ART & LIFE

Triển lãm “Mây dưới bóng trăng” của Hà Hùng: Khi ta trở về với con trẻ!

May 05, 2022 | By Trang Ps

Hội họa của Hà Hùng đậm chất thiền và phiêu bồng thi ca, cũng giống như “con người được sinh ra lần thứ hai” của anh, ngay khi họa sĩ trở về với Phật. 

Triển lãm “Mây dưới bóng trăng” trưng bày những tác phẩm khắc họa nét cọ và tinh thần đúng với thời điểm hiện tại của Hà Hùng, diễn ra từ ngày 8/5 đến 15/5 tại May Artspace, 36/70 Nguyễn Gia Trí, Phường 25, Bình Thạnh, Sài Gòn.

Khi ta trở về với con trẻ

Tôi có cơ duyên gặp gỡ Hà Hùng vào khoảng cuối năm 2019, khi anh sắp sửa có một cuộc triển lãm nhóm “nguyên”. Những người gần gũi với sáng tạo của anh đều biết cả con người anh, lẫn hội họa, được chia ra làm hai thời kỳ khác biệt. Thời kỳ cũ, nội tâm anh nặng nề sự đối chọi và đấu tranh, vì thế mà tranh cũng chất chứa những giằng xé và đau khổ, với những nét cọ dồn nén mãnh liệt. Thời kỳ mới, tôi gọi đây là giai đoạn anh “trở về với con trẻ”. Con người anh, lẫn hội họa, đầy trưởng thành mà cũng thật hồn nhiên.

Xem tranh của Hà Hùng ở thời kỳ mới, hẳn chúng ta sẽ nhận ra rằng chắc chắn đây không phải là tranh trẻ con vẽ, mà là của một người trưởng thành có tâm hồn nhẹ nhàng và khoáng đạt. Nét cọ, dùng màu, hình tượng… trên tranh đều thật “duyên” và giàu đạo vị. Và nếu chiêm nghiệm sâu sắc hơn, ta thấy mỗi tác phẩm đều thể hiện một “công án”, mà ngay đó, ta cũng rút ra được những chướng ngại nơi nội tâm đến từ đâu, và rằng, bình an không hề khó khăn mà chỉ cần trở về chính mình mà thấy.

Những đám mây, những cánh chim, những hoa sen, những ngôi nhà trang nghiêm thanh tịnh,… thể hiện một cuộc đời giàu đạo vị trong tâm tính của một kẻ tu thiền. Và lúc đó, anh ta chỉ đơn giản là nghe và chỉ nghe, thấy và chỉ thấy, xúc và chỉ xúc… Có thế mới biết vô thường là vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của tạo hóa, và rằng, không dính mắc vào những hiện tượng đến – đi lại khiến ta nhận ra sự hoàn hảo và thi vị của thế giới.

Tôi yêu thích cách Hà Hùng thể hiện chiều sâu của sự lắng nghe. Lắng nghe mà vô sự, vô tâm, có thể mới bình an, tự tại. Nói vậy không có nghĩa là vô cảm, mà là đủ thấu cảm để nhận biết không có điều gì là của mình, và vạn vật đều diễn tiến trong sự tương giao.

Nếu ta biết lắng mình nghe những tương giao đó, ta lập tức bật cười trước những chấp ngã đã từng hay hiện tại. Sự diễn tả này trở nên gần gũi và dễ dàng cảm thụ hơn khi Hùng đã tối giản hóa hình tượng và màu sắc trên tranh. Và cách dùng màu đôi khi như “tô màu” để thấy cái nét hồn nhiên và trong sáng như con trẻ.


 
Back to top