ART & LIFE

Art Issue (Kỳ 3): Cách người Việt xem nghệ thuật

Feb 01, 2023 | By Tam Tam

Đừng dừng ở việc buông thõng một câu “cái này không đẹp, cái này đẹp” khi xem một triển lãm nào đó.

Cái đẹp nếu chỉ nhìn vào bề mặt thì nghệ thuật không có sự đa diện. Triển lãm “The Evil of Banality” (Ác ma của sự tầm thường), năm 2018, của Rachel Feinstein tại phòng trưng bày Gagosian. Nguồn ảnh: artillerymag.com

Đa số người Việt khi nhìn nghệ thuật mắc phải 2 vấn đề lớn này:

– Lãng mạn hóa cái đẹp

– Chưa quan tâm đến lịch sử nghệ thuật và nghệ thuật đương đại

Nghệ thuật tồn tại đã lâu nhưng thao tác nhìn ngắm kỹ lưỡng có lẽ chỉ trở thành một chủ đề bàn tán mới ở Việt Nam. Người xem nghệ thuật ở nước nhà từ lâu đều dành sự tập trung để “soi” kỹ thuật của người nghệ sĩ, để cố gắng giải đáp “cái đẹp” của cá nhân mình. Nhưng liệu cách “thưởng lãm” này đã đủ để thỏa mãn chính chúng ta, những người đam mê nghệ thuật chân chính?

Không hiểu hoặc không thể nào cảm được tác phẩm là những lời cảm thán thường gặp nhất. Nếu tham gia nhóm cộng đồng trên Facebook về hội họa, có thể dễ dàng nhận thấy đa số số mọi người vẫn đắm chìm trong việc đề cao các kỹ thuật tả thực điêu luyện. Nếu vậy chụp ảnh có khi nhanh hơn và đẹp hơn?

Nói như vậy nhưng nếu nhìn bao quát ra, ở Việt Nam, nhìn chung hội họa hình tượng, biểu tượng, ẩn dụ dễ nhìn dễ nhận biết về kỹ thuật thực hành, vẫn đang ăn sâu trong tâm trí người xem. Có cảm giác người Việt vẫn “sợ” đương đầu với những thứ xù xì, gai mắt. Tác phẩm nghệ thuật bị cà “phẳng” khi người ta chỉ ngắm về bề mặt. Nhưng làm sao chiêm ngưỡng luân chuyển giữa yếu tố thực hành, ý niệm hay ý tưởng khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật lại là câu chuyện khác.

Lãng mạn hóa cái đẹp

Cái đẹp hiện nay có thể hiểu theo nhiều khía cạnh như bố cục, câu chuyện hay các yếu tố cảm xúc khác. Tuy nhiên, yếu tố đẹp nhìn chung trong cách xem của người Việt hiện nay, thường mang tính khoảnh khắc và rất cụ thể. Ví dụ: ta hay lấy cái đẹp về phong cảnh bình yên hay những tạo hình tả thực dễ xem. Nôm na đó là những gì mà người làm nghệ thuật và người xem ngầm thỏa thuận nhằm để làm hài lòng nhau.

Nhìn lại về mặt lịch sử, nghệ thuật nước ta cũng chịu ảnh hưởng bởi hai nền phong kiến. Ít nhiều, chúng ta mất khá nhiều thời gian dựng lại nước và phụ thuộc vào nền công nông nghiệp, dẫn đến văn hóa đề cao vẻ đẹp của kỹ thuật tái tạo, có tính máy móc lặp lại, chứ vẫn chưa đạt tới sự tự chủ về mặt sáng tạo và độc lập về khả năng đánh giá.

Nghệ thuật lãng mạn cổ điển Anh tuân thủ đầy đủ các tiêu chí về một cái đẹp lý tưởng. John William Waterhouse (1849-1917), “The Soul of the Rose” (1903), 59,1 x 88,3 cm. Nguồn ảnh: commons.wikimedia.org

Ngoài ra, giáo dục về một nhánh triết học mang tên mỹ học (aesthetics) đặt nền tảng cho các tư tưởng về nghệ thuật đến tận bây giờ, lại không được đào sâu. Môn học được khai sáng bởi nhà triết học người Đức Alexander Baumgarten vào thế kỉ 18, là khoa học về nhận thức cảm tính, xác định các mối tương quan giữa lôgíc và khả năng cảm thụ, không nhằm để xác định “thế nào là đẹp”. Thuật ngữ “aesthetics” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “aesthesis”, có nghĩa là sự nhận thức.

Để hiểu tường tận về thẩm mỹ, chúng ta phải đào sâu hơn những yếu tố khác như trải nghiệm (experience), gout (taste) và khả năng phán xét (judgement). Nếu chỉ dựa vào một yếu tố cụ thể, mà ở đây là kỹ thuật tạo hình, rất khó để có thể thoát được vòng luẩn quẩn tìm kiếm “cái đẹp”. Chúng ta không thể nói là có “thẩm mỹ đẹp” được vì thẩm mỹ bao trùm lên cả yếu tố đẹp, thậm chí vượt qua cả tính sáng tạo đơn thuần. Chính vì lẽ đó những nghệ sĩ thời hiện đại luôn tìm cách đổi mới để đặt câu hỏi, phá hủy, bóp méo, thách thức thậm chí chống lại cái đẹp và chống lại cả nghệ thuật.

Nhưng cùng một thế kỷ, người Mỹ lại không cho rằng cái đẹp quyết định tất cả trong nghệ thuật. Robert Ryman, “Bridge” (1980). Nguồn ảnh: mutualart.com

Hiểu về thẩm mỹ, ngoài hướng nghiên cứu triết học, có thể rèn luyện thường xuyên bằng cách xem tận mắt các triển lãm và không ngại tự đấu tranh cảm xúc trước một tác phẩm. Đồng thời, làm tăng vốn thẩm mỹ bằng cách trải nghiệm nhiều khía cạnh của cuộc sống như ăn uống, quan tâm đến thời trang, thưởng thức rượu vang hoặc tham gia từ thiện, lắng nghe câu chuyện của những người khác nhau. Dần dần những việc làm này sẽ trau dồi “con mắt” nhìn, gout của bạn sẽ trở nên cởi mở hơn để có thể đón nhận những tác phẩm nghệ thuật. Vì nếu bạn chỉ chờ đợi sự thỏa hiệp, đồng cảm từ tác phẩm thì bạn rất dễ bị kẹt cứng trong một chiếc khuôn cảm nhận cảm tính, mà không độc lập được trong khả năng phán xét những yếu tố khác từ tác phẩm ấy.

Thích được nuông chiều và chưa quan tâm đến nghệ thuật thế giới

Đương đại đồng nghĩa với những gì đang diễn ra và con người hiện đại ai cũng hiểu xấu đẹp luôn tồn tại song song. Nghệ sĩ đương đại không có nhiệm vụ thỏa hiệp với cái đẹp tuyến tính, hay làm hài lòng người xem bằng những câu chuyện đạo lý sâu sắc, truyền cảm. Tác phẩm ngày nay có chức năng làm cho người xem suy ngẫm họ đại diện cho điều gì. Và các dòng tác phẩm nghệ thuật vẫn diễn ra song song với hiện tại, nhưng hầu như người Việt không chỉ thờ ơ với lịch sử nghệ thuật, mà còn ít quan tâm tới nghệ thuật đương đại. Số lượng người Việt đi bảo tàng nghệ thuật hay hội chợ nghệ thuật hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Jeff Koons, “Gazing Ball (Manet Luncheon on the Grass)” (2019). Serie tác phẩm sử dụng lại các tác phẩm nổi tiếng, cùng một quả cầu gương phản chiếu lại hình ảnh người xem nếu họ chụp hình lại tác phẩm. Người xem vô tình trở thành một phần của tác phẩm với hiệu ứng này. Nguồn ảnh: hilton-asmus.com

Và vì ít quan tâm đến nghệ thuật thế giới nên người Việt ít cởi mở hơn trong cách nhìn nghệ thuật và các quá trình hình thành tác phẩm, mặc dù chiều dài sáng tác của nghệ sĩ phản ánh chuỗi tư duy ý niệm nghệ thuật. Các tác phẩm ngày nay có thể được phân phối bởi một bên thứ ba hoặc trợ lý, có thể kể đến Jeff Koons với series các con thú bong bóng, hay Anish Kapoor với series các tác phẩm vô đề bằng gương phản chiếu ngược. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều nghệ sĩ tự mình thực hiện các tác phẩm, như nữ họa sĩ Cecily Brown, họa sĩ Alex Katz vẫn thực hiện hầu hết các tác phẩm của mình mà không cần trợ lý. Nhưng mục tiêu tối quan trọng, dưới bất cứ hình thức nào, họ đều muốn thể hiện ý niệm nghệ thuật trọn vẹn nhất nhưng không nhất thiết là đẹp nhất.

Ý niệm của tác phẩm vượt lên kỹ thuật và hình thức. Nếu nói cho đúng, thay vì chăm chú “soi”, người xem có thể tự vấn kỹ thuật tạo hình của nghệ sĩ có khiến mình cảm thấy thú vị hay không? Đừng dừng ở việc buông thõng một câu “cái này không đẹp, cái này đẹp” khi xem một triển lãm nào đó. Khi đi xem càng nhiều, quan tâm đến lịch sử nghệ thuật thì mới có nền tảng và cái nhìn đa chiều về các tác phẩm đương đại: tác phẩm mang lại cho mình cảm giác gì, mình tưởng tượng những gì trước tác phẩm này, có những liên đới với những tác phẩm mình đã từng xem qua hay không?

Danh Vo, “Vo Rosasco Rasmussen” (2002). Nghệ sĩ kết hôn và li dị 2 người bạn của mình để lấy họ đính vào tác phẩm này. Tác phẩm ý niệm trừu tượng về các mối quan hệ được định nghĩa và quản lý thông qua những thứ giấy tờ này. Nguồn ảnh: guggenheim.org

Việc bỏ qua quá trình sáng tác dẫn đến thói quen “ngây thơ” cho rằng “visual” của tác phẩm chỉ có nhiệm vụ đến như vậy. Suốt một dòng lịch sử nghệ thuật từ thời kì nghệ thuật trên các hang đá cho đến quả chuối dán trên tường, các yếu tố nghệ thuật hầu như đều đã trải qua rất nhiều sự đổi thay. Hoạt động nghệ thuật của một người nghệ sĩ là cả một chặng đường dài, và có thể là cả một đời người. Hơn thế nữa, với những tiên tiến về công nghệ sắp tới, những dự án nghệ thuật mang tính trải nghiệm thực tế ảo sẽ dần đi vào cuộc sống. “Trải nghiệm nghệ thuật” sẽ trở thành một thuật ngữ mà bạn được nghe nhắc đến rất nhiều. Lúc đó, những tiêu chuẩn về hình thức nghệ thuật có khả năng dần bị xóa đi.

Nói vậy không có nghĩa chúng ta không có sự ngưỡng mộ nào dành cho những các thực hành nghệ thuật truyền thống, nhưng chính việc “đả thông thẩm mỹ” sẽ giúp chúng ta phân biệt đâu là khác biệt để làm nên người nghệ sĩ và làm nên người nghệ nhân. Những người vẽ giỏi chưa chắc là nghệ sĩ giỏi.


 
Back to top