Họa sĩ: du hành và giảng viên (phần 2)
Đầu thế kỷ 20, rất nhiều họa sĩ Pháp đã du hành tới Đông Dương, trong đó có những người đã trở thành giảng viên, tiêu biểu như Alix Aymé và André Maire. Một họa sĩ khác từ Việt Nam, Nam Sơn, từ học viên đã trở thành giảng viên, cùng Victor Tardieu sáng lập nên Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tiếp theo phần 1, bài “Họa sĩ: du hành và giảng viên” của tác giả Nadine André-Pallois về bối cảnh lịch sử và tổng quan những họa sĩ Pháp đã thực hiện những chuyến viễn du tới Đông Dương, Art Republik Việt Nam xin gửi tới bạn đọc phần cuối của bài nghiên cứu. Phần này có thêm sự đóng góp của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, với nội dung viết về họa sĩ Nam Sơn. Tuy không phải là một họa sĩ du hành, nhưng ông đã góp phần quan trọng cùng Victor Tardieu sáng lập nên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Các nội dung về giải Đông Dương, họa sĩ Alix Aymé, họa sĩ André Maire, được viết bởi nhà nghiên cứu Nadine André-Pallois.
Tổng thể toàn bài “Họa sĩ: du hành và giảng viên” được đăng tải trong cuốn “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long, tầm nhìn Việt Nam” (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam), catalog triển lãm của Bảo tàng Cernuschi năm 2012, nhà xuất bản Paris Musées. Art Republik Việt Nam trân trọng cảm ơn hai nhà nghiên cứu André-Pallois và Kim Khôi đã cho phép chuyển ngữ và xuất bản bài viết này.
Nam Sơn, từ học viên tới giảng viên.
Nam Sơn, tên thật là Nguyễn Văn Thọ, sinh tại Hà Nội ngày 15/2/1890 trong một dòng dõi nho gia. Mồ côi cha từ nhỏ, ông được mẹ nuôi dạy. Bà đã gửi con cho hai nhà nho: em trai Nguyễn Sĩ Đức và cậu ruột Phạm Như Bình, trong việc giáo dục hán tự thi thư và hội họa cổ truyền Á Đông. Chính thầy Phạm Như Bình đã chọn cho ông biệt hiệu Nam Sơn nổi tiếng sau này.
Nam Sơn vào học tại Trường Bảo hộ Hà Nội (Trường Bưởi), tiếp cận những bài học cơ bản đầu tiên về nghệ thuật phương Tây với các giảng viên như: nhà điêu khắc Emile Boudan và nữ hoạ sĩ Ridet. Say mê hình hoạ, sau đó ông làm việc tại Nha Học chính với nhiệm vụ minh họa sách giáo khoa tiếng Việt. Cũng với tư cách là hoạ sĩ minh hoạ, ông cộng tác với nhiều đơn vị xuất bản sách, báo, tạp chí như: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, tạp chí Tạp chí Văn học và Nghệ thuật Đông Dương và Viễn Đông (Les pages Indochinoises), tạp chí Viễn Á (Extrême-Asie Revue Indochinoise Illustreé)… Trong khoảng thời gian này, Nam Sơn tham gia sinh hoạt tại Hội quán sinh viên An Nam, do Paul Monet thành lập ở Hà Nội ngày 6/5/1922. Vị đại uý lục binh thuộc địa phụ trách về địa lý này đã giới thiệu Nam Sơn với Victor Tardieu – họa sĩ đoạt giải Đông Dương năm 1920, lúc đó vừa tới Hà Nội năm 1921. Cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi cuộc đời của Nam Sơn và Victor Tardieu, thậm chí là cả số phận của nghệ thuật Việt Nam.
Mối quan hệ lúc đầu không dễ dàng ngay. A.N.Beun (1), tác giả của bài báo “Cách tân nghệ thuật Việt Nam” nhấn mạnh bối cảnh lúc đó: “Paul Monet đã yêu cầu Louis Marty (2) giới thiệu Nam Sơn, một thanh niên có tương lai, tuy còn rụt rè nhưng rất chăm chỉ và quyết tâm, với Victor Tardieu, một người nhân từ, dễ gần, đáng mến và chân thành (3).”
Lúc đầu Tardieu có vẻ hơi ngại gặp chàng thanh niên trẻ này. Rồi với thuyết phục của tất cả mọi người, ông bắt đầu xem những bức họa vẽ bằng bút lông của Nam Sơn, và đã bị thu hút ngay lập tức.
Thoạt tiên, Tardieu không có ý định lưu lại Đông Dương quá lâu. Ông đã ký hợp đồng với chính phủ (4) để trang trí Trường Đại học Đông Dương, do đó đã kéo dài thời gian ở lại. Để thực hiện công trình của mình, ông bắt đầu tìm người mẫu và ngay lập tức bối rối nhận ra tại đất nước này, nghệ thuật chỉ sinh ra từ sự tưởng tượng chứ không dựa trên các nghiên cứu từ tự nhiên. Nam Sơn đã tình nguyện ngồi làm mẫu, đôi khi trang nghiêm trong những triều phục rực rỡ hoặc đơn sơ trong y phục nông dân.
“Để tiết kiệm thời gian và cảm ơn sự tận tụy ấy, Victor Tardieu giữ người mẫu lại dùng bữa trưa. Như vậy, giữa hai người, sự thân mật và lòng quý trọng nhanh chóng có được một chỗ đứng vững chắc, chuẩn bị tốt cho việc ra đời của một ý tưởng lớn mà Nam Sơn đau đáu từ lâu: sáng lập tại Hà Nội một ngôi trường Mỹ thuật (5).”
Mối quan hệ thường xuyên với Tardieu đã dẫn Nam Sơn tới việc say mê áp dụng những phương pháp mới, theo cách của người họa sĩ chuyên vẽ sơn dầu và nắm vững kiến thức phối màu. Chỉ một thời gian ngắn, Nam Sơn đã hiểu rằng kỹ thuật này sẽ được các hoạ sĩ Việt Nam yêu thích. Chúng không chỉ cho phép thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật bản địa, mà còn giúp phát triển cảm xúc mới trong nghệ thuật. Nam Sơn khát khao đồng bào mình cùng được chung hưởng những hiểu biết và học hỏi điều khám phá mới lạ này. Tuy nhiên, thời gian trôi đi, Tardieu sẽ phải về lại Pháp khi hoàn thành bức bích họa lớn, và dự án của Nam Sơn có thể tan thành mây khói.
Khi đó, Victor Tardieu đã mở rộng cửa xưởng vẽ chào đón Nam Sơn, không chỉ với tư cách người mẫu mà còn như một học trò. Năm 1923, sau khi đã nắm cơ bản về hội họa phương Tây, Nam Sơn triển lãm những bức tranh sơn dầu đầu tiên ở hội Khai Trí Tiến Đức (6). Nếu như ở phía Việt Nam, tính hiện đại này gây ngạc nhiên, thì ở phía người Pháp, Tardieu chứng minh rằng những họa sĩ trẻ Việt Nam hoàn toàn có năng lực, một khi họ được đào tạo cẩn thận.
Từ đó nhen nhóm dự án thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Victor Tardieu. Ngày 27/10/1924, sắc lệnh thành lập trường đã được ban hành. Mọi việc nhanh chóng được sắp xếp: với vai trò thư ký cho Tardieu (7), Nam Sơn tới Pháp từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1925 để hỗ trợ Tardieu trong việc tuyển dụng giảng viên và mua sắm dụng cụ cần thiết như toan, cọ và màu. Ông tranh thủ chuyến đi này để hoàn thiện hơn chuyên môn của mình. Đăng ký vào Trường Mỹ thuật Paris, buổi sáng ông học trong xưởng họa của Jean-Pierre Laurens (kỹ thuật và bố cục), buổi chiều theo khoá trang trí với Felix Aubert tại Trường Nghệ thuật Trang trí, buổi tối học với các giảng viên mô hình, Séguin và Maire (8). Trong thời gian này, ông kết bạn với họa sĩ Trung Quốc Xu Beihong và nghệ sĩ Nhật Foujita (9).
Do bị ốm, Victor Tardieu bắt buộc hoãn việc quay lại Hà Nội (10). Nam Sơn phải trở về trước cùng với Joseph Inguimberty, giảng viên đầu tiên được tuyển chọn. Đối diện với nhiều khó khăn, cả hai chuẩn bị cho kịp buổi tuyển sinh được tổ chức ngày 5/10/1925 trên toàn Đông Dương, với sự tham dự của 270 thí sinh. Khóa đầu tiên chỉ chọn 10 thí sinh trúng tuyển. Thời gian học được ấn định lúc đầu là 3 năm, sau đó được chuyển thành 4 năm, rồi 5 năm bao gồm 1 năm dự bị.
“...Việc giảng dạy môn Đồ họa và Trang trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền Mỹ thuật truyền thống An Nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn Trường (11)“.
Sau khi mất, vai trò của Nam Sơn trong việc đào tạo những tài năng mới cũng được nhìn nhận từ phía Việt Nam: “trong 18 năm đó, phải công nhận Nam Sơn đã góp phần tích cực vào việc đào tạo một thế hệ họa sĩ mới trong một đất nước đã có những cơ bản về nghệ thuật dân gian cổ truyền (12).”
Sau 1954, Nam Sơn vẫn ở Hà Nội, nhưng không giảng dạy nữa. Ông mất ngày 26/1/1973, để lại cho hậu thế hơn 400 tác phẩm khác nhau, minh chứng sự phong phú trong các hoạt động nghệ thuật của ông. Các sáng tác của ông được đưa vào làm mẫu trong giảng dạy mỹ thuật. Những tác phẩm của Nam Sơn, với hơi hướng tân cổ điển, gây ấn tượng như một di sản Á Đông kết hợp với sáng tạo hiện đại qua những bố cục táo bạo. Ông đã biết cách thể hiện sự đa dạng về kỹ thuật và chất liệu: sơn dầu, màu nước, mực tàu, chì son, phấn màu, than, lụa… trên nhiều tác phẩm xuất sắc. “Chân dung một nhà nho”, vẽ năm 1923, là một trong những tranh sơn dầu đầu tiên đã tác động tới Tardieu trong ý muốn thành lập một trường mỹ thuật. “Chợ gạo bên sông Hồng”, mực tàu kết hợp bột màu, năm 1928, được triển lãm tại salon của các nghệ sĩ Pháp năm 1930 với bố cục độc đáo, được Bộ Mỹ thuật mua và hiện thuộc sở hữu của Quỹ Nghệ thuật Đương đại Quốc gia Pháp (FNAC). “Chân dung mẹ tôi” là một bức sơn dầu vẽ năm 1930, giành huân chương bạc tại salon các nghệ sĩ Pháp năm 1932. Một số bức họa khác cũng được giới thiệu trong các triển lãm gần đây và được tái bản trong nhiều vựng tập.
Được triển lãm tại Bảo tàng Cernuschi, bức tranh “Cò và cá vàng” (năm 1927), sử dụng kỹ thuật in khắc gỗ dân gian theo phong cách Nghệ thuật Trang trí, Nam Sơn đã tổng hợp giữa các ảnh hưởng truyền thống và hiện đại, Á Đông và phương Tây. Hai con cò, biểu tượng của trường thọ và chung thuỷ, đứng duyên dáng trên cành cây, cánh hơi giang ra, bên dưới là những con cá vàng bơi lượn giữa những làn sóng cách điệu. Bức tranh “Sơn thuỷ” (năm 1956), minh họa kỹ thuật chất liệu chì son mà Nam Sơn thường sử dụng trong suốt cuộc đời sáng tác. Phong cảnh Đông phương này đựợc xây dựng trên sự tương phản mạnh mẽ của những tảng đá tiền cảnh với hậu cảnh sương khói theo thuyết xa gần tây phương, trong khi đó, thuyền, nhà ẩn sĩ và lối mòn chìm khuất xa xa gợi lên phong cách vẽ Á Đông của Trung Hoa.
Giải Đông Dương
Theo dõi cặn kẽ sự suy tàn của nghệ thuật cổ truyền khi thuộc địa hoá diễn ra, với sự trợ giúp của người học trò Nguyễn Nam Sơn (1890 – 1973), Victor Tardieu có ý đưa những người nhận giải Đông Dương vào việc phát triển Trường Mỹ thuật Hà Nội còn rất non trẻ lúc đó. Vì thế, ông đã điều chỉnh một số điều khoản của giải. Năm đầu tiên tới Đông Dương, các nghệ sĩ có thể du lịch thoải mái khắp thuộc địa. Tuy nhiên, từ năm thứ hai thì họ phải làm việc ở Trường Mỹ thuật. Nhờ đó, Henri Dabadie (1928), Lucien Lièvre (1929), Louis Rollet (1930), Évariste Jonchère (1932), Louis Bâte (1938), nối tiếp nhau giảng dạy trong các lớp vẽ và điêu khắc.
Họ đã ghi lại từ hành trình này những bằng chứng xúc động trên một số công trình và tập quán mà ngày nay đôi khi không còn nữa. Sau khi Victor Tardieu mất, Évariste Jonchère thay ông lãnh đạo trường và giữ chức hiệu trưởng cho tới năm 1945. Ông dạy sinh viên môn điêu khắc và phát triển mảng sơn mài.
Alix Aymé (1894 – 1989)
Sinh ở Marseille, Alix Hava theo học ở Paris với hoạ sĩ trường phái Nabi Maurice Denis (1870 – 1943). Bà làm các tranh khắc gỗ cho xưởng nghệ thuật tôn giáo do Maurice Denis và Georges Desvalieres thành lập năm 1919. Tuy nhiên, bà bỏ ngang công việc để kết hôn và theo chồng, Paul de Fautereau-Vassel, một giáo sư làm việc tại Thượng Hải. Năm 1921, họ chuyển đến sống ở Hà Nội và bà có dạy hình hoạ cho một trường trung cấp kỹ thuật (*). Bà cũng tranh thủ thời gian này để đi thăm một số nước châu Á, vẽ một số tranh mà sau đó bà giới thiệu ở Hội Thuộc địa Nghệ sĩ Pháp. Năm 1928, trong chuyến đi thăm Nhật Bản, bà bắt đầu say mê với các trang trí sơn mài. Trở lại Hà Nội, bà bắt tay vào việc đổi mới kỹ thuật này ở Việt Nam, khi giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với Joseph Inguimberty từ năm 1934.
Thích phong cách Nghệ thuật Trang trí, bà hiện đại hóa các chủ đề cũ và áp dụng một số quy trình kiểu Nhật, như nền dát vàng. Bài viết của bà về sơn mài đăng trên tờ L’Illustration (1949) cho thấy sự gắn bó của bà với kỹ thuật trang trí này.
Được chính phủ Pháp giao nhiệm vụ trang trí không gian về nước Lào cho Triển lãm Thuộc địa năm 1931, bà đã được diện kiến vua Lào và thực hiện trang trí sảnh lễ tân của Hoàng cung Luang Prabang. Năm 1931, bà kết hôn lần 2 với tướng Georges Aymé, anh trai của nhà văn Marcel Aymé. Bà du lịch Triều Tiên, Nhật Bản, Campuchia và Lào. Bị hấp dẫn bởi những kỹ thuật mới, như tranh lụa, tranh khắc, tranh kính và đặc biệt là sơn mài, bà miêu tả cuộc sống của mình ở Đông Dương qua tranh vẽ. Năm 1945, bà về hẳn Pháp sau một lần bị giam giữ trong cuộc chiếm đóng của quân Nhật.
André Maire (1898 – 1984)
Được đào tạo về hình hoạ tại trường địa phương, Place des Vosges, Paris, André Maire quen Emile Bernard trong thời gian học, lúc đầu là học trò, sau thành con rể. Cuối Thế chiến thứ Nhất, ông nhập ngũ bộ binh và tới thuộc địa lúc tròn 20 tuổi. Tại đây, André Maire đã khám phá Sài Gòn và thành cổ Angkor, những phong cảnh đã ghi khắc trong tâm khảm ông. Được bổ nhiệm làm giáo sư thay thế (phụ giảng) tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Những trải nghiệm ở châu Á đã làm thay đổi cảm xúc nơi ông, cũng như sự tương tác với màu sắc mà ông thể hiện qua một tấm tranh lớn được giới thiệu tại Triển lãm Thuộc địa ở Marseille năm 1922. Ngay từ ngày đầu tới Đông Dương, ông đã mang về một tập tài liệu tranh ảnh quan trọng dùng để thực hiện sách về tranh khắc gỗ “Sài Gòn” năm 1924). Từ rất nhiều phác thảo, ông đã dựng lại tại xưởng họa của mình một châu Á trong mơ.
Các bức họa chất liệu mực nâu đỏ về đền Angkor diễn đạt một giá trị tinh thần và sự đồng cảm đặc biệt của ông với kiến trúc ấy. Trong khuôn khổ triển lãm Quốc tế Thuộc địa năm 1931 tại Paris, ông đã thực hiện những tấm tranh lớn cho Bảo tàng Thuộc địa (hiện là Khu Lịch sử nhập cư, Paris). Vào lần thứ hai tới Đông Dương, năm 1948, ông được bổ nhiệm làm giáo sư đồ hoạ và mô hình cho Trường Cao đẳng Kiến trúc ở Hà Nội, một nhánh của Trường Mỹ thuật Đông Dương, được thành lập năm 1926. Do chiến tranh, trường bị chuyển lên vùng cao nguyên Đà Lạt, nơi ông tiếp tục làm việc với chất liệu chì son và đá than đen để miêu tả đời sống của người dân Gia Rai. Sau khi chuyển về dạy tại Sài Gòn năm 1950, ông đi thăm Campuchia một lần nữa. Sau đó, ông rời hẳn Việt Nam năm 1958.
Bài viết của hai nhà nghiên cứu Nadine André-Pallois và Ngô Kim Khôi.
Vân Lê chuyển ngữ, Ngô Kim Khôi hiệu đính.
Sơn Ca giới thiệu, biên tập và trình bày ảnh.
Chú thích:
(1) Bài viết của A.N. Beun, lẽ ra phải được ký bởi Gerard Tongas, tiến sĩ văn chương, giáo sư sử học và địa lý của Trường Trung học Albert Sarraut từ năm 1956 và là đồng nghiệp của Nam Sơn, phụ trách giảng dạy hội họa từ 1947. A.N.Beun là tên họ của bà Tongas.
(2) Giám đốc Chính trị vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương và là người rất có quyền lực trên các hoạt động văn hoá ở Việt Nam thời đó.
(3) A.N.Beun, “Cải cách nghệ thuật Việt Nam”, Đông – Tây tạp chí, số 5, tháng 11/1952, trang 77.
(4) 18/6/1921
(5) Op. cit., trang 77.
(6) Hội “Khai trí Tiến Đức” Việt Nam, còn được gọi là hội AFIMA (l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919 – 1945).
(7) Ibid.
(8) Ibid.
(9) Sau này, năm 1941, Foujita có đến Hà Nội, ở trong xưởng vẽ của Nam Sơn và Nam Sơn đã giúp ông tìm mẫu vẽ. Để cảm ơn, ông cũng vẽ một chân dung của Nam Sơn.
(10) Ibid., trang 78.
(11) Toàn quyền Đông Dương, “Các trường nghệ thuật Đông Dương”, Hà Nội, nhà in Viễn Đông, 1937, trang 16.
(12) Nguyễn Trân, “Kỷ niệm về họa sĩ Nam Sơn”, tạp chí Văn nghệ, Hà Nội, năm 1973, trang 13.
(*) “Năm 1921, họ chuyển đến sống ở Hà Nội và bà có dạy hình hoạ cho một trường trung cấp kỹ thuật”. Trong nguyên gốc tiếng Pháp, viết là “au lycée technique”. Chi tiết này có thể cần thảo luận thêm. Dựa trên các lá thư Alix Aymé gửi thầy Denis, năm 1921 hai vợ chồng Alix Aymé chuyển đến Hà Nội và chồng bà dạy học tại Trường Trung cấp Hà Nội (Lycée de Hanoi). Năm 1924, Alix Aymé dạy vẽ tại Trường Bách nghệ Hà Nội (Ecole Professionnelle). Chú thích của người biên tập.