Xu hướng hội họa 2021: Trở về thiên nhiên
Giữa những lo lắng không ngừng của năm 2020, cư dân toàn cầu đã tìm thấy niềm an ủi lớn lao khi trở về thiên nhiên, cũng là một trong những chủ đề nghệ thuật tiếp tục trở thành xu hướng phổ biến của năm 2021.
Nguồn từ Artsy giới thiệu những nghệ sĩ sáng tác tác phẩm lấy cảm hứng từ thiên nhiên trong năm vừa qua như thảm trang trí thủy sinh, tranh phong cảnh trừu tượng đến các bức vẽ vui tươi, đồ gốm về thực vật,… Những ví dụ điển hình này hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng phát triển trong năm 2021.
Marina Perez Simão (1981, Vitória, Brazil, sống và làm việc ở São Paulo)
Nghệ sĩ người Brazil Marina Perez Simão đưa tự nhiên vào các tác phẩm của mình bằng cách chuyển ký ức và trải nghiệm cá nhân thành cảnh quan trừu tượng giàu xúc cảm. Họa phẩm của Simão đầy gợi cảm và siêu thực, kết hợp không gian trong-ngoài từ đó truyền tải thế giới vô định tràn ngập sắc màu. Vào mùa Thu 2020, 9 tác phẩm gần đây nhất của cô đã được trưng bày cùng những tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Brazil Sonia Gomes tại phòng trưng bày East Hampton của Pace.
Annie Lapin (1978, Washington, D.C, sống và làm việc tại Los Angeles)
Phong cảnh của Annie Lapin khó nắm bắt, thường mang những mảnh vỡ hoặc khoảnh khắc đại diện thoáng qua, dẫn đến hiệu ứng mất phương hướng. Hình thức bóng tối được trình bày giống như những trục trặc gây rối trong cảnh quan nguyên sơ của Ed Ruscha. Sự mơ hồ này cũng tượng trưng cho bối cảnh cuộc sống thời Covid, nơi mà thời gian và không gian thường bị chắp vá.
Lei Qi (1986, Suixi, Trung Quốc, sống và làm việc tại Bắc Kinh)
Lấy cảm hứng từ những bảng màu rực rỡ của Henri Matisse và David Hockney, nghệ sĩ Lei Qui say mê sáng tác những khung cảnh nhiệt đới tươi tốt, tạo sự tương phản giữa thế giới tự nhiên và nhân tạo. Thông thường, những nhân vật trong tác phẩm của anh không lộ diện. Những hình vẽ đơn độc như biến mất khỏi họa phẩm, tượng trưng cho sự phù du của đời người.
Michael Taylor (1979, Johannesburg, sống và làm việc ở Cape Town)
Những bức tranh của Michael Taylor thường tối giản màu sắc và sở hữu năng lượng biểu cảm ngay tức khắc. Một lần vuốt cọ của anh có thể đại diện cho một cơn mưa hay đám mây phía xa xa. Những bức tranh bãi biển gần đây của anh thường màu xanh lam buồn bã, gợi lên giai điệu trầm lắng, u sầu so với những họa phẩm tươi vui trong màu cam và hồng trước đây.
Charlotte Edey (1992, London, sống và làm việc ở London)
Từ vẽ, dệt và thêu, thực hành nghệ thuật của Charlotte Edey kết hợp những biểu tượng thiên nhiên để tạo nên những trải nghiệm thị giác ấn tượng, đưa khán giả vào cuộc khám phá bản sắc và tâm linh.
John McAllister (Năm 1973, Louisiana, sống và làm việc ở Florence, Massachusetts)
Những bức tranh thực vật điện hóa (electrifying botanical) của John McAllister tỏa sáng với nhiều màu sắc tươi vui. Từng làm việc tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropilitan, anh được truyền cảm hứng từ Henri Matisse, Pierre Bonnard và George Braque. Người họa sĩ yêu thích sự phù phiếm, cảm giác khoái lạc trong phong cảnh và tĩnh vật, được thể hiện qua bảng màu rực rỡ và sống động nhằm tôn vinh trải nghiệm của các giác quan.
Friedrich Kunath (1974, Chemnitz, Đức, sống và làm việc ở Los Angeles)
Friedrich đã tạo ra những bức tranh thiên nhiên trong bảng màu tương phản vô cùng tuyệt đẹp. Các họa phẩm thể hiện suy tư của người nghệ sĩ về đại dịch, hiện lên như lời thì thầm giàu tình yêu thương.
Maha Ahmed (1989, Pa-ki-xtan, sống và làm việc ở Dubai)
Maha Ahmed lấy cảm hứng từ những tác phẩm Ba Tư và Mughal truyền thống cùng kỹ thuật vẽ tranh cổ điển của Nhật Bản để tạo ra các họa phẩm phong cảnh tinh tế, nổi bật với nhiều hoa văn, ngụy trang cho những sinh vật thần thoại, xuất hiện bất ngờ qua bố cục phong phú. Những đám mây, dòng sông, tảng đá nhấp nhô vô định tạo nên nhịp điệu thơ mộng và thiền tịnh nhẹ nhàng xuyên suốt.
Stephanie Temma Hier (1992, Toronto, sống và làm việc ở New York)
Các tác phẩm vui nhộn của Stephanie Temma tôn vinh những thực vật đời thường như rau, cá, ngũ cốc, hoa và trái cây,… đồng thời nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc tự nhiên và những thứ ta tiêu thụ.
Su Yu-Xin (1991, Đài Loan, sống và làm việc ở London, Đài Bắc và Thượng Hải)
Phong cảnh dưới nước của Su Yu-Xin phản ánh tinh linh hoạt của nhận thức và sự bất khả thi của nỗ lực ghi lại khoảnh khắc đúng lúc. Nghệ sĩ Đài Loan miêu tả những thời khắc tạm thời, giữa những vùng nước, mây và phong cảnh trên không, từ đó khám phá cách biểu diễn theo nghĩa đen và nghĩa bóng.