ART & LIFE

Phillips tổ chức phiên đấu giá quy tụ nghệ sĩ Việt & những tên tuổi châu Á nổi bật

Sep 23, 2024 | By Luxuo Vietnam

Phillips sẽ tổ chức phiên đấu giá New Now: Modern & Contemporary Art tại Hồng Kông vào ngày 4/10. Phiên đấu giá thu hút sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng như Yoshitomo Nara, Takashi Murakami, Ayako Rokkaku, Issy Wood, Miriam Cahn, Zhao Zhao, Edgar Plans cũng như nhiều tên tuổi mới, bao gồm Kenichi Hoshine và Nguyễn Quốc Dũng. Trước đó, sự kiện triển lãm tại trụ sở chính của Phillips tại Châu Á ở Khu văn hóa Tây Cửu Long của Hồng Kông sẽ mở cửa đón tiếp công chúng từ ngày 24/9 đến ngày 4/10/2024.

Nơi quy tụ nhiều tác phẩm của hàng loạt nghệ sĩ nổi bật

Tác phẩm Flower of Hope của nghệ sĩ Takashi Murakami

Mở màn của phiến đấu giá là Flower of Hope, tác phẩm mới ra mắt thể hiện khả năng kết hợp giữa nghệ thuật cao cấp và văn hóa đại chúng của Takashi Murakami. Với tác phẩm này, tác giả tiếp tục theo đuổi phong cách kawaii, một khái niệm có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Nhật Bản, biểu thị sự dễ thương và ngây thơ. Bức tranh thể hiện niềm hạnh phúc thuần khiết qua hình ảnh những bông hoa với nụ cười rạng rỡ, rộng mở và đôi mắt lấp lánh. Bố cục đối xứng động cùng với sự phản chiếu của phần nền bạch kim tạo sự lấp lánh khiến những bông hoa dường như trôi nổi và nhảy múa khi người xem di chuyển xung quanh tác phẩm. Yếu tố tương tác này khiến người xem đắm chìm và trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp và cảm xúc mà tác phẩm mang lại.

Nghệ sĩ Takashi Murakami tham gia phiên đấu giá với Untitled (Wooden House)

Untitled (Wooden House) của Ayako Rokkaku cũng là một tác phẩm đặc biệt khi được thực hiện trực tiếp trong buổi triển lãm của cô tại Bảo tàng JAN ở Amstelveen, Hà Lan (2019). Tác phẩm thể hiện phong cách đặc trưng của nghệ sĩ dưới dạng ba chiều hấp dẫn. Khi thưởng thức bức tranh, người xem bước vào thế giới mộng mơ của Rokkaku, nơi mà ranh giới giữa một tác phẩm nghệ thuật và một khu vui chơi trẻ em không còn rõ ràng. Được bao phủ hoàn toàn bởi dấu vân tay của tác giả, Untitled (Wooden House) không chỉ biến một kiến trúc gỗ đơn giản thành thế giới cổ tích của nghệ sĩ mà còn thể hiện sự phát triển đáng kể về khả năng tương tác của tác phẩm. Với cách tiếp cận độc đáo của mình, Rokkaku thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và trí tưởng tượng, để lại ấn tượng lâu dài về niềm vui và sự tò mò.

Issy Wood mang đến phiên đấu giá 2 tác phẩm

Issy Wood đã luôn mong muốn thực hiện một tác phẩm khai thác chủ đề về ham muốn với sự đan xen giữa hội họa, âm nhạc và văn chương. Được biết đến là “medieval millennial”, Wood đã kết hợp chút sự trang trọng cổ điển với âm hưởng đương đại của chủ nghĩa yếm thế, qua đó phát triển một trường phái kiểu cách mang sự huyền bí để tiếp cận những ham muốn phức tạp ẩn giấu trong sự tầm thường hàng ngày. Hai tác phẩm được Wood giới thiệu tại New Now mùa này là Unsprung và Mozzarella / the confidante. Cả hai đều khám phá một hình thức chiếm hữu cụ thể và do đó sự bạo lực được thể hiện thông qua quá trình thuần hóa động vật của con người.

Tác phẩm China Telecom Building 3 của Cui Jie

Cui Jie được biết đến là một điểm sáng nổi bật với sự đổi mới trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Trung Quốc, đặc biệt là thông qua những phát hiện sâu sắc của cô về kiến ​​trúc đô thị. Phong cách của Cui Jie đặc biệt bởi các đường nét tỉ mỉ và chính xác dùng để khắc hoạ kiến trúc lại được đặt giữa những lớp màu phá cách, mang âm hưởng của chủ nghĩa vị lai để tạo nên một thế giới không tưởng. Qua đó, tác phẩm ẩn chứa chiều sâu khi phản ánh những sự biến đổi cảnh quan của những thành phố hiện đại ở Trung Quốc. China Telecom Building 3, một trong các tác phẩm bán đấu giá, được dựa trên sự quan sát kỹ lượng một tòa nhà thực tế, và rồi phá vỡ nó bằng sự khéo léo về mặt hình thức và nghệ thuật đáng kinh ngạc. Ở trung tâm của nó là Cảng thông tin quốc tế Pudong, từ Thượng Hải quê hương của Cui, trong đó các chi tiết được tái tạo hoàn hảo. Tác phẩm dường như được phủ một lớp bạc vô thực, rực rỡ như những tưởng tượng không tưởng cổ điển của Space Age – Cuộc cách mạng và niềm tự hào mới của Kỷ Không Gian. China Telecom Building 3 được tạo ra bằng sơn phun màu đen có khuôn, bên ngoài để lại một họa tiết lưới giống như ma trận.

“Làn gió mới” đánh dấu lần đầu tiên của nhiều nghệ sĩ tiềm năng

Chelsea Ryoko Wong lần đầu tham gia đấu giá với tác phẩm Untraditional Dim Sum Restaurant

Đến từ San Francisco, Chelsea Ryoko Wong là nghệ sĩ sinh ra trong gia đình đa sắc tộc với bố là người Hồng Kông và mẹ là người Mỹ gốc Nhật. Các sáng tác nghệ thuật của cô tôn vinh sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc. Trong nghệ thuật, cô đã sáng tạo ra những câu chuyện sống động về người Mỹ gốc Á qua các tác phẩm đầy màu sắc, nét trẻ thơ và đa dạng văn hóa. Với tác phẩm được giới thiệu trong đợt bán đấu giá mùa này, Untraditional Dim Sum Restaurant,  Wong mô tả một cảnh vui tươi trong một nhà hàng châu Á với các họa tiết tinh túy -—một bể cá dọc theo các bức tường của nhà hàng và một xe đẩy dimsum. Thông qua việc tạo ra một thế giới lý tưởng ấm áp và nâng cao tinh thần trong không gian hội họa của riêng mình, Wong bày tỏ mong muốn của mình về một xã hội nơi sự phân chia văn hóa không còn tồn tại nữa.

Summer Visitors đánh dấu lần đầu tiên tham gia đấu giá của Kenichi Hoshine

Đánh dấu lần đầu tiên đấu giá, nghệ sĩ người Nhật Kenichi Hoshine đến từ New York đã rất muốn kết hợp chủ nghĩa trừu tượng và chủ nghĩa hiện thực để khám phá tiềm năng to lớn của sự khó nắm bắt trong câu chuyện. Nghệ sĩ tiếp cận acrylic trên các tấm gỗ mà không có bản vẽ hoặc phác thảo chuẩn bị. Mỗi bức tranh là một quá trình ứng biến trong đó nghệ sĩ phá bỏ, loại trừ hoặc xây dựng từng lớp yếu tố, xuất phát từ sở thích, sự chú ý và suy nghĩ trực tiếp của anh ấy.

Nguyễn Quốc Dũng mang đến “làn gió mới” với tác phẩm Motel Room trong lần đầu tham gia đấu giá

Một tác phẩm khác đến từ Nguyễn Quốc Dũng, nghệ sĩ người Việt Nam lần đầu tham dự phiên đấu giá New Now, là Motel Room. Các tác phẩm mang đến một góc nhìn về cuộc sống con người trong xã hội đương đại, thông qua những quan sát về người nhập cư, người chuyển giới và các vấn đề căng thẳng khác liên quan đến đô thị hóa, hội nhập cũng như tác động của những điều ấy đối với xã hội. Nghệ sĩ sử dụng sơn dầu trong hầu hết các tác phẩm của mình, trình bày hình ảnh về các vấn đề xã hội bấp bênh liên quan đến chủ nghĩa tiêu dùng, văn hóa đại chúng, mất quyền riêng tư do công nghệ, v.v.

Ảnh: Phillips
Theo Thị trường & Thương gia


 
Back to top