Bộ tranh “Gam lạnh” và cuộc giải phóng nội tâm của họa sĩ Trần Chí Thành
Loạt tranh “Gam lạnh” mà họa sĩ Trần Chí Thành sáng tác trong năm 2021 là một cuộc cách mạng giải phóng nội tâm, để qua sự tung tẩy của những gam màu, ta thấy một thế giới mênh mông, thậm chí gợi mở cả ý niệm siêu hình, được lột tả một cách đầy mãnh liệt và tự do.
Điều gì đã mang anh đến với bộ tranh “Gam lạnh” này?
Sự cố tai nạn lấy đi một bên ánh sáng của bà xã là khởi nguồn đưa tôi đến với bộ tranh này. Những ngày vật lộn hy vọng lấy lại ánh sáng cho con mắt ấy kéo dài suốt gần hai năm. Để tự trấn an và là chỗ dựa tinh thần cho cô ấy, tôi đã bắt đầu vẽ những bức đầu tiên. Đây là những ngày cuối năm 2019 Âm Lịch, cũng là lúc ngoài hành lang bệnh viện, tôi đọc những tin tức đầu tiên về Covid tại Vũ Hán. Những cảm giác nặng nề hoang mang xen lẫn lúc đó cần phải vượt qua.
Loạt tranh “Bình minh trong cơn bão” là sự cảm khái về điều đó, là tự sự cho hoàn cảnh cá nhân trong giai đoạn nhiều sóng gió. Những bức tranh kế tiếp “Sự quý giá của niềm tin”, “Nhát dao hy vọng” chính là tiếng lòng chân thật và niềm tin về điều tốt đẹp sẽ đến. Tôi nhận ra hội hoạ đã giúp sức cho mình có được năng lượng mạnh mẽ. Bộ tranh “Gam lạnh” này tiếp tục và dừng lại vào cuối năm 2021, vậy là ba năm.
Qua tranh, ta thấy một cuộc giải phóng nội tâm được hiểu hiện rõ nét, nơi hình và màu hòa vào nhau có lúc mạnh mẽ thăng hoa, có lúc như một “cuộc đào tẩu” khỏi chính sự giam cầm nào đó. Kỹ thuật vẽ của anh có nhiều thay đổi không?
Thật ra là không nhiều đặc biệt về kỹ thuật. Hoạ sỹ tôn trọng cảm xúc và sự tự nhiên khi vẽ. Việc sử dụng dao vẽ, nhánh cây nhỏ, giấy ráp và tay để vẽ là thường xuyên trong thời gian này. Tôi quan tâm đến sự vận động, loang chảy, xung đột sắc độ. Sự linh hoạt uyển chuyển, cương nhu, dày mỏng trong bút pháp. Các thay đổi sắc thái sắc độ, vận động màu đã hấp dẫn hoạ sỹ vào một cuộc phiêu lưu đầy phiêu cảm. So với giai đoạn trước thì tranh đạt được tính tự nhiên và ban sơ hơn.
Đôi mắt như nguồn cảm hứng đặc trưng cho Gam lạnh?
Gam lạnh xuất hiện xuyên suốt trong quá trình loạt tranh là một sự ngẫu nhiên, cũng có thể do tâm trí khi đó nghĩ nhiều về đôi mắt. Thực tế thì gam lạnh biểu đạt được năng lượng và nội tâm rõ nhất. Song hành với vũ trụ trong một con mắt mà tôi hướng cảm thức đến sự kỳ diệu, bí ẩn trong thế giới tự nhiên, từ đại dương, bóng trăng đến sự sống nói chung…
Trong đó, triết lý nhà Phật ảnh hưởng tích cực nhất đến đời sống của tôi. Khi sáng tác, tôi nghĩ về tự nhiên, sự rung động đa chiều và không bị giới hạn về mặt không gian – thời gian. Và vẽ là lúc cảm nhận được hơi thở, lòng trắc ẩn một cách khá gần.
Suy tư – lối sống – sáng tác của anh có gì chuyển xuyên đại dịch kéo dài vừa qua?
Sự xuất hiện của virus Covid-19 với cuộc sống nhân loại chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, cảm xúc của tất cả mọi người. Với tôi cũng không ngoại lệ. Đại dịch chắc chắn đã khai mở nhiều thứ về tâm thức, cách đón nhận cuộc sống hiện tại. Việc tôn trọng và cứ để “cuộc di cư” cảm xúc chảy theo hướng tích cực là “chân đế” trong cả sáng tác lẫn cuộc sống của tôi.
Quan sát, hiểu hơn về quy luật, tính chất của sự sống tự nhiên, ta sẽ thấy đại dịch Covid là sự tự nhiên. Cũng như những âm thanh, rung cảm đến từ tiềm thức hay tác động từ bên ngoài đều là sự quý giá nếu ta đủ trân trọng. Trong tương lai có thể có nhiều thay đổi về cách biểu đạt, hình thức trong sáng tác nhưng chắc chắn rằng sự vận động, năng lượng tốt đẹp sẽ là linh hồn của tác giả.