Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Florine Stettheimer, một trong những nghệ sỹ sáng tạo nhất của đầu thế kỷ XX

Feb 14, 2022 | By Xu

Tiểu sử toàn diện về Florine Stettheimer của Barbara J. Bloemink đã xác lập Stettheimer là một trong những nghệ sỹ sáng tạo nhất của đầu thế kỷ XX.

“Self-Portrait with Paradise Birds” (Self-Portrait in Front of Chinese Screen), Florine Stettheimer. Courtesy of Art Properties, Avery Architectural and Fine Arts Library, Columbia University in the City of New York, New York, quà tặng của bà Ettie Stettheimer. Nguồn: artnet.com

Florine Stettheimer (1871 – 1944) là một hoạ sỹ Chủ Nghĩa Hiện Đại người Mỹ, sinh ra tại Rochester (New York). Bà còn là một nhà nữ quyền, nhà thiết kế sân khấu và phục trang, một nhà thơ và kinh doanh salon làm đẹp. Stettheimer đã phát triển một phong cách hội hoạ nữ tính và kịch nghệ, thích vẽ chân dung những người bạn thân thiết và mô tả trải nghiệm của bà về thành phố New York.

Mẹ của bà, Rosetta Walter, là một trong chín cô con gái của một gia đình Do Thái gốc Đức giàu có ở New York. Cha của Stettheimer có 5 người con với Rosetta Walter nhưng đã bỏ gia đình để đến Úc. Stettheimer lớn lên trong một gia đình mẫu hệ, hàng năm đều cùng Mẹ và các chị em dành thời gian qua lại giữa Châu Âu và New York.

“Asbury Park South” (1920), Florine Stettheimer. Bức tranh nằm trong bộ sưu tập của Halley K. Harrisburg và Michael Rosenfeld ở New York. Nguồn: anothermag.com

Stettheimer đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Từ năm 1881 đến năm 1886, khi Stettheimer khoảng 10 – 15 tuổi, bà đăng ký học tại Stuttgart’s Priesersches Institut – một trường nội trú dành cho nữ sinh, nơi bà được giáo dục về nghệ thuật bởi giám đốc Sophie von Prieser.

Gia đình của Stettheimer sống ở Berlin từ năm 1887 đến năm 1889, trong thời gian này, Stettheimer tiếp tục được học vẽ ở các lớp tư nhân. Tận dụng các chuyến thăm Châu Âu cùng gia đình, Stettheimer đã tự học lịch sử nghệ thuật thông qua các dịp tham quan viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Stettheimer đã nghiên cứu nghệ thuật của các Old Masters và phê bình tác phẩm của họ trong nhật ký của bà.

Năm 1892, Stettheimer ghi danh vào một chương trình 4 năm tại Art Students League ở New York, một trường học theo mô hình các trường nghệ thuật tư nhân của Paris. Khi ở Đức, bà đã học phong cách hội hoạ hàn lâm của Đức. Tại Art Students League, bà học với các giáo viên như Kenyon Cox, Harry Siddons Mowbray, và James Carroll Beckwith, những người đã học hội hoạ hàn lâm Pháp ở Paris. Khi tốt nghiệp, bà đã thành thạo vẽ chân dung hiện thực, truyền thống, hàn lâm và khoả thân theo cả hai phong cách chính của Châu Âu.

“Heat” (1919), Florine Stettheimer, sơn dầu trên toàn. Hình ảnh thuộc bộ sưu tập trực tuyến của Bảo Tàng Brooklyn

Trở về Châu Âu, ngoài việc tham quan các bộ sưu tập bảo tàng, Stettheimer còn đến thăm các triển lãm salon đương đại và xưởng vẽ của các nghệ sỹ, đồng thời xem tác phẩm của những người theo trường phái Lập Thể, như Cézanne, Manet, van Gogh, Morisot, và Matisse vào những năm trước khi triển lãm lớn đầu tiên về nghệ thuật hiện đại ở Mỹ – Armory Show – được tổ chức. Bà đã thử sức thành công với nhiều phương tiện và phong cách khác nhau từ Chủ Nghĩa Tượng Trưng (Symbolism), Dã Thú (Fauvism) đến Chấm Hoạ (Pointillism), dẫn đến một loạt tác phẩm gợi nhớ đến “Luxe, Calme et Volupté” của Henri Matisse.

“Luxe, Calme et Volupté” (1904) của nghệ sỹ Henri Matisse

Florine Stettheimer là một nghệ sỹ đa phương tiện, ủng hộ nữ quyền và là người đã ghi lại sự phát triển của thành phố New York với vai trò là trung tâm của đời sống văn hoá, tài chính và giải trí thời giữa Thế Chiến. Trong 40 năm đầu tiên của mình, nữ nghệ sỹ này chủ yếu sống ở Châu Âu, nghiên cứu hội hoạ hàn lâm và nhận thức được phong cách chủ nghĩa hiện đại sớm nhất so với hầu hết các nghệ sỹ Mỹ.

“Chân dung của Carl Van Vechten” (1922), Florine Stettheimer. Thuộc tài liệu về Florine và Ettie Stettheimer, Yale Collection of American Literature, Beinecke Rare Book and Manuscript Library, New Haven, Connecticut, Mỹ. Nguồn: anothermag.com

Nghệ thuật của Stettheimer thể hiện tư duy xã hội tiến bộ: bà ấy đã vẽ một số bức tranh về vấn đề danh tính, đề cập đến sự phân biệt đối xử của người Mỹ gốc Phi, sự cố chấp của người Do Thái, tình dục phóng khoáng và sự độc lập mới của phụ nữ.

Stettheimer còn được biết đến với 4 tác phẩm đồ sộ minh hoạ những gì bà coi là “Thánh Đường” của thành phố New York: Broadway, Đại Lộ Số 5, Phố Wall và ba bảo tàng nghệ thuật lớn của New York.

“Cathedrals of Art” (1942 – 1944), Florine Stettheimer. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York, quà tặng của bà Ettie Stettheimer. Nguồn: anothermag.com

“Cathedrals of Wall Street” (1939), Florine Stettheimer. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York, quà tặng của bà Ettie Stettheimer. Nguồn: anothermag.com

“Cathedrals of Fifth Avenue” (1931), Florine Stettheimer. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York, quà tặng của bà Ettie Stettheimer. Nguồn: anothermag.com

“Cathedrals of Broadway” (1929), Florine Stettheimer. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York, quà tặng của bà Ettie Stettheimer vào năm 1953. Nguồn: anothermag.com

Khi trở lại New York, bà và các chị gái của mình dẫn đầu một cửa hiệu làm đẹp nổi tiếng dành cho các nhân vật văn hoá tiên phong lớn như Marcel Duchamp, Alfred Stieglitz và nhiều nhà thơ, vũ công, nhà văn.

Trong suốt cuộc đời, Stettheimer đã trưng bày những bức tranh sáng tạo của bà tại hơn 40 cuộc triển lãm bảo tàng quan trọng và các salon nghệ thuật đương đại ở New York và Paris. Năm 1938, khi người phụ trách Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại (MOMA) mở cuộc triển lãm đầu tiên về nghệ thuật Mỹ ở Châu Âu, Stettheimer và Georgia O’Keeffe là những người phụ nữ duy nhất có tác phẩm được đưa vào.

Sau khi bà qua đời vào năm 1944, người bạn thân thiết của bà, Marcel Duchamp, đã tổ chức một triển lãm hồi tưởng tác phẩm của Stettheimer tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại vào năm 1946. Đây là cuộc triển lãm hồi tưởng đầu tiên của bảo tàng về tác phẩm của một nữ nghệ sỹ. Tác phẩm của Stettheimer khi đó cũng lần lượt được gửi tặng cho các viện bảo tàng trên khắp nước Mỹ.

Bản vẽ thiết kế trang phục của  Florine Stettheimer (Procession: Zizim of Persia, Agnes de Bourganeuf, and the Unicorn) cho nghệ sỹ múa ba lê của “Orphée of the Quat-z-arts”, năm 1912. Gouache, màu nước và chì trên giấy. Quà tặng của bà Ettie Stettheimer. Nguồn: moma.org

Stettheimer cũng sáng tác thơ (những bài thơ vui vẻ và hài hước), thiết kế đồ nội thất độc đáo và nổi tiếng quốc tế nhờ những thiết kế sân khấu và phục trang mà bà đã tạo ra cho vở opera tiên phong, “Four Saints in Three Acts”, của Gertrude Stein và Virgil Thomson vào giữa những năm 1930. Di cảo của bà, tập thơ “Crystal Flowers”, đã được xuất bản riêng tư bởi bà Ettie Stettheimer (em gái của nữ nghệ sỹ) vào năm 1949.

Mô hình tạo bởi Stettheimer, thiết kế cho vở opera “Four Saints in Three Acts”. Hình ảnh thuộc tài liệu về Florine Stettheimer, Rare Book and Manuscript Library, Đại Học Columbia ở New York, Mỹ. Quà tặng của bà Ettie Stettheimer. Nguồn: designweek.co.uk

Vở “Four Saints in Three Acts” biểu diễn thực tế trên sân khấu. Hình ảnh: Francis Joseph Bruguière, White Studios, tài liệu về Stettheimer Papers, Yale Collection of American Literature, Beinecke Rare Book and Manuscript Library. Nguồn: designweek.co.uk

Tiểu sử Florine Stettheimer của Barbara J. Bloemink trình bày một trong những tài liệu toàn diện đầu tiên về nghệ thuật của Stettheimer. Bloemink khẳng định vị trí của Stettheimer là một trong những nghệ sỹ tiến bộ và quan trọng nhất của thế kỷ XX, đồng thời xem xét lý do tại sao tác phẩm độc đáo của bà vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay.

“Florine Stettheimer: A Biography”, tác giả Barbara Bloemink, nhà xuất bản Hirmer (08.02.2022)

Barbara J. Bloemink là một chuyên gia về sự nghiệp nghệ thuật của Florine Stettheimer. Bloemink đã viết nhiều về Stettheimer và đồng giám tuyển chương trình triển lãm Hồi Tưởng (Retrospective) dành cho nữ nghệ sỹ Florine Stettheimer của Bảo Tàng Whitney năm 1995. Trước đây, Bloemink là giám đốc và người phụ trách chính của năm bảo tàng nghệ thuật lớn, bao gồm Smithsonian’s National Design Museum và Guggenheim Hermitage Museum. Nữ tác giả cũng đã quản lý hơn 70 cuộc triển lãm, được xuất bản rộng rãi, đồng thời thuyết trình và giảng dạy quốc tế về nghệ thuật và thiết kế.


 
Back to top