Triển lãm Portraits – Khi tự do là bệ phóng của người nghệ sĩ
Hoạ sĩ Nguyễn Thành cho biết: “Màu sắc, hay hoạ cụ cũng chỉ là cái cớ để tôi thực hiện tác phẩm. Giai đoạn này, tôi cảm thấy tự do trong hội hoạ khi được vẽ những gì mình muốn”.
Triển Portraits trưng bày 30 bức chân dung với đa dạng màu sắc, kích cỡ, dẫn dắt người xem khám phá những cung bậc cảm xúc từ hỉ, nộ, ái, ố. Mỗi bức tranh là kết quả của quá trình ngẫu biến, không nương vào phác hoạ từ trước, cứ vẽ và vẽ, khi nào thấy đủ là dừng.
Hoạ sĩ Nguyễn Thành chia sẻ: “Tôi bắt đầu thực hành vẽ chân dung từ năm 2017 với nhiều trường phái khác nhau như tả thực, biểu hiện tới lập thể. Và những tác phẩm được trưng bày tại đây đang ở cuối giai đoạn, khi tôi được vẽ theo ý thích, theo bản năng mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài.
Từng có khoảng thời gian, tôi gom hoạ cụ cũ của mọi người để tạo ra tác phẩm với đời sống mới, mang hơi thở mới. Tuy vậy, vì không thể trưng bày hết tất cả nên tôi cảm thấy khá tiếc vì không thể giúp người xem hiểu giai đoạn tiếp nối trong hành trình sáng tác nghệ thuật của mình”.
Theo nhà phê bình Bùi Quang Thắng, những tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Thành thuộc trường phái nghệ thuật hội hoạ hành vi (gesturalism). Thuật ngữ này được hiểu là quá trình sử dụng cử chỉ để sáng tạo tác phẩm mà không cần đến hoạ cụ. Ban đầu, chúng được sử dụng để mô ta những bức tranh của các nghệ sĩ theo trường phái trừu tượng như Jackson Pollock, Willem de Kooning, Franz Kline, Robert Motherwell, Hans Hofmann. Cụ thể, Pollock sử dụng cọ hoặc một cây gậy nhúng trực tiếp vào sơn để tạo nét hoặc đổ màu trực tiếp từ lon lên giấy. Qua đó, người nghệ sĩ sẽ thể hiện sự tự do của cảm xúc nội tại thông qua những vết sơn. De Kooning từng chia sẻ: “Tôi lựa chọn cách vẽ này vì nó giúp tôi có thể đặt toàn bộ cảm xúc vào đó để diễn giải từ giận dữ, đau đớn, yêu thương,…”[1]
Ở một khía cạnh khác, Gestural Painting có tinh thần trùng khớp với Action Painting, nghĩa là các nghệ sĩ coi trọng tính ngẫu nhiên, vô thức của sự sáng tạo và coi quá trình vẽ một bức tranh quan trọng chẳng kém gì kết quả của nó. [2]
Hoạ sĩ Nguyễn Thành bộc bạch: “Tôi theo đuổi hội hoạ hành vi vì sự tự do nó đem đến cho người nghệ sĩ. Khi thực hiện tác phẩm, tôi không cần quá đắn đo trong việc ke hình đến từng chi tiết mà có thể dùng tay để cảm nhận chất liệu, màu sắc. Cái tôi “tự do” thoải mái trong tranh giúp tôi thăng hoa trong quá trình sáng tạo”.
Mỗi bức vẽ là một cách chơi đùa với màu sắc để tái hiện cảm xúc ngay tại thời điểm sáng tác. Giai đoạn 2019, 2020 đa số những bức tranh của anh mang sắc đen chủ đạo, thể hiện sự giam cầm, bức bối, đúng với thực tại xã hội phải thực hiện giãn cách. Hay có những tác phẩm sử dụng tông đỏ dữ dội mà theo chia sẻ của anh, thời điểm đó vào mùa hè, sự bức bối giằng xé biểu thị qua những vết cào có chủ ý trên màu.
Hội hoạ hành vi còn là thuật ngữ khá mới mẻ trong nghệ thuật đương đại Việt Nam. Khi được hỏi về sự đón nhận của công chúng trước tác phẩm của mình, hoạ sĩ chia sẻ: “Giống như món ăn tinh thần, nếu mình phục vụ đúng cái họ yêu thích thì sẽ giúp họ cảm nhận nhanh hơn. Đối với những người mới, quá trình này sẽ mất thời gian một chút, tuy nhiên mọi thứ đều được tôi đón nhận một cách tích cực. Bởi nghệ thuật cần cảm xúc nhiều hơn là khiến người xem nương theo một quy luật nào đó”.
Triển lãm hiện được mở cửa tự do tại MƠ Art Space tới hết ngày 9/4/2023.
[1] Gestural, Tate, https://www.tate.org.uk/art/art-terms/g/gestural#:~:text=Gestural%20is%20a%20term%20used,Hans%20Hofmann
[2] Nhà phê bình Bùi Quang Thắng, MƠ Art Space