Nghệ thuật / Nghệ sĩ

8 bức tranh độc đáo trưng bày trong sự kiện A Walk in The Secret Garden

Apr 19, 2021 | By Trang Ps

Mới đây, sự kiện A Walk in The Secret Garden đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực-nghệ thuật độc đáo cho 25 vị khách quý giữa thiên đường rợp bóng cây xanh và kiến trúc Pháp ấn tượng của Lavelle Library. Một trong những bí mật hấp dẫn được hé lộ đầu tiên là hội họa, với phần trưng bày 8 bức tranh độc đáo đến từ nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và anh Asriel Phạm Hoàng Việt.

Hai bức tranh trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi mang đến 2 bức tranh Thuyền trên sông Hương và Thủy thủ bên thuyền buồm của họa sĩ viễn hành Đông Dương người Pháp Charles Dominique Fouqueray (1869-1956), người từng nhận giải thưởng danh giá Prix Rosa Bonheur vào năm 1909 và Prix de I’Indochine vào năm 1914.

Điều đặc biệt là bức Thuyền trên sông Hương được vẽ năm 1921, cách đây 100 năm, và bức Thủy thủ bên thuyền buồm đã được trưng bày tại Triển lãm Thuộc Địa Marseille năm 1922 với sự có mặt của vua Khải Định và Bảo Đại.

Được biết, tác phẩm của Charles Dominique Fouqueray được đưa ra đấu giá nhiều lần với giá gõ búa thực tế dao động từ 84 USD đến 70.000 USD, tùy thuộc vào kích thước và giá trị tác phẩm. Kể từ năm 2005, giá kỷ lục cho nghệ sĩ này trong một phiên đấu giá là 69.600 USD cho bức A View of the North-Western Façade of Yeni Cami.

6 bức tranh trong bộ sưu tập của anh Asriel Phạm Hoàng Việt

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đã trình bày với 25 vị khách một câu chuyện hội họa trăm năm, chia sẻ cùng nghệ sĩ múa Linh Nga bề dày lịch sử Mỹ thuật từ trường Mỹ thuật Đông Dương đến nền hội họa Việt Nam hiện nay.

Asriel Phạm Hoàng Việt mang đến 6 bức tranh độc đáo của những họa sĩ Việt Nam thành danh bao gồm: họa sĩ Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Huyến (1915 – 1994), Mai Văn Nam (1921-1986), Nguyễn Trí Minh (1924-2010) và Duy Liêm (1916-1994), cùng đó là một họa sĩ khuyết danh viễn hành Đông Dương.

Đầu tiên phải kể đến tác phẩm Phụ nữ Tràng An của họa sĩ Nam Sơn (1890-1973), đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Victor Tardieu (1870-1937), người có công lớn, nếu không nói là quyết định, trong sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Với chất liệu chì than và chì son sơn giấy, kích thước 52×79.5cm, cố họa sĩ đã vẽ bức này vào năm 1938, tức cách đây 83 năm. Bức họa miêu tả người phụ nữ trong tà áo dài truyền thống đang ngồi trên ghế tựa với vẻ mặt đăm chiêu đượm nỗi lòng riêng. Với nét vẽ tối giản và màu sắc tối giản nhưng bức chân dung vẫn vô cùng sống động như gieo vào tâm tưởng hậu thế về câu chuyện số phận và thời thế đã đi qua.

Thứ hai là tác phẩm Thiếu nữ Bắc Kỳ của Nguyễn Huyến (1915 – 1994), người nổi tiếng với kiệt tác sơn mài đạt giá gõ búa ở sàn Sotheby’s ở mức trên 120.000 USD. Bức tranh có chất liệu chì than trên giấy, kích thước 24.25cm, được Nguyễn Huyến sáng tác vào năm 1940. Tác phẩm mô tả người phụ nữ bắt hai bàn tay sau cổ với nét mặt nghiêm trang. Nguyễn Huyến từng theo học 2 năm tại Cao đẳng Đông Dương nhưng sau đó rời bỏ để theo lối đi riêng. Năm 1939, 1941 và 1942, ông có các triển lãm tranh ở Pháp. Được biết, ông từng có ít nhất 259 nhà sưu tập nội địa và quốc tế sưu tập sáng tác trong suốt 5 thập niên hoạt động nghệ thuật của ông.

Bức tranh thứ ba là Thiếu nữ trên nền vàng của họa sĩ Mai Văn Nam (1921 – 1986). Vẽ bằng chất liệu sơn mài với kích thước 53x39cm, tác phẩm mô tả người phụ nữ tóc ngắn với ánh mắt và nụ cười tỏa sáng.

Bức tranh thứ tư là Bí mật một khu rừng (chất liệu sơn dầu, kích thước 55×65 cm) của họa sĩ Nguyễn Trí Minh (1924 – 2010). Với bút lực chắc chắn nhưng không kém phần mềm mại, cố họa sĩ đã miêu tả nét bí ẩn mà dụng của lối vào rừng qua tông màu xanh – vàng – nâu tương phản mà hài hòa. Được biết, họa sĩ Nguyễn Trí Minh là thủ khoa trường Mỹ nghệ Gia Định. Ông chuyên vẽ tranh sơn dầu và màu nước, từng có tranh triển lãm lần đầu ở tạp hát Tây chung với họa sĩ toàn quốc năm 1948 và họa sĩ chính thức của hội chợ triển lãm Sài Gòn năm 1949.

Tiếp đến là Thiếu nữ du Xuân của họa sĩ Duy Liêm (1916 – 1994) bằng chất liệu sơn mài với kích thước 60×90 cm. Có mặt trong triển lãm, Hồ Đắc Anh Thi, cháu gái của cố họa sĩ Duy Liêm bày tỏ thái độ cảm động và tự hào về ông ngoại mình. Họa sĩ Duy Liêm là một tài năng nghệ thuật gắn bó với đời sống dân tộc. Miệt mài vẽ nhiều bìa nhạc và tạo mẫu cho tranh sơn mài, ông còn là họa sĩ tiên phong đầy tài năng của hội họa lập thể tại Việt Nam, với kho tàng sáng tác có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền nghệ thuật đương thời.

Cuối cùng là bức tranh Phong cảnh bến sông của họa sĩ viễn hành Đông Dương (khuyết danh), bằng chất liệu sơn dầu với kích thước 17,5x23cm.


 
Back to top