Biểu đạt về phong cảnh trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam
Triển lãm “Mơ về Phong Cảnh” của Mơ Art Space mang đến 29 tác phẩm của 23 nghệ sĩ Việt Nam đang sinh sống ở trong và ngoài nước. Những tác phẩm được thực hiện ở nhiều thời điểm và không gian khác nhau với những câu chuyện riêng mang đến góc nhìn khá trọn vẹn về tranh phong cảnh, vốn đã có lịch sử lâu đời ở nghệ thuật phương Tây và phương Đông.
Từ lâu, tranh phong cảnh đã là dòng tranh chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử nghệ thuật phương Tây và phương Đông. Tuy thế, trước đó người ta chỉ xem nó là nền cho tranh chân dung hoặc tranh lịch sử và thường xoay quanh các chủ đề về tôn giáo, thần thoại và sử thi. Chỉ đến thời Phục Hưng thế kỷ 16 tại phương Tây, tranh phong cảnh mới có nhiều những biến thể, bằng cách chuyển trọng tâm vào thiên nhiên và không gian. Ngày nay, cùng với sự quan tâm dành cho mối liên hệ giữa ký ức và địa lý gia tăng, cùng với sự phát triển của thời đại số, các nghệ sĩ đã mở rộng ra ngoài những khung toan để tiếp tục khám phá những sắc thái của phong cảnh thông qua video nghệ thuật, nhiếp ảnh, đồ họa in ấn, và các chất liệu đa phương tiện.
“Mơ về phong cảnh” bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng với tầm nhìn của bậc thầy hội họa cả trong nước và trên thế giới về phong cảnh cũng như chiêm nghiệm những định nghĩa và biểu đạt về phong cảnh trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam. Những quan niệm về phong cảnh đã thay đổi ra sao theo thời gian? Những câu chuyện gì mà phong cảnh mang tới cho chúng ta? Tại sao phong cảnh vẫn còn mang ý nghĩa?
Góc nhìn khá trọn vẹn về tranh phong cảnh
29 tác phẩm mang phong cách và đa dạng các chủ đề khác nhau. Với đề tài phong cảnh lịch sử, triển lãm trưng bày những bức tranh điển hình như Lối vào Jerusalem (khoảng năm 1950) của Alix Aymé hay Điện Biên Phủ trên không của họa sĩ Văn Bình, một tác phẩm đại diện cho phong cách hiện thực đặc trưng của ông. Hay Ngọc Nâu, cô mang đến bộ tác phẩm Nhà tươi sáng (2017) sử dụng những phác thảo kiến trúc từ báo cũ “Nghệ thuật – Kỹ thuật – Kiến trúc” xuất bản năm 1957 tại Sài Gòn. Tiếp đó là Phạm Khắc Quang với bối cảnh đương đại hơn, thể hiện qua tác phẩm Đô thị số 4 (2020), gợi mở cách diễn giải khác về lịch sử, khi cảnh quan thành phố được xây dựng hoàn toàn bởi mã vạch.
Đề tài phong cảnh hữu tình hiện diện trong Phong cảnh Cao Bằng (2020) của Nguyễn Minh Thành, Phong cảnh Bắc An (2020) của Văn Trọng và Chiều muộn (2020) của Trần Phong. Cả ba nghệ sĩ đều chọn thể hiện phong cảnh miền núi phía Bắc với hình ảnh đặc trưng của núi non trác tuyệt. Cùng lúc đó, Trần Lưu Hậu miêu tả thiên nhiên theo phong cách tươi sáng và sinh động đặc trưng qua tác phẩm Giai điệu thiên nhiên (2009) và Rừng cọ (2010). Ở tuổi 82 khi sáng tác những tác phẩm này, phối màu và chuyển động của nét cọ trong các tác phẩm của Trần Lưu Hậu vẫn tràn đầy năng lượng. Tác phẩm Phố Hàng Bè của Phạm Luận là một tác phẩm hiếm hoi với phong cách ấn tượng mô tả một Hà Nội trữ tình trong gian đoạn chuyển đổi sau Đổi Mới. Ở một thế giới khác, tác phẩm Philadelphia – Thành phố ánh sáng của Vũ Đỗ là một phản chiếu đầy hấp dẫn về một cảnh quan đô thị hiện đại.
Với đề tài phong cảnh tưởng tượng, chúng ta không thể không nhắc tới tác phẩm Non bộ (2020) của Nguyễn Huy An, vừa phác hoạ một thú vui nghệ thuật truyền thống của người Việt dưới ảnh hưởng từ Trung Quốc, vừa thể hiện thế giới nội tâm của người nghệ sĩ. Trong khi đó, tác phẩm Hồ nước của Nguyễn Linh Chi và Viễn cảnh 1 & 2 của Lê Giang, nước cũng là yếu tố quan trọng. Tiếp đó là bộ ba tác phẩm của Trương Tân từ triển lãm cá nhân 7 tỷ năm ánh sáng (2019), những suy nghĩ ngẫu hứng, những mộng tưởng và giấc mơ kỳ lạ là nguồn cảm hứng chính của anh.
Tiếp đến là đề tài phong cảnh chính trị xã hội, loạt ảnh Đi về phía Đông (2019) của Nguyễn Thế Sơn là kết quả của chuyến đi mười ngày của anh trên Biển Đông, trải dài hơn 2000 hải lý tới gần Philippines. Trong mười ngày trên Biển Đông, Sơn được trải nghiệm và chứng kiến sự kỳ diệu của thiên nhiên, sự kỳ vĩ của biển cả cũng như vẻ đẹp cảm xúc của con người đan xen với từng nhịp điệu thay đổi của thiên nhiên, thời tiết. Trong khi đó, Võ Trân Châu sử dụng kim chỉ và vải vóc để tìm hiểu cách lịch sử sản xuất hàng dệt may đã kiến tạo giá trị chính trị – xã hội của nó qua thời chiến, tới thời kỳ Đổi mới và bây giờ là thế giới tư bản toàn cầu theo chủ nghĩa tiêu dùng. Tác phẩm Thư giãn (2014) của Nguyễn Mạnh Hùng nằm trong dự án L’aventura – a ‘Mauvais gout paintings (Chuyến lãng du – những bức tranh mauvais gout). Trong thời gian du lịch tới Paris, Hùng đã sưu tầm nhiều tranh phong cảnh lưu niệm đặc trưng từ những chợ trời trong thành phố. Thể loại tranh phong cảnh này rất phổ biến ở Việt Nam vào những năm 90 như một kiểu tranh trang trí nhà cửa.
Đề tài phong cảnh và hoài niệm khá lý thú khi thế hệ nghệ sĩ 8x và 9x có cách diễn giải riêng về phong cảnh lãng mạn. Bộ hai tác phẩm Bình phong: Đông và Bình phong: Xuân của Đoàn Văn Tới là những bức hoạ trữ tình về Hà Nội những thời điểm khác nhau trong năm. Đoàn Văn Tới nhấn mạnh nét quyến rũ và tính thần thoại của Hà Nội theo một cách hoài niệm và lãng mạn. Buổi chiều ở đảo Pulau Ketam (2014) của Trịnh Nhật Vũ tái hiện một vùng ký ức. Vũ thực hiện tác phẩm này trong thời gian lưu trú mỹ thuật ở Thái Lan, quốc gia láng giềng tưởng chừng xa xôi nhưng thực ra rất gần gũi. Trong Mơ của Lê Anh và Noel ngọt ngào của Quỳnh Đồng (2014), phong cảnh là sự phóng đại và lãng mạn hóa như giấc mơ. Trong khi đó, Thời gian (2020) của Duy Hòa là một chiêm nghiệm đầy tinh tế và nên thơ về thiên nhiên.
Đề tài phong cảnh kỹ thuật số hiện diện tên tuổi nổi bật như Oanh Phi Phi với bộ tác phẩm Pro Se gợi lên nhiều suy nghĩ và cảm xúc về sự cảm nhận phong cảnh sâu trong tâm thức con người trong thời đại kỹ thuật số.
Khai mạc: 16:00, Thứ Bảy, 19 tháng 12 năm 2020
Triển lãm: 19.12.2020 – 23.01.2021 (10:00 tới 19:00 Thứ Ba đến Chủ Nhật)
Mơ Art Space, B3, Apricot Hotel, 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Vào cửa tự do