ thuật lỗi lạc nhất của nửa sau thế kỷ 20, đối với giới hàn lâm cũng như với tầng lớp công chúng rộng rãi. Những tác phẩm khác mang tính lý thuyết của ông cũng đã trở thành những công trình then chốt đối với các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật.

Câu Chuyện Nghệ Thuật là một tác phẩm kể về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, được tác giả khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo. Nguồn tư liệu phong phú về các tác phẩm đáng chú ý, những tên tuổi tài năng, những trường phái, phong cách đặc sắc trong dòng chảy nghệ thuật.

7/ Tiểu sử Van Gogh

Tiểu sử Van Gogh từng lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và được đánh giá là một trong cuốn sách hay nhất của năm trên các tạp chí danh tiếng như: The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal, San Francisco, The Economist, Book Reporter…

Như một bức tranh vô cùng chi tiết, chính xác, nghiêm cẩn, toàn diện và đầy đam mê về cuộc đời một người nghệ sĩ tài năng, ám ảnh và bi thảm nhất mọi thời đại, tác phẩm này đã khắc họa hình tượng Van Gogh theo một góc nhìn đồng cảm và tinh tế hơn…

Theo dòng cuộc đời của Van Gogh, nội dung chính của cuốn sách được chia ra làm 3 phần:

Phần 1: Những ngày khi cậu bé Vincent còn thơ ấu mải mê ở bãi hoang, ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình;

Phần 2: Thời thanh thiếu niên với những khủng hoảng tuổi mới lớn về công việc, sự nghiệp, tình yêu, câu hỏi cho mục đích của cuộc sống và lẽ sống được tìm kiếm qua con đường tôn giáo và những trang văn thơ, cũng như những tiếp xúc thuở ban đầu với hội họa;

Phần 3: Giai đoạn trưởng thành trong những năm ở Pháp cùng những giằng xé không được giải quyết, những câu hỏi không có câu trả lời và cũng không còn ai kiên trì để trả lời khi mốc trưởng thành đã đến và người ta hành động nhiều hơn thay vì ngồi hỏi những ngẩn ngơ ngày nào, cơm áo gạo tiền và địa vị xã hội cùng sự ổn định đã khiến tâm can người họa sĩ trở nên hoảng loạn và bất ổn nhất – nghịch lý là khi đó anh đã tạo ra những tác phẩm định hình rõ phong cách của anh cho tới khi rời bỏ cuộc đời.

(Tổng hợp)


 
Back to top