ART & LIFE

Chân Dung Madam Phương và Ký ức Đông Dương của Madam Dothi Dumonteil

Apr 08, 2021 | By Xu

Theo chia sẻ của Lý Đợi về bức Chân Dung Madam Phương: Nếu đúng như dự đoán của giới nhà nghề, bức này mà đấu giá thành công, giá bán + thuế phí có thể hơn 1.500.000 USD, trở thành bức tranh có giá cao nhất của tranh Việt trên thị trường công khai”.

Portrait of Mademoiselle Phuong - Mai Thu - 1930

Tác phẩm Portrait of Mademoiselle Phuong, sơn dầu trên vải, 135,5 x 80 cm, được Sotheby’s ước tính, giá từ 7.500.000 HKD – 9.300.000 HKD (khoảng 964.192 USD – 1.195.598 USD). Nguồn ảnh: Sotheby’s

Từ những ngày đầu tháng 3/2021, Sotheby’s đã lấp đầy các kênh truyền thông của mình bằng sự kiện Modern Art Evening Sale tại Hong Kong vào ngày 18/4 sắp tới. 

Điểm nhấn trong “đêm hội” Modern Art tại Hong Kong là sự có mặt của Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung Madam Phương), một trong những tác phẩm quan trọng nhất của hoạ sĩ Mai Trung Thứ. 

Hoạ sĩ Mai Trung Thứ, hay Mai Thứ (枚栨) (1906-1980) là một trong những tài năng hội hoạ của mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông là một trong những học viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Mỹ Thuật Đông Dương (1925 – 1930), đồng môn khoá I với hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ…và được hoạ sĩ Lê Phổ cho là người vẽ giỏi nhất khoá. 

Portrait of Mademoiselle Phuong - Mai Thu - 1930

Hoạ sĩ Mai Trung Thứ bên các tác phẩm của mình, ở Vanves (Paris, Pháp), năm 1964. Nguồn: Pinterest

Chân Dung Madam Phương đã được triển lãm lần đầu tiên tại trường Mỹ Thuật Đông Dương vào năm 1930, trước khi sang Paris tham dự Triển Lãm Quốc Tế Thuộc Địa năm 1931. Bức tranh cũng xuất hiện trong các phân cảnh của phim Mùi Đu Đủ Xanh (The Scent of Green Papaya) năm 1993 của đạo diễn Trần Anh Hùng, như một biểu tượng văn hóa trong tác phẩm điện ảnh đại chúng nổi tiếng của Việt Nam. 

Portrait of Mademoiselle Phuong - Mai Thu - 1930

Phim Mùi Đu Đủ Xanh, 1993, đạo diễn Trần Anh Hùng

Giờ đây, sau 90 năm, Portrait of Mademoiselle Phuong, một tác phẩm tranh sơn dầu quý hiếm của nền nghệ thuật Việt Nam, sẽ công khai tái xuất trước công chúng yêu nghệ thuật tại phiên đấu giá quan trọng của Sotheby’s.  

Theo Sotheby’s, bức chân dung là một trong các tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân của một nhóm chủ sở hữu nhà Dumonteil – Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (Tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil).

Portrait of Mademoiselle Phuong - Mai Thu - 1930

Bức chân dung Madam Phương (1930) của hoạ sĩ Mai Thứ, thuộc bộ sưu tập Ký ức Đông Dương của Madam Dothi Dumonteil. Nguồn ảnh: Sotheby’s

Madam Dothi là một người con xứ Huế di cư đến Pháp từ khi còn rất nhỏ. Trước khi kết hôn và trở thành một nhà sưu tầm nghệ thuật, Madam Dothi từng được biết đến với tư cách người mẫu thời trang cho các nhà Haute Couture như Pierre Cardin, Dior, Chanel và là nàng thơ của nhà thiết kế Yves Saint Laurent. 

Cùng với chồng, Pierre Dumonteil – một nhà sưu tầm và nhà đấu giá có kiến thức uyên bác về lịch sử và thị trường nghệ thuật, Madam Dothi Dumonteil đồng sáng lập Galerie Dumonteil, có trụ sở ở Paris và các chi nhánh ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Manhattan (New York). 

Trong suốt hơn 3 thập niên cùng nhau theo đuổi nghệ thuật Hiện Đại và Đương Đại từ trời Âu sang đất Á, hai ông bà đã mua lại những tác phẩm của hoạ sĩ Mai Thứ (bao gồm Portrait of Mademoiselle Phuong) và nhiều hoạ sĩ Việt Nam khác, bổ sung vào bộ sưu tập gia đình Dumonteil của mình. 

Portrait of Mademoiselle Phuong - Mai Thu - 1930

Tác phẩm Conversation (Tạm dịch: Trò Chuyện), hoạ sĩ Vũ Cao Đàm. Mực và bột màu trên lụa, năm 1937. Sotheby’s ước đoán: 2.000.000 HKD – 3.000.000 HKD. Nguồn ảnh: Sotheby’s

Portrait of Mademoiselle Phuong - Mai Thu - 1930

Tác phẩm Lady Writing a Poem (Tạm dịch: Thiếu Nữ Làm Thơ), hoạ sĩ Mai Trung Thứ. Mực và bột màu trên lụa, năm 1943. Sotheby’s ước định: 3.200.000 HKD – 4.000.000 HKD, thuộc bộ sưu tập Ký ức Đông Dương của Madam Dothi Dumonteil. Nguồn ảnh: Sotheby’s

* Hoạ sĩ Mai Trung Thứ là một trong bốn danh hoạ Việt Nam xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và thành danh ở Pháp. Bài viết “Bộ Tứ Đông Dương Bên Trời Tây” do tác giả Thụỵ Khuê thực hiện là một trong những bài viết nổi bật nhất trong ấn phẩm song ngữ Art Republik #2 (mục Newsroom, p.62).  

* Đặt mua ấn phẩm Art Republik tại: bit.ly/35bgI6N

Nguồn: 

Sothebys.com, Mode les muse dyves Saint Laurent – Etvonweb.be, Trueart.com, Galerie Dumonteil

Thực hiện: Xu


 
Back to top