ART & CULTURE / Nghệ sĩ

Họa sĩ Hà Hùng: Vẽ là cách khiến nội tâm của mình thở

Oct 04, 2019 | By Trang Ps

Nếu chiêm ngưỡng tranh của họa sĩ Hà Hùng ở hai thời kỳ cũ và mới, có lẽ, người chưa biết sẽ lập tức nghĩ rằng mình đang xem tranh của hai nghệ sĩ hoàn toàn khác nhau. Và khi biết rồi, họ mới ngỡ người ra tự hỏi phải chăng tác giả đã kinh qua bước ngoặt lớn nào đó trong đời.  Thật thế, ngay giờ đây, khi là đã là một họa sĩ tu hành, con đường sáng tạo của Hà Hùng bỗng trở thành câu chuyện thú vị để kể.

Trò chuyện với họa sĩ Hà Hùng mới biết, ông nội của anh là Hà Ngại, hồi xưa làm quan lớn thời nhà Nguyễn. Ông cũng làm thơ, thi phú và cách đây vài năm, anh cho phát hành cuốn hồi ký “Khúc Tiêu Đồng” của ông nội và nó trở thành một trong những tác phẩm bán chạy. Họa sĩ Hà Hùng bật cười kể lại: “Còn ba tôi là một người lãng mạn ngoại hạng. Tuy nhiên, trong gia đình, ai ai cũng làm công chức nhà nước cho đến khi nghỉ hưu, chứ không ai bén duyên với nghệ thuật…”

Điều đặc biệt ở người họa sĩ đã xuất gia này là, nếu vai kia nặng gánh nghệ thuật thì vai bên này nặng gánh văn chương.Thực hành sáng tạo của anh không dừng lại ở vẽ tranh, mà còn là làm thơ, viết văn, một vài tác phẩm sách của anh đã được xuất bản, phát hành để lại nhiều chiêm nghiệm và suy tư cho người đọc hiện nay.

Riêng về lĩnh vực mỹ thuật, sáng tạo của Hà Hùng có lẽ được chia ra hai thời kỳ hoàn toàn khác biệt và riêng biệt, bắt nguồn từ bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh, khi người họa sĩ quyết định dứt bỏ hồng trần để quy y cửa Phật. Từ đó, bút pháp lẫn phong cách biểu hiện lên tranh của anh có phần nào ngây ngô lúc chợt nhìn nhưng lại đưa con người vào cuộc phiêu lưu bất tận.

Hà Hùng cũng là một trong 13 họa sĩ có tranh trưng bày tại triển lãm “nguyên” diễn ra từ ngày 10/10 đến 13/10 tới. Trước thềm sự kiện, Luxuo.vn đã có cuộc trò chuyện chân thành cùng anh để đào sâu vào con đường nghệ thuật đầy biến cố, thăng trầm nhưng cũng hết sức lôi cuốn và thú vị.

Chào họa sĩ Hà Hùng! Là người từng tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, anh có thể chia sẻ về bút pháp nghệ thuật của anh đã kinh qua những bước ngoặt cụ thể nào để hình thành nên cá tính rõ nét và kiên định lúc bây giờ?

Lúc còn học trong Trường Đại học Mỹ thuật Tp.HCM và khi mới ra trường trong khoảng 10 năm đầu, tôi ham vẽ và tham gia nhiều triển lãm trong nước và vài nước ở châu Á. Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó, tôi vẽ “bất kể đẹp xấu”, chủ yếu là để “nạo vét, gột rửa bản thân mình”. Thế nên, triển lãm lúc này không còn quá quan trọng nữa.

Khi mới tốt nghiệp đại học, tôi có hai năm vẽ biểu hiện rất nặng nề, tiếp sau đó là vẽ biểu tượng và sau nữa, tôi chủ yếu vẽ trừu tượng trong quãng thời gian khá dài. Tôi cũng có hai triển lãm cá nhân về tranh trừu tượng nữa. Nhưng theo thời gian, tinh thần của tôi có nhiều biến chuyển, đến nay, nó đã rõ ràng hơn, cái nào ra cái nấy, vì thế, tôi mới hình thành nên kiểu vẽ đơn giản và khúc chiết như bây giờ.

Khi xưa, tinh thần của tôi rất mộng mị và phức tạp. Nhưng ngày nay, nó đã tươi sáng và rõ ràng, thế nên, tranh tôi vẽ cũng sẽ đồng điệu như thế.

Khi đã trải qua nhiều thay đổi của cuộc đời, và bản thân tôi giờ đây là một người đã tu hành, tôi không còn ấn tượng sâu sắc với quá khữ nữa, tôi học cách buông bỏ và cái gì đã qua thì thôi. Tôi vẽ tranh, lần theo các đầu mối của cái bên trong tôi khi nó tương tác với bên ngoài, chứ không phải chạy theo cái bên ngoài. Và khi tinh thần của tôi đi đâu, tôi sẽ theo đó. Khi xưa, tinh thần của tôi rất mộng mị và phức tạp. Nhưng ngày nay, nó đã tươi sáng và rõ ràng, thế nên, tranh tôi vẽ cũng sẽ đồng điệu như thế.

Có thể thấy những bức tranh của anh hiện tại dùng chất liệu sơn dầu là chính, nhưng với một người trải qua biến cố tinh thần lớn, phải chăng sơn dầu cũng chỉ là một lựa chọn mới đây?

Từ trước tới nay, tôi vẫn chủ yếu vẽ tranh sơn dầu đó chứ. Chỉ là, hồi còn vẽ tranh biểu tượng, tôi thường sử dụng các chất liệu tổng hợp, để đắp nổi bề mặt tranh lên, làm cho các biểu tượng nổi rõ lên.

Cũng như thời vẽ tranh trừu tượng, đề tài “Trầm tích sơ khai”, tôi dùng rất nhiều thủ pháp ngoài cọ vẽ, và dùng nhiều loại chất liệu tổng hợp đắp nổi trên bề mặt tranh, làm nó hiện ra các loại hiệu ứng như tranh trong hang động thời tiền sử vậy (cười).

Nhưng bây giờ, tôi chủ yếu vẽ bằng sơn dầu và thi thoảng là acrylic.

Một ai đó từng nói rằng “nghệ thuật khởi đi từ bi kịch”, và tôi nghĩ, anh tìm thấy chút đồng điệu nào đó khi đặt vào hoàn cảnh sáng tạo của mình?

Đối với riêng tôi, nghệ thuật khởi đi từ bi kịch là hoàn toàn đúng. Con người chúng ta sống trong thế giới nhị nguyên này, với hai mặt đối lập của nó nên ai ai dù trải qua hạnh phúc cũng trải nghiệm phần đối nghịch còn lại, là bi kịch. Nhưng nhờ có bi kịch, chúng ta mới nhìn ra cái đẹp và sự nung nấu ý chí của con người mỗi ngày một cao hơn.

Vậy thì, vấn đề của con người bây giờ là phải giải quyết bi kịch đó, khi nó đã phình ra quá to rồi, câu trả lời chính là sáng tạo. Đó chính là nghệ thuật bắt đầu từ bi kịch. Mỗi cá nhân đều có nỗi khổ tâm riêng, nhưng với người làm nghệ thuật, họ đã sử dụng sáng tạo nghệ thuật để giải quyết nỗi khổ tâm đó tốt hơn.

Vẽ là cách khiến nội tâm của mình thở. Vẽ cho con người mình luôn được sống là chính mình, thì lúc đó, bạn sẽ nhìn thấy mọi thứ xung quanh đều đẹp.

Trước đây, tôi là người cô đơn toàn phần, cô đơn kinh niên gần như là bệnh lý. Nên lúc nào, tôi cũng thích vẽ, nhất là vẽ ký họa thì mới sống nổi. Nhưng cũng vì thế, tôi vẽ rời rạc, không có chủ đề chính kéo dài như một câu chuyện. Nguồn cảm hứng sáng tạo lúc bấy giờ của tôi chủ yếu đến từ thiên nhiên, từ cái “hình ảnh thị giác” trong mắt tôi cho tôi thấy thích vẽ cái đó, và tôi cứ vẽ vậy.

Nhưng bây giờ, tôi vẽ theo những câu chuyện mà trong lòng tôi ôm ấp và cảm thấy nó có nghĩa đối với tình trạng sống của tôi hiện giờ, thí dụ như: câu chuyện của phố, nhà thờ, chim chóc, người chăn dê, chăn cừu…

Vẽ là cách khiến nội tâm của mình thở. Vẽ cho con người mình luôn được sống là chính mình, thì lúc đó, bạn sẽ nhìn thấy mọi thứ xung quanh đều đẹp. Và như tôi đã nói, nghệ thuật có thể chữa lành vết thương lòng của con người, và làm cho con người “sớm trưởng thành” hơn. Vì nghệ thuật chân chính cũng như “đạo” vậy mà…

Sau khi hoàn thành một tác phẩm, điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất là gì?

Là không buồn, không áy náy, không khó chịu gì. Khi vẽ xong một tác phẩm, tôi chẳng biết đúng sai đẹp xấu gì nữa. Nếu thấy trong lòng không vui sướng, coi như bức đó thua.

Trong đạo Phật, người ta thường hay nói đến “tĩnh lặng” và “tỉnh thức”. Và có một câu nói đại khái là “Sáng tạo xảy ra là khi ta không suy nghĩ, tức là tỉnh thức”, khi đó, ý tưởng mới mẻ bỗng hiện lên. Anh có suy nghĩ ra sao?

Tĩnh lặng và tĩnh thức là hai thuật ngữ trong nhà thiền. Tĩnh lặng ở đây là tĩnh lặng bên trong, chứ không phải là sự yên lặng, vắng vẽ bên ngoài. Vì khi tâm tĩnh lặng, thì dù bạn có đi ra chốn đông người giữa chợ, bạn vẫn bình yên như thường.

Sự tĩnh lặng của nội tâm là một sức mạnh phi thường, và khi đạt đến sự tỉnh thức, sự sáng tạo trong bạn sẽ diễn ra cực kỳ mạnh mẽ.

Có lẽ, họa sĩ Hà Hùng còn nặng gánh văn chương khi ngoài sáng tác tranh, anh còn là một tác giả sách?

Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, tôi không vẽ và trong khoảng thời gian đó, tôi viết rất nhiều, chủ yếu là các “Tiểu luận triết học” đăng trên mạng. Những cái tôi viết cũng giống như cuộc phiêu lưu, khám phá bản thân, ví dụ như “Các hình thái tư duy của con người” và “Ba giới hạn của cô đơn”.

Tôi cũng có in hai cuốn thơ, một cuốn lý luận và một cuốn tiểu thuyết rất thành công. Vì từ khi chúng còn là bản thảo, mọi người đã chuyền tay nhau đọc. Người ta bảo, những gì tôi viết có tính chất độc sáng và khác lạ, vì nó đã vượt qua đau khổ để vui tưới dí dỏm lạ thường.

Sự tĩnh lặng của nội tâm là một sức mạnh phi thường, và khi đạt đến sự tỉnh thức, sự sáng tạo trong bạn sẽ diễn ra cực kỳ mạnh mẽ.

Còn về phần tranh, nếu ai đó bảo tranh của tôi có chút ngây ngô, tích cực, trong sáng thì có lẽ, người sao thì tranh sẽ như vậy (cười). Người ta cũng thường hỏi tôi về hình ảnh nhà thờ trong tranh, đặc biệt là khi tôi đã xuất gia mà còn vẽ nhà thờ. Nhưng thực chất, tôi đã vẽ nhà thờ từ rất lâu và nay, tôi vẫn tiếp tục vẽ. Hình ảnh cây thánh giá (T) ở trên cao thực sự rất đẹp và rất thánh thiện. Bởi, ai ai mà chẳng hướng lên cái thiện ở trên cao?

Nếu ai vẽ tranh, mà về tình cảm, thì “sạch nước cản”, về đường lối thì có cái riêng, là đạt. Vì thế ước mơ lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, là ráng làm cho được hai cái này.

Họa sĩ Hà Hùng.

Anh có trăn trở như thế nào về nền mỹ thuật nước nhà và ai là nhà sưu tầm tranh của anh?

Càng ngày, người Việt mình càng biết nhìn tranh, và chơi tranh tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Chính thế nên thị trường mua bán tranh cũng đa dạng hơn xưa, và cũng chuyên nghiệp hơn.

Cách đây 10 năm, các nhà sưu tập Việt Nam chưa mua tranh nhiều, do đó, việc bán tranh đối với họa sĩ là cực kỳ khó. Ngày xưa, tôi cũng vẽ nguyên một loạt mấy chục tác phẩm nhưng trong đó, chỉ có một đến hai tấm đẹp nhất, và người ta cũng chỉ sưu tập một, hai bức ấy thôi. Tính theo tiền Tây cũng ổn, nhưng bán như vậy thì thấy tiếc quá. Còn ngày nay, người ta mua nhiều hơn và theo giá cả tiền Việt Nam. Tranh của tôi chủ yếu là người Việt sưu tầm.

Cám ơn họa sĩ vì những chia sẻ thú vị này!


“nguyên” là triển lãm nhóm do Luxuo Art x GoMa tổ chức, quy tụ những cái tên đã ít nhiều gây ấn tượng với cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam: Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Lâm Nhật Thanh, Mai Đại Lưu, Hà Hùng, Huỳnh Cường, Lê Hải, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tùng, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Chí Long, Trần Thảo Tú, Mạc Hoàng Thượng. 13 họa sĩ với 13 phong cách khác nhau, tất cả sẽ cùng nhau mang đến triển lãm mỹ thuật “nguyên” 52 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác.


 
Back to top